Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Bộ GTVT và tỉnh Hòa Bình về quyết tâm triển khai đầu tư đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.
Đón tiếp và làm việc với đoàn công tác có các đồng chí: Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành.
Dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (tỉnh Sơn La), điểm đầu: Km0 khoảng Km29 đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, tại địa phận phường Kỳ Sơn, TP Hòa Bình; điểm cuối: Km84+600 trùng với Km69+800 trên QL.43, thuộc địa phận xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu (Sơn La). Tổng chiều dài 84,6 km, địa phận tỉnh Hòa Bình dài 53 km, địa phận tỉnh Sơn La dài 31,6 km. Tuyến đi qua địa phận TP Hòa Bình, các huyện Đà Bắc, Mai Châu và 2 huyện Vân Hồ, Mộc Châu (Sơn La).
Giải phóng mặt bằng tuyến đường theo quy mô quy hoạch 4 làn xe cao tốc. Thiết kế giai đoạn 1 đầu tư phân kỳ với quy mô đường cấp III đồng bằng. Dự án được phân chia làm 3 dự án vận hành độc lập để triển khai thực hiện. Trong đó trên địa phận tỉnh Hòa Bình là Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu), có đoạn Km0-Km19 theo quy hoạch cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 497/QĐ-UBND ngày 16/3/2022, hiện đang triển khai bước lập bản vẽ thi công. Dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn từ Km19-Km53, trên địa phận tỉnh Hòa Bình, được Quốc hội thống nhất đưa vào chương trình phục hồi và phát triển KT-XH tại Nghị quyết số 44/2022/QH15.
Đối với dự án đường liên kết vùng, trong đó đoạn Km0-Km19 theo quy hoạch cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu có tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 4.120 tỷ đồng, bao gồm: ngân sách T.Ư 2.500 tỷ đồng; ngân sách địa phương 1.620 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ 2022-2027.
Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn từ Km19-Km53, trên địa phận tỉnh Hòa Bình sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 9.777 tỷ đồng. Hiện đã dự kiến bố trí nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH khoảng 4.650 tỷ đồng; nguồn kinh phí còn lại khoảng 5.127 tỷ đồng, trong số này vốn cho công tác giải phóng mặt bằng tỉnh sẽ bố trí và còn thiếu khoảng 4.700 tỷ đồng, vướng nhất đến thời điểm này là vấn đề thủ tục.
Để dự án sớm được triển khai thuận lợi, tỉnh Hòa Bình đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định giao UBND tỉnh là cơ quan chủ quản Dự án từ Km19-Km53 đoạn qua địa phận tỉnh Hòa Bình. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định phân bổ chính thức các nguồn vốn ngân sách T.Ư cho dự án; đồng thời tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh đối với phần vốn còn thiếu để đầu tư hoàn thiện đoạn tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn Km19-Km53, trên địa phận tỉnh Hòa Bình.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi về phương án triển khai xây dựng tuyến cao tốc đoạn qua tỉnh Hòa Bình.
Trực tiếp kiểm tra, thị sát tại điểm đầu dự án, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ sẽ bố trí vốn cho địa phương. Tỉnh cần chủ động phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT để tháo gỡ vướng mắc về vấn đề thủ tục. Thủ tướng yêu cầu: 2 tỉnh Hòa Bình, Sơn La phải tích cực phối hợp, đấu nối lại, phát động phong trào thi đua triển khai thực hiện dự án thì mới có thể nhanh và đảm bảo thông tuyến theo kế hoạch. Tinh thần là 2 tỉnh phải thống nhất, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm và bố trí ngân sách địa phương phù hợp cho dự án. Các công ty tư vấn phải làm sớm, làm nhanh để khi các cấp có thẩm quyền duyệt được vốn thì cho triển khai ngay. Đối với các thủ tục cần xem xét lại, cái gì phải đề xuất với các cấp có thẩm quyền về mặt cơ chế thì sớm đề xuất. Thực tế việc đầu tư dự án qua địa bàn tỉnh cũng có những thuận lợi về vật liệu, giá đất, mặt bằng mới hoàn toàn và tuyến quốc lộ 6 vẫn được sử dụng bình thường.
Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành chức năng tích cực phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ địa phương để triển khai dự án. "Với phương châm T.Ư và địa phương cùng làm và phải có trách nhiệm rất cao. Công trình vừa đảm bảo chất lượng, vừa phải có thẩm mỹ, nhất là với các cây cầu bắc qua sông Đà cần được tính đến cả hiệu quả kinh tế, muốn vậy phải thiết kế đẹp, hiện đại, theo hướng kết hợp làm du lịch", Thủ tướng nhấn mạnh.
Hoàng Nga