Hội viên CCB Bùi Văn Dũng (trái) ở xóm Vổ, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cây có múi.
Khảo sát thực tế tại xóm Búm 2, Đội 5, Vổ… nơi tập trung nhiều hội viên CCB phát triển mô hình trồng cây ăn quả có múi. Theo quan sát của chúng tôi, đây là những khu vực đất rộng, bằng phẳng thuận lợi để canh tác. Địa bàn xã nằm dọc tuyến quốc lộ 12B, cách đường Hồ Chí Minh khoảng 3,5 km, thuận tiện cho giao thương, vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, hệ thống đường giao thông nông thôn đạt chuẩn nông thôn mới cũng góp phần tạo điều kiện cho tư thương dễ thu mua sản phẩm tại vườn của các hộ gia đình. Hội tụ đầy đủ các tiềm năng, lợi thế, nhiều CCB trong xã đã mạnh dạn vay vốn, cải tạo vườn tạp để trồng thí điểm. Toàn xã hiện có 20 hội viên tham gia trồng cây có múi, tiêu biểu như các hội viên: Bùi Văn Lượng (xóm Búm 2), Bùi Văn Dũng (xóm Vổ) … Theo một số hội viên CCB đã thu sản phẩm, lợi nhuận tối thiểu của 1 ha cây có múi có thể đạt trên 100 triệu đồng, nếu trồng các cây truyền thống chỉ thu về trên dưới 20 triệu đồng.
Đến thăm gia đình ông Bùi Văn Dũng ở xóm Vổ, hội viên CCB tiên phong trồng cây có múi của xã Ân Nghĩa từ năm 2014. Dạo quanh thăm vườn cây, chúng tôi cảm nhận được tâm huyết của ông Dũng qua cách chăm sóc cây trồng, hệ thống sân vườn được đầu tư, dọn dẹp khang trang, sạch sẽ. Hiện nay, diện tích cây có múi của gia đình ông Dũng mở rộng lên 2 ha, trong đó có 850 gốc cam các loại như: lòng vàng, V2, Canh và 150 gốc bưởi da xanh. Năm 2017, cam cho thu bói, ông Dũng xuất ra thị trường 20 tấn quả. Giá thị trường dao động từ 13.000 - 20.000 đồng tùy theo từng loại quả. Qua đó, gia đình ông Dũng thu về trên 300 triệu đồng. Thương lái thu mua sản phẩm chủ yếu đến từ các tỉnh: Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định… Niên vụ 2018, vườn cam của ông Dũng sẽ cho thu chính, sản lượng dự kiến cao gấp 2- 3 lần.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Dũng cho biết: "Trước đây, kinh tế gia đình tôi chủ yếu dựa vào nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ. Nhận thấy một số hộ ở khu vực lân cận phát triển hiệu quả mô hình trồng cây có múi. Sẵn có nguồn vốn trong tay, tôi quyết tâm mua đất trồng thí điểm để nâng cao thu nhập. Sau 4 năm phát triển, tôi đúc rút ra nhiều kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm. Yếu tố quan trọng nhất dẫn tới thành công đó là phải biết áp dụng tốt KHKT vào quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo giá thành ổn định”.
Hiện nay, để hỗ trợ, giúp đỡ các hội viên có nhu cầu phát triển mô hình trồng cây có múi, Hội CCB xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề. Tạo sân chơi bổ ích để hội viên được trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trồng cây có múi. Ngoài ra, Hội CCB xã tạo điều kiện cho 10 hội viên được tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH huyện với mức vốn vay theo quy định.
Đồng chí Bùi Văn Đăng, Chủ tịch Hội CCB xã ân Nghĩa cho biết: "Trong thời gian tới, Hội CCB xã tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phát huy hiệu quả mô hình trồng cây có múi. Mong muốn các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ nguồn vốn, KHKT, tìm kiếm các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho hội viên, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy phát triển KT -XH địa phương.
Đức Anh