(HBĐT) - Theo cảnh báo của cơ quan chức năng, việc không đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) sẽ dẫn đến hậu quả rất nặng nề. Trường hợp nhẹ có thể làm bị thương, tổn thương khiến người lao động (NLĐ) bị hao sút sức khỏe, nặng hơn là mất khả năng lao động và nặng nhất là gây tử vong, khiến NLĐ mất đi tính mạng. Thời gian qua, mặc dù nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cấp, ngành, người sử dụng lao động và NLĐ về công tác ATVSLĐ đã được nâng lên, nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra các vụ tai nạn lao động (TNLĐ), sự cố nghiêm trọng.




Đoàn liên ngành Hội đồng an toàn vệ sinh lao động tỉnh kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, phòng cháy chữa cháy tại  Công ty TNHH Long Bình Electronics, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình). 

Trăn trở những con số buồn

Qua số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 - 12 vụ TNLĐ (tính cả trong khu vực không có quan hệ lao động). Giai đoạn 2014 - 2022, toàn tỉnh xảy ra 117 vụ với 207 người bị nạn, trong đó có 96 vụ TNLĐ làm chết người với 99 người chết. Số vụ TNLĐ chết người tập trung chủ yếu trong các ngành nghề khai thác khoáng sản và xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí…

7 tháng năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ TNLĐ, làm chết 4 người, bị thương 1 người. Cụ thể, vụ TNLĐ xảy ra tại trạm nghiền đá thuộc mỏ đá Hang Voi, thôn Hoàng Đồng, xã Khoan Dụ (Lạc Thủy), nạn nhân là ông Nguyễn Văn H. (SN 1975), thường trú huyện Thanh Liêm (Hà Nam). Khoảng 6h ngày 20/3, như mọi ngày, ông H. thực hiện bơm mỡ tại các vòng bi, kiểm tra gạt băng tải tại trạm nghiền đá trước khi vào ca làm việc. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông H. di chuyển trên băng tải để đến các điểm cần bơm mỡ thì bị ngã dẫn đến tai nạn. Khoảng cách từ vị trí ông H. bị ngã đến mặt đất khoảng 4,25m. Mặc dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng ông H. đã tử vong.

Ngày 5/7, tại lò khai thác than số 3, mỏ khai thác than thuộc Công ty TNHH MTV Phương Bắc, xóm Cỏ, xã Mỹ Thành xảy ra vụ TNLĐ làm 2 người chết, 1 người bị thương. Thông tin vụ việc như sau: Tháng 1/2023, Công ty TNHH MTV Phương Bắc ký hợp đồng kinh tế với ông Đỗ Văn Thành (thôn Đồng Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) để khai thác than. Sáng 5/7, tại lò than số 3 có 1 tổ công nhân gồm 6 người do ông Đỗ Văn Thành thuê thực hiện nhiệm vụ khai thác than, trong đó 5 người làm nhiệm vụ dưới lò than, 1 người điều khiển máy tời phía trên lò. Khoảng 11h cùng ngày, các công nhân kết thúc ca làm việc và di chuyển ra khỏi lò bằng tời than. Sau khi đưa được 2 công nhân ra khỏi lò khai thác thì dưới lò xuất hiện sụt đất, đá ở độ sâu khoảng 90m dẫn đến tai nạn cho 3 công nhân còn lại. Sau khi đào đất, đá tìm kiếm đã đưa được 3 công nhân gặp nạn ra ngoài và đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, 2 công nhân (Nguyễn Công Q. và Nguyễn Công T. A.) đã tử vong trên đường đi. Công nhân Bùi Hữu C. bị gãy 1 tay và rách da trên đầu được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).

Vụ TNLĐ gần đây nhất xảy ra ngày 10/7 trên địa bàn xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy). Theo báo cáo nhanh của đoàn điều tra TNLĐ tỉnh, thời điểm xảy ra khoảng từ 5h - 6h30 tại hộc số 4, máy cuốn chè thuộc Công ty TNHH hai thành viên Sông Bôi Thăng Long. Công nhân Quách Thị L., tổ trưởng ca sản xuất được giao công việc chính là đứng máy vò chè. Sáng hôm đó, công nhân L. đến rất sớm, sau đó vận hành máy cuốn chè. Khoảng hơn 6h có 1 công nhân khác đến làm việc thấy máy cuốn chè đang chạy nhưng không thấy ai nên tắt máy cuốn, đồng thời phát hiện một phần thi thể của công nhân L. trên băng tải gần vị trí quả lô cuốn. Sự việc lập tức được công nhân này báo đội trưởng và Ban giám đốc. Khoảng 11h15' cùng ngày, thi thể công nhân L. được đưa ra khỏi máy cuốn chè, có sự chứng kiến của Công an huyện Lạc Thủy và đoàn điều tra TNLĐ tỉnh.    

Đồng chí Khuất Thị Thủy, Phó trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Mặc dù không thuộc danh sách các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có số vụ TNLĐ chết người nhiều nhất hoặc xảy ra các vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết nhiều người, nhưng những con số và vụ việc nêu trên cho thấy diễn biến các vụ TNLĐ trong thời gian qua để lại nhiều nỗi đau, gây nên những hậu quả đáng tiếc.

Chung tay đảm bảo an toàn trong lao động

Qua phân tích, sự chủ quan của NLĐ, sức khỏe không đảm bảo, yếu tố tâm lý, lơ là trong quá trình lao động là nguyên nhân trước tiên dẫn đến bị gặp nguy hiểm, gây mất an toàn lao động. Nhiều NLĐ chủ quan không mang theo các thiết bị bảo hộ hoặc tự ý vi phạm kỷ luật lao động. Đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nguyên nhân chính để xảy ra TNLĐ là máy móc, trang thiết bị làm việc không đảm bảo an toàn, không thường xuyên kiểm tra, bảo trì hoặc việc tổ chức sản xuất không hợp lý, để dụng cụ không đúng nơi quy định, không gian làm việc không đảm bảo an toàn. Môi trường làm việc có chứa các chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ.  

Toàn tỉnh hiện có khoảng 4.300 doanh nghiệp. Những năm qua, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác ATVSLĐ hàng năm gắn với kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị, thành lập mạng lưới ATVSLĐ, xây dựng nội quy lao động, quy trình vận hành an toàn từng loại máy, thiết bị, nội quy làm việc an toàn, kiểm định kỹ thuật an toàn và tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ. Tuy nhiên, vẫn còn có doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí, khai thác khoáng sản thực hiện các quy định về ATVSLĐ còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ có nhà xưởng, thiết bị cũ, lạc hậu tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSLĐ. Một số doanh nghiệp chưa chú trọng đến nhiệm vụ đảm bảo ATVSLĐ, như: không bố trí người phụ trách công tác ATVSLĐ, y tế và phòng cháy, chữa cháy. Do người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất này thiếu hiểu biết pháp luật về ATVSLĐ nên chỉ thực hiện một số nội dung cơ bản như trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân đơn giản…

Theo đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, công tác ATVSLĐ luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Đến nay, công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ từng bước đi vào nền nếp, ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động, NLĐ được nâng cao. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATVSLĐ quyết liệt. Năng lực mạng lưới công tác ATVSLĐ đã được cải thiện.

Nhằm chung tay kiềm chế sự gia tăng về TNLĐ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH của tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo về ATVSLĐ trong mọi loại hình sản xuất, kinh doanh. Chú trọng tập huấn, huấn luyện đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về ATVSLĐ đến đông đảo NLĐ và người dân để thay đổi thói quen, nhận thức, tác phong của NLĐ, người sử dụng lao động. Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ cho NLĐ. Các cấp, ngành phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ, nhất là kiểm tra đột xuất, kiểm tra việc thực hiện kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, cương quyết xử lý nghiêm vi phạm, đình chỉ, tạm dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp, cá nhân, cơ sở sản xuất không đảm bảo điều kiện ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ và gây ô nhiễm môi trường.   
   
 Bùi Minh
  

Tăng cường tuyên truyền, tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động

Bùi Mạnh Cường
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH

Việc xảy ra TNLĐ chủ yếu do các doanh nghiệp chưa chú trọng tuyên truyền, huấn luyện và kiểm tra, giám sát công tác ATVSLĐ; không thường xuyên cải thiện điều kiện lao động, kiểm tra đánh giá các nguy cơ rủi ro để đề ra biện pháp phòng ngừa. Kỷ luật của các doanh nghiệp chưa nghiêm, để tình trạng NLĐ vi phạm nghiêm trọng về công tác ATVSLĐ trong quá trình làm việc nhưng không có biện pháp xử lý. Với NLĐ, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật trong lao động còn hạn chế; chủ quan trong việc tự kiểm tra vị trí làm việc, nơi làm việc trước, trong và sau khi làm việc; không chấp hành các quy trình vận hành máy, thiết bị; không trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chủ động của NLĐ và nhân dân, công tác huấn luyện về ATVSLĐ cần được các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường theo chương trình khung quy định, đảm bảo lồng ghép giữa việc đào tạo kiến thức chuyên môn, nâng cao tay nghề với việc nâng cao trình độ, kỹ năng, tập trung huấn luyện phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, quản lý rủi ro, đảm bảo ATVSLĐ phù hợp với quá trình đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất trong từng lĩnh vực.   



Nghiêm túc thực hiện an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất

 Đặng Văn Quyền
Phó Giám đốc chi nhánh Lạc Sơn - Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm

Hoạt động trong lĩnh vực gia công hàng may mặc, doanh nghiệp chúng tôi hiện có 280 lao động đang làm việc. Các quy định về xây dựng nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi được đơn vị thực hiện đầy đủ. Mặt khác, doanh nghiệp đã xây dựng, thực hiện kế hoạch ATVSLĐ hàng năm, thành lập mạng lưới, quan tâm đến công tác tự kiểm tra và tổ chức cho NLĐ tập huấn, huấn luyện công tác ATVSLĐ, khám sức khỏe định kỳ…

NLĐ làm nghề may phải tiếp xúc, hít nhiều loại sợi đay, gai, bông, nếu không được trang bị khẩu trang trong quá trình sản xuất thì nguy cơ mắc bệnh bụi phổi rất lớn. Ngoài ra, đặc thù của ngành dệt may là môi trường làm việc chịu nhiều tác động của các yếu tố như: bụi, tiếng ồn, thiếu ánh sáng và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Tiếp thu kiến nghị của các đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSLĐ, đơn vị đã, đang khắc phục một số tồn tại, tiếp tục cải thiện điều kiện môi trường làm việc của NLĐ, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống cháy nổ, thường xuyên kiểm tra, bảo trì thiết bị máy móc không để gây ra sự cố. Mặt khác, thường xuyên nhắc nhở NLĐ thực hiện các biện pháp an toàn trong sản xuất, đeo khẩu trang trong quá trình làm việc, nhất là ở bộ phận tiếp xúc với bông.



Mong muốn doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đến môi trường làm việc của người lao động

Đinh Văn Giáp
Công nhân Công ty CP Gốm Mỹ HB (Lạc Thủy)

Công ty CP Gốm Mỹ HB hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét, tạo việc làm cho khoảng 60 lao động. Là NLĐ gắn bó với doanh nghiệp từ khi thành lập, tôi nhận thấy bên cạnh việc đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho công nhân, đơn vị coi trọng thực hiện các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ. Cụ thể là trang bị hệ thống máy móc dây chuyền tiên tiến với tính năng tự động giúp giảm tối đa sức lao động; cấp phát đồ bảo hộ (mũ, khẩu trang) cho công nhân, huấn luyện ATVSLĐ, đào tạo nghiệp vụ cho công nhân thao tác trực tiếp thiết bị…

Cùng với tự nâng cao ý thức phòng tránh TNLĐ, kỹ năng bảo vệ sức khỏe, NLĐ mong muốn đơn vị tiếp tục quan tâm xây dựng môi trường làm việc an toàn, thực hiện đầy đủ các quy định bắt buộc về bảo đảm ATVSLĐ, hạn chế tối đa rủi ro và trang bị thiết bị lọc bụi tại một số bộ phận sản xuất để giảm thiểu lượng bụi phát tán ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ.

Các tin khác


Tăng cường thanh tra tiêu chuẩn đo lường, chất lượng trong hoạt động kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ

(HBĐT) - Sở KH&CN đã tổ chức thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng, vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh để kịp thời chấn chỉnh hoạt động theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh chân chính. 

Kiểm tra việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành tại Sở Xây dựng

(HBĐT) - Sáng 15/8, đoàn kiểm tra việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của các sở, ngành, địa phương do đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tại Sở Xây dựng.

Nơm nớp nỗi lo sạt lở

(HBĐT) - Chờ mưa tạnh, nhà ông Nguyễn Quang Nẵm, xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) chỉ cho tôi phía đồi sau nhà bị sạt lở. Ông Nẵm cho biết: Mấy năm trước mưa nhiều, đất đồi lở đến tận khu bếp, chuồng lợn của gia đình tôi. Những trận mưa to có nguy cơ sạt lở, gia đình tôi phải di dời đến nơi an toàn. Tuy các cơ quan chức năng đã đào rãnh nước phía trên đồi và phủ bạt diện tích sạt để nước không chảy trực tiếp vào chỗ đã sạt, nhưng giờ bạt đã mục nát, nguy cơ nước mưa ngấm vào đất chảy sạt xuống chân đồi. Thời gian trước, gia đình tôi được thông báo là 1 trong 2 hộ nằm ở vùng nguy hiểm có thể phải di dời để hạ tải. Song đến nay vẫn chưa triển khai, mỗi khi mưa to gia đình tôi lại chủ động di dời.

Huyện Lạc Thuỷ chủ động ứng phó nguy cơ ngập úng, sạt lở đất

(HBĐT) - Với đặc thù là địa bàn trũng thấp, có 740 hộ thường xuyên bị ngập úng, huyện Lạc Thuỷ đã chủ động các phương án ứng phó với nguy cơ ngập úng, sạt lở đất trong mùa mưa bão năm nay. Huyện đã ban hành phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) và chủ động các nguồn lực sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai xảy ra theo phương châm "4 tại chỗ”.

Thành phố Hoà Bình: nhiều nơi "khát nước" sinh hoạt

(HBĐT) - Ngày 17/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình. Theo đó, từ ngày 01/1/2020, sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của huyện Kỳ Sơn vào TP Hòa Bình. Trở thành công dân thành phố đã hơn 3 năm, nhưng cơ sở hạ tầng các phường, xã của huyện Kỳ Sơn (cũ) chậm được cải thiện. Đặc biệt, người dân các xã: Quang Tiến, Độc Lập, Thịnh Minh, Hợp Thành, Mông Hóa, phường Trung Minh và một số tổ dân phố thuộc phường Kỳ Sơn luôn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của dân cư trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục