Hàng năm, để giữ gìn bản sắc văn hóa, Đảng ủy, UBND thị trấn đưa những yếu tố văn hóa của người Thái vào chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân thành lập các đội văn nghệ; tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các bản trong ngày lễ, tết; đăng ký tham gia nhiều hội thi, hội diễn văn nghệ trong huyện, tỉnh nhân các ngày lễ lớn. Thị trấn Mai Châu có 12 đội văn nghệ tại các xóm. Phong trào văn nghệ quần chúng diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia. Những làn điệu dân ca Thái mượt mà ca ngợi quê hương bằng tiếng Thái được những chàng trai, cô gái thể hiện đầy cảm xúc đi tham gia tại các hội thi, hội diễn do huyện tổ chức. Kết quả, đội văn nghệ thị trấn Mai Châu đều đoạt giải nhất. Thị trấn phối hợp với các trường học thành lập đội văn nghệ, khuyến khích học sinh biểu diễn, hát các ca khúc ca ngợi quê hương bằng tiếng Thái. Qua đó, giúp học sinh nhận thức và hiểu rõ hơn giá trị tiếng Thái, khơi dậy sự sáng tạo trong các chương trình văn nghệ thể hiện bản sắc văn hóa đa dạng và nâng cao ý thức giữ gìn những giá trị đó. Giờ ngoại khóa các nhà trường lồng ghép các trò chơi dân gian của dân tộc Thái. Tiếng Thái được giao tiếp hàng ngày trong các gia đình.
Nghề dệt thổ cẩm được người dân thị trấn Mai Châu (Mai Châu) giữ gìn và phát triển theo thời gian.
Người Thái còn giữ gìn truyền thống qua các lễ hội như Xên bản, Xên Mường, cơm mới… Tại các lễ hội, thông qua việc chuẩn bị mâm cỗ cúng, chế biến các món ăn truyền thống, mời thầy cúng thực hiện các nghi lễ đã thể hiện sự tôn trọng giá trị truyền thống. ông Hà Văn Thiết, bản Pom Coọng chia sẻ: Từ đời cha ông tôi đã thực hiện các nghi lễ truyền thống của người Thái, bây giờ chúng tôi phải tuân thủ theo đúng phong tục cho con cháu biết cách làm. Điển hình người Thái có lễ cơm mới được hầu hết các gia đình duy trì. Tại mỗi gia đình người Thái, sau tháng 8 âm lịch, khi thu hoạch lúa xong là các hộ làm lễ cơm mới có ý nghĩa báo cáo với ông bà, tổ tiên mùa màng đã thu hoạch xong, xin tổ tiên cho ăn cơm mới. Lễ cơm mới mang ý nghĩa giáo dục con cháu về sự biết ơn, báo hiếu, kính trọng của con cháu đối với những người có công sinh thành. Qua lễ cơm mới, cha mẹ dạy cho con về cách sống phải biết kính trên nhường dưới.
Hình ảnh người phụ nữ ngồi bên khung cửi dưới nếp nhà sàn đã trở thành nét đẹp truyền thống được lưu giữ bao đời nay của người Thái Mai Châu. Hiện nay, toàn thị trấn có 18 cơ sở dệt thổ cẩm. Những chiếc khăn, chiếc túi, chiếc áo được các bà, các mẹ miệt mài, khéo léo xe tơ, dệt vải nhằm giáo dục con cháu bổn phận chăm sóc gia đình, dù cuộc sống muôn vàn khó khăn vất vả nhưng không được nản lòng. Tại thị trấn Mai châu vào các ngày họp; lễ, Tết tất cả phụ nữ từ người già đến trẻ nhỏ đều mặc váy Thái. Đặc biệt, tại 2 bản làm du lịch là bản Văn và bản Pom Coọng yêu cầu người con gái Thái phải mặc trang phục truyền thống đón khách du lịch. Nếp nhà sàn của người Thái vẫn được địa phương lưu giữ qua thời gian. Tại bản Pom Coọng có 79 hộ thì có tới 40 hộ giữ được nhà sàn truyền thống của người Thái. Đời trước truyền lại cho đời sau những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cứ thế những giá trị đạo đức, văn hóa của người Thái Mai Châu được giữ gìn trước sự hội nhập.
Thu Thủy
(HBĐT) - Mai Châu - không chỉ là miền đất đẹp trong thơ, ca, nhạc hoạ mà vùng đất này còn đẹp cả trong tình người.