Sản phẩm dược liệu của Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Trị tham gia trưng bày tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Tây Hồ, Hà Nội), được người tiêu dùng đón nhận.
Giai đoạn đầu, huyện chỉ có vài ba sản phẩm đăng ký OCOP, chủ yếu là chè, mật ong, nấm, lá xạ đen - những thứ gắn với cuộc sống hằng ngày của bà con người Mường. Dưới sự hỗ trợ của chính quyền, từ các hợp tác xã (HTX) và nguồn lực của chương trình mục tiêu quốc gia, đến cuối năm 2024, huyện Yên Thủy đã có 23 sản phẩm được chuẩn hóa OCOP, trong đó 4 sản phẩm đạt 4 sao, 19 sản phẩm đạt 3 sao. Một con số khiêm tốn nếu so với các vùng chuyên canh lớn, nhưng lại là bước tiến dài với huyện miền núi có nhiều bất lợi về điều kiện tự nhiên.
Nếu phải chọn một sản phẩm làm đại diện cho hành trình OCOP của Yên Thủy, có lẽ không gì xứng đáng hơn lá xạ đen - loài cây mọc dại ven rừng, từng được bà con dùng để chữa bệnh, giờ đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao, mang nhãn hiệu của HTX Nông nghiệp Yên Trị.
Câu chuyện bắt đầu từ một buổi khảo sát vùng trồng ở xã Yên Trị, khi cán bộ nông nghiệp nhận ra xạ đen mọc ở đây có dược tính rất cao, hàm lượng flavonoid vượt chuẩn so với các vùng khác. Đó là "vàng trong lá”, nhưng muốn biến nó thành giá trị thật, không thể chỉ nhặt hái thủ công. Từ đó, một đề án được dựng lên, dày hơn 300 trang, kèm lộ trình đầu tư bài bản. Tháng 11/2024, UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt Đề án "Phát triển sản phẩm OCOP dược liệu gắn với vùng nguyên liệu địa phương tại xã Yên Trị”, với tổng mức đầu tư 25,167 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 11,5 tỷ đồng, ngân sách tỉnh và huyện đóng góp hơn 9,6 tỷ đồng, còn lại do các HTX và người dân đối ứng.
Đề án không chỉ hỗ trợ khâu chế biến, đóng gói, xây dựng thương hiệu, mà còn tạo dựng vùng trồng tập trung, đào tạo kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn GACP - WHO, từng bước đưa sản phẩm địa phương hòa vào chuỗi giá trị ngành dược liệu quốc gia. Tại Yên Trị, những nông dân từng chân lấm tay bùn, giờ học cách phân biệt giai đoạn thu hái, cách sao khô đạt chuẩn, cách quản lý nhật ký sản xuất.
"Lúc đầu cứ nghĩ là chuyện ở đâu cao siêu lắm. Nhưng cán bộ về tập huấn, làm mẫu từng bước, mình làm theo dần dần thấy ra nghề thật” – anh Bùi Phi Diệp, thành viên HTX Nông nghiệp Yên Trị chia sẻ. Trong khu vườn 4.000 m2 của gia đình, xạ đen được trồng theo hàng thẳng tắp, dưới chân là lớp thảm lá giữ ẩm, bên cạnh là bảng chỉ dẫn kỹ thuật viết tay: "Không dùng thuốc trừ cỏ - phun thuốc thảo mộc từ vỏ bưởi, tỏi”.
Ít ai ngờ rằng, thứ lá xạ đen ngày nào chỉ quanh quẩn trong bếp lửa dân làng, giờ đã là một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của huyện Yên Thủy, mở lối cho giấc mơ "chuyển mình” của nông sản địa phương. Từ những sản phẩm tưởng chừng khiêm tốn, thậm chí bị lãng quên, OCOP nơi đây được kỳ vọng trở thành "dẫn đường” cho lối đi mới: Lối đi của sự chuyên nghiệp, của giá trị cộng thêm và của niềm tự hào bản địa.
Ngoài xạ đen, một số sản phẩm khác cũng tạo dấu ấn rõ nét, như nấm linh chi đỏ, trà thảo mộc, mật ong rừng, tinh dầu sả chanh… tất cả đều gắn với lợi thế sinh thái vùng núi đá vôi. Đặc biệt, việc chuẩn hóa bao bì, mã QR truy xuất nguồn gốc và đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử Postmart, Voso… đã giúp sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng ngoài tỉnh một cách bền vững hơn. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 62 triệu đồng, tăng 10 triệu đồng so với năm 2023; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 4%.
Đồng chí Bùi Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thuỷ tâm sự: OCOP với Yên Thủy không chỉ là câu chuyện kinh tế. Đó là hành trình phục dựng ký ức bản địa, là cách để người dân nhìn lại sản vật quê mình bằng ánh mắt tự hào. Đó là khi một bó chè xanh được nâng niu gói trong túi giấy thủ công, một lọ mật ong rừng được dán nhãn thương hiệu bản địa, hay lọ tinh dầu sả được gửi đi kèm lời cảm ơn.
Và nếu sản phẩm từng là thứ vô danh trên chợ quê, thì hôm nay nó trở thành người dẫn đường, mở ra lối đi mới cho nông thôn hiện đại. Không ai nghĩ Yên Thủy sẽ trở thành một trung tâm OCOP lớn. Nhưng có hề gì, bởi ở đây sự chuyển mình không bắt đầu từ toan tính, mà từ những bàn tay nâu sạm, từ giấc mơ rất thật trên bờ ruộng, trong chái bếp. Điều đó mới là động lực bền vững nhất để mỗi sản phẩm đi ra mang theo cả mùi hương của đất và hồn cốt của làng.
Minh Vũ