(HBĐT) - Thực hiện chủ trương của BTV Tỉnh ủy về thực hiện Đề án "Thí điểm sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình”, thời gian qua, huyện Cao Phong đã xây dựng phương án phù hợp, đảm bảo tính hợp lý, hài hòa các yếu tố để tuyên truyền rộng rãi đến người dân trong quá trình thực hiện. Sau gần 1 năm triển khai, tuy còn một số khó khăn, vướng mắc nhưng thể hiện đây là chủ trương đúng đắn đem lại nhiều kết quả thiết thực.


Trước khi sáp nhập, toàn huyện có 124 xóm, khu dân cư (KDC) thuộc 13 đơn vị hành chính. Sau khi nghiên cứu các văn bản chỉ đạo của cấp trên và các tiêu chí theo quy định của Nhà nước, UBND huyện đã thống nhất lựa chọn thực hiện điểm đề án tại 2 xã Thu Phong và Xuân Phong. Đối với xã Xuân Phong, sáp nhập 3 xóm: Rú 1, Rú 2, Rú 3 thành xóm Rú Giữa; giữ nguyên 9 xóm Nhõi 1, Nhõi 2, Nhõi 3, Rú 4, Rú 5, Rú 6, Cạn 1, Cạn 2 và xóm Mừng. Như vậy, sau sáp nhập, xã Xuân Phong giảm từ 12 xóm xuống còn 10 xóm. Đối với xã Thu Phong, sáp nhập xóm Vỏ 1, Vỏ 2 thành xóm Vỏ, sáp nhập xóm Bưng 1, Bưng 2 thành xóm Bưng 1; giữ nguyên 10 xóm: Đúng, Thá, Nau, Thiều, Cun, Nam Sơn I, Nam Sơn II, Mới, Bưng 3 và Bưng 4. Như vậy, sau sáp nhập, xã Thu Phong giảm từ 14 xóm xuống còn 12 xóm.


Lãnh đạo UBND xã Thu Phong (Cao Phong) trao đổi với cán bộ xóm Vỏ về tình hình sau khi sáp nhập.

Đồng chí Đinh Văn Duẩn, Trưởng phòng Nội vụ huyện Cao Phong cho biết: Với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là sự ủng hộ của người dân, bước đầu, việc sáp nhập cơ bản đạt được kế hoạch đề ra. Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên và thành lập mới thôn, xóm, tổ dân phố, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo Đảng bộ các xã kịp thời sắp xếp, kiện toàn các chức danh và thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ không chuyên trách nghỉ việc đảm bảo đúng quy định.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện ở cấp cơ sở vẫn gặp một số khó khăn, bất cập. Việc sáp nhập xóm, KDC ít nhiều tác động đến hệ thống chính trị ở cơ sở, ảnh hưởng hoạt động và tâm lý cán bộ. Hiện nay, mỗi tổ chức hội, đoàn thể đều được hỗ trợ kinh phi hoạt động. Nếu nhập 2 hoặc 3 chi hội thành 1 khi đó số lượng hội viên tăng gấp 2- 3 lần mà kinh phí vẫn giữ nguyên. Đồng chí Bùi Thị Phượng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Vỏ, xã Thu Phong cho biết: Nếu trước đây, số lượng hội viên quản lý chỉ trong 1 xóm thì hiện nay dồn lại thành 1 chi hội với 100 hội viên của cả 2 xóm nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Địa bàn xóm rộng hơn cộng với dân cư thưa thớt cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công việc chuyên môn được giao.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Quách Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong khẳng định: Sau sáp nhập, công việc của đội ngũ cán bộ bán chuyên trách ở cơ sở tăng lên, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải tăng thêm trách nhiệm. Như vậy, yêu cầu hiện nay là phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở. Điều này phù hợp với tinh thần NQT.ư 6 (khóa XII) của Đảng ta.

Bên cạnh đó, huyện còn gặp khó khăn trong việc bố trí, sử dụng hiệu quả và giải quyết những hạn chế, vướng mắc về cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội công cộng, các thiết chế văn hóa để phù hợp với quy mô dân số tăng lên sau sáp nhập. Sau khi sáp nhập xóm mới, số lượng hộ tăng hơn, để có nơi sinh hoạt cộng đồng, người dân mong muốn Nhà nước tạo mọi điều kiện hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa, sân sinh hoạt cộng đồng phù hợp. Về việc điều chỉnh địa chỉ giấy tờ tùy thân, người dân mong muốn các cấp, ngành hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ kịp thời để hạn chế mất thời gian, tốn kém.

Rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện thí điểm sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố, huyện Cao Phong đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như: Tiếp tục rà soát, thực hiện sáp nhập xóm, KDC đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Tiến tới thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã; thực hiện sáp nhập để mở rộng thị trấn Cao Phong. Rà soát, xây dựng phương án sáp nhập, kiện toàn xóm, KDC đảm bảo hợp lý, khách quan, phù hợp với điều kiện từng địa phương. Kịp thời tháo gỡ, giải quyết vướng mắc ngay từ cơ sở theo thẩm quyền. Phát huy vai trò người đứng đầu và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong quá trình tổ chức thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ để các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ lợi ích của việc sắp xếp, kiện toàn xóm, KDC là để góp phần phát triển KT-XH nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp nhanh chóng đi vào thực tiễn.


Hương Lan


Các tin khác


Phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở

(HBĐT) - Đến nay, toàn tỉnh có 1.963 chi bộ thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư với 35.931 đảng viên, chiếm 55,6% tổng số đảng viên toàn tỉnh. Trong đó có 28 chi bộ ghép của 58 thôn, xóm ở TP Hòa Bình và huyện Lương Sơn. Còn 6 thôn, xóm ở 3 huyện: Lương Sơn, Lạc Sơn, Yên Thủy chưa có tổ chứcs Đảng.

Đảng bộ huyện Lạc Thủy - thực hiện có trọng tâm, trọng điểm Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII

(HBĐT) -Đánh giá về công tác triển khai học tập, quán triệt và thực hiện NQ T.ư 6, khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lạc Thủy Bùi Văn Trường cho biết: Thực hiện nghiêm túc kế hoạch của BTV Tỉnh ủy, tháng 12/2017, BTV Huyện ủy Lạc Thủy đã ban hành các văn bản và chỉ đạo các cơ quan tham mưu giúp việc Huyện ủy mở 3 lớp học tập, quán triển, triển khai Nghị quyết cho toàn thể đảng viên của 24 đảng bộ trực thuộc. Phân công các đồng chí báo cáo viên cấp huyện giúp các Đảng bộ trực thuộc tổ chức học tập, quán triệt đảm bảo đúng tiến độ.

Đảng bộ xã Kim Bôi: Nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề

(HBĐT) - Trước đây, người dân xã Kim Bôi (Kim Bôi) có thói quen thả rông trâu, bò, dẫn đến việc chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc không được hiệu quả. Năm 2011, cả xã có 79 con trâu, bò bị chết rét. Bên cạnh đó, từ khi xã cho nhân dân thuê đất sản xuất, việc trâu, bò thả rông vào phá cây trồng, hoa màu diễn ra khá phổ biến, gây bức xúc trong nhân dân. Trước thực trạng đó, chi bộ xóm Vố đã đi đầu trong tổ chức sinh hoạt chuyên đề và ban hành được Nghị quyết chuyên đề về vận động nhân dân nuôi nhốt gia súc tập trung.

Cựu chiến binh xã Ân Nghĩa phát triển trồng cây có múi

(HBĐT) - Trước năm 2013, trồng cây ăn quả có múi còn khá xa lạ với hội viên CCB xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn). Tuy nhiên đến nay, diện tích cây có múi đã được mở rộng lên gần 20 ha do hội viên CCB làm chủ. Nhờ phát huy hiệu quả mô hình, thu nhập bình quân của hội viên CCB đạt 23, 5 triệu đồng/người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%.

Xã Đoàn Kết nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

(HBĐT) - Xã Đoàn Kết nằm cách trung tâm huyện Yên Thuỷ 8, 7 km. Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn xã được chú trọng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Từ đó người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Xã Nam Thượng chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả

(HBĐT) - Tận dụng tối đa điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã Nam Thượng (Kim Bôi) đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục