Hộ thành viên HTX Bưởi đỏ Tân Đông, xã Đông Lai (Tân Lạc) chăm sóc bưởi theo quy trình VietGap.
Tân Lạc có nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm OCOP. Với diện tích đất nông nghiệp tương đối lớn, trong đó huyện đã xác định được những cây trồng chủ lực của địa phương để tạo vùng nguyên liệu cho các sản phẩm OCOP. Cùng với đó, huyện đã xây dựng được 121 hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác, trong đó có 62 HTX và 59 tổ hợp tác. Có nhiều HTX, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp đảm bảo theo quy trình VietGap và được cấp mã số vùng trồng. Năm 2023, toàn bộ diện tích canh tác của HTX rau an toàn Quyết Chiến - chủ thể của 2 sản phẩm OCOP là ngọn su su và củ cải đã được cấp mã số vùng trồng. Ngoài ra, HTX rau củ quả xã Nhân Mỹ trồng rau củ các loại cũng được cấp mã số vùng trồng, hiện toàn huyện có 6 HTX được cấp mã số vùng trồng. Đây là điều kiện quan trọng để xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP và "mở cửa" đưa những sản phẩm này có thể xuất khẩu.
Đặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, huyện Tân Lạc chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa ra những sản phẩm chất lượng cao, nhất là các sản phẩm từ nông sản. Hiện nay, huyện thực hiện đề án bảo tồn giống bưởi đỏ Tân Lạc, đây là điều kiện để nâng cao chất lượng 3 sản phẩm OCOP từ bưởi của huyện và cũng là sản phẩm bước đầu được xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Ngoài ra, huyện tiếp tục thực hiện 2 mô hình là "Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong hỗ trợ sản xuất thanh long trái vụ tại xã Đông Lai” và "Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và tiêu thụ chanh leo bền vững tại xã Thanh Hối”, để xây dựng những sản phẩm nông sản chất lượng cao.
Tính đến thời điểm này, huyện Tân Lạc có 7 sản phẩm OCOP đã được công nhận gồm: rau su su, củ cải Hàn Quốc, cá dầm xanh, trà giảo cổ lam và 3 sản phẩm bưởi. Các sản phẩm OCOP được xem là khởi nguồn tạo ra sức bật mới, lan tỏa; đồng thời từng bước khẳng định được thương hiệu, giá trị trên thị trường. Đặc biệt là sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc đã được xuất khẩu sang châu Âu.
Năm 2023, huyện tiếp tục xây dựng một số sản phẩm chế biến sâu từ nông sản trở thành sản phẩm OCOP. Theo lãnh đạo UBND huyện Tân Lạc, để hoàn thành kế hoạch, huyện tiếp tục tập trung vào giải pháp thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững; cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch khu vực nông thôn trên cơ sở tăng cường ứng dụng KHKT, quản lý tài nguyên gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, gia tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Phát triển sản phẩm OCOP có lợi thế cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển dịch vụ - du lịch nông thôn. Cùng với xây dựng thêm các điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP, huyện tiếp tục hỗ trợ chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...
UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT tham mưu, phối hợp các đơn vị liên quan, hướng dẫn các xã, thị trấn, các chủ thể tham gia vào các hoạt động của Chương trình OCOP. Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Hướng dẫn các chủ thể xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, triển khai, phát triển sản phẩm OCOP theo lợi thế đặc trưng của đơn vị, địa phương để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập và phát triển ổn định.
Đinh Hòa