Triển lãm thơ diễn ca lịch sử "Theo dấu chân Đại tướng” diễn ra tại Bảo tàng Nghệ An (tỉnh Nghệ An) ngày 13/3.


Cắt băng khai mạc Triển lãm "Theo dấu chân Đại tướng” và khánh thành "Không gian trải nghiệm số”. Ảnh: Văn Tý/TTXVN'

Sự kiện do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung phối hợp Bảo tàng Nghệ An tổ chức, nhân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Dự triển lãm có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; lãnh đạo tỉnh Nghệ An cùng đông đảo người dân địa phương.

Triển lãm giới thiệu đến công chúng 92 tấm pa-nô với những bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Thông tấn xã Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Trần Hồng cung cấp cùng 110 bài thơ diễn ca của nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung, người có cơ duyên gặp gỡ, viết nhiều bài báo, bài thơ về Đại tướng trong hơn 20 năm qua.

Bằng sự kết nối giữa hình ảnh và thơ, triển lãm là sự tái hiện những dấu mốc của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng như cuộc sống đời thường của vị Tổng Tư lệnh Quân đội và tình cảm của người dân dành cho Đại tướng. Triển lãm được thể hiện với 3 chủ đề: "Làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”, "Vị tướng trong lòng dân” và "Sáng mãi ngàn năm”.

Chủ đề "Làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ” giới thiệu toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự lãnh đạo tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từng đối sách chiến đấu, từng trận chiến giằng co trên chiến trường Điện Biên Phủ gắn với những địa danh huyền thoại đồi A1, đồi C1, cánh đồng Mường Thanh... hay những cái tên bất tử như Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót... được tái hiện sinh động qua những lời thơ, lời diễn ca mộc mạc giản dị của nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung và được giới thiệu cùng những bức ảnh lịch sử vô giá, giàu cảm xúc.

Chủ đề "Vị tướng trong lòng dân” giới thiệu khoảnh khắc đời thường, dung dị về một vị tướng huyền thoại, một nhà quân sự lỗi lạc của Việt Nam. Đó là những phút giây bình dị, an nhiên giữa đời thường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; tình yêu thương, sự trân trọng và cảm phục của Đại tướng dành cho những bà mẹ Việt Nam, các nữ chiến sỹ...; sự quan tâm, cổ vũ dành cho các chiến sỹ trên mọi mặt trận và tình yêu của nhân dân, đồng đội dành cho vị Đại tướng anh hùng.


Các đại biểu tham quan Triển lãm "Theo dấu chân Đại tướng”. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Chủ đề "Sáng mãi ngàn năm” khẳng định tình yêu, sự kính phục của nhân dân Việt Nam dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua những khoảnh khắc xúc động trong ngày Lễ Quốc tang, tiễn đưa Đại tướng về quê nhà Quảng Bình.

Triển lãm được tổ chức lần đầu tiên năm 2021 nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911). Đến nay, Triển lãm được tổ chức lần lượt tại các tỉnh Điện Biên, Quảng Ninh, Quảng Bình, Nghệ An với sự đón nhận của đông đảo công chúng.

Đại diện Ban tổ chức mong muốn đây sẽ là món quà ý nghĩa, lời tri ân, tưởng nhớ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người "Anh cả" của Quân đội nhân dân Việt Nam, một thiên tài quân sự của thế giới với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Việc tổ chức Triển lãm góp phần tuyên truyền về lịch sử, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ cùng tôn vinh vị tướng tài ba của dân tộc và truyền thống gắn bó giữa người lính "Bộ đội Cụ Hồ" với nhân dân.

Dịp này, Sở Văn hóa và Thể thao kết hợp tổ chức cắt băng khánh thành giai đoạn 1 "Không gian trải nghiệm số” tại Bảo tàng Nghệ An. Đây là sản phẩm văn hóa ứng dụng công nghệ số hiện đại hàng đầu và có chất lượng cao, là sự kết hợp của khoa học kỹ thuật và nghiên cứu bảo tàng - lịch sử - văn hóa.

Nhiều nội dung thuyết minh được số hóa, truyền tải thông tin qua phương thức ứng dụng công nghệ hiện đại như trưng bày ảo, tham quan tương tác 3D, thuyết minh tự động, tham quan qua thực tế ảo. Việc ứng dụng phần mềm trình chiếu, tương tác, hỏi đáp, ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI, số hóa 3D các hiện vật... tạo sự hấp dẫn đặc biệt đối với khách tham quan. Dự án là tiền đề quan trọng, tạo thêm kênh thông tin nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu lịch sử, văn hóa, đất và người tỉnh Nghệ An đến du khách trong và ngoài nước, góp phần lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa phong phú của tỉnh, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Theo TTXVN

Các tin khác


Ngày 12/4/1954: Chiếc máy bay thứ 50 của địch bị bắn rơi tại Điện Biên Phủ

Ngày 12/4/1954, hồi 11 giờ 40 phút, chiếc máy bay thứ 50 của địch bị bắn rơi tại Điện Biên Phủ. Đó là một "pháo đài bay” ném bom 4 động cơ B.24, với tổ bay 9 người, lần đầu bị hạ trên chiến trường Việt Nam.

Thành công xuất sắc trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng

Thắng lợi của chiến cuộc Ðông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là trận quyết chiến chiến lược Ðiện Biên Phủ bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Ðảng giữ vai trò quyết định.

56 ngày đêm Chiến dịch Điện Biên Phủ:Ngày 11/4/1954: Bắt đầu đợt 2 trận đánh tiêu diệt đồi C1

Đồi C1 là cao điểm phía Đông, một trong những hướng phòng ngự chủ yếu của thực dân Pháp để bảo vệ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ: Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử

Với công trình văn hóa có kiến trúc độc đáo, hệ thống trưng bày được nâng cấp, hiện đại hóa, cùng bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” - bức tranh tròn quy mô lớn nhất Đông Nam Á, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trở thành điểm đến hấp dẫn khó bỏ qua trong hành trình trở lại chiến trường xưa, khám phá xứ sở hoa ban. Càng gần đến Ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các đoàn tham quan, lượng khách ghé thăm bảo tàng ngày càng tăng

Trưng bày chuyên đề “Quân dân tỉnh Hòa Bình với chiến thắng Điện Biên Phủ”

Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Bảo tàng tỉnh Hoà Bình tổ chức trưng bày triển lãm chuyên đề "Quân dân tỉnh Hòa Bình với chiến thắng Điện Biên Phủ” tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Khánh thành Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong”

Ngày 8/4, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng và tỉnh Phú Thọ tổ chức khánh thành Bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong” tại khu vực ngã 5 đền Giếng - Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục