Các đại biểu tham dự hội nghị tại tỉnh Hòa Bình.
Sáng 6/12, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh truyền đạt Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022, Hội nghị T.Ư 6, khóa XIII về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”
Tại hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư truyền đạt Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022, Hội nghị T.Ư 6, khóa XIII về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”
Sau hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm (2011 - 2020), CNH - HĐH đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt bình quân 6,17%/năm; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh; cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực với tỉ trọng đóng góp vào GDP của công nghiệp và dịch vụ đạt 72,7% vào năm 2020, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Công nghiệp được cơ cấu lại theo hướng giảm tỉ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỉ trọng ngành côngnghiệp chế biến, chế tạo; đã hình thành được một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh và vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế. Ngành nông nghiệp tăng trưởng ổn định và bền vững, từng bước được cơ cấu lại theo hướng hiện đại. Đóng góp của ngành dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng; đã hình thành được một số ngành dịch vụ có hàm lượng khoa học, công nghệ cao. Phát triển văn hoá, xã hội, con người được quan tâm; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện.
Tuy nhiên, mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 không hoàn thành; tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm; có nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình…
Tại hội nghị, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế T.Ư đã phân tích 7 nhóm nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong 35 năm đổi mới.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nêu rõ: Đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của Nhân dân được nâng cao. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao. Trong đó một số chỉ tiêu cụ thể cần phải đạt như: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; tỉ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP; đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực Châu Á...
Để đạt được những mục tiêu này, cần tập trung vào 10 nhóm giải pháp. Trong đó: Cần tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước; xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy CNH-HĐH đất nước. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; nâng cao năng lực ngành xây dựng. Đẩy nhanh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hoá nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho CNH-HĐH. Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy CNH-HĐH. Đổi mới chính sách tài chính, tín dụng. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước. Phát huy giá trị văn hoá, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong CNH-HĐH. Đảo đảm tốt an sinh xã hội.
Đinh Thắng