Vườn mía của gia đình anh Bùi Văn Chiến bị ngập nước và chết sau trận mưa lớn vừa qua.
(HBĐT) - Không phải cho đến bây giờ hàng chục hộ dân thuộc các xóm: Môn, xóm Dài, Dệ và Hải Phong, xã Bắc Phong (Cao Phong) sinh sống và có đất canh tác dọc theo con suối Tráng mới lo lắng về nguy cơ bị nước lũ cuốn trôi hoa màu và nhấn chìm nhà cửa.
Mối lo này ngay từ năm 2009 đã được những người dân thấy trước và hàng chục lá đơn “cầu cứu” cũng đã được gửi tới chính quyền, các ngành chức năng khi Công ty TNHH Văn Hồng bắt đầu triển khai dự án đầu tư xây dựng thủy điện trên dòng suối này. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2012, sau những trận mưa lớn, hàng nghìn mét mía của người dân bỗng dưng mất trắng.
Theo ông Bùi Văn Liều, Trưởng xóm Môn thì xóm có đến 40 hộ bị ảnh hưởng và thiệt hại về hoa màu, trong đó có 26 hộ là thiệt hại nặng nhất cả về nhà cửa và hoa màu. Tổng diện tích đất canh tác, đất bị ảnh hưởng ở của cả xóm hơn 2 ha. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhà máy thủy điện của Công ty TNHH Văn Hồng xây chắn ngang dòng suối nên khi có mưa to, lưu lượng nước lũ lớn ở trên núi dồn về suối Tráng đã gây nên tình trạng úng tắc cục bộ. Điều này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi trong đợt mưa ngày 29/5, nước lũ cộng với lượng đất, đá từ thượng nguồn dồn về đã làm hư hỏng hệ thống cánh phai lật tự động xả tràn của nhà máy. Do vậy, con đập với cao trình 4 m đã trở thành bức tường chắn nước lũ.
Trong quá trình tìm hiểu thực tế tại các xóm Môn, xóm Dài, xóm Dệ, xóm Hải Phong, ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp những ánh mắt thẫn thờ, xót xa của người dân khi họ chỉ về đám mía, ngô xác xơ vì lũ. Anh Bùi Văn Mười, xóm Dài, xã Bắc Phong ngán ngẩm: ở đây năm nào cũng có lũ quét nhưng lượng nước rút đi rất nhanh và chỉ ngập đến ven suối, không ngập đến đất sản xuất, canh tác thế nên cũng không để lại hậu quả gì cho sản xuất và đời sống người dân. Thế nhưng kể từ khi nhà máy thủy điện suối Tráng xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2010 đến nay, hầu như năm nào lũ về diện tích đất canh tác của gia đình cũng bị ngập úng kéo dài, gây thiệt hại. Những ruộng mía bị ngập úng đều bị mất trắng, còn diện tích xung quanh đó cũng bị ảnh hưởng, cây mía còi cọc, cho chẳng ai lấy. Bao nhiêu vốn liếng trôi theo dòng nước hết rồi. Trồng mía đầu tư cao nên giờ hết vốn phải chuyển sang trồng ngô để vớt vát lại chút phân bón nhưng tình hình này, nước lũ về ngô cũng sẽ lại mất trắng như mía.
Theo anh Bùi Văn Bảo, cán bộ địa chính xã Bắc Phong, sau khi nhận thông tin do người dân phản ánh, xã đã tổ chức đo kiểm thiệt hại của các hộ gia đình do ảnh hưởng từ nhà máy thủy điện của Công ty TNHH Văn Hồng trong đợt mưa lũ vừa qua, tính ra cả xã có 65 hộ dân có đất canh tác bị ảnh hưởng, có hơn 4 ha hoa màu, chủ yếu là mía bị ảnh hưởng, trong đó, nhiều điểm bị mất trắng.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Bùi Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Bắc Phong cho biết: Khi Công ty TNHH Văn Hồng triển khai dự án xây dựng thủy điện ở suối Tráng, chúng tôi không thấy có thông báo hay văn bản nào thông qua chính quyền xã được biết. Chỉ khi Công ty tổ chức khởi công mới mời đại diện chính quyền xã đến dự. Tuy nhiên, từ khi có nhà máy thủy điện này, nhiều diện tích mía bị ngập úng và bị ảnh hưởng. Khi ấy, ông Văn Hồng là Giám đốc Công ty có hứa sẽ đền bù cho người dân nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì (nhà máy đã đi vào hoạt động từ tháng 9/2010 cho đến nay). Trong khi đó có 6 hộ ở xóm Môn bị mất trắng hàng nghìn mét đất trồng mía để nhà máy làm hồ chứa tích nước. Ngoài ra, hàng chục gia đình vẫn đang cho công ty dựng cột, kéo dây qua đất nhà người dân để bán điện. Trước tình trạng này người dân trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp từ nhà máy thủy điện đang rất bức xúc trước thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của Công ty và người ta đã làm đơn gửi lên xã và chúng tôi cũng đã tập hợp và gửi lên huyện. Chúng tôi mong các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết kịp thời.
Từ thực tế trên có thể thấy, mấu chốt để giải quyết vấn đề chính là trách nhiệm của Công ty TNHH Văn Hồng đối với những thiệt hại về hoa màu, đất canh tác của người dân. Hơn nữa còn là thái độ giải quyết những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình hoạt động SX-KD của Công ty chứ không phải vì cái lợi của mình mà chặn đi nguồn sống của hàng chục hộ dân vốn luôn phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống.
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Ngày 7/6, tại hội trường UBND huyện Lương Sơn, Hội Nông dân huyện Lương Sơn đã tổ chức đánh giá kết quả 4 năm thực hiện chương trình nông nghiệp hữu cơ. Dự hội nghị có lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, Sở NN&PTNT, Đại diện tổ chức ADDA Đan Mạch, lãnh đạo huyện Lương Sơn, Hội Nông dân huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và 109 hội viên nông nghiệp hữu cơ.
Sáng 6/6, Sao Kim đã thực hiện hành trình đi qua Mặt Trời. Đây là hiện tượng thiên văn hiếm gặp và sẽ chỉ xảy ra sau 105 năm nữa.
(HBĐT) - Ngày 6/6, UBND huyện Tân Lạc phối hợp với xã Phong Phú tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng ngày Môi trường thế giới. 650 đại biểu đại diện cho các xã, thị trấn, CNVC, ĐVTN, các hội, đoàn thể phụ nữ, nông dân, CCB trong toàn huyện đã dự mít tinh và tham gia diễu hành.
(HBĐT) - Ngày 6/6, tại xã Trung Bì (Kim Bôi), Trung tâm Giống cây trồng Hòa Bình phối hợp với Công ty CP Giống cây trồng Bắc Giang tổ chức hội thảo đầu bờ giống lúa thuần BG6.
(HBĐT) - Là địa bàn giáp ranh với xóm Đằm, xã Dân Chủ - nơi mới đây xuất hiện ổ dịch lợn tai xanh nhưng với sự chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, công tác chăn nuôi của xóm 2, xã Sủ Ngòi (TPHB) vẫn duy trì bền vững. Ngoài dịch bệnh lợn tai xanh, các bệnh dịch khác trên đàn gia súc, gia cầm nhiều năm nay không xảy ra trên địa bàn.
(HBĐT) - Ngày 5/6, tại Sân vận động huyện Lương Sơn, UBND tỉnh đã tổ chức mít tinh hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 5/6 và năm quốc tế về năng lượng bền vững. Dự lễ mít tinh có đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Kim Bôi, TP. Hòa Bình và đông đảo nhân dân huyện Lương Sơn.