Cảnh sát môi trường kiểm tra phát hiện Công ty Hào Dương dùng nhiều đường ống xả nước thải chưa qua xử lý làm ô nhiễm sông Đồng Điền (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh).

Cảnh sát môi trường kiểm tra phát hiện Công ty Hào Dương dùng nhiều đường ống xả nước thải chưa qua xử lý làm ô nhiễm sông Đồng Điền (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh).

Sau sáu năm thực hiện Nghị định 67/NÐ-CP của Chính phủ về thu phí nước thải, đến nay tại TP Hồ Chí Minh, chỉ các hộ dân nộp đầy đủ, còn các doanh nghiệp nộp không đáng kể, nhiều doanh nghiệp nợ hàng tỷ đồng, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường.

Theo Tổng công ty cấp nước Sài Gòn, từ khi áp dụng thu phí nước thải sinh hoạt năm 2004 đến nay, công ty đã thu, nộp ngân sách gần 560 tỷ đồng, trong đó gần 100% số hộ dân sử dụng nước đóng tiền đầy đủ, góp phần cải thiện môi trường nước. Trong khi đó, số tiền thu phí nước thải công nghiệp từ năm 2004 đến nay không đáng kể. Ông Trần Ngọc Ðịnh, Phó Phòng thu phí, Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, bình quân mỗi năm chi cục thu hơn bốn tỷ đồng, cao nhất là năm 2009, đạt 9,3 tỷ đồng, so với hơn 170 tỷ của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn thu được từ nước thải sinh hoạt thì chẳng thấm tháp gì.


Vì sao người dân thì đóng đủ phí môi trường, còn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất là đối tượng gây ô nhiễm môi trường nhiều hơn lại nợ dây dưa, hoặc không trả khoản phí này?


Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, sở dĩ có sự chênh lệch quá lớn này, là do doanh nghiệp nộp phí từ 100 đến 200 đồng/m3 nước thải công nghiệp, chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/4 phí nước thải sinh hoạt mà người dân phải đóng là 250 đồng/m3 và từ 400 đến 700 đồng/m3, nếu vượt mức 4 m3. Một lý do nữa là, Tổng công ty cấp nước thành phố thu phí nước thải sinh hoạt kèm theo hóa đơn, hằng tháng các gia đình sử dụng nước đến đâu, đóng phí đến đấy. Nếu người dân không nộp thì công ty cấp nước sẽ ngừng cấp nước.


Tuy nhiên, cách lý giải nói trên chưa thuyết phục lắm, vì hiện nay TP Hồ Chí Minh có hơn 30 nghìn cơ sở, doanh nghiệp phải nộp phí bảo vệ môi trường theo Nghị định 67. Nhưng thực tế, chỉ có 958 doanh nghiệp là đóng phí, số còn lại không trả, hoặc nợ dây dưa. Hàng trăm doanh nghiệp lớn nợ phí bảo vệ môi trường từ năm 2004 đến nay, có doanh nghiệp sử dụng nhiều nước, nhưng khai ít để đóng tiền thấp, gây thất thu ngân sách Nhà nước. Chỉ tính 32 cơ sở, doanh nghiệp, số tiền nợ thành phố đã hơn 4,3 tỷ đồng. Ðiển hình là Công ty thuộc da Hào Dương (Nhà Bè), doanh nghiệp đã xả nước thải làm ô nhiễm nặng sông Ðồng Ðiền, còn nợ 2,3 tỷ đồng. Doanh nghiệp tư nhân sản xuất thương mại dịch vụ xây dựng Tân Phú Thịnh, đường Phạm Văn Chiêu, Gò Vấp nợ tiền phí môi trường từ năm 2004 đến hết năm 2008, với số tiền gần một tỷ đồng. Công ty TNHH Nam Quang (Khu công nghiệp Tây Bắc - Củ Chi) nợ 102 triệu đồng, Công ty dệt may Thái Tuấn (quận 12) nợ 114 triệu đồng, Công ty cổ phần thép Thủ Ðức (quận Thủ Ðức) nợ 30 triệu đồng, Công ty TNHH sản xuất thương mại giấy Hòa Nam (quận Thủ Ðức) nợ 48 triệu đồng.


Không dừng lại đó, nhiều doanh nghiệp sử dụng khối lượng nước lớn, nhưng khai ít đi để giảm phí môi trường. Chẳng hạn, Công ty thuộc da Hào Dương (Nhà Bè) kê khai lượng nước sử dụng khoảng 500 m3/ngày và nộp khoảng 500 nghìn đồng/tháng phí bảo vệ môi trường, trong khi mỗi ngày, doanh nghiệp này sử dụng đến 3.500 m3 nước. Công ty TNHH Nikkso Việt Nam (KCX Tân Thuận) sử dụng lượng nước thải hơn 11 nghìn m3/quý. Các công ty sử dụng khoảng 9 nghìn m3/quý như: Công ty TNHH Việt Hưng (KCX Tân Thuận), Công ty TNHH Gỗ Cao Mậu, Công ty TNHH Nam Quang (KCN Tây Bắc - Củ Chi), Công ty TNHH Giai Việt (quận 8)... Các công ty này đã được Chi cục quản lý môi trường nhiều lần gửi công văn, kể cả đến làm việc trực tiếp, nhưng từ năm 2004 đến nay các đơn vị vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ phí nộp phí bảo vệ môi trường.


Ðể xảy ra tình trạng nợ đọng, dây dưa hoặc các doanh nghiệp chây ì không nộp là do biện pháp xử phạt hiện hành áp dụng với những doanh nghiệp cố tình không đóng phí bảo vệ môi trường chưa đủ mạnh. Chẳng hạn, phạt từ 500 nghìn đồng đến một triệu đồng với hành vi không nộp phí, lệ phí có giá trị dưới mười triệu đồng, từ năm đến mười triệu đồng với hành vi không nộp phí có giá trị từ 50 đến 100 triệu đồng... Mức phạt cao nhất cũng chỉ vài triệu đồng, thấp hơn mức phí mà doanh nghiệp phải nộp, nên họ chấp nhận nộp phạt, thay vì nộp phí. Bên cạnh đó, công tác phối hợp, quản lý giữa các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, đùn đẩy trách nhiệm, hoặc xử lý trùng lắp, thiếu kiên quyết, làm giảm tính răn đe với các đơn vị khác. Cụ thể là, khi phát hiện những doanh nghiệp trốn nghĩa vụ nộp phí, Chi cục Bảo vệ môi trường làm công văn gửi Sở Tài chính yêu cầu thực hiện xử phạt, nhưng Sở Tài chính lại cho rằng, việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường phải do thanh tra chuyên ngành về môi trường phụ trách.


Trong khi đó, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Nghị định 81 quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường không quy định được phép xử phạt đối tượng có hành vi trốn nộp phí nước thải công nghiệp. Còn Nghị định 63 về việc xử phạt doanh nghiệp có hành vi trốn nộp phí nước thải công nghiệp thì lại không quy định thanh tra chuyên ngành môi trường có quyền xử phạt.


Trước thực tế bất cập kể trên, Chi cục Bảo vệ môi trường TP Hồ Chí Minh đã gửi kiến nghị lên Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu điều chỉnh theo hướng quy định rõ đơn vị chức năng, thẩm quyền xử phạt đối với những doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực nộp phí nước thải công nghiệp.


Ngành tài nguyên và môi trường cũng đề nghị chuyển các loại phí này sang ngành thuế và coi như thuế tài nguyên để thu cùng một lần với các loại thuế khác, như vậy sẽ có tác dụng mạnh, trực tiếp với doanh nghiệp.


Ðối với doanh nghiệp, nên căn cứ vào bản kê khai lượng nước thải, chỉ số ô nhiễm của cơ sở để tính phí bảo vệ môi trường, không nhất thiết phải lấy mẫu, thẩm định như quy định hiện nay vừa mất thời gian, vừa thiếu hiệu quả. Các ngành gây ô nhiễm khác nhau có mức thu phí bảo vệ môi trường khác nhau. Thí dụ, mức phí nước thải của ngành giấy, ngành hóa chất, thuộc da, cao-su..., có độ ô nhiễm cao nên phải trả phí nước thải cao hơn ngành khác.


Ðể giảm thất thu cho ngân sách Nhà nước, đồng thời tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ nộp phí với những doanh nghiệp còn chây ì, trốn tránh trách nhiệm, thành phố cần khẩn trương đề ra biện pháp hỗ trợ chi cục thu phí, phong tỏa tài khoản, buộc ngừng sản xuất, cắt điện, nước và không cấp lại giấy phép kinh doanh nếu doanh nghiệp cố tình chây ì không thực hiện nghĩa vụ nộp phí môi trường.


Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp nhận thức việc đóng phí là góp phần bảo vệ môi trường. Nêu tên các doanh nghiệp chưa nộp phí từ năm 2004 đến nay trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng hệ thống thông tin, quản lý, theo dõi quá trình thực hiện việc kê khai, nộp phí của doanh nghiệp gây ô nhiễm.
 
 
                                                                             Theo ND

Các tin khác


Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Công nghệ mưa nhân tạo có thể dẫn đến ‘cuộc chiến thời tiết’ giữa các quốc gia

Nhà khí tượng học cảnh báo "cuộc chiến thời tiết” giữa các quốc gia có thể nổ ra nếu việc gieo hạt mây vượt tầm kiểm soát, sau khi lũ lụt ở Dubai làm nảy sinh lo ngại về công nghệ gây mưa nhân tạo.

Thời tiết ngày 22/4: Bắc Bộ mưa dông, Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 22/4, chiều tối và đêm ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, có nơi trên 50 mm; ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông cục bộ.

Mưa to, dông lốc kèm mưa đá gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong 

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, chiều và đêm 20/4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa, mưa đá, dông lốc, sét cục bộ tại thành phố Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Cao phong, Lương Sơn. Tại một số điểm có mưa to như: Tiến Sơn (Lương Sơn) 34,4 mm, Độc Lập (TP Hòa Bình) 32,2 mm, Tân Pheo (Đà Bắc 21,8 mm), Xuân Phong (Cao Phong) 15,6 mm... Mưa đá, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong.

Sét đánh cháy rừng ở xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi

Trận mưa đá tối 20/4 đã gây cháy rừng tại khu đồi Cằn Kẻo, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục