Trạm sử lý nước thải của công ty VEDAN
bơm nước thải trực tiếp ra sông Thị Vải.

Trạm sử lý nước thải của công ty VEDAN bơm nước thải trực tiếp ra sông Thị Vải.

Năm 2008, Vedan bị cơ quan chức năng bắt quả tang xả thẳng hàng nghìn m3 nước thải/ngày chưa qua xử lý làm sông Thị Vải ô nhiễm nặng, đẩy hàng chục nghìn nông dân tại Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh vào cảnh không thể nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.

Nhưng gần hai năm qua, Vedan không khắc phục hậu quả, liên tục dùng kế hoãn binh, kỳ kèo mức đền bù quá thấp so với thiệt hại mà người dân phải gánh chịu. Nông dân các tỉnh, thành này đồng loạt khởi kiện Vedan ra tòa.


Sau gần 20 năm hoạt động (1991), tài sản của Vedan liên tục tăng lên, đồng thời công ty này cũng để lại nhiều tai tiếng như:  làm ô nhiễm sông Thị Vải bằng 5.000 m3 chất thải/ngày, khiến môi trường bị tàn phá nặng nề, biến vùng đất yên bình, xanh tươi trở thành vùng ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đời sống người dân trong vùng. Ngay từ những năm 1994 - 1995, Vedan đã lén lút xả thải và đã nhiều lần bị phạt, nhưng mãi đến tháng 12-2008, cơ quan chức năng mới phát hiện hàng chục đường ống ngầm được thiết kế bí mật, xả thẳng nước thải chưa qua xử lý vào dòng sông, gây ô nhiễm nặng hơn 10 km sông Thị Vải, với diện tích gần 20 nghìn ha, ảnh hưởng trực tiếp hơn 10 nghìn hộ nông dân thuộc các huyện Nhơn Trạch, Long Thành (tỉnh Ðồng Nai), Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) vốn sống dựa vào nguồn lợi của con sông này.


Hành vi gian dối, có chủ đích của Vedan đã bị cơ quan chức năng truy thu 127 tỷ tiền phí môi trường và phạt hành chính 267 triệu đồng. Ngoài ra, Vedan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nông dân các tỉnh, thành phố do không thể khai thác, nuôi trồng thủy sản... Theo Viện Tài nguyên và Môi trường và chính quyền các tỉnh, thành bị thiệt hại, số tiền Vedan phải bồi thường cho các hộ nông dân của Ðồng Nai là: 120 tỷ đồng; TP Hồ Chí Minh là: 107 tỷ đồng và Bà Rịa - Vũng Tàu là: 53 tỷ đồng. Tuy nhiên, gần hai năm qua, Vedan tìm mọi cách lảng tránh trách nhiệm, kỳ kèo, dây dưa việc bồi thường nông dân. Trước tình hình đó, nông dân các tỉnh, thành phố đang gấp rút khởi kiện Vedan ra tòa.


Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh đã nhờ chính quyền, Hội Nông dân và cơ quan chức năng can thiệp và thuê luật sư kiện Vedan ra tòa, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người bị thiệt hại. Dự kiến, ngay trong tháng 7 này, đơn khởi kiện Công ty Vedan sẽ được gửi lên tòa án. Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Trung Tín đã ký văn bản gửi Công ty Vedan Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề nghị bồi thường số tiền 45,7 tỷ đồng cho hơn 839 hộ dân bị thiệt hại do nước thải của Vedan gây ra.


Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh, huyện Cần Giờ có 839 hộ, với 2.123 ha diện tích nuôi trồng thủy hải sản ở xã Thạnh An bị ảnh hưởng ô nhiễm từ nước thải của Vedan. Tổng thiệt hại ước tính 107 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần cò kè kéo dài, Vedan ra giá đền bù 7 tỷ đồng, bằng 1/10 mức thiệt hại. Hiện nay, Ủy ban MTTQ, Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh và các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Viện Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương giúp dân hoàn tất thủ tục để khởi kiện Vedan ra Tòa án Nhân dân huyện Cần Giờ.


Luật sư Nguyễn Văn Quynh khẳng định, khả năng thắng kiện của nông dân trong vụ này là rất cao. Bởi trước đó, Vedan đã ký vào bản thừa nhận mình là thủ phạm chính gây ra ô nhiễm sông Thị Vải; các đoàn thanh tra kiểm tra của tỉnh Ðồng Nai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã kết luận ô nhiễm sông Thị Vải chủ yếu do Vedan gây ra... đây là cơ sở pháp lý vững chắc để người dân theo vụ kiện.


Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ðoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh đã tình nguyện đứng ra giúp nông dân kiện Vedan, đồng thời Hội Nông dân thành phố cũng thống nhất đề xuất ông Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giờ đứng ra kiện Vedan. Ông Hậu cho biết thêm, sẽ đề nghị Ban chấp hành Hội Nông dân thành phố tẩy chay các sản phẩm của Vedan, vì điều này không trái pháp luật  và tin rằng "Với tất cả bằng chứng, đánh giá thiệt hại do các cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra thì người dân chắc chắn thắng kiện". Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, với trường hợp của Vedan thì UBND một địa phương hoàn toàn có thể đứng đơn kiện Vedan. Còn theo luật sư Nguyễn Ðăng Trừng, Chủ nhiệm Ðoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, khi UBND đứng ra kiện thì chính quyền cần điều tra thiệt hại, chứng minh bằng những công trình, giải pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm qua tính toán khoa học, qua đó buộc Vedan phải đền bù, khắc phục hậu quả cho nông dân do công ty gây ra.


UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan khẩn trương hỗ trợ người nông dân bị thiệt hại tiến hành khởi kiện Công ty Vedan ra Tòa án Nhân dân huyện Tân Thành (Bà Rịa- Vũng Tàu). Hiện toàn bộ 1.255 hồ sơ của người dân các xã Mỹ Xuân, Tân Phước, Phước Hòa và thị trấn Phú Mỹ của huyện Tân Thành đã được bàn giao cho các luật sư Ðoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu để chuẩn bị các bước tố tụng cần thiết trước khi khởi kiện công ty ra tòa. Việc phổ biến, hướng dẫn người dân làm giấy ủy quyền, chuẩn bị hồ sơ, kinh phí dự trù... đều đang được các cơ quan liên quan của tỉnh triển khai quyết liệt. Luật sư Vũ Bá Thanh, Chủ nhiệm Ðoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hơn 120 luật sư đã sẵn sàng vào cuộc, đáp ứng nhu cầu nếu người dân có nguyện vọng ủy quyền cho luật sư khởi kiện Công ty Vedan ra tòa.


Trước đó, ngày 9-4, trên cơ sở kết quả thẩm định, đánh giá mức độ thiệt hại về kinh tế của người dân do Viện Tài nguyên và Môi trường thuộc Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tiến hành, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã có Công văn số 2059/UBND-VP yêu cầu Vedan bồi thường số tiền hơn 53 tỷ đồng cho 1.255 hộ dân do hành vi xả thải của công ty này gây ra cho sông Thị Vải làm ảnh hưởng trực tiếp đến ngư dân nuôi trồng, đánh bắt hải sản và làm muối. Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, việc xác định mức độ thiệt hại được tiến hành khách quan, trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Hành vi xả thải thẳng ra môi trường của Vedan đã có đầy đủ chứng cứ, Vedan đã thừa nhận. Việc bồi thường, hỗ trợ người dân bị thiệt hại là nghĩa vụ và trách nhiệm của Công ty Vedan!
 
                                                                                         Theo ND

Các tin khác


Dông, lốc kèm mưa đá gây thiệt hại nhiều nhà dân ở Thanh Hóa

Chiều tối 17/4, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra trận dông, lốc kèm mưa đá, gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân.

Thời tiết ngày 17/4: Nắng nóng trải dài khắp cả nước, có nơi hơn 39 độ C

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 17/4, hầu khắp các vùng trên cả nước đều có nắng nóng, có nơi đặc biệt gay gắt. Dự báo, mức nhiệt tiếp tục tăng ở phía Đông Bắc Bộ những ngày tới.

Sẵn sàng cung ứng điện ổn định mùa nắng nóng

Mùa nắng nóng nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến nên nguy cơ gây quá tải đường dây, đe dọa sự cố làm gián đoạn cung cấp điện. Để cấp điện ổn định, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện đến khách hàng.

Động đất có độ lớn 3.9 xảy ra tại Kon Plông, Kon Tum

Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chiều 15/4, trận động đất có độ lớn 3.9 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Thời tiết ngày 15/4: Nắng nóng ở Tây Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 15/4, khu vực Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Thời tiết ngày 14/4: Tây Bắc Bắc Bộ, Nam Bộ nắng nóng gay gắt

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 14/4, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 36 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục