Đông đảo người dân thành phố Hòa Bình xem bắn pháo hoa trên cầu Hòa Bình trong đêm giao thừa.
(HBĐT) - Cùng với cả nước, mùa xuân đã hiện hữu trên từng con phố, trong mỗi nhà và mọi người dân Hòa Bình. Xuân sang mang theo hơi ấm của tình người, lòng người cởi mở chào đón một năm mới an lành và may mắn. Với việc được nghỉ Tết sớm từ ngày 27 âm lịch, công việc chuẩn bị Tết không còn hối hả, tất bật như mọi năm. Trên những tuyến đường trang hoàng rực rỡ cờ hoa, không còn những dòng người vội vã, hối hả ngày cuối năm mà có cảm giác người đi sắm Tết cũng là đi chơi Tết, ngắm Tết. Thời tiết cũng chiều lòng người, trong cả kỳ nghỉ Tết, nắng ấm chan hòa càng làm bừng lên cảnh sắc và những gương mặt rạng rỡ du xuân.
Ước vọng về một năm mới may mắn, thành phố Hòa Bình và tất cả các huyện trong tỉnh đều tổ chức giao lưu văn nghệ đêm giao thừa và bắn pháo hoa chào đón năm mới tạo không khí phấn khởi cho bà con vui xuân, đón Tết. Tại thành phố Hòa Bình, sau khi thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc trong chương trình giao lưu nghệ thuật chào xuân 2015 do những nghệ sỹ của Đoàn nghệ thuật tỉnh phối hợp với các chiến sỹ Công an tỉnh và CB, CC thành phố Hòa Bình biểu diễn, dòng người tập trung hai bên bờ sông Đà cùng nhau đón chờ khoảnh khắc giao thừa với những bông pháo hoa bừng sáng trên bầu trời. Đúng thời khắc giao thừa, nét hân hoan hiện rõ trên từng gương mặt người dân đi chơi Tết. Hàng nghìn người có mặt tại những điểm bắn pháo hoa để chờ đợi giờ phút chuyển giao năm cũ và năm mới. Hòa mình vào không khí đón xuân mới thấy niềm hân hoan và sự phấn khởi vui tươi đang lan tỏa khắp nơi. Cùng với muôn sắc của đèn, hoa trên các đường phố, hai màu đỏ - vàng của quốc kỳ, cờ Đảng tung bay rực rỡ, góp thêm cho sắc xuân nét tươi thắm và ý nghĩa. Không chỉ là mùa xuân của đất trời mà còn là mùa xuân mừng Đảng tròn 85 tuổi, mừng đất nước 40 năm thống nhất.
Năm nay, để mọi nhà, mọi người đều có Tết, cấp ủy Đảng, chính quyền đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể chăm lo cho các gia đình chính sách, các hộ nghèo. Tỉnh đã trích hơn 9, 5 tỷ đồng tặng quà và hỗ trợ hộ gia đình chính sách, hộ nghèo ăn Tết. ủy ban MTTQ tỉnh, các huyện, thành phố cũng đã tích cực ủng hộ quà Tết cho hộ nghèo với số tiền hàng tỷ đồng. Bên cạnh chăm lo Tết cho đồng bào, công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh cũng đã được các cấp, các ngành chỉ đạo quyết liệt. Ngay những ngày đầu kỳ nghỉ Tết, lực lượng Công an tỉnh đã triển khai các phương án ra quân trấn áp tội phạm và đảm bảo ATGT trên các tuyến đường.
Với kỳ nghỉ Tết kéo dài, ngay từ ngày mồng 2 Tết, các khu di tích lịch sử, điểm du lịch đã mở cửa đón khách, tạo điều kiện cho người dân du xuân. Đặc biệt, tại chùa Hòa Bình Phật Quang, đông đảo người dân thành phố Hòa Bình đã tụ về từ sáng mồng 1 Tết để lễ phật, cầu phúc, cầu an. Nhiều người tin rằng, đi lễ chùa không phải chỉ dừng lại ở nguyện ước cầu được, ước thấy mà ở đó con người ta được hòa mình vào chốn tâm linh với cảm giác nhẹ nhàng, thanh tịnh.
Ngoài việc đi lễ chùa đầu năm, người dân ở thành phố Hòa Bình và nhiều người ở các huyện xa lại tìm về dâng hương tượng đài Bác Hồ bên công trình thủy điện Hòa Bình. Anh Nguyễn Anh Tuấn, phường Phương Lâm chia sẻ: Là người con thành phố Hòa Bình, lên thăm tượng đài Bác Hồ với gia đình tôi đã rất quen thuộc. Vào ngày khai giảng năm học mới, ngày sinh nhật Bác 19/5 tôi vẫn có thói quen đưa con lên dâng hương tượng Bác nhưng vào những ngày đầu năm mới, dâng hương tượng đài Bác luôn mang một cảm giác thiêng liêng, háo hức rất riêng. Đó như là một hành trình về báo công với Bác những công việc, những thành tựu trong một năm đã qua và đứng dưới chân tượng đài Bác lại cho mình thêm nhiệt huyết, thêm sức mạnh để sẵn sàng cho một năm mới với những dự định mới mà lòng cảm thấy tràn đầy hy vọng. Có lẽ cũng chính vì cảm giác như được tiếp thêm sức mạnh mà vào những ngày đầu năm, từng dòng người tấp nập hướng về tượng đài Bác Hồ, nhiều người chọn Tượng Bác là điểm đầu tiên du xuân trước khi đi bất cứ đâu.
Sau ngày mồng 2 Tết, rất nhiều lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh lần lượt khai hội như lễ hội động thác Bờ, lễ hội chùa Tiên (Lạc Thủy), chùa Khánh (Cao Phong). Đây là dịp để người dân du xuân, hòa mình vào thiên nhiên, chốn tâm linh tĩnh lặng, những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cũng là lúc bỏ qua hết mệt mỏi, bon chen vất vả của năm cũ, cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc là điều mong mỏi của nhiều người khi xuân về. Cùng với việc vui chơi, lễ hội, mùng 3, mùng 4 Tết, tại nhiều địa phương trong tỉnh, người dân bắt đầu tổ chức lễ hội xuống đồng và ra quân sản xuất đầu năm với hy vọng trong năm mới công việc làm ăn sẽ thuận lợi và may mắn hơn. Đặc biệt, năm nay thời tiết ấm áp, đi thăm đồng, chăm sóc lúa xuân những ngày đầu năm, nhiều nông dân phấn khởi tin tưởng vụ xuân năm nay sẽ thắng lớn.
Thời tiết ấm áp, lòng người cởi mở, không khí rộn ràng, hy vọng năm mới 2015 sẽ là một năm thuận lợi, thúc đẩy kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày càng khấm khá.
(HBĐT) - Khi những ngày Tết cổ truyền đã cận kề, nghĩ về không khí ấm áp, sum vầy ở mỗi gia đình tôi chợt thấy tò mò: không hiểu những người con của đất Việt khi xa xứ họ có nhớ về ngày Tết cổ truyền của dân tộc? Họ đón Tết như thế nào? ý nghĩ ấy làm tôi liên tưởng đến câu thơ chứa đựng nhiều cảm xúc và chân lý của nhà thơ Chế Lan Viên “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” và một câu nói vẫn thường nghe “là người con của đất Việt, dù đi đâu, về đâu vẫn hướng về quê mẹ”... và tôi đã tự tìm cho mình được câu trả lời.
(HBĐT) - Cứ độ hoa mơ, hoa mận nở trắng rừng, sương núi giăng đầy khắp bản cũng là lúc xuân về trên các bản Mông. Bà con người Mông ở 2 xã Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu) thường đón Tết sớm hơn dưới xuôi độ một tháng. Gác công việc bận rộn thường ngày ngược Thung Khe lên Pà Cò để đón Tết là thú vui của nhiều người.
(HBĐT) - Trong cái nắng hanh hao cuối năm, trong tiếng cười nói rộn ràng những ngày giáp Tết, chúng tôi đã có mặt tại chợ vùng cao Mường Chiềng (Đà Bắc). Chợ vùng cao là phiên chợ màu sắc sặc sỡ của khăn áo, màu tươi ngon của thực phẩm, màu ửng hồng trên đôi má những bé thơ và màu đen nhánh của nụ cười các bà, các mẹ vui mừng gặp nhau ngày chợ.
(HBĐT) - Đối với người Mường, Tết Nguyên đán là cái Tết quan trọng nhất, to nhất trong năm. Có một điều đặc biệt, trong Tết, mọi người dân được nói lên ý kiến của mình về việc Mường, kể cả những ý kiến chỉ trích nhà lang. Đặc biệt hơn, khi trong một xã hội cổ truyền có tính đẳng cấp nghiêm ngặt nhưng trong những ngày Tết, người dân có quyền ép rượu nhà lang và không bị coi là phạm thượng. Đó những điều mà không phải ai cũng biết. Điều đó chỉ còn tồn tại ở những miền ký ức không còn hiện hữu và chỉ được khơi gợi lại bên bếp lửa bập bùng...
(HBĐT) - Những ngày cuối năm, cùng với bao bận rộn chuẩn bị đón Tết, xóm trên, bản dưới ở xã vùng cao Tự Do, huyện Lạc Sơn lại rộn ràng với các tiết mục văn nghệ cho hội xuân hàng năm ở xóm Kháy...
(HBĐT) - Thú thực, tôi không rành lắm về âm nhạc. Với âm nhạc dân tộc thì lại càng không. Vậy mà lạ, tiếng khèn bè réo rắt của ông Khà Văn Ư, xóm Nà Phòn, xã Nà Phòn (Mai Châu) như một chất men say. Cứ dìu dặt, thiết tha đưa hồn người phiêu lãng với núi, với rừng trong màn sương chiều bảng lảng.