Đường lên vùng cao  Bắc Sơn (Tân Lạc).

Đường lên vùng cao Bắc Sơn (Tân Lạc).

(HBĐT) - Dẫu mới đặt chân tới đất Mường Bi (Tân Lạc) chừng mươi lần, mục đích của mỗi chuyến đi khác nhau và thường chỉ lưu lại đó một ngày trọn vẹn nhưng đất và người nơi đây đã vun đắp cho tôi những cảm xúc đẹp. Từ “yêu”, đến “tin”, tôi tin rằng ở dải đất Mường Bi luôn có một làn gió thoảng mong manh hơn dải lụa mềm nhưng mang theo những điều kỳ diệu là cốt cách văn hóa, nét đặc trưng của người Mường Bi thổi tràn từ nơi này đến nơi khác, đời này qua đời khác và cho đến hôm nay.

 

Trong mỗi chuyến đi, tôi khám phá Mường Bi ở nhiều góc cạnh khác nhau và trong bức tranh tổng thể về kinh tế, văn hóa, xã hội ở nơi đây ngày càng có thêm nhiều chấm sáng đáng tự hào. Cứ ngỡ người dân Mường Bi giữ tập quán canh tác “tự cấp, tự túc” nhưng trong khi ở nơi khác còn loay với việc trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với đất đai và đáp ứng nhu cầu thị trường thì Tân Lạc đã tạo dấu ấn với mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo cung cấp ra thị trường. Hai năm trở lại đây, ngành nông nghiệp huyện đã đón không biết bao nhiêu đoàn khách đến thăm quan, học tập kinh nghiệm mô hình trồng bưởi đỏ, bưởi da xanh ở Thanh Hối, Gia Mô và trồng mướp đắng, bí đỏ lấy hạt ở một số xã khác. Qua một năm lao động vất vả ai cũng muốn dành cho mình phút nghỉ ngơi, thư giãn, tạm gác lại những thú vui hiện đại, người dân tìm đến với lễ hội Khai hạ, lễ hội “Bắt cá suối Lỗ Sơn”. Được khôi phục bài bản, chính thống có sự đầu tư kỹ lưỡng, mấy năm gần đây, những lễ hội ấy đã vượt ra ngoài khuôn khổ, không gian của Mường Bi, thu hút đông đảo du khách từ huyện bạn, tỉnh bạn đến thăm quan, du lịch. Điều đáng nói là trong những cuộc vui mang đậm bản sắc văn hóa cộng đồng này, người dân đã chia sẻ cho nhau niềm vui, tình thân ái để tiếp thêm nguồn năng lượng khởi đầu cho một năm mới tốt đẹp. Quan tâm, theo dõi tiến trình phát triển văn hóa, giáo dục của Mường Bi, tôi đã không bỏ sót nguồn thông tin: đầu tháng 12/2014, CLB Sao Khuê phối hợp với Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức tỉnh đã tổ chức trao Bảng vàng vinh danh gia đình tiến sỹ, thạc sỹ điển hình cho gia đình ông Quách Vũ Sơn - bà Bùi Thị Phúc ở tiểu khu 7, thị trấn Mường Khến. Đây là gia đình đầu tiên của tỉnh được vinh danh với danh hiệu này.

 

Tôi đem câu hỏi: Mường Bi xưa và và nay có gì giống và có gì khác, những con người mới của Mường Bi đã làm gì để giữ câu ca xưa “nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động” để tỏ bày với ông Bùi Đình Báu, nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Tân Lạc, nay là Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện và nhận được câu trả lời: Dẫu rằng cho đến nay cách hiểu về cụm từ nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động vẫn chưa rõ ràng, cụ thể, nhưng phàm là những người con được sinh ra và lớn lên ở đất Mường Bi đều lấy câu ca đó là niềm tự hào. Bởi vậy, họ luôn có ý thức xây dựng, bảo vệ nền tảng, cốt cách văn hóa đặc trưng của người Mường Bi. Điều không thể phủ nhận là những tôn ti, phép tắc kính trên, nhường dưới, hiếu thuận với cha mẹ, ông bà, tinh thần đoàn kết cộng đồng đã được lưu giữ từ thời kỳ phong kiến (dưới ách cai trị của lang đạo) cho đến nay và đó chính là sợi chỉ xuyên suốt nối Mường Bi xưa và nay. Là người sống qua hai thế hệ, ông Báu bày tỏ cảm nhận của mình: Đúng là Mường Bi xưa có những nét đặc trưng mà thế hệ như chúng tôi luôn hết sức tự hào, nhưng nếu đem so sánh thì sự hài lòng vẫn sẽ thuộc về Mường Bi của hôm nay. Bởi, bộ mặt KT -XH ngày càng phát triển, người dân làm chủ được bản thân, tự chịu trách nhiệm với công việc mình làm trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật. Mỗi con người trong xã hội đều được sống tự do, bình đẳng, đặc biệt là trẻ em được sống theo đúng lời răn của Bác Hồ “Trẻ em như búp trên cành /Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan” chứ không phải lo chăn trâu, cắt cỏ, đi ở đợ cho nhà lang để trả nghĩa cho cha mẹ như thế hệ của chúng tôi trở về trước.

 

Tuổi cao, sức yếu được nghỉ chế độ theo quy định của Nhà nước, hiện tại giữ vai trò là Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện, ông Báu vẫn luôn luôn sâu sát với tình hình KT -XH, QP-AN của huyện. Lướt qua những chỉ tiêu cụ thể mà UBND huyện Tân Lạc đã đề ra để phấn đấu thực hiện trong năm 2015: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,8%; thu nhập bình quân đạt 25, 9 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14%;  hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa đạt 77%; tỷ lệ hộ dùng điện là 99%; tỷ lệ hộ xem truyền hình 96%; có 4, 4 bác sừ/vạn dân; đến hết năm 2015 có 21 trường học đạt chuẩn quốc gia... ông Báu bày tỏ sự hài lòng: Mường Bi đang trên đà đổi mới và phát triển! Gió Mường Bi vẫn thổi, mang theo sức sống từ ngàn xưa để góp nhặt những tinh hoa, trang điểm thêm cho Mường Bi của ngày hôm nay thêm phần xuân sắc.

           

 

                                                                            Thúy Hằng

 

 

Các tin khác

Thi đấu môn đẩy gậy tại lễ khai mùa Mường Thàng.
Đông đảo người dân thành phố Hòa Bình xem bắn pháo hoa trên cầu Hòa Bình trong đêm giao thừa.
Không có hình ảnh
Đám rước hội làng trong lễ hội Khai hạ Mường Bi.

Hương vị quê nhà

(HBĐT) - Cô bạn tôi là người Hà Nội gốc, dịp Tết năm ngoái cô cùng theo một người bạn du xuân lên Hoà Bình được vào chơi nhà một người quen trong bản, bữa đó, được thưởng thức các món ăn truyền thống của người bản xứ đã tạo cho cô một ấn tượng khó quên về những hương vị độc đáo của ẩm thực đất Mường. Những ngày cận Tết năm nay, chưa đợi đến chúng tôi mời gọi cô đã “a lô” hẹn hò: Tết này tớ lên, lại đưa tớ đi thưởng thức đặc sản dân tộc nhé!

Khai hội Chùa Tiên năm 2015

(HBĐT) - Ngày 22/2 (tức ngày mùng 4 Tết), huyện Lạc Thủy đã tổ chức lễ khai hội chùa Tiên, xã Phú Lão năm 2015. Tới dự có đồng chí: Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Bùi Văn Cửu, Nguyễn Văn Chương.

Tết Việt trong tâm hồn người xa xứ

(HBĐT) - Khi những ngày Tết cổ truyền đã cận kề, nghĩ về không khí ấm áp, sum vầy ở mỗi gia đình tôi chợt thấy tò mò: không hiểu những người con của đất Việt khi xa xứ họ có nhớ về ngày Tết cổ truyền của dân tộc? Họ đón Tết như thế nào? ý nghĩ ấy làm tôi liên tưởng đến câu thơ chứa đựng nhiều cảm xúc và chân lý của nhà thơ Chế Lan Viên “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” và một câu nói vẫn thường nghe “là người con của đất Việt, dù đi đâu, về đâu vẫn hướng về quê mẹ”... và tôi đã tự tìm cho mình được câu trả lời.

Xuân sớm bản Mông

(HBĐT) - Cứ độ hoa mơ, hoa mận nở trắng rừng, sương núi giăng đầy khắp bản cũng là lúc xuân về trên các bản Mông. Bà con người Mông ở 2 xã Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu) thường đón Tết sớm hơn dưới xuôi độ một tháng. Gác công việc bận rộn thường ngày ngược Thung Khe lên Pà Cò để đón Tết là thú vui của nhiều người.

Phong tục nhuộm răng đen của phụ nữ dân tộc

(HBĐT) - Trong cái nắng hanh hao cuối năm, trong tiếng cười nói rộn ràng những ngày giáp Tết, chúng tôi đã có mặt tại chợ vùng cao Mường Chiềng (Đà Bắc). Chợ vùng cao là phiên chợ màu sắc sặc sỡ của khăn áo, màu tươi ngon của thực phẩm, màu ửng hồng trên đôi má những bé thơ và màu đen nhánh của nụ cười các bà, các mẹ vui mừng gặp nhau ngày chợ.

Tết Mường xưa -một ký ức còn hiện hữu

(HBĐT) - Đối với người Mường, Tết Nguyên đán là cái Tết quan trọng nhất, to nhất trong năm. Có một điều đặc biệt, trong Tết, mọi người dân được nói lên ý kiến của mình về việc Mường, kể cả những ý kiến chỉ trích nhà lang. Đặc biệt hơn, khi trong một xã hội cổ truyền có tính đẳng cấp nghiêm ngặt nhưng trong những ngày Tết, người dân có quyền ép rượu nhà lang và không bị coi là phạm thượng. Đó những điều mà không phải ai cũng biết. Điều đó chỉ còn tồn tại ở những miền ký ức không còn hiện hữu và chỉ được khơi gợi lại bên bếp lửa bập bùng...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục