Giai đoạn 2001-2009, Viện Công nghệ sinh học đã khẳng định được vai trò là một viện đầu ngành ở nước ta về công nghệ sinh học, thể hiện qua việc xây dựng nguồn lực, vật lực và các kết quả nghiên cứu.

Điểm nhấn rõ nét nhất thời gian qua là Viện đã ưu tiên và tập trung xây dựng, phát triển về nguồn lực cho hướng nghiên cứu công nghệ gen, coi đó là thế mạnh của Viện và là động lực để đẩy mạnh các hướng nghiên cứu ưu tiên khác.

Các thành tựu đạt được trong thời gian qua như ứng dụng kỹ thuật gen để định danh gen hài cốt liệt sĩ, xây dựng quy trình xản xuất vaccine phòng chống virus cúm A/H1N1, tạo chủng vi sinh có khả năng tái tổng hợp cao các protein và enzym quan trọng dùng trong công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp thực phẩm và y tế...

Ứng dụng nền công nghệ cao

Trong những năm qua, xuất phát từ nhu cầu của các gia đình thân nhân liệt sĩ mong muốn được biết chính xác các hài cốt tìm được có phải là người thân của mình hay không, Viện Công nghệ sinh học đã xây dựng được quy trình chuẩn để xác định quan hệ di truyền theo đường mẹ dựa trên gen ty thể tách từ bộ hài cốt và từ những người thân trong gia đình.

Cơ sở khoa học của quy trình này là xác định trình tự gen vùng siêu biến (vùng D-loop) dài hơn 1.100 nucleotid của ADN ty thể và so sánh sự trùng hợp các trình tự gen này của hài cốt với gen của họ hàng thân nhân trong gia đình di truyền theo đường mẹ.

Áp dụng quy trình này, thời gian qua Viện Công nghệ sinh học đã đã giúp xác định được gen ty thể của hàng trăm bộ hài cốt liệt sĩ và trả lại tên chính xác cho hơn 115 trường hợp.

“Đây là một trong những thành công rất có ý nghĩa của Viện thời gian qua, là sự kết hợp giữa việc ứng dụng công nghệ cao để giải quyết vấn đề cấp thiết của xã hội có ý nghĩa nhân văn và mang tính đền ơn đáp nghĩa đối với những gia đình liệt sĩ có người thân hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ” - Phó GS.TS Trương Nam Hải - Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học - cho biết.

Năm 2005, trước tình trạng dịch cúm gia cầm do virus A/H1N1 bùng phát trên thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam, Viện Công nghệ sinh học đã chủ động liên hệ và xin Tổ chức Y tế thế giới chủng virus Vaccine tái tổ hợp tạo ra bằng kỹ thuật di truyền ngược để làm vaccine phòng chống virus cúm A/H1N1 tại Việt Nam.

Đầu năm 2006, các cán bộ của Viện đã nghiên cứu xây dựng thành công quy trình nhân nhanh virus A/H1N1 trên phôi trứng gà sạch nhập ngoại. Sau đó, Viện đã hợp tác với Công ty Thuốc thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô hàng triệu liều.

Kiểm định vaccine ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.


Theo Phó GS.TS Trương Nam Hải, đây là một công trình có tiến độ thực hiện rất nhanh và được sự hỗ trợ kịp thời của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc phê duyệt nhiệm vụ và kinh phí để thực hiện. Kết quả là đã xây dựng thành công quy trình công nghệ sản xuất vaccine phòng chống cúm A/H1N1 cho gia cầm đạt chất lượng tương đương với sản phẩm nhập ngoại. Hiện nay Viện đang tiến hành các thủ tục chuyển giao cho Công ty Thuốc thú y trung ương Navetco công nghệ sản xuất vaccine này.

Năm 2009, dịch cúm A/H1N1 bùng phát trên thế giới và VN. Tại các bệnh viện, nhu cầu về việc chẩn đoán nhiễm virus cúm A/H1N1 là rất cao. Trong lúc đó, số lượng sinh phẩm chẩn đoán do Tổ chức Y tế Thế giới cung cấp cho chúng ta lại có hạn.

Trước thách thức đó, Viện đã chủ động tổ chức và đầu tư kinh phí để cán bộ trong Viện nghiên cứu xây dựng bộ sinh phẩm phát hiện virus này trong các mẫu bệnh phẩm người. Trong thời gian rất ngắn, với kinh nghiệm và cơ sở vật chất hiện có của phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ gen, các cán bộ của Viện đã thành công trong việc tạo ra bộ sinh phẩm đơn giản, rẻ tiền cho phép phát hiện nhanh và chính xác virus cúm A/H1N1.
 
Bộ sinh phẩm này không những cho phép phát hiện virus cúm A/H1N1 đại dịch mà còn cho phép phát hiện cả virus A/H1N1 của bệnh cúm mùa. Kết quả thử nghiệm tại bệnh viện trung ương Các bệnh truyền nhiễm với 100 mẫu bệnh phẩm cho thấy bộ sinh phẩm của Viện tạo ra đạt 95% độ đặc hiệu và 94% độ nhạy so với bộ sinh phẩm của nước ngoài. Điều đặc biệt là Viện đã chủ động hoàn toàn trong việc tạo ra các thành phần quan trọng của bộ sinh phẩm như enzym phiên mã ngược và enzym sao chép ADN. Đây là những thành phần quan trọng quyết định đến giá thành và mức độ đặc hiệu của bộ sinh phẩm.

Ngoài các sản phẩm được tạo ra trên nền công nghệ cao, các cán bộ nghiên cứu của Viện cũng thành công trong việc triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khác trong các lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản và môi trường. Đó là việc chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón vi sinh (neo-Polyfa) từ nguồn phế thải càphê tại Tây Nguyên, công nghệ sản xuất thức ăn cho tôm (neo-Polynut), chế phẩm làm sạch môi trường tại các ao nuôi tôm (neo-Polymix), chế phẩm Biolactovin, Enterobac dùng cho người trong điều trị bệnh tiêu chảy đường ruột…

Cắt chọn mẫu ADN tái tổ hợp.


Ưu tiên đầu tư cho công nghệ hiện đại

Trong năm năm tới, Viện xác định định hướng ứng dụng một cách đồng bộ cá công cụ của công nghệ sinh học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, môi trường, công nghiệp, công nghệ sinh học biển và nghiên cứu cơ bản.

Trong đó, đối với nông nghiệp và thủy sản, Viện sẽ ứng dụng công nghệ nền trong công tác tạo giống cây trồng và vật nuôi (cây trồng và vật nuôi chuyển gen, các chỉ thị phân tử liên kết với các đặc tính nông sinh học ưu việt như: có năng suất, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh và sức chống chịu cao đối với các điều kiện bất lợi của môi trường), phân bón vi sinh, chế phẩm vi sinh bảo vệ thực vật, vaccine, các bộ sinh phẩm phát hiện bệnh, kháng thể đơn dòng dùng trong chẩn đoán và điều trị bệnh, chất bảo quản sinh học đối với sản phẩm nông nghiệp và thuỷ sản, các chế phẩm sinh học sử dụng cho xử lý/chế biến nông sản và phụ phế thải nông nghiệp…

Trong thời gian tới, Viện sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng và ứng dụng các phương pháp và kỹ thuật hiện đại như: công nghệ gen, genomics, transcriptomics, công nghệ nano sinh học, công nghệ chế tạo và ứng dụng kháng thể đơn dòng, nghiên cứu biệt hoá tế bào gốc, các chip sinh học trên nền của các phân tử ADN và protein, mô hình và mô phòng các phân tử sinh học…

Bên cạnh đó, Viện cũng sẽ nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm và biện pháp sinh học trong đánh giá chất lượng và xử lý môi trường với các nguồn ô nhiễm như rác thải, nước thải ô nhiễm tại các làng nghề, khu công nghiệp, các chất hữu cơ khó phân huỷ, ô nhiễm dầu… Nghiên cứu và khai thác nguồn tài nguyên sinh học biển thông qua các nghiên cứu các chất hoạt tính sinh học từ các nguồn sinh vật biển.

“Về lâu dài, Viện sẽ chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong việc tạo ra các sản phẩm ví dụ vaccine tái tổ hợp, sinh phẩm phát hiện tác nhân gây bệnh trên cơ sở của protein kháng nguyên tái tổ hợp và kháng thể đơn dòng… sử dụng trong nông nghiệp, thuỷ sản, y tế và môi trường. Viện sẽ mở rộng hợp tác với các địa phương để triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu của Viện vào thực tiễn sản xuất” - Phó GS.TS Hải nói.

                                                                         Theo Báo Laodong

Các tin khác


Thời tiết ngày 25/3: Đông Bắc Bộ mưa vài nơi, Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 25/3, khu Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây khu vực Bắc Bộ, Trung Trung bộ và khu vực Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có nơi trên 36 độ C. Khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến 45-50%.

Ghi nhận những ngày đầu thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe ô tô trực tuyến toàn trình

Từ ngày 15/3/2024, tỉnh Hòa Bình chính thức triển khai cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) ô tô theo hình thức trực tuyến toàn trình (TTTT) qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Với sự phối hợp chặt chẽ của ngành GTVT và Bưu điện tỉnh, việc triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX ô tô trực tuyến đã được thực hiện thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Thời tiết ngày 21/3: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 21/3, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; đêm và sáng trời rét.

Thời tiết ngày 20/3: Gió mạnh, sóng lớn trên biển

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/3, Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Sóng biển cao 2-4 m.

Từ tháng 4 - 9/2024, đề phòng các hình thái thời tiết nguy hiểm

Nhận định về các hình thái thời tiết từ tháng 4-9/2024, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, từ tháng 4-6/2024, hiện tượng El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 75-80%. Bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện trên Biển Đông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục