(HBĐT) - Xã Vân Sơn (Tân Lạc) có 4.146 ha rừng, trong đó có 2.586 ha rừng đặc dụng, 638 ha rừng phòng hộ, nằm trong khu bảo tồn Ngọc Sơn - Ngổ Luông với thảm động, thực vật phong phú, nhiều nguồn gen quý hiếm, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa nguồn nước, không khí, bảo tồn hệ sinh thái. Những năm qua, xã chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng (BVR), ngăn chặn các hành vi chặt phá, xâm hại tài nguyên rừng trái phép.
Đồng chí Bùi Thanh Đướng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Đẩy mạnh công tác BVR, xã phối hợp lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức tuần tra, kịp thời phát hiện hành vi xâm hại, chặt phá rừng trái phép. Các cây cổ thụ lớn hàng trăm tuổi được giao cho từng xóm quản lý, canh giữ, đưa vào hương ước. Đồng thời, tích cực tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao nhận thức của Nhân dân về lợi ích từ BVR với đời sống, phát triển kinh tế".
Xã có địa bàn giáp ranh với huyện Bá Thước (Thanh Hóa), người dân tỉnh bạn thường xuyên ra vào địa bàn, vận chuyển hàng hóa nên việc tuần tra được thực hiện nghiêm ngặt. Hiện, 17/17 xóm đều thành lập tổ BVR, mỗi tổ từ 6 - 7 thành viên, gồm trưởng xóm, dân quân, cán bộ kiểm lâm địa bàn. Vào thời điểm nắng nóng hoặc hanh khô, các tổ tăng tần suất tuần tra, kịp thời nắm tình hình khi có sự việc xảy ra.
Những cánh rừng già xóm Tớn, Hò, Hày Dưới nằm trong khu bảo tồn Ngọc Sơn - Ngổ Luông, đi dọc các xóm không khó để gặp những gốc cây to, cổ thụ. Nhờ phối hợp với lực lượng kiểm lâm, các ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều năm qua địa bàn các xóm không xảy ra vụ chặt phá, xâm hại, các cánh rừng, cây cổ thụ lớn được bảo vệ. Trong năm qua, xã trồng mới nhiều ha rừng, nâng độ che phủ toàn xã lên 52%.
Ông Bùi Văn Long, Trưởng xóm Hày Dưới cho biết: "Thông qua các cuộc họp tổ chức tại xóm, loa truyền thanh, người dân được tuyên truyền thường xuyên về trách nhiệm BVR, từ đó nâng cao ý thức, hiểu rõ tầm quan trọng của rừng đối với thiên nhiên, đời sống. Những cây cổ thụ quý giá nằm trong khu đất của hộ nào thì hộ đó nhận trách nhiệm trông coi, bảo vệ nghiêm ngặt. Việc chặt gỗ làm cột kèo, nhà sàn không còn diễn ra, vật liệu được thay thế bằng gỗ công nghiệp giá rẻ hơn, hoặc vật liệu khác thân thiện với môi trường. Đồng thời, xóm thường xuyên theo dõi tình hình, kịp thời báo cáo, lắng nghe chỉ đạo của chính quyền địa phương. Qua đó, cánh rừng trên địa bàn xã được bảo tồn”.
Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong công tác BVR, xã phối hợp lực lượng chức năng tổ chức ký cam kết tại các khu dân cư, đóng góp xây dựng hương ước, nêu cao trách nhiệm của mỗi cá nhân về BVR. Thường xuyên cập nhật, duy trì thông tin liên lạc với lực lượng kiểm lâm tại địa bàn và tỉnh lân cận. Nhiều năm qua không có vụ chặt phá, xâm hại rừng trái phép. Bên cạnh đó, việc phòng cháy, chữa cháy rừng được chỉ đạo sát sao, xã cử cán bộ hướng dẫn bà con cách dọn thực bì, đốt nương đúng cách, không để xảy ra cháy lớn, gây hủy hoại diện tích rừng vốn có.
Song song với việc BVR, xã vận động người dân tích cực trồng rừng, khai thác tiềm năng, lợi thế của rừng đối với phát triển lâm nghiệp, dịch vụ du lịch cộng đồng. Hiện, xã trồng các loại cây như keo, lát, lành hanh… sinh trưởng và phát triển tốt, được chế biến tập trung, sản lượng, đầu ra ổn định. Bản du lịch cộng đồng xóm Chiến có 3 homestay, bình quân có thể đón 14 - 16 khách mỗi ngày, cùng với đó là các dịch vụ đi kèm, trải nghiệm thăm quan, khám phá những cánh rừng nguyên sơ, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống.
Hoàng Anh