Trong các buổi sinh hoạt, truyền thống dòng họ luôn được cụ Xa Văn Mão truyền dạy cho con cháu.
(HBĐT) - 19 người có bằng ĐH, 16 người đang theo học tại các trường ĐH, CĐ, THCN trong và ngoài tỉnh, 100% con em dòng họ Xa đều đang đến trường. Đó là minh chứng cho tinh thần hiếu học của dòng họ Xa, dân tộc Mường tại xã Hiền Lương, huyện vùng cao Đà Bắc.
Chúng tôi đến thăm gia đình cụ Xa Văn Mão, chi trưởng họ Xa tại xã Hiền Lương vào đúng dịp sinh hoạt hội khuyến học của dòng họ để chuẩn bị cho con em trong dòng họ đi học tại các trường ĐH, CĐ. Năm nay, dòng họ Xa có 5 em thi đỗ vào các trường ĐH. Qua câu chuyện cởi mở, cụ Mão tâm sự: khuyến học, khuyến tài là truyền thống lâu đời của con em họ Xa ở Hiền Lương. Từ xa xưa, cha ông chúng tôi đã truyền dạy rằng cho con gạo, tiền không bằng cho con bút nghiên. Cụ Mão kể tiếp: truyền thống hiếu học đã được hình thành từ khi mới thành lập họ bởi từ trước cách mạng tháng 8/1945, duy nhất chỉ có dòng họ Xa trực tiếp thuê thầy giáo từ dưới xuôi lên dạy chữ cho con em trong họ và thành lập trường học đầu tiên gọi là trường hương sự vào năm 1937. Cách mạng Tháng Tám thành công, phong trào bình dân học vụ lên cao, chính ông Xa Thành, một người con của dòng họ đã được bầu làm trưởng ban. Với khẩu hiệu “ người biết chữ, dạy người chưa biết chữ”, con em dòng họ Xa cũng đã góp công tích cực trong diệt giặc dốt. Từ đó, có cái chữ nên con em dòng họ Xa đã thoát ly tham gia làm cán bộ ở tỉnh, huyện. Nhiều người là lão thành cách mạng, lãnh đạo chủ chốt của các ban, ngành trong tỉnh, huyện. Sau này, khi sự học ở Hiền Lương còn nhiều khó khăn, chính dòng họ Xa đã vận động gia đình trong họ góp công, của xây dựng trường bán trú dân nuôi tại điểm trung tâm xã. Đây còn là nơi sinh hoạt, ăn ở chung của nhiều con em dân tộc Mường ở các xã xung quanh.
Tiếp nối truyền thống của cha ông, ngày nay, con cháu dòng họ Xa luôn luôn nỗ lực phấn đấu trong học tập. Ngay từ năm 2003, dòng họ Xa đã tổ chức cuộc họp toàn thể dòng họ, ôn lại truyền thống lịch sử cha ông. Từ đó đề ra quy ước, hương ước của dòng họ trong công tác khuyến học, khuyến tài, nuôi dạy con cái thành đạt. Quỹ khuyến học của dòng họ đã được xây dựng với hơn 25 triệu đồng, hàng năm, dòng họ đều có phần thưởng cho con em học sinh giỏi, con em đỗ đạt vào các trường ĐH, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.
Từ đó đến nay, nhiều hộ gia đình dòng họ Xa đã nỗ lực để nuôi con nên người. Tiêu biểu như gia đình chị Xa Thị Đào, sinh được 2 con gái nhưng đã nỗ lực cho con ăn học. Đến nay, hai con gái của chị đều đã theo ngành sư phạm. Chị Đào tâm sự: nhiều người cứ bảo con gái không cần phải học nhiều nhưng suy nghĩ ngay từ bản thân mình trước đây được bố mẹ dù nghèo khó, vất vả nhưng cũng đầu tư cho mình ăn học, có công việc ổn định, vì vậy nên giờ mình cũng phải quyết tâm cho con theo học. Vất vả hơn gia đình chị Đào, gia đình anh Xa Văn Chúc có 5 người con nhưng không có một người con nào thất học. Hiện nay, gia đình anh đang nuôi 1 con học đại học và 4 con học trung cấp. Anh Chúc tâm sự: đông con ăn học nên nhiều lúc rất khó khăn nhưng thấy các con chịu khó học tập mình cũng mừng, lòng tự nghĩ cái vất vả của mình là vất vả đáng tự hào bởi không phải ai cũng có được nên vợ chồng bảo nhau phải cố để con cái theo học nên người.
Truyền thống hiếu học của con em họ Xa ngày càng được vun đắp. Điều đó có được chính bởi sự khuyến khích của bao thế hệ bằng những hành động ý nghĩa. “ Hành động đó không đơn thuần chỉ là quà tặng vật chất mà khơi dậy lòng tự hào truyền thống dân tộc. Chính vì vậy, từ bao đời nay, con em họ Xa người Mường ở Hiền Lương phải biết gia phả của mình, kính trọng những tấm gương hiếu học của cha ông mình, anh em mình để đi báo việc, về báo công”, ông Mão tâm sự. Vào các ngày rằng tháng bảy, dòng họ lại tụ họp để báo cáo về những con em sẽ đỗ đạt trong năm nay và ngày khai hạ mùng 7 âm lịch hàng năm, hội họ dòng họ Xa lại được mở để con em trong họ về báo cáo tình hình một năm mới của mình. Chính qua những cuộc họp họ như thế, tinh thần hiếu học càng được nhân lên trong mỗi con em họ Xa.
Phương Linh
Vượt qua hơn 3.000 thí sinh trên toàn quốc và xuất sắc trong đêm chung kết “Tôi tài năng”, Nguyễn Vũ Minh Anh, trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) đã giành giải nhất với học bổng trị giá hơn 45.000 Bảng Anh.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo giai đoạn 2012 – 2015 với tổng kinh phí thực hiện là 15.200 tỷ đồng.
Trên thực tế, vấn đề khó cải thiện nhất của đề án Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân vẫn là đội ngũ giáo viên.
UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch tuyển dụng công chức hành chính năm 2012. Theo đó, ở ngạch chuyên viên, yêu cầu các ứng viên không đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thành phố phải tốt nghiệp ĐH từ năm 2011 về trước đạt loại giỏi trở lên.
(HBĐT) - Ngày 9/9, Trung tâm Dạy nghề Công ty CP 26/3 Hòa Bình tổ chức khai giảng lớp sơ cấp nghề nề- hoàn thiện xây dựng. Tham dự lễ khai giảng có lãnh đạo Sở LĐ- TB&XH, Công ty CP 26/3 và 36 học viên là lao động nông thôn trên địa bàn huyện Đà Bắc, Kỳ Sơn và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Lớp học thuộc Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
(HBĐT) - Ngày 10/9, tại trường Chính trị tỉnh, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp khai giảng các lớp đào tạo ngắn hạn triển khai đề án “Chuyển giao trí thức, công nghệ và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự lễ khai giảng.