Chính từ việc quan tâm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc.  Mai Châu đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du kách trong và ngoài nước.

Chính từ việc quan tâm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc. Mai Châu đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du kách trong và ngoài nước.

(HBĐT) - Mai Châu - không chỉ là miền đất đẹp trong thơ, ca, nhạc hoạ mà vùng đất này còn đẹp cả trong tình người.

 

Miền đất của nhạc, Họa và thơ

 

Cũng chẳng còn nhớ bao lâu rồi, tôi chưa trở lại huyện Mai Châu. Có lẽ cái dự định trở lại vùng đất này sẽ còn gác lại vào một dịp khác nếu tôi không nhận được cuộc gọi nhấm nhá của anh bạn:

 

- Về đi, Mai Châu đang mùa nếp mới. Rượu Mai Hạ đã thơm nồng.

 

- ừ thì về. Miền Tây Tiến cũng không xa!

 

Còn nhớ, nhà thơ người Thái Lò Cao Nhum đã nhiều lần bảo: Lên Mai Châu vào bất kỳ thời điểm nào, thời gian nào, người ta cũng thấy đẹp. Cảnh đẹp ở đây có thể ví giống như một thiếu nữ đang độ xuân thì đầy quyến rũ. Với bất kỳ ai đến đây cũng đều mang tâm thế muốn khám phá. Vì thế nên nhiều người khi lần đầu đặt chân lên vùng đất Mai Châu đã trầm trồ, xuýt xoa với những cảnh thực mà như mơ, mơ lẫn trong thực với cảnh vật như họa, như thơ.

 

Suy ngẫm đó quả thực chẳng sai bởi nếu ai đã từng một lần vượt những con "dốc gió”, qua những "đèo mây” về miền Tây Tiến hẳn sẽ cùng chung với cách nhìn đó. Qua những ngút ngàn mây gió dư vị thơm dẻo ngọt ngào của mùi cơm lên khói và những điệu múa, tiếng khèn man điệu của những chàng trai, cô gái lộng lẫy trong sắc màu thổ cẩm đầy mê hoặc của vùng đất Mai Châu như một thứ men say.

 

Đối với người Thái, trong một năm có nhiều lễ, tết. Nhưng với tôi, đặc biệt ấn tượng với lễ cơm mới. Theo thông lệ, mỗi năm người Thái tổ chức lễ ăn mừng cơm mới một lần trong khoảng thời gian từ tháng chạp đến tháng 3 (tức là kết thúc vụ mùa đến mở đầu mùa làm rẫy). Thu hoạch lúa xong, anh em họp nhau lại cử người đứng ra làm lễ, nếu nhà có 3 người con trai thay phiên nhau mỗi người cứ ba năm phải làm một lần, nhà con một năm nào cũng phải làm. Lễ cơm mới mặc dù chỉ diễn ra trong một ngày, một đêm và bó hẹp trong sự quần tụ của một dòng họ, nhưng ngày đó là niềm vui trọn vẹn nhất của mọi nhà trong họ, trong mường sau một năm làm ăn vất vả để nghỉ ngơi vui chơi và để tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Hiện nay, trong đời sống xã hội người Thái ở Mai Châu, lễ cơm mới và Tết đón mừng xuân mới đã nhập với nhau làm một. Do vậy, ngày xuân vừa là sự mở đầu một năm mới, vừa là sự khởi đầu một mùa làm ăn mới.

 

Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, người Thái Mai Châu đã tạo dựng nét văn hóa độc đáo và đặc sắc, mang đặc trưng riêng biệt. Có đến, được sống và trải nghiệm mới thấy hết được những giá trị văn hoá đặc sắc vẫn còn được đồng bào người Thái gìn giữ, lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đó đơn giản chỉ là điệu khèn bè vút lên giữ núi rừng, điệu xoè e ấp, nồng cháy; những món ăn mang trong đó, cả một nghệ thuật về chế biến, ai đã từng một lần được thưởng thức sẽ không thể quên và đều mong muốn được quay lại để thưởng thức.

 

Trở về với "tình chiêng, tình trống”

 

Từ "tình chiêng, tình trống” với tôi, vùng đất Mai Châu đã trở thành nơi đến để trở về. Trở về với những nếp nhà sàn yên bình trong khói lam chiều. Trở về trong nhịp xoè vui bất tận; trở về với những điệu khèn e ấp. Trở về với tình thân ruột thịt. Điều ấy, nói như Bí thư Huyện uỷ Mai Châu Nguyễn Đức Thịnh: Mai Châu mến người bằng cái tình. Người đến Mai Châu cũng vì tình.

 

Chẳng vậy mà liên tục trong những năm qua lượng khách đến với Mai Châu không ngừng tăng. Trong đó, số người số người quay trở lại ngày càng nhiều. Bí thư Huyện uỷ Mai Châu Nguyễn Đức Thịnh chia sẻ: Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, huyện cơ bản trở thành điểm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM, trong những năm trước đây và ngay thời điểm hiện tại cũng như trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung, chú trọng phát triển các loại hình du lịch cộng đồng. Để du lịch trở thành thế mạnh trong sự phát triển chung của huyện, những năm qua, Mai Châu đã tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 81% đường huyện, đường liên xã, 60% đường nội xóm được cứng hóa. Trên địa bàn huyện có 102 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, trong đó có 5 khách sạn, 20 nhà nghỉ, 77 nhà nghỉ cộng đồng, 4 điểm du lịch cộng đồng gồm bản Lác, xă Chiềng Châu; bản Bước, xã Xăm Khoè; bản Văn, bản Pom Coọng, thị trấn Mai Châu và 3 điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Ecolodge, xã Nà Phòn, điểm du lịch sinh thái Mặt Trời, xã Chiềng Châu, điểm du lịch sinh thái Mai Châu, xóm Cha Lang, xã Mai Hịch; 27 cơ sở dịch vụ kinh doanh ăn uống, hang lưu niệm và đồ thủ công truyền thống. Từ sự đầu tư đó, hàng năm, Mai Châu đón hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến thăm quan, nghỉ dưỡng. Đáng chú ý, Mai Châu đã trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách nước ngoài... Bởi khi đến Mai Châu, rồi ai cũng thấy đó là nơi đến để trở về.

 

Rời Mai Châu sau những đêm xoè say đổ, tràn tình, tôi lại chơi vơi nhớ mùi thơm nếp xôi bên ánh lửa bập bùng. Mai Châu - tôi sẽ trở về. Trở về với "tình chiêng, tình trống” cũng giống như những ai đã từng đến với Mai Châu bằng cái tình.

 

 

 

                                                                Mạnh Hùng

 

 

Các tin khác


Xây dựng huyện Mai Châu thành điểm đến du lịch “Hấp dẫn, thân thiện và an toàn”

(HBĐT) - "Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ và Nhân dân trong huyện quyết tâm phấn đấu xây dựng huyện Mai Châu thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thân thiện và an toàn” - đồng chí Đặng Mai Sơn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Báo Hòa Bình trước thềm Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI.

Đánh thức du lịch vùng hồ Đà Bắc

(HBĐT) - Huyện vùng cao Đà Bắc có tới 13 xã địa hình trải dài dọc tuyến vùng hồ. Đời sống người dân phụ thuộc phần nhiều vào nghề nuôi cá lồng và đánh bắt thủy sản. Trong ít năm gần đây, khi ngành nghề du lịch được mở mang, bà con các xã vùng hồ có thêm cơ hội phát huy tiềm năng, lợi thế, từ đó cải thiện đáng kể nguồn thu nhập.

Ấn tượng đảo Nam Du – thiên đường du lịch

(HBĐT) - Sóng biển dập dềnh, gió lồng lộng thổi qua, cảnh vật hoang sơ đẹp kỳ lạ, người dân hiền lành, mến khách, đó là những ấn tượng đầu tiên của chúng tôi trong hành trình ghé thăm quần đảo Nam Du, được mệnh danh là "thiên đường du lịch”.

Dự báo du lịch quốc tế có thể giảm tới 70% trong năm nay

Do tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, du lịch quốc tế sẽ giảm tới 70% trong năm nay, đánh dấu sự sụt giảm lớn nhất của "ngành công nghiệp không khói" kể từ khi du lịch bắt đầu thống kê số liệu tăng trưởng từ những năm 1950.

Huyện Mai Châu có 11 dự án phát triển du lịch

(HBĐT) - Trong thời gian qua, huyện Mai Châu đặc biệt quan tâm tới công tác thu hút đầu tư và triển khai các dự án du lịch - thương mại. Sau khi UBND tỉnh có Quyết định công bố Quy hoạch Điểm du lịch quốc gia Mai Châu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, số lượng các nhà đầu tư về du lịch, thương mại vào Mai Châu ngày càng tăng.

Mai châu đón khoảng 10 nghìn lượt khách du lịch trong 5 ngày nghỉ lễ

(HBĐT) - Từ ngày 27/4 - 1/5, các điểm du lịch trên địa bàn huyện Mai Châu đã đón khoảng 10 nghìn lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt gần 4 tỷ đồng.  

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục