Dự hội thảo còn có các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á và các nhà khoa học, khảo cổ học trong và ngoài nước đã có nhiều nghiên cứu về nền Văn hóa Hòa Bình; lãnh đạo Sở VH-TT&DL các tỉnh: Thanh Hóa, Sơn La, Ninh Bình, Phú Thọ và TP Hà Nội; lãnh đạo đại diện các ban, sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Tỉnh Hòa Bình rất vinh dự tổ chức Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 90 năm thế giới công nhận nền "Văn hóa Hòa Bình”. Đồng chí khẳng định: Nền "Văn hóa Hòa Bình” còn nhiều điều bí ẩn và thú vị chưa khám phá hết. Hy vọng các nhà khoa học sẽ nối dài thêm lịch sử nghiên cứu về nền văn hóa rực rỡ này, bổ sung đầy đủ điều kiện, tiêu chí phục vụ công tác xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích các cấp để các di tich tiếp tục được quan tâm đầu tư và bảo vệ tốt hơn. Qua đó, góp phần thiết thực trong việc phát huy giá trị của di tích, góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vừa có ý nghĩa trong việc quảng bá du lịch, phục hồi, phát triển KT-XH. Đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp tăng cường tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của tỉnh nói chung, "Văn hóa Hòa Bình " nói riêng, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa khảo cổ đặc sắc của nền văn hóa thời đồ đá nổi tiếng thế giới trên quê hương Hòa Bình, góp phần khơi dậy lòng tự hào của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh...
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức hội thảo khái quát về nền Văn hóa Hòa Bình và quá trình nghiên cứu. Trong nhiều năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Văn hóa Hòa Bình đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương quan tâm. Nhiều di tích khảo cổ học Văn hóa Hòa Bình trên địa bàn tỉnh đã được xếp hạng cấp Quốc gia. Các nhà khoa học trong và ngoài nước không ngừng nghiên cứu, khám phá về những giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật của "Văn hóa Hòa Bình”. Kỷ niệm 90 năm thế giới công nhận nền "VHHB” (1932 - 2022), tỉnh Hòa Bình tổ chức nhiều hoạt động chào mừng. Qua đó, tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về những giá trị văn hóa khảo cổ đặc sắc về một nền văn hóa thời đồ đá nổi tiếng thế giới trên quê hương Hòa Bình. Đồng thời, tôn vinh những đóng góp lớn lao của nhà khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani đã có công phát hiện và đặt tên cho nền " Văn hóa Hòa Bình”. Để hội thảo đạt mục tiêu đề ra, đề nghị các đại biểu, nhà khoa học tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề về những đóng góp của nhà nữ khảo cổ học Madeleine Colani; công bố thêm những thành tựu của bà để làm rõ thêm về công lao đối với khoa học khảo cổ tại Việt Nam; những phát hiện mới về Văn hóa Hòa Bình; những khuyến nghị về bảo tồn và phát huy các di tích khảo cổ Văn hóa Hòa Bình...
Báo cáo đề dẫn do TS. Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á trình bày tại hội thảo khẳng định: Giới học thuật Việt Nam và Nhân dân tỉnh Hòa Bình luôn tự hào như chủ nhà chân chính của nền văn hóa tiền sử Hòa Bình, đã có những hoạt động toàn quốc và quốc tế để kỷ niệm 50 năm (1982), 60 năm (1992) tại Hà Nội. Năm 2017, lần đầu tiên Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đứng ra tổ chức thành công hội thảo khoa học nhân 85 năm ngày Thế giới công nhận nền Văn hóa Hòa Bình. Hội thảo đã quy tụ được nhiều nhà khoa học, đại biểu ngành văn hóa, di sản trong và ngoài nước, để lại ấn tượng và tiếng vang tốt trong cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh và giới học thuật, quản lý di sản trong, ngoài nước.
Báo cáo đề dẫn cũng giới thiệu về bà Madeleine Colani và khảo cổ học tiền sử Việt Nam, văn hóa tiền sử Hòa Bình; hội nghị các nhà tiền sử Viễn Đông tại Hà Nội, năm 1932. Hành trình 96 năm nghiên cứu văn hóa tiền sử Hòa Bình (1926 – 2022) đã phát hiện và xác nhận nhiều phần của trầm tích Văn hóa Hòa Bình còn nguyên vẹn ở cả Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành (Lạc Sơn). Mật độ di vật nhiều đến mức đáng kinh ngạc ở cả 2 di tích; di vật có nguồn gốc hữu cơ như vỏ ốc, xương sừng và hạt quả cháy, héo khô được bảo tồn rất tốt ở cả 2 di tích; sử dụng công cụ xương sừng và mảnh tước là chính bên cạnh bộ công cụ hạch cuội và lõi hạch cuội điển hình. Có bằng chứng của việc sử dụng khoáng chất sắt và đạm dạng Hematile và Kaolilith trong dinh dưỡng, chữa bệnh và tô màu; có bằng chứng sớm nhất về tư duy mỹ thuật nguyên thủy ở Việt Nam. Có tiến trình cư trú ổn định trải qua hàng chục ngàn năm và được chuyển hóa thành những người làm nông sớm vào khoảng 3500 – 4000 năm trước. Vai trò của văn hóa tiền sử Hòa Bình - di sản văn hóa quý báu của Việt Nam nói riêng và của Đông Nam Á nói chung; đối với phát triển văn hóa, kinh tế và du lịch của tỉnh Hòa Bình cũng như những vùng đang lưu giữ dấu tích của nền văn hóa này. Việc bảo tồn, nâng cấp di tích và tiếp tục đi sâu nghiên cứu về Văn hóa Hòa Bình trong thời đại công nghệ, KH-KT phát triển…
Trích tham luận tại Hội thảo khoa học 90 năm nền "Văn hóa Hòa Bình” http://baohoabinh.com.vn/16/172475/Trich-tham-luan-tai-Hoi-thao-khoa-hoc-90-nam-nen-Van-hoa-Hoa-Binh.htm
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận 3 chuyên đề: Colani và lịch sử nghiên cứu về "Văn hóa Hòa Bình”; những thành tựu mới trong nghiên cứu về "Văn hóa Hòa Bình” ở Việt Nam và trên thế giới; bảo tồn và phát huy di sản "Văn hóa Hòa Bình”. Trong đó có một số phát biểu tham luận quan trọng như: Madeleine Colani và nền Văn hóa Hòa Bình của TS. Ngô Thế Long, Viện Thông tin khoa học xã hội; Văn hóa Hòa Bình sau 90 năm xác lập và nghiên cứu: Những nhận thức mới và vấn đề của PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử, Hội Khảo cổ học Việt Nam;Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Biên tập Tạp chí Xưa và Nay tham luận về giá trị của nền Văn hóa Hòa Bình;PGS.TS Trình Năng Chung, Hội Khảo cổ học tham luận nội dung "Hang Phia Vài, một di tích Hòa Bình tiêu biểu ở miền núi Đông Bắc Việt Nam".
Phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức hội thảo khẳng định: Hội thảo 90 năm thế giới công nhận nền "Văn hóa Hòa Bình” là sự kiện khoa học có ý nghĩa hết sức quan trọng, dịp để các nhà nghiên cứu cùng trao đổi, tiếp cận, làm sáng tỏ thêm các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Từ đó, mở ra những góc nhìn mới về thời đại đồ đá. Sau thời gian làm việc khẩn trương, tích cực, hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao, Hội thảo 90 năm thế giới cộng nhận nền "Văn hóa Hòa Bình” đã hoàn thành tốt các nội dung, chương trình và mục tiêu đề ra. Sự thành công của hội thảo là động lực to lớn để tỉnh Hòa Bình tiếp tục đầu tư cho công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Văn hóa Hòa Bình, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH…