(HBĐT) - Thời gian vừa qua, người dân xóm Bãi Thoáng, xã Yên Thượng (Cao Phong) phản ánh về tình trạng nguồn nước sinh hoạt hàng ngày lấy từ con suối Ngạn bị ô nhiễm từ khi nhà máy sản xuất quặng đồng An Phú đi vào hoạt động. Các hộ dân trong xóm đã nhiều lần làm đơn đề nghị lên xã, công ty và huyện yêu cầu Công ty CP khoáng sản đồng An Phú khoan giếng cho các hộ bị ảnh hưởng nguồn nước nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. UBND xã nhiều lần có văn bản đề nghị Công ty khắc phục nguồn nước bị ô nhiễm cho người dân. Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Hoà Bình đã tìm hiểu thực tế.

 

Nguồn nước bị ô nhiễm  

Xóm Bãi Thoáng, xã Yên Thượng có 71 hộ dân, trong đó có 20 hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp về nguồn nước sinh hoạt từ khi trạm nghiền quặng của Công ty đặt ở đầu nguồn nước đi vào hoạt động. Từ khu UBND xã Yên Thượng, sau hơn 1h đồng hồ leo đồi dưới nắng oi ả, chúng tôi đã lên đến đầu con suối nơi Công ty CP khoáng sản đồng An Phú đặt trạm nghiền quặng. Dọc từ dưới chân đồi lên là những đường ống dẫn nước của các hộ dân lấy nước trực tiếp từ con suối về bể chứa của gia đình làm nước sinh hoạt.  

Người dân xóm Bái Thoáng, xã Yên Thượng (Cao Phong) làm các đường ống dẫn nước suối về bể chứa gia đình đã sử dụng làm nước sinh hoạt.

Đưa chúng tôi đi dọc con suối, ông Bùi Văn Thiến, xóm Bãi Thoáng, xã Yên Thượng cho biết:  Dòng suối Ngạn đã có từ lâu đời. Trước đây, nước suối rất sạch, trong và là nguồn nước sinh hoạt chính của hơn 20 hộ dân xóm Bãi Thoáng. Thế nhưng từ khi nhà máy đồng An Phú đi vào hoạt động, nguồn nước bị ô nhiễm, đáy của con suối lắng cặn màu đỏ và mặt nước, nổi váng gây hoang mang cho người dân. Ngày trước đun nước uống không hề có váng nhưng bây giờ nước đun sôi có nổi váng, không sử dụng thì không có nguồn nước nào khác. Người dân chúng tôi rất hoang mang không biết đó là chất gì, liệu có ảnh hưởng đến sức khoẻ không? .  

Anh Bùi Văn Khương, Trưởng xóm Bãi Thoáng cho biết: Do đầu nguồn của con suối này là nơi nghiền quặng của nhà máy đồng An Phú. Mỗi khi máy nghiền hoạt động làm đất, đá, bụi của quặng phát tán trong không khí, rơi xuống suối, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ăn của người dân xóm. Chính quyền đã nhiều lần kiến nghị nhưng tình trạng này vẫn chưa được cải thiện. Trước hiện tượng nguồn nước bị ô nhiễm gây hoang mang cho người dân, xóm đã cùng chính quyền xã nhiều lần họp dân lấy ý kiến và làm văn bản gửi đến Công ty cũng như cấp huyện nhưng không nhận được lời giải thích thoả đáng. Người dân trong xóm chỉ mong muốn Công ty khoan cho 6 cái giếng ở 3 khu Đồng Lau, Bưa Nghệ và khu nhà văn hóa để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Đạt, Chủ tịch UBND xã Yên Thượng cho biết: Hiện tượng trạm nghiền của Công ty An Phú làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt cho các hộ dân ở xóm Bãi Thoáng là có. Xã đã nhận được rất nhiều đơn đề nghị của các hộ dân xóm Bãi Thoáng, đại diện xóm, xã và Công ty nhiều lần xuống hiện trường xác minh, hứa sẽ khắc phục hiện tượng trên cho bà con nhưng đến nay chưa thực hiện.

 

Bao giờ người dân Xóm Bãi Thoáng được sử dụng nước sạch ?  

Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy chế biến đồng An Phú tại xóm Bãi Thoáng, xã Yên Thượng, huyện Cao Phong với diện tích 5 ha, công suất thiết kế 60 tấn đồng/tháng. Tháng 3/2016, nhà máy hoàn thành và đi vào sản xuất, kinh doanh. Nhưng từ trước đó, trạm nghiền quặng đi vào hoạt động gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của bà con xóm Bãi Thoáng. Theo biên bản kiểm tra ngày 24/9/2015, đoàn kiểm tra gồm chính quyền địa phương, người dân, lãnh đạo Công ty đồng An Phú và cán bộ phòng TN&MT huyện Cao Phong đã tiến hành xác minh và tìm hiểu nguyên nhân người dân phản ánh. Theo đó, Công ty đưa ra hướng giải quyết là sẽ xây bể lắng tại vị trí bên dưới trạm nghiền để không làm ảnh hưởng đến nguồn nước của người dân. Khi bể lắng và Công ty đi vào hoạt động mà nguồn nước vẫn bị ảnh hưởng thì Công ty phải có hướng khắc phục cho dân. Gần nhất là ngày 25/4/ 2016, tại biên bản kiểm tra hiện trường gồm 3 bên là đại diện xóm, xã và Công ty kiểm tra bể nước sinh hoạt của một số hộ dân ở khu Lau, xóm Bãi Thoáng có hiện tượng nước đục sau khi mưa; kiểm tra nguồn nước giáp khu nhà máy nghiền có hiện tượng đục và rêu đất bám theo khe suối; kiểm tra nước thải sinh hoạt khu mỏ có dòng chảy tập trung kế nguồn nước sinh hoạt của xóm. Xóm vẫn tiếp tục đề xuất Công ty khoan giếng cho các hộ dân ở 3 khu để sử dụng trong xóm. Về phía Công ty hứa sẽ phối hợp với chính quyền xã và xóm tìm ra nguyên nhân nước đục sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời và tiếp thu đề xuất khoan giếng của nhân dân. Thế nhưng đến nay, Công ty vẫn chưa có động thái nào với việc khoan giếng cho các hộ dân xóm Bãi Thoáng.  

Tuy nhiên, lãnh đạo nhà máy cho rằng, để tìm ra nguyên nhân thực sự của việc ô nhiễm nguồn nước, cần sự vào cuộc của các ngành chức năng. ông Trần Trung Chính, Giám đốc Công ty CP Khoáng sản đồng An Phú cho biết: “Công ty có nhận được một số ý kiến về nghiền quặng, Công ty xin được báo cáo là hiện tại vấn đề nghiền của Công ty có bụi một ít của quặng, Công ty có đập chắn để không cho bụi phát tán nên không có vấn đề ô nhiễm. Nếu có ô nhiễm Công ty sẽ phối hợp với bà con, chính quyền để khắc phục tình trạng này để bà con yên tâm sản xuất. Theo ý kiến ông Chính, hiện tại trên địa bàn xã Yên Thượng việc khoan giếng để đảm bảo cung cấp nước là khó khăn vì mạch nước ngầm gần như là không có.  

Đem câu chuyện về nguồn nước sinh hoạt của nhân dân xóm Bãi Thoáng bị ô nhiễm và lời hứa khoan giếng cho nhân dân gặp cơ quan quản lý Nhà nước, lãnh đạo phòng TN&MT huyện Cao Phong cho biết, vẫn chưa nhận được thông tin nào từ người dân xóm Bãi Thoáng phản ánh về ô nhiễm nguồn nước, môi trường, khói bụi trong quá trình hoạt động của Công ty An Phú. Tuy nhiên, là cơ quan tham mưu về môi trường, phòng sẽ sớm lên làm việc với UBND xã Yên Thượng và các xóm để nắm bắt tình hình trên.  

Để đảm bảo quyền lợi và tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân xóm Bãi Thoáng, cần sớm có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, các ngành chức năng. Nếu nguồn nước tiếp tục bị ô nhiễm, 20 hộ dân xóm Bái Thoáng hàng ngày vẫn dùng nước sinh hoạt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe.

 

                                                                        Đinh Thắng

 

Các tin khác


Xóa tận gốc nạn “than tặc”

(HBĐT) - Luồng khói trắng phụt ra từ miệng lò sau tiếng nổ giòn đanh từ những khối bộc phá của những người lính công binh - Bộ CHQS tỉnh làm núi rừng Cuối Hạ rung chuyển. Một khối lượng lớn đất, đá ụp đổ, bịt kín những đường lò sâu hun hút vào lòng đất đã đặt dấu chấm hết cho nạn “than tặc” vốn gây bức xúc cho người dân bấy lâu nay...

Suối Cỏ bảo tồn nghề làm giấy dó

(HBĐT) - Theo giới thiệu của lãnh đạo xã Hợp Hòa (Lương Sơn), chúng tôi đến thăm tổ sản xuất giấy dó thủ công tại thôn Suối Cỏ. Trong không gian nhỏ hẹp, những người thợ thủ công với đôi bàn tay khéo léo đang miệt mài sản xuất ra những tờ giấy dó truyền thống.

Huyện Lương Sơn: Bức xúc ô nhiễm môi trường từ khu xử lý rác thải

(HBĐT) - Đã nhiều ngày nay, người dân sinh sống gần khu vực xử lý rác thải thuộc tiểu khu 10, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) bức xúc trước thực trạng ô nhiễm môi trường mà nguyên nhân trực tiếp do việc tồn đọng rác thải tại khu xử lý gây ra. Theo ông Nguyễn Hồng Bảo, Bí thư chi bộ tiểu khu 10, nhà dân ở cách xa hàng ki lô mét mà vẫn ngộp thở bởi không khí nặng mùi xú uế, muỗi và ruồi nhặng bay từng đàn. Nguồn nước giếng đào của bà con giờ không ai dám sử dụng trong sinh hoạt.

Xã Mỵ Hòa (Kim Bôi): Nông dân mòn mỏi chờ tiền mía

(HBĐT) - Đã bước sang tháng 8, người nông dân trồng mía nguyên liệu ở xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) vẫn mòn mỏi chờ Công ty CP Mía đường Hòa Bình thanh toán tiền mía nguyên liệu. Thực trạng này không chỉ gây khó khăn đến đời sống của bà con mà còn khiến niềm tin của họ đối với cây mía - từng được coi là cây XĐ-GN của xã xuống thấp hơn bao giờ hết.

Nghĩa trang Trường Sơn, những ngày tháng 7

(HBĐT) - Cũng như ở các nghĩa trang liệt sĩ khác trên cả nước, những ngày tháng 7 này, từng đoàn người từ khắp nơi đổ về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Chúng tôi cùng hòa trong dòng người đến vùng đất linh thiêng, nơi yên nghỉ của 10.236 liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Ai cũng muốn tự tay thắp nén hương, nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.

Xã Chí Đạo trăn trở với những cây cầu chắp vá

(HBĐT) - 2 chiếc cầu treo dân sinh được xây dựng bắc qua sông Bưởi khiến bà con xã Chí Đạo (Lạc Sơn) rất phấn khởi. Thế nhưng, chỉ sau 2-3 năm đưa vào sử dụng, những cây cầu này đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù rất bất an nhưng với vai trò quan trọng trong đời sống dân sinh, người dân nơi đây vẫn bất chấp qua cầu với bao nguy hiểm rình rập.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục