Đám rước hội làng trong lễ hội Khai hạ Mường Bi.
(HBĐT) - Khi đất trời còn nồng nàn hương vị Tết, sắc xuân còn vương trên mỗi nếp nhà, từng ngõ xóm thì làng trên, xóm dưới lại náo nức trong không khí của hội làng.
“Mùa xuân sang đợi anh và/Về hội đu cầu mùa Mường Vôi /Mùa xuân sang đợi anh về /Về hội đu cầu duyên Mường Vôi...”. Câu ca của nhạc sỹ Huy Tâm đưa chúng tôi về với hội đu Mường Vôi được tổ chức trong những ngày đầu xuân tại xã Liên Vũ (Lạc Sơn). Lễ hội được bắt đầu bằng lễ dâng hương thành hoàng làng nhằm tạ ơn người đã có công khai khẩn đất hoang, lập nên Mường, nên xóm và cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng sinh sôi, làm ăn phát đạt, nhà nhà yên vui, bản Mường no ấm. Ngay từ sáng sớm, các vị chức sắc, già làng chuẩn bị lễ dâng hương. Đoàn sắc bùa gồm các chị em phụ nữ mặc áo dài thụng vừa đi vừa đánh chiêng, theo sau là 3 cô gái bưng lễ cùng những người cao tuổi tiến về phía thờ thành hoàng làng. Thay mặt cho dân làng, ông mo mặc áo thụng, đầu đội mũ tai én thắp hương, ông trưởng chòm phụ lễ, 2 cụ ông, cụ bà đại diện dân làng Vôi kính cẩn làm lễ dâng rượu thành hoàng và mời đức thành hoàng về hưởng lễ, chứng giám. Theo các cụ cao niên trong làng, 2 ông thành hoàng là hai anh em họ Bùi - người đã có công chuyển bà con tới nơi ở mới, hướng dẫn bà con đắp hồ Đồng Rược, đưa nước từ Khụ Rác về cánh đồng Thung Búng để gieo hạt lúa, trồng cây ngô, khoai... thoát đói nghèo... Cái ăn đã đủ, thấy đời sống tinh thần của người Mường còn thiếu quá, hai ông bèn nghĩ ra trò chụng đu rồi dạy bà con vui chơi vào những dịp lễ tết, nông nhàn. Từ đó trở đi, lễ hội chụng đu đã trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt tinh thần của bản làng. Ngày nay, phần hội chụng đu không chỉ có thi đánh đu mà còn nhiều trò chơi khác. Đặc biệt, trong lễ hội đu Vôi còn có những nghệ nhân hát đúm, rằng thường để cổ vũ khích lệ ngày hội và chúc mọi người, mọi nhà có một mùa xuân mới an lành, no đủ.
Khi không khí mùa xuân tràn về nhân dân làng Vai, xã Thanh Nông (Lạc Thủy) náo nức, hòa mình vào không khí ấm áp của ngày hội làng truyền thống. Hội được tổ chức tại đình và đền làng Vai là dịp để nhân dân tỏ lòng thành kính và nhớ ơn Tam vị Tản Viên Sơn và Cảnh Tiên Công chúa, cảm ơn các vị thần linh đã phù hộ cho họ một năm yên bình, ấm no, hạnh phúc. Trong phần lễ, dân làng tổ chức rước sắc về đình thờ. Đi đầu là kiệu đặt bài vị của thần thành hoàng làng, đi sau là kiệu hoa quả, xôi, gạo, bánh chưng... Đi sau cỗ kiệu có tàn lọng, đao, mũ, bia rất long trọng. Đi trước kiệu có đội múa sinh tiền, rồng bay, phượng múa, có gươm trùng, bát bửu, bát tiên hai hàng uy nghi. Sau khi rước sắc về đình thờ, dân làng lại tổ chức rước cỗ (gọi là cỗ đốn) của các gia đình có cụ cao tuổi hoặc những người có chức sắc trong xóm đến đình thờ và tổ chức thi cỗ. Trong buổi lễ, ông lang (ông từ) làm chủ tế. Sau buổi lễ trưởng thôn đọc hương ước của làng để nhân dân nghe và thực hiện trong năm mới. Phần hội với các hoạt động vui hội được diễn ra ở sân nhà văn hóa của làng nằm phía sau đình. Các trò chơi dân gian thu hút đông đảo nhân dân xem, cổ vũ, tạo không khí sôi động, phấn khởi bước vào năm mới với niềm tin tưởng xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Hội làng có thể nói hấp dẫn với tất cả mọi người, từ phần lễ với những nghi lễ tâm linh độc đáo như nghi thức tế lễ, lễ rước, dâng hương được tổ chức trong một không gian thiêng, thực hiện nghiêm cẩn, thành kính, không khí vừa huyền hoặc, vừa thâm nghiêm. Phần hội với các trò chơi dân gian không thể thiếu như đánh đu, kéo co, chọi gà, đánh mảng..., thể hiện tài năng, sự khéo léo của con người. Những năm gần đây, đời sống vật chất của người dân ngày càng được cải thiện, đời sống tinh thần cũng được nâng cao, nhiều lễ hội ở các làng quê được phục hồi, nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp được khơi dậy, phát huy, góp phần vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Sự ấm áp trong những ngày hội làng, giá trị nhân văn từ hội làng chính là bài học lịch sử thực tế cho thế hệ trẻ về truyền thống dân tộc, giáo dục con cháu nhớ về quê hương, nguồn cội, nhân thêm niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
Hà Thu
(HBĐT) - Trong cái nắng hanh hao cuối năm, trong tiếng cười nói rộn ràng những ngày giáp Tết, chúng tôi đã có mặt tại chợ vùng cao Mường Chiềng (Đà Bắc). Chợ vùng cao là phiên chợ màu sắc sặc sỡ của khăn áo, màu tươi ngon của thực phẩm, màu ửng hồng trên đôi má những bé thơ và màu đen nhánh của nụ cười các bà, các mẹ vui mừng gặp nhau ngày chợ.
(HBĐT) - Đối với người Mường, Tết Nguyên đán là cái Tết quan trọng nhất, to nhất trong năm. Có một điều đặc biệt, trong Tết, mọi người dân được nói lên ý kiến của mình về việc Mường, kể cả những ý kiến chỉ trích nhà lang. Đặc biệt hơn, khi trong một xã hội cổ truyền có tính đẳng cấp nghiêm ngặt nhưng trong những ngày Tết, người dân có quyền ép rượu nhà lang và không bị coi là phạm thượng. Đó những điều mà không phải ai cũng biết. Điều đó chỉ còn tồn tại ở những miền ký ức không còn hiện hữu và chỉ được khơi gợi lại bên bếp lửa bập bùng...
(HBĐT) - Những ngày cuối năm, cùng với bao bận rộn chuẩn bị đón Tết, xóm trên, bản dưới ở xã vùng cao Tự Do, huyện Lạc Sơn lại rộn ràng với các tiết mục văn nghệ cho hội xuân hàng năm ở xóm Kháy...
(HBĐT) - Thú thực, tôi không rành lắm về âm nhạc. Với âm nhạc dân tộc thì lại càng không. Vậy mà lạ, tiếng khèn bè réo rắt của ông Khà Văn Ư, xóm Nà Phòn, xã Nà Phòn (Mai Châu) như một chất men say. Cứ dìu dặt, thiết tha đưa hồn người phiêu lãng với núi, với rừng trong màn sương chiều bảng lảng.
(HBĐT) - “Chơi chim - thú chơi bậc quân vương giờ đã thành trào lưu, thu hút ngày càng đông đảo người dân trong tỉnh. Dân chơi chim, miệt mài theo đuổi dáng hình chim. Đâu có chim hay, chim tốt tìm đến bằng được, chí ít là để ngắm, để nhìn. Một ngày không thấy chim, nghe chim hót trống trải vô cùng. Chim ốm, người ốm, chim bỏ ăn, lông chim sơ xác mà đau lòng. Chọi chim thắng lòng lâng lâng sảng khoái cả tháng trời. Thua - chim mình kém chim bạn, nhìn chim tổn thương mà day dứt khôn nguôi, những mong ngày rèn luyện phục thù. Chơi chim tính cách phải có chút lãng tử, hào hoa, tinh tế, biết thẩm trà, thẩm rượu, biết chút thơ ca, đem tình yêu thương chăm chút cho chim. Người cục mịch, không vượng khí, bon chen, toan tính thiệt hơn, chắc hẳn chim chẳng ưa. Cố gắng, nuôi mãi, vực mãi chim chẳng lớn, hót chẳng thanh, lông chẳng bóng, không quyến rũ được chim cái và hiển nhiên đừng có mơ tới chim đẹp, chim hay. Chơi chim tốn tiền, tốn của, tốn thời gian không phải ai cũng theo được nên nhiều người thích, yêu, chỉ đến thấy chim thôi”.
(HBĐT) - Tối 18/2 (tức 30 Tết), tại Cung văn hóa tỉnh, Sở VH, TT&DL phối hợp với Công an tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình tổ chức Chương trình Nghệ thuật Sắc xuân 2015.