Ngày 17/11 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh: "Coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt; chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”.
Dây chuyền hàn tự động bằng rô-bốt tại Nhà máy Thaco Mazda, Khu công nghiệp Thaco Chu Lai (Quảng Nam).
Nghị quyết cũng vạch ra những đường hướng cụ thể, giải pháp rất mới để tạo sự đột phá mạnh mẽ cho phát triển công nghiệp, hướng tới mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại. Nhóm phóng viên đã tiến hành khảo sát, tìm hiểu thực tế tại nhiều địa phương trên cả nước, nghiên cứu các mô hình, cách làm hay trong phát triển công nghiệp thời gian qua.
Bài 1: Hình thành các trọng điểm sản xuất công nghiệp lớn
Sau hơn 35 năm đổi mới và nhất là trong 10 năm trở lại đây, vận dụng linh hoạt các chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp của Trung ương, nắm bắt cơ hội từ quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều địa phương đã hình thành nền tảng công nghiệp khá vững chắc, trở thành những "cánh chim đầu đàn” của nền kinh tế. Một số tỉnh, thành phố có bước chuyển mình ngoạn mục, hình thành các trọng điểm sản xuất công nghiệp lớn trong khu vực, mang tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Tuy nhiên, những hạn chế, yếu kém nội tại trong liên kết vùng đang khiến nguồn lực phát triển công nghiệp bị căng mỏng và dàn trải, bộc lộ sự kém hiệu quả, làm giảm khả năng phát huy lợi thế của cả vùng và từng địa phương. Ngay ở một số địa phương đang là mũi nhọn về phát triển công nghiệp, cũng tiềm tàng những "vết nứt gãy” cần sớm được hàn gắn, khắc phục.
Ba địa phương, ba mô hình phát triển
Là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều tài nguyên khoáng sản; công nghiệp của Quảng Ninh có bề dày phát triển gắn với ngành khai thác, chế biến than. Trong nhiều năm qua, ngành than đem lại nguồn thu lớn, là điều kiện then chốt để Quảng Ninh giải quyết việc làm, chăm lo đời sống nhân dân. Tuy nhiên, quá trình tăng trưởng nhờ vào thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghiệp nặng lạc hậu ngày càng xung đột những ngành kinh tế khác. Xác định khoáng sản không vô tận, xu hướng phát triển công nghiệp bền vững cần tăng dần tỷ trọng của chế biến chế tạo, từ hơn 10 năm trước, tỉnh đã bắt đầu khởi động kế hoạch đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu” sang "xanh”.
Trong đó, xác định bước đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, tập trung thu hút mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư các công trình giao thông huyết mạch nối với cửa khẩu và các khu kinh tế, khu công nghiệp. Chỉ trong thời gian ngắn, hệ thống giao thông gồm sân bay, cảng biển, đường cao tốc,... đã được kết nối khá đồng bộ, hoàn chỉnh, mở ra cơ hội phát triển mới cho Quảng Ninh.
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Nguyễn Hoài Thương cho biết: "Sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU do Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã thu hút 14 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho năm lượt dự án công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư gần 33 nghìn tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn nước ngoài đạt hơn 1,1 tỷ USD”. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP của Quảng Ninh sau hai năm cũng đã tăng lên rõ rệt, dần tiến tới mục tiêu đề ra cho năm 2025 đạt tỷ lệ 15%; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 19%, cao hơn so với kế hoạch là 17%/năm.
Sản xuất điện thoại tại khu phức hợp Samsung Electronics Việt Nam, Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.(Ảnh XUÂN PHƯƠNG)
Không có bề dày truyền thống công nghiệp như Quảng Ninh, năm 1997 khi mới tái lập tỉnh, kinh tế Bắc Ninh chủ yếu là thuần nông. Nhận định phát triển công nghiệp là con đường rộng mở nhất để vươn lên, tranh thủ cơ hội của thời kỳ đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, cùng lợi thế là cửa ngõ phía đông bắc của Thủ đô, Bắc Ninh lựa chọn giải pháp đột phá là xây dựng các khu công nghiệp tập trung để thu hút doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI. Đến năm 2010, khi xuất hiện nhà máy sản xuất điện tử đầu tiên của Samsung, công nghiệp địa phương thay đổi nhanh chóng.
Chỉ ba năm sau, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt dấu mốc gần 700 nghìn tỷ đồng; năm 2017 tiếp tục cán mốc 1 triệu tỷ đồng và từ năm 2018, tỉnh chính thức đứng ở vị trí đầu bảng về quy mô sản xuất công nghiệp trên cả nước, đồng thời trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp điện tử lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đến hết năm 2021, quy mô công nghiệp của Bắc Ninh đã vượt qua "ngưỡng” 1,5 triệu tỷ đồng; gấp hơn 2.300 lần so năm 1997.
Công nghiệp luôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, là "đầu tàu” tăng trưởng của địa phương. Bắc Ninh dần trở thành công xưởng sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử của nhiều hãng lớn trên thế giới. Sức hấp dẫn về thu hút FDI vào tỉnh được chuyển từ lợi thế so sánh tĩnh sang lợi thế so sánh động rất rõ nét, sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục dựa trên các yếu tố mới về chất lượng dịch vụ và chuỗi cung ứng; sự tham gia của chính quyền địa phương trong các cam kết về trách nhiệm xã hội. Đây là quá trình hiện đại hóa nền kinh tế và thúc đẩy cải cách, nâng cao chất lượng quản trị địa phương.
Giống như Bắc Ninh, khi tái lập tỉnh năm 1997, Quảng Nam cũng là tỉnh thuần nông nghèo khó, chậm phát triển ở miền trung với tổng thu ngân sách khoảng 2.000 tỷ đồng. Quảng Nam cũng coi phát triển các khu, cụm công nghiệp trở thành động lực chính cho phát triển kinh tế và ngành công nghiệp, nhưng điểm khác biệt là ưu tiên "xây tổ” để nuôi dưỡng doanh nghiệp tư nhân đầu đàn.
Khởi điểm từ một công ty chuyên nhập khẩu xe cũ, cung cấp vật tư phụ tùng sửa chữa ô-tô có trụ sở tại Đồng Nai, Công ty ô-tô Trường Hải (Thaco) có bước ngoặt lịch sử khi quyết định đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp ô-tô tại Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) để giờ đây vươn lên thành một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành lớn nhất Việt Nam. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Trí Thanh cho biết: "Tại Chu Lai, Thaco Industries-đơn vị thành viên của Thaco Group đã mở rộng đầu tư 19 nhà máy, sản xuất và lắp ráp ô-tô cho nhiều thương hiệu lớn như Kia, Peugeot, Mazda,… Năm 2021, tổng thu ngân sách của Quảng Nam đạt gần 24 nghìn tỷ đồng (gấp hơn 100 lần so năm 1997); trong đó, riêng Thaco đóng góp hơn 15.600 tỷ đồng (khoảng 65%)”.
Tăng tính liên kết
Thời điểm hiện tại, cả Quảng Ninh, Bắc Ninh và Quảng Nam đều khẳng định vững chắc vị thế là "thủ phủ” sản xuất công nghiệp của cả nước, thậm chí có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới. Kinh nghiệm từ các địa phương này có thể được coi là những hình mẫu làm công nghiệp cần được nghiên cứu, nhân rộng. Tuy nhiên, dù sở hữu nền tảng công nghiệp khá vững chắc, dư địa phát triển còn nhiều, nhưng nền công nghiệp các địa phương này cũng đang tồn tại những hạn chế, cản trở việc tiếp tục khai mở năng lực tiềm tàng.
Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương Quảng Ninh) Nguyễn Minh Hà chia sẻ: Trải qua hàng trăm năm, ngành than đã "bám rễ” vào kinh tế-xã hội của địa phương cũng như ngấm cả vào tư duy, cách làm công nghiệp của người Quảng Ninh. Vì vậy, tái cơ cấu ngành công nghiệp, tìm hướng đi mới đòi hỏi sự quyết liệt của các cấp, ngành, người dân đồng lòng và cần cả một quá trình lâu dài, sự căn cơ cũng như bước đi hợp lý. Với Bắc Ninh, dù tận dụng tốt động lực tăng trưởng từ khối ngoại, nhưng hệ quả là kinh tế của tỉnh bị lệ thuộc quá lớn vào khu vực này. Năm 2021, khối ngoại chiếm tỷ trọng khoảng 66% trong GRDP của tỉnh.
Tuy nhiên, khu vực này chủ yếu là các ngành gia công, giá trị tăng thêm thấp và đang có xu hướng giảm khiến tốc độ tăng GRDP không tương xứng tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp. Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh tăng trưởng 10%, nhưng GRDP chỉ tăng 6,9%. Bên cạnh đó, mối liên kết giữa khối FDI và doanh nghiệp trên địa bàn còn lỏng lẻo, sức lan tỏa từ dòng vốn ngoại không mang lại hiệu quả cao để thúc đẩy khu vực kinh tế trong nước có tầm vóc tương xứng,…
Ở Quảng Nam, dù Thaco mở rộng hoạt động sản xuất khá nhanh, song vẫn chưa hình thành vai trò trụ cột, dẫn dắt các doanh nghiệp khác. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, tỉnh đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chủ trương xây dựng Trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ tại Khu kinh tế mở Chu Lai.
Trong đó, Thaco với vai trò doanh nghiệp dẫn dắt chuỗi giá trị sản xuất ô-tô sẽ tập trung phát triển mảng công nghiệp mũi nhọn, các công đoạn đơn giản hơn trong chuỗi sẽ dành cho các doanh nghiệp nhỏ hơn cùng tham gia. Doanh nghiệp nhỏ nếu có hệ thống nghiên cứu và phát triển (R&D), có đầu ra nhưng không đủ điều kiện sản xuất có thể thuê Thaco gia công sản phẩm. Mối liên kết này dần được mở rộng ra các địa phương khác, doanh nghiệp nhỏ sẽ được dẫn dắt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tổng Giám đốc Thaco Industries Đỗ Minh Tâm chia sẻ: Với kinh nghiệm và nền tảng công nghệ, quản trị, Thaco sẽ tiên phong tạo dựng hệ sinh thái về sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ thông qua việc liên kết, hợp tác, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cùng tham gia vào chuỗi sản xuất, đóng góp vào sự phát triển ngành công nghiệp Việt Nam.
Các chuyên gia khuyến nghị Quảng Nam cùng Đà Nẵng, Quảng Ngãi cần chú trọng hợp tác hình thành cụm liên kết công nghiệp quy mô lớn tại khu vực miền trung. Theo đó, luyện kim và công nghiệp vật liệu sẽ tập trung tại Quảng Ngãi để cung cấp nguyên vật liệu cho sản xuất ô-tô, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ của Quảng Nam; riêng Đà Nẵng với nhiều lợi thế đặc thù sẽ thích hợp để xây dựng trung tâm R&D sản phẩm mới. Cụm liên kết này nếu hình thành sẽ giúp các địa phương phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế sẵn có, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của cả vùng, tạo nên nguồn sức mạnh tổng hợp để cạnh tranh hiệu quả.
Nghị quyết 29-NQ/TW cũng nêu quan điểm: "Xây dựng các tiêu chí để phân cấp, phân quyền thu hút FDI giữa Trung ương và địa phương; coi trọng chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên các dự án đầu tư có công nghệ cao, bảo đảm tiêu chuẩn về môi trường, thu hút lao động có kỹ năng của các công ty đa quốc gia lớn gắn với yêu cầu phải chuyển giao tri thức, công nghệ và quản trị; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa”.
Bám theo định hướng này, các chuyên gia kinh tế nhận định, những dự án FDI trọng điểm thời gian tới sẽ phải do Trung ương chỉ định địa điểm và điều kiện đầu tư, kèm theo cam kết cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp FDI. Muốn vậy, sẽ buộc phải sửa đổi không ít văn bản pháp luật liên quan, kéo theo nhiều vướng víu, phức tạp giữa các quy định nhưng buộc phải làm sớm.
Nếu không, sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng các địa phương giống như những quốc gia thu nhỏ, "mạnh ai nấy làm”, ganh đua đầu tư, cạnh tranh phát triển công nghiệp nhưng vô hình trung lại triệt tiêu nhau. Điều quan trọng hơn cả, phải xóa bỏ bằng được "tư duy nhiệm kỳ” đang tồn tại thâm căn cố đế ở nhiều địa phương, bằng mọi giá thu hút dự án để lấy thành tích, sau đó bỏ mặc doanh nghiệp lơ lửng với đủ thứ chông gai bủa vây.
(Còn nữa)
Theo Báo Nhân Dân
(HBĐT) - Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch dự trữ nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Để chủ động nguồn nông sản, thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, ngành NN&PTNT tỉnh đã và đang khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa, ổn định thị trường.
(HBĐT) - Phía Bắc huyện Lạc Thủy được xác định là vùng động lực kinh tế của tỉnh. Do vậy, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp (CCN) được cấp ủy, chính quyền huyện chú trọng thực hiện. Từ đó, các CCN từng bước được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hút nhà đầu tư (NĐT) xây dựng nhà máy hoạt động.
(HBĐT) - Là địa phương có nhiều tiềm năng về đất đai và nguồn lao động, những năm qua, huyện Lạc Thuỷ đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt được nhiều kết quả. Qua đó góp phần đổi mới sản xuất, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, tăng cường liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển KT-XH.
(HBĐT) - Dự án tuyến cáp treo Hương Bình tại xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) do Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định chủ trương đầu tư số 72/QĐ-UBND, ngày 18/11/2016 và được điều chỉnh tại Quyết định số 76/QĐ-UBND, ngày 14/12/2018 với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 2,965 km (địa phận Hoà Bình 1,486 km; địa phận Hà Nội 1,479 km).
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU vẫn ghi nhận sự tăng trưởng liên tục ở cả góc độ xuất khẩu và nhập khẩu.
Tết Nguyên đán năm nay rất gần Tết Dương lịch, chỉ cách nhau 20 ngày cho nên công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết đã được tích cực triển khai từ sớm.