Mô hình trồng ớt tại xã Đoàn Kết (Yên Thủy) đã giúp nhiều hộ trên địa bàn có thu nhập ổn định.
Đồng chí Bùi Văn Đức, Chủ tịch UBND xã cho biết: Sau khi nghiên cứu 19 tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, nhận thấy Bộ tiêu chí xây dựng NTM nâng cao giai đoạn này có nhiều tiêu chí cao hơn so với giai đoạn trước, cấp uỷ Đảng, chính quyền xã đã xác định mục tiêu, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân để triển khai thực hiện.
UBND xã huy động và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương. Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về xoá bỏ vườn tạp, phát triển các loại cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, cấp uỷ Đảng, chính quyền xã Đoàn Kết đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giữ vững diện tích rừng trồng và nâng cao năng suất đối với một số cây trồng truyền thống như bí xanh, ngô lai... Hiện nay, diện tích rừng trồng sản xuất của xã đạt trên 30 ha, chủ yếu là cây keo lai.
Bên cạnh những cây trồng truyền thống, người dân xã Đoàn Kết đã đưa vào canh tác những loại cây mới phù hợp với đồng đất, có giá trị kinh tế cao và có đầu ra trên thị trường. Điển hình là cây ớt cao sản đã được nhiều hộ đưa vào trồng đại trà với diện tích hơn 6 ha. Đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết: Trồng ớt là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con, giá trị kinh tế có thể gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa. Điều thuận tiện nhất ở đây là có sự liên kết giữa doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp cung cấp giống, kỹ thuật, phân bón và bao tiêu sản phẩm. Vì vậy, người dân yên tâm khi chuyển đổi sang trồng ớt và thực tế đã cho thấy hiệu quả kinh tế khi chuyển sang trồng cây trồng này.
Đặc biệt, xã xây dựng thành công sản phẩm lươn thương phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là sản phẩm hoàn toàn mới trên thị trường, chủ yếu được xuất bán tại Nghệ An và một số tỉnh miền Nam. Sản phẩm này do anh Bùi Thành Công, xóm Mền Liên Kết tự học hỏi, ứng dụng thành công và chuyển giao cho 19 hộ trên địa bàn cùng tham gia. Anh Bùi Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất nông nghiệp và dịch vụ Thành Công cho biết: Ngoài cung cấp lươn thương phẩm cho đầu mối tại một số tỉnh, tôi đã ứng dụng công nghệ làm lươn đông lạnh và tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới sản phẩm chế biến, đóng gói để có thể xuất bán tại một số thị trường lớn hơn.
Để tiếp tục hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, UBND xã Đoàn Kết chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng mới vào sản xuất. Đặc biệt, thông qua kênh của các HTX, Hội Nông dân, vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia, xã đã tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân và tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn. Cùng với việc ưu tiên tiếp cận các vốn vay ưu đãi, nhiều hộ đã phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả như trồng rừng kết hợp chăn nuôi, trồng cây ăn quả, mở dịch vụ nông nghiệp tại địa bàn...
Song song với hỗ trợ phát triển kinh tế, xã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Qua lồng ghép các chương trình, xã bê tông hoá trên 12 km đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao; xây dựng nâng cấp 3 nhà văn hóa xóm; hỗ trợ hơn 50 téc nước cho các hộ dân đảm bảo nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Hiện nay, Đoàn Kết đã hoàn thành 14/19 tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao. Theo đồng chí Chủ tịch UBND xã, với phương châm dễ làm trước, khó làm sau, thời gian này xã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các tiêu chí về văn hóa, tổ chức sản xuất và môi trường. Để thực hiện các tiêu chí, xã phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chức năng tiến hành rà soát, đánh giá mức độ thực hiện các tiêu chí và tiếp tục huy động nguồn lực để thực hiện.
Đinh Hòa