Với diện tích rừng tự nhiên lớn, độ che phủ rừng cao, tỉnh Hòa Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế rừng. Đây cũng là hướng đi phù hợp nhằm tạo lập nền kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường.


Hiện nay trên địa bàn huyện Lạc Thủy có nhiều xưởng sơ chế gỗ từ keo lai góp phần nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng. (Ảnh tại xã An Bình). 


Lực lượng kiểm lâm tỉnh và huyện Cao Phong 
kiểm tra diện tích rừng tại xã Thạch Yên nhằm bảo vệ, phát triển rừng. 

Bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ chiến lược

Với tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh trên 51%, rừng không chỉ đóng vai trò là "lá phổi” mà còn giữ vai trò to lớn về môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, phòng, chống lũ lụt, đảm bảo an toàn cho đồng bằng Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội. Đây vừa là thách thức, đồng thời vừa tạo điều kiện thuận lợi, lợi thế lớn cho phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nhanh và bền vững của tỉnh. 

Xác định điều đó, trong những năm qua, bảo vệ và phát triển rừng (PTR) bền vững được các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ chiến lược. Để bảo vệ và PTR, Hòa Bình đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương. Trong đó, đối với các xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, tỉnh đã triển khai thực hiện Quyết định số 523/QĐ-TTg, ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 84/NQ-CP, ngày 5/8/2021 của Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 809/QĐ-TTg, ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg, ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, PTR và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với công ty nông, lâm nghiệp, trong đó: mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng 300.000 đồng/ha/năm; trồng rừng phòng hộ, đặc dụng mức hỗ trợ 30 triệu đồng/ha; hỗ trợ trồng rừng cây sản xuất gỗ lớn (khai thác sau 10 năm tuổi) 8 triệu đồng/ha, cây sản xuất gỗ nhỏ 5 triệu đồng/ha. 

Đối với các xã khu vực II, khu vực III: thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I, từ năm 2021 - 2025; Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và PTR gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020, trong đó: mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng 400.000 đồng/ha/năm; trồng rừng phòng hộ, đặc dụng theo hồ sơ thiết kế, dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ 5 - 10 triệu đồng/ha; khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung với mức hỗ trợ tối đa không quá 1.600.000 đồng/ha/năm trong 3 năm đầu và 600.000 đồng/ha/năm cho 3 năm tiếp theo. 

Tỉnh cũng thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH. Nhờ có tiền DVMTR, người nhận khoán bảo vệ, PTR có thêm nguồn thu cải thiện cuộc sống; đơn vị chủ rừng và quản lý rừng có nguồn tái đầu tư cho PTR, phát triển hạ tầng. Hiện nay tổng diện tích rừng được chi trả DVMTR toàn tỉnh là 116.037 ha; năm 2023 chi trả 21,514 tỷ đồng.
Đặc biệt, để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng sản xuất, hiện tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Dự án bảo vệ và PTR tỉnh Hòa Bình với tổng mức đầu tư 127,6 tỷ đồng, gồm các hạng mục hỗ trợ như: trồng rừng sản xuất, cây giống chất lượng cao, phát triển lâm sản và trồng cây phân tán.

Đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Với việc triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tỉnh cơ bản bảo vệ và giữ vững diện tích rừng tự nhiên, gia tăng diện tích rừng trồng. Diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp hiện là 294.183,58 ha, trong đó, diện tích có rừng 236.919,25 ha (rừng tự nhiên 141.614,03, rừng trồng 95.305,22). Tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt 51,61%. Diện tích rừng phân bố trên 149 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thành phố của tỉnh. Diện tích rừng được bảo vệ và giữ vững đã tạo đà phát triển kinh tế rừng hiệu quả. 

Để người dân yên tâm sống được nhờ rừng  

Thạch Yên là xã vùng cao của huyện Cao Phong, kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đời sống của nhiều hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn được cải thiện thông qua dự án "Trồng rừng gỗ lớn cho mục đích hấp thụ CO2 và giúp tăng thu nhập cho nông dân” do ngành kiểm lâm và Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện, từ quỹ hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch. Trong hơn 2 năm triển khai dự án (từ năm 2021 đến nay), các hộ trên địa bàn xã đã trồng được hơn 195 nghìn cây xanh, tương đương khoảng 100 ha. Anh Quách Văn Hướng, hộ dân được hưởng lợi từ dự án chia sẻ: Khi tham gia dự án chúng tôi được hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật trồng rừng. Rừng được trồng từ năm 2021, đến nay cây sinh trưởng, phát triển tốt, vừa bảo vệ môi trường, trong tương lai giúp chúng tôi có thêm thu nhập từ những lô rừng trồng. 

Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã coi kinh tế rừng là một trong những hướng đi chính nhằm phát triển kinh tế một cách bền vững. Để hỗ trợ các hộ dân, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp mang tính chiến lược nhằm phát huy tối đa giá trị kinh tế rừng. Mới đây, tỉnh ban hành Kế hoạch số 288/KH-UBND, ngày 23/4/2024 về triển khai thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg, ngày 29/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ chính như phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ. Đẩy mạnh công tác phát triển rừng để hình thành các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung; ưu tiên PTR gỗ lớn, chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn. Phát triển công nghệ chế biến tinh, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ; tận dụng phế phụ phẩm trong chế biến gỗ để sản xuất các sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng. Phát triển các cơ sở, nhà máy chế biến sản phẩm hàng hóa thương mại gắn kết với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung theo chuỗi giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường trong nước, quốc tế; đa dạng hóa sản phẩm; xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm ngành nghề thủ công mỹ nghệ gắn với nguyên liệu từ rừng, xây dựng các sản phẩm OCOP về dược liệu, sản phẩm phù hợp với nét đặc trưng về bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển các hình thức nông, lâm, ngư kết hợp. Phát triển, mở rộng phạm vi DVMTR, tiếp cận thị trường các bon rừng quốc tế. Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Hỗ trợ, thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng nhằm gia tăng giá trị rừng trồng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu... 

"Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 16.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng FSC. Theo Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 30/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, đến năm 2025: 50% diện tích rừng sản xuất là rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC); đến năm 2030: trên 80% diện tích rừng trồng trong quy hoạch rừng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Để đạt được mục tiêu Nghị quyết số 27-NQ/TU, tỉnh xác định đẩy mạnh tuyên truyền quy định của Nhà nước đối với công tác xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, đánh giá cấp và duy trì chứng chỉ rừng đến mọi chủ rừng; thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực về kinh tế, kỹ thuật liên doanh, liên kết với các chủ rừng để cấp chứng chỉ rừng", đồng chí Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết thêm. 

Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng  theo hướng bền vững 

Hiện nay, cũng như nhiều tỉnh trong khu vực, Hòa Bình đang chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế từ "nâu" sang "xanh". Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: Phát triển kinh tế tỉnh Hòa Bình gắn với chú trọng bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. 

Phát huy hiệu quả kinh tế rừng bền vững trong thời gian tới, ngành kiểm lâm đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục rà soát, kiến nghị bổ sung các quy định, hướng dẫn về quản lý, bảo tồn, khai thác, sử dụng và phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu trong tự nhiên theo hướng bền vững; các quy định về nuôi trồng, phát triển các loài cây trồng, vật nuôi trong môi trường rừng theo mô hình nông, lâm kết hợp; chính sách về đồng quản lý, chia sẻ lợi ích với người dân địa phương về sử dụng tri thức bản địa để phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu và chia sẻ lợi ích từ khai thác tài nguyên thiên nhiên, môi trường rừng; hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong các loại rừng; chính sách về chi trả DVMTR, bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi các hệ sinh thái rừng; tập trung vào dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh. Đề xuất chính sách về hỗ trợ phát triển rừng trồng gỗ lớn, hỗ trợ trồng rừng sản xuất; hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình trồng rừng xen canh cây ngắn ngày tạo sinh kế bền vững, giúp người dân có thu nhập ổn định trong thời gian trồng rừng gỗ lớn. Hỗ trợ kinh phí cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đối với rừng trồng gỗ lớn, để nâng cao giá trị gia tăng và tiếp cận được với thị trường thế giới.

Xây dựng chuỗi giá trị rừng từ trồng, khai thác, chế biến và xuất khẩu. Xúc tiến nhà đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu cho các nhà máy trên cơ sở các diện tích đã được đưa vào dự án để thực hiện việc liên doanh, liên kết trong trồng rừng, thu mua lâm sản. Đẩy mạnh việc thành lập các hợp tác xã lâm nghiệp để thực hiện việc liên doanh, liên kết các hộ gia đình, cá nhân phát triển vùng nguyên liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện quản lý rừng bền vững.

Tiếp tục cải tạo nâng cao chất lượng, hiệu quả giống cây trồng lâm nghiệp; tăng cường ứng dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất để rút ngắn chu kỳ kinh doanh, nâng cao hiệu quả công tác trồng rừng. Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, hạn chế chủ rừng mua phải giống không rõ nguồn gốc, chất lượng giống kém.

Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm phát huy tối đa các giá trị của hệ sinh thái rừng, trong đó, tập trung ưu tiên các hoạt động nghiên cứu hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh nhằm tăng năng suất, chất lượng rừng trồng, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, chuyển hóa sang rừng trồng gỗ lớn; nghiên cứu phát triển các loài cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, gắn với tri thức bản địa của cộng đồng địa phương; nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong quản lý cơ sở dữ liệu, cấp mã số vùng trồng, truy xuất, xác định nguồn gốc, chế biến và bảo quản lâm sản hợp pháp nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống hướng dẫn kỹ thuật, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về nuôi trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến và bảo quản lâm sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các mô hình nuôi trồng, mô hình lâm sản ngoài gỗ, dược liệu.  


Xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn FSC 

Nguyễn Đăng Thịnh
Phó Giám đốc Công ty cổ phần BVN Hoà Bình

Hoà Bình có tiềm năng rất lớn về kinh tế rừng, Công ty cổ phần BVN Hoà Bình đã quyết định đầu tư dự án Nhà máy sản xuất viên gỗ nén và các sản phẩm khác từ gỗ tại Lạc Sơn. Việc trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC (chứng chỉ quản lý rừng bền vững) là yếu tố quan trọng góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng cho cộng đồng địa phương và toàn xã hội, đồng thời là cơ hội để khẳng định giá trị thương hiệu các sản phẩm lâm sản trên thị trường quốc tế.

Công ty đã liên kết với người dân trên địa bàn trồng rừng và hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho 131 nhóm hộ với 4.414 thành viên, diện tích trên 6 nghìn ha và đang hỗ trợ hoàn thiện các tiêu chí về chứng chỉ FSC cho 92 nhóm hộ tại huyện Tân Lạc với diện tích trên 5 nghìn ha, 150 nhóm hộ cấp xóm tại huyện Đà Bắc với diện tích trên 8.000 ha. Khi có chứng chỉ FSC sẽ tạo điều kiện giúp các chủ rừng cải thiện phương thức quản lý rừng trồng bền vững, cải thiện sinh kế cho nông dân. 


Trồng rừng gỗ lớn để nâng cao hiệu quả kinh tế

Nguyễn Đức Hân
Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thuỷ

Nhiều năm nay, xã Đồng Tâm đã định hướng người dân trồng keo lai theo hướng thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và trồng rừng, phát triển rừng gỗ lớn. Để nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng, xã vận động người dân kéo dài chu kỳ sản xuất trung bình từ 5 - 6 năm lên chu kỳ 8 - 10 năm để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài ra, trong huyện có nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm từ gỗ, và với việc đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy đã thuận tiện cho vận chuyển, giá trị từ gỗ sơ chế tăng lên, người dân yên tâm phát triển kinh tế rừng. Hiện xã có 1.147 ha rừng sản xuất, kinh tế rừng đóng góp tỷ trọng tương đối lớn trong cơ cấu kinh tế của xã.


Phương Linh

Các tin khác


Số thu ngân sách từ xuất nhập khẩu tăng 11,3%

Số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) từ xuất nhập khẩu tháng 5/2024 đạt 38.940 tỷ đồng, tăng 11,3% so với tháng trước. Trong 5 tháng đầu năm, số thu NSNN từ xuất nhập khẩu đạt 165.696 tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán được giao, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trao văn bằng bảo hộ và chứng nhận nhãn hiệu Gà đen Pà Cò - Hang Kia cho huyện Mai Châu

Ngày 7/6, tại xã Pà Cò, UBND huyện Mai Châu tổ chức lễ công bố, trao văn bằng bảo hộ và chứng nhận nhãn hiệu "Gà đen Pà Cò - Hang Kia” cho sản phẩm gà của huyện Mai Châu.

Trao quyết định quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cơm lam Mường Động”

Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp UBND huyện Kim Bôi vừa tổ chức Hội nghị công bố và trao quyết định quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận "Cơm lam Mường Động" dùng cho sản phẩm Cơm lam của huyện Kim Bôi.

Ngăn chặn “kẻ thù” của nghề nuôi lợn: Bài 2 - An toàn sinh học, "lá chắn” trước dịch bệnh

Đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi là "lá chắn” quan trọng nhất để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xâm nhiễm. Còn khi đã bùng phát dịch thì sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, cũng như ý thức chống dịch của người chăn nuôi là giải pháp căn cơ để khống chế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Khởi sắc xã vùng cao Độc Lập

Độc Lập là xã đặc biệt khó khăn của TP Hòa Bình, trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2015, thu nhập bình quân của người dân mới đạt 12 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 22%. Tuy nhiên, đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đã tăng lên 42 triệu đồng; dự kiến 6 tháng đầu năm 2024 đạt 25 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 5%, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt.

Giá xăng giảm tiếp hơn 600 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 6/6.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục