Sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo kế hoạch kỳ thi THPT quốc gia 2017, từ hiệu trưởng đến giáo viên, học sinh lớp 12 và phụ huynh ở TPHCM đều có chung tâm lý bất an, hoang mang.

 

Thay đổi quá đột ngột 

Khảo sát nhiều trường THPT trên địa bàn TPHCM cho thấy tâm lý dao động và lo âu trước thông tin đổi mới thi cử đang đè nặng cả thầy lẫn trò. Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến (TPHCM) Nguyễn Xuân Thảo bộc bạch: “Việc Bộ GD-ĐT mới công bố dự thảo về kế hoạch kỳ thi THPT 2017 đang gây tâm lý hoang mang cho nhà trường, giáo viên, nhất là học sinh và phụ huynh do có nhiều bất cập”. Theo thầy Thảo, trong khi phương án bài thi theo tổ hợp môn chưa rõ ràng và từng môn thi chưa biết tính hệ số điểm ra sao thì việc chuyển hướng dạy và học theo yêu cầu sẽ vất vả. Làm thế nào để định hướng môn học và chuyển tải kiến thức đầy đủ cho học sinh nếu Bộ GD-ĐT không công bố sớm đề thi minh họa?

 

Một giáo viên chủ nhiệm lớp 12 bày tỏ: “Mỗi năm mỗi đổi mới kỳ thi THPT và dự thảo mới công bố với nhiều điểm mới đang khiến học trò và phụ huynh lo sốt vó. Nếu phải chạy đua nước rút để chuyển hướng dạy và học theo tinh thần đổi mới của dự thảo thì thầy, trò chúng tôi sẽ hụt hơi. Ai sẽ đảm bảo kết quả thi đánh giá đúng năng lực, đảm bảo quyền lợi, sự công bằng của thí sinh?”.

 

Nhiều hiệu trưởng cũng bày tỏ băn khoăn rằng trong khi chương trình, sách giáo khoa chưa giảm tải mà thời lượng làm bài thi giảm, số lượng mỗi môn thi cũng giảm sẽ khó đánh giá đúng năng lực học sinh. Một giáo viên dạy Sử lớp 12 đặt vấn đề: “Chương trình lớp 12 môn Lịch sử có đến 26 bài và với 20 câu hỏi trắc nghiệm sẽ ra thì giáo viên chúng tôi chưa thể hình dung đề thi ra theo kiểu nào?”. Tương tự, nhiều giáo viên dạy Toán cũng cho rằng chuyển thi môn Toán từ hình thức tự luận sang trắc nghiệm không chỉ khiến học sinh bỡ ngỡ, lo âu mà còn khó đánh giá đúng năng lực thực tế của thí sinh. Bởi lẽ, môn Toán đòi hỏi sự sáng tạo, tư duy logic. Khảo sát tại Trường THPT Ngô Gia Tự, hầu hết học sinh lớp 12 đều lo lắng và phản đối thi môn Toán theo hình thức trắc nghiệm. Một số học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cũng tỏ ra mệt mỏi: “Chúng em không hiểu nếu chọn bài thi với tổ hợp Toán, Lý, Hóa để xét tuyển vào đại học thì cách tính điểm từng môn như thế nào? Tương tự, nhiều học sinh ở các trường THPT thuộc tốp đầu dự tính thi vào ngành y cũng rối bời với tổ hợp môn khoa học tự nhiên, trong đó môn Sinh học nặng, kiến thức rộng nhưng đề thi chỉ giới hạn trong 20 câu hỏi trắc nghiệm.

 

 

Từ hiệu trưởng đến giáo viên, học sinh lớp 12 và phụ huynh ở TPHCM đều có chung tâm lý bất an, hoang mang.

 

“Đừng để nước đến chân…”

Tuy bất ngờ trước dự thảo đổi mới kỳ thi THPT 2017 và phương án thi đại học theo hướng trắc nghiệm nhưng nhiều trường THPT vẫn “án binh bất động”, tiếp tục cho học sinh chọn môn thi và dạy theo khối thi truyền thống. Theo thầy Trương Quang Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự, trước mắt trường vẫn dạy học sinh lớp 12 theo khối thi truyền thống, đảm bảo chuẩn chương trình lẫn kiến thức. Nhà trường vẫn áp dụng cách dạy - học như năm học trước, trong đó giáo viên tiếp tục hướng dẫn học sinh làm bài thi trắc nghiệm, tự luận theo các môn tự chọn. Dù thi theo hình thức nào thì học sinh khối lớp 12 cũng phải nắm vững kiến thức, có kỹ năng để làm bài đạt yêu cầu. Khi nào có quyết định chính thức từ Bộ GD-ĐT và có đề thi mẫu thì nhà trường mới triển khai dạy và ôn theo định hướng đổi mới.

 

Tương tự, thầy Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn cũng cho rằng, nhà trường lẫn học sinh không quá lo lắng trước dự thảo đổi mới phương án thi đại học sắp tới. Bởi lẽ, nhiều năm qua thực hiện mô hình trường học tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế, nhà trường đã chủ động đổi mới cách dạy và học cũng như đánh giá học sinh. Ngoài định hướng dạy học liên môn, tích hợp, theo chuyên đề… Trường THPT Lê Quý Đôn cũng có kinh nghiệm trong việc tổ chức thi trắc nghiệm, xây dựng ngân hàng đề thi. Trong khi chờ hướng dẫn chính thức của Bộ GD-ĐT để chuyển đổi cách dạy và học phù hợp, chúng tôi đã chuẩn bị tâm lý cho học sinh, phụ huynh và trấn an họ không nên dao động, lo lắng.

 

Một số trường đã chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy - học theo phương án thi mới và tuyển sinh đại học. Theo đó các tổ chuyên môn đã họp bàn, thảo luận về cách dạy đáp ứng yêu cầu làm bài thi trắc nghiệm và hướng dẫn học sinh làm quen với hình thức này. Tuy nhiên từ nội dung đến cách thi quá mới đang khiến nhiều giáo viên bộ môn lo ngại, lúng túng. Theo họ, dù đổi mới thi trắc nghiệm hay tự luận thì cũng cần thời gian để chuẩn bị và làm quen chứ không thể vừa làm vừa chạy đua. Theo Ban giám hiệu Trường THPT Gia Định, không chỉ họp tổ chuyên môn về hướng ra đề thi mới như dự thảo, nhà trường còn chuẩn bị ngân hàng đề thi. Vì vậy, khi giờ G điểm báo là trường sẽ áp dụng ngay hình thức thi mới trong kiểm tra, thi học kỳ…

 

Hiện nay chương trình sách giáo khoa rất nặng và để truyền tải hết kiến thức cho học sinh đã vất vả, nói gì đến việc phải điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng đổi mới thi cử. Với thời gian gấp rút, học sinh lớp 12 đang cần định hướng về nội dung học cũng như ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia quan trọng. Vì thế, đổi mới và chọn phương án thi như thế nào, Bộ GD-ĐT phải quyết định sớm và công bố đề thi minh họa, trong đó tỷ lệ câu hỏi cơ bản và nâng cao của đề thi phải rõ ràng để đánh giá đúng năng lực của thí sinh. Đó là kiến nghị khẩn của các hiệu trưởng, giáo viên và học sinh lớp 12. Xin đừng để “nước đến chân” mới bắt thầy và trò phải nhảy nhanh bằng mọi giá.

 

                                                                                     

 

                                                                          Theo SGGP

Các tin khác


Giải đáp về thi trắc nghiệm môn Toán kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017

Thi trắc nghiệm ở nước ta không phải là hình thức mới. Việc thi Toán bằng hình thức trắc nghiệm có thể là mới với chúng ta nhưng nhiều nước đã áp dụng.

Trường vùng 3 đầu tiên đạt chuẩn mức độ 2

(HBĐT) - Giai đoạn trước năm 2012, trường mầm non Lạc Lương (Yên Thủy) có 15 điểm trường với 25 nhóm lớp. Tỷ lệ học sinh trên địa bàn xã ra lớp chỉ đạt 66%. Nhà trường không tổ chức cho trẻ ăn bán trú được vì cơ sở vật chất không đảm bảo. Trước thực tế đó, Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng Đề án, tham mưu Đảng ủy xã Lạc Lương ban hành Nghị quyết về “Xây dựng trường mầm non Lạc Lương đạt chuẩn quốc gia”. Nhờ sự quan tâm của chính quyền, các cấp, ngành, sự chung tay của nhân dân, trường mầm non Lạc Lương đã trở thành trường vùng 3 đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn mức độ 2 và xếp thứ 2 trong khối thi đua các trường mầm non năm học 2015 - 2016 toàn tỉnh.

Công bố phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ 2017

Chiều 8-9, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã chính thức công bố dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017 để lấy ý kiến xã hội.

Hỗ trợ học sinh tại các thôn đặc biệt khó khăn

(HBĐT) - Đây là nội dung được đề cập tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/9/2016) về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK).

Đổi mới thi THPT 2017: Áp dụng ngay thì "vắt chân lên cổ" không kịp?

Đây là thay đổi lớn nhất trong dự thảo phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH CĐ vừa được Bộ GD ĐT đưa ra. Nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh lo ngại, nếu áp dụng ngay lập tức trong năm học này thí sinh có "vắt chân lên cổ" cũng không theo kịp?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết lên tiếng về phương án thi THPT

“Bộ GD&ĐT phải công bố lộ trình đổi mới ít nhất 3 năm để học sinh chuẩn bị. Từ nay đến lúc các em thi chỉ còn 9 tháng, làm sao các em chuẩn bị kịp?”. Đó là chia sẻ của GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ Quốc hội với Tiền Phong trước quan điểm của Bộ GD&ĐT về kỳ thi năm 2017.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục