Bài phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ năm (chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XV do đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trình bày.

 

Kính thưa các vị đại biểu HĐND tỉnh;

Kính thưa các vị đại biểu, thưa cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh!

 

Sau thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, kỳ họp chuyên đề triển khai tổ chức lấy ý kiến góp ý của HĐND tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thành công tốt đẹp.

 

Tại kỳ họp này, chúng ta đã nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Việt Cường phát biểu chỉ đạo triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; quán triệt  một cách sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ trong việc tổ chức lấy ý kiến kiến nhân dân trong tỉnh; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong các tháng đầu năm 2013, nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức. Các đại biểu đã nghe báo cáo về các nội dung cơ bản Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của QH, Kế hoạch của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch của TT HĐND tỉnh triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong tỉnh và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các đại biểu đã tiến hành thảo luận, đóng góp ý kiến về các nội dung cơ bản của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Qua thảo luận, các đại biểu đã nêu một số vấn đề liên quan trực tiếp đến nội dung các điều, khoản cụ thể của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, cách thức và quy trình tổ chức lấy ý kiến và các biện pháp đảm bảo cho việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn tỉnh; đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm đóng góp quan trọng vào kết quả của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

 

Thưa các vị đại biểu và các đồng chí!

 

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là một đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý rộng lớn, quan trọng trong nhân dân và cả hệ thống chính trị. Đến thời điểm này, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được 1/3 thời gian, khối lượng công việc cần tiếp tục triển khai là rất lớn. Trong khi đó, ngày Tết cổ truyền dân tộc đang đến gần, thời gian còn rất ít, nhiều công việc đòi hỏi chúng ta phải tập trung thực hiện ngay trước và sau Tết Nguyên đán để đảm bảo thực hiện đúng nội dung của Chỉ thị, Nghị quyết và kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân của Trung ương và của tỉnh. Vì vậy, tôi đề nghị, sau kỳ họp này, các đại biểu HĐND tỉnh, các đồng chí là lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể nhân dân các cấp cần khẩn trương thực hiện một số công việc sau đây:

 

1. Về yêu cầu, quan điểm chỉ đạo

- Yêu cầu của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là phải tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản có tính bản chất của chế độ ta, đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992, về phát huy dân chủ, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; thể chế hóa kịp thời những quan điểm, chủ trương lớn được nêu trong Cương lĩnh và các Văn kiện khác của Đảng; hoàn thiện kỹ thuật lập hiến, bảo đảm để Hiến pháp thực sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài.

 

- Quan điểm cơ bản của việc sửa đổi Hiến pháp lần này là phải dựa trên cơ sở tổng kết sâu sắc việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan; căn cứ vào định hướng, nội dung của Cương lĩnh và các văn kiện khác của Đảng; kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và của các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung những vấn để thực sự cần thiết, những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có đủ cơ sở, nhận được sự thống nhất cao và phù hợp với tình hình mới đã được văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng xác định.

 

-Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã xác định 9 nội dung cơ bản của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cụ thể đã nêu trong báo cáo về những nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (do đồng chí Uông Chu Lưu, UVT.Ư Đảng, Phó Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình bày), tài liệu đã gửi cho các đại biểu tham dự kỳ họp.

 

2. Về công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền

- Công tác tư tưởng và tuyên truyền về việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hướng tới các mục tiêu quan trọng là: Vận động mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo, để khi Hiến pháp chính thức ban hành thực sự là một văn bản kết tinh ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đây là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng với yêu cầu cao về tính dân chủ và thực chất. Do đó, công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền cần làm rõ nhận thức việc sửa đổi Hiến pháp là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của cả hệ thống chính trị; thể hiện thái độ tích cực và tinh thần xây dựng của toàn xã hội đối với việc sửa đổi Hiến pháp, phát huy cao nhất vai trò làm chủ đất nước của nhân dân ta. Vì vậy, mọi người cần thể hiện tính tích cực chính trị, ý thức công dân trong việc nghiên cứu bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, từ đó đóng góp ý kiến một cách tâm huyết, xây dựng và hiệu quả.

 

- Tổ chức quán triệt đến mọi tổ chức Đảng, cán bộ và đảng viên về mục đích, quan điểm, định hướng trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo; tạo mọi điệu kiện cần thiết để cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc sở, ban, ngành, địa phương mình tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân; tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân ở địa phương, đơn vị, địa bàn được tham gia góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong quá trình tổ chức lấy ý kiến. Xử lý kịp thời những hành động tán phát tài liệu xấu, mạo danh, nặc danh, lợi dụng việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để xuyên tạc, công kích và chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

 

- Phát huy ưu thế của các lực lượng làm công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền (Báo, Đài, Cổng thông tin điện tử), phối hợp tốt giữa các lực lượng đó để tạo thành sức mạnh tổng hợp; đồng thời sáng tạo, linh hoạt trong phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

 

3. Về công tác chỉ đạo và tổ chức lấy ý kiến nhân dân

Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tỉnh Hòa Bình có trách nhiệm kiểm tra, chỉ đạo TT HĐND các huyện, thành phố tổ chức kỳ họp chuyên đề để lấy ý kiến của đại biểu HĐND, các ngành chức năng và các tầng lớp nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chỉ đạo việc tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong phạm vi địa phương gửi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, theo nội dung Kế hoạch số 02/KH-HĐND ngày 10/1/2013 của TT HĐND tỉnh.

 

Sau kỳ họp này, các vị đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ tỉnh tiếp tục nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các ý kiến tham gia đề nghị gửi trực tiếp về Ban chỉ đạo của tỉnh để tổng hợp, xây dựng báo cáo.

 

Kính thưa các vị đại biểu!

 

Sửa đổi Hiến pháp là công việc rất hệ trọng của đất nước, cần phát huy tinh thần yêu nước, quyền làm chủ của nhân dân, sự tham gia đóng góp trí tuệ, tâm huyết của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học, các ngành, các cấp để Hiến pháp sửa đổi lần này thực sự là một bước tiến mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Với tinh thần trách nhiệm và những nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của cả hệ thống chính trị, TT HĐND tỉnh tin tưởng rằng, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình sẽ diễn ra dân chủ, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

 

Nhân dịp năm mới 2013 đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ sắp đến, thay mặt HĐND tỉnh, tôi xin chúc các vị đại biểu, các đồng chí và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

 

Tôi xin tuyên bố bế mạc kỳ họp thứ 5 (chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XV;

Xin trân trọng cảm ơn!


Đầu đề do Báo Hoà Bình đặt

 

 

 

Các tin khác


Người trẻ và cán cân lý tưởng - đồng tiền trong nhịp sống hiện đại - Bài 2: Vì sao dễ đánh mất mình?

Xã hội phát triển, sự cám dỗ của đồng tiền cũng hiện diện trong muôn mặt đời sống. Tư tưởng thực dụng, tôn sùng đồng tiền ở vị trí độc tôn của một bộ phận người trẻ càng bùng phát mạnh mẽ trong thời buổi kinh tế số. Suy nghĩ có tiền là có tất cả, nhiều tiền đồng nghĩa với thành công, việc đánh đồng tiền bạc với mục tiêu, lý tưởng sống đã dẫn dụ một bộ phận người trẻ vào chỗ lầm đường lạc lối.

Người trẻ và cán cân lý tưởng - đồng tiền trong nhịp sống hiện đại - Bài 1: Kiếm tiền theo kiểu... bất chấp

Nhịp sống hiện đại với sự tiến bộ vượt bậc của kỹ thuật, khoa học-công nghệ làm cho đời sống của giới trẻ ngày càng bị lệ thuộc vào vật chất nhiều hơn.

Nhận diện, đấu tranh xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình: Bài 3 - Đồng bộ giải pháp để chặn “sóng ngầm”

Thực tiễn ở các tỉnh miền núi phía Bắc cho thấy, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hệ thống chính trị cơ sở cùng vào cuộc, thế trận an ninh nhân dân được củng cố nên từng bước xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.

Nhận diện, đấu tranh xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình: Bài 2 - Di chứng nặng nề từ “virus” ác tính

Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã hình thành và tồn tại hơn 30 năm (từ năm 1989). Những hoạt động của tổ chức này làm xáo trộn nghiêm trọng đời sống của một bộ phận đồng bào Mông và tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại một số tỉnh miền núi phía Bắc. Những "di chứng”, hệ lụy để lại vẫn đang đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp bài toán hóc búa.

Xin đừng để “biết thế”

Trong thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh Hòa Bình đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Điểm nhấn đầu tiên đó là nhận thức của các cấp uỷ, nhân dân và cán bộ, đảng viên về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã có những chuyển biến rõ rệt. Từ nhận thức về các hành vi tham nhũng, tiêu cực, hậu quả và tác hại hết sức to lớn không chỉ gây thiệt hại về tiền, của Nhà nước, xã hội và của Nhân dân mà sâu xa hơn còn đe dọa sự tồn vong của chế độ Nhà nước xã hội chủ nghĩa và thành quả cách mạng của dân tộc ta trong gần 80 năm qua.

Từ những cán bộ cấp cao “vào lò”, nghĩ về rèn luyện 4 chữ đức

Tại cuộc họp thông báo kết quả phiên họp 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng đã cho biết, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó, lần đầu tiên 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục