(HBĐT) - Luồng khói trắng phụt ra từ miệng lò sau tiếng nổ giòn đanh từ những khối bộc phá của những người lính công binh - Bộ CHQS tỉnh làm núi rừng Cuối Hạ rung chuyển. Một khối lượng lớn đất, đá ụp đổ, bịt kín những đường lò sâu hun hút vào lòng đất đã đặt dấu chấm hết cho nạn “than tặc” vốn gây bức xúc cho người dân bấy lâu nay...
Lực lượng chức năng xã Cuối Hạ và huyện Kim Bôi tổ chức phá dỡ lều lán, tịch thu phương tiện phục vụ công tác khai thác than trái phép ở xóm Voï.
Điểm “nóng” Cuối Hạ
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Thanh Chương, Chủ tịch UBND xã Cuối Hạ cho biết: Việc khai thác than trái phép trên địa bàn xã Cuối Hạ có từ lâu. Đây là một trong những vấn đề bức xúc của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Hậu quả mà chúng tôi phải chịu từ nạn khai thác than trái phép đó là vấn đề về môi trường, tai nạn lao động và các tai, TNXH.
Theo đó, nước từ các lò than trong quá trình khai thác đã đổ thải ra suối Vọ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước tưới tiêu của xã. Đáng nói, nước chảy ra trong quá trình khai thác than không có một sinh vật nào có thể sống được. Hiện nay, 5 xóm với tổng diện tích 278 ha đất canh tác vụ mùa, chiếm 1/2 diện tích đất canh tác của xã đang phải chịu tác động trực tiếp từ vấn đề này. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, đời sống người dân vì đây cũng là nguồn nước sinh hoạt chính của người dân trong xã. Ngoài ra, theo Trưởng Công an xã Cuối Hạ Bùi Văn Liển: Việc khai thác than trái phép trên địa bàn xã đã tác động rất lớn đến tình hình ANTT. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp đưa xã Cuối Hạ trở thành địa bàn phức tạp về ANTT của huyện Kim Bôi. Từ việc khai thác than, TNXH, nhất là tệ nạn ma tuý trên địa bàn xã ngày càng gia tăng. Năm 2015, Cuối Hạ có 18 người nghiện có hồ sơ quản lý thì trong 6 tháng đầu năm 2016, qua rà soát số người nghiện ma túy trên địa bàn xã đã tăng lên 21 người. Từ nạn khai khác than trái phép, Cuối Hạ cũng trở thành nơi nhiều người nghiện ở các địa phương khác tập trung về.
Những cái chết ám ảnh
Không chỉ gây ảnh hưởng, tác động về môi trường sống và tình hình ANTT trên địa bàn. Việc khai thác than trái phép ở Cuối Hạ gây ra nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm. Theo thống kê của huyện Kim Bôi, tính từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn xã xảy ra 7 vụ nổ khí metan làm 14 người chết, 5 người bị thương nặng. Điển hình, vào ngày 30/12/2010, tại vỉa khai thác than số 8, xóm Vọ đã xảy ra vụ nổ khí làm 3 người chết. Tiếp đó, ngày 5/11/2011, tại đây tiếp tục xảy ra 1 vụ nổ khí làm 1 người chết. Ngày 29/10/2013 xảy ra vụ tai nạn nổ khí metan làm 6 người thương vong. Trong đó có 2 người tử vong tại chỗ, 4 người còn lại được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Đáng chú ý, cả 6 nạn nhân đều là người ở xã Cuối Hạ. Gần đây nhất, ngày 24/4/2015, tại khu vực khai thác than xóm Vọ cũng xảy ra vụ nổ khí làm 4 người bị thương nặng. ông Bùi Thanh Chương, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Việc khai thác than trên địa bàn xã bắt đầu từ năm 1978. Từ đó đến nay có rất nhiều người tử nạn. Tính từ năm 2010 đến nay đã có hơn 10 trường hợp là người địa phương bị chết vì nổ, ngạt khí khi khai thác than. Ngoài số người bị chết cũng có nhiều trường hợp bị thương tật như Quách Công Phương ở xóm Pang. Sau vụ tai nạn suýt chết ngày 29/10/2013, Phương đã bỏ hẳn nghề “phu than” để chuyển sang làm phụ xây. Gặp chúng tôi, Phương chia sẻ: Cho đến bây giờ nghĩ lại em vẫn còn thấy sợ mỗi khi nhìn vào đường lò hun hút sâu trong lòng đất. Nghề “phu than” cũng bạc lắm, chẳng biết sống chết lúc nào. Cái giá để đánh đổi lấy miếng cơm, manh áo bằng mạng sống của bản thân mình nơi hầm than là quá rẻ. Dù sao, em cũng may mắn hơn những người khác là còn giữ được mạng sống...
Quyết xóa nạn “than tặc”
Mỏ than ở xã Cuối Hạ trước đây thuộc quyền quản lý của Công ty CP khoáng sản Kim Bôi và Công ty TNHH Khải Thành được cấp phép khai thác. Tính từ ngày 8/4/2016, do hết hạn giấy phép khai thác nên các đơn vị này thông báo tạm dừng mọi hoạt động theo quy định. Dù vậy, một số đối tượng lợi dụng việc quản lý chưa chặt chẽ đã tổ chức khai thác lén lút. 14 điểm hầm lò khai thác than trái phép trên địa bàn xóm Vọ và xóm Nghìa của 14 chủ lò. Trong đó, có 1/2 lò là người địa phương, còn lại ở địa bàn khác đến. Dù cho UBND xã và các ngành chức năng đã nhiều lần tổ chức truy quét, ngăn chặn nhưng việc khai thác vẫn tiếp diễn và thường diễn ra lén lút vào ban đêm, ở địa bàn rừng núi, xa KDC. Việc tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng phần nào bị hạn chế. Do vậy, ngay khi các đơn vị hết giấy phép khai thác, xã đã kiến nghị UBND huyện tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi nhấn mạnh: Thời gian qua, nạn khai thác than trái phép trên địa bàn xã Cuối Hạ diễn ra rất phức tạp. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác than trái phép, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch thành lập tổ công tác gồm các lực lượng công an, quân sự huyện và có sự hỗ trợ của lực lượng Công binh - Bộ CHQS tỉnh triển khai phương án dùng thuốc nổ để phá lấp 14 lò khai thác than trái phép. Sau khi hoàn thành việc phá lấp, UBND huyện đã giao UBND xã Cuối Hạ quản lý, không để tái diễn tình trạng khai thác than trái phép trên địa bàn xã. Cùng với đó, UBND huyện nghiên cứu, triển khai các mô hình phát triển kinh tế ở Cuối Hạ nhằm từng bước nâng cao đời sống người dân, bởi nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do đời sống người dân vẫn còn khó khăn. Giải quyết tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển KT -XH, nâng cao đời sống người dân thì mới giải quyết triệt để tình trạng khai thác than trái phép.
Về phía xã ông Bùi Thanh Chương cho biết thêm: Ngay sau khi phá sập các lò khai thác than trái phép, được tổ công tác UBND huyện bàn giao mặt bằng, xã đã triển khai các phương án bảo vệ, đưa vấn đề quản lý vào nề nếp. UBND xã sẽ đặt các điểm chốt kiểm soát và giao cho Công an xã quản lý, nhất định không để tình trạng khai thác than trái phép xảy ra. Đồng thời, xã đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển kinh tế gia đình, từng bước ổn định đời sống, chấm dứt nạn khai thác than trái phép trên địa bàn.
Mạnh Hùng
(HBĐT) - 2 chiếc cầu treo dân sinh được xây dựng bắc qua sông Bưởi khiến bà con xã Chí Đạo (Lạc Sơn) rất phấn khởi. Thế nhưng, chỉ sau 2-3 năm đưa vào sử dụng, những cây cầu này đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù rất bất an nhưng với vai trò quan trọng trong đời sống dân sinh, người dân nơi đây vẫn bất chấp qua cầu với bao nguy hiểm rình rập.
(HBĐT) - Dẫu không có một kế hoạch hay lộ trình cụ thể nhưng dường như có một chút “duyên” đưa đẩy nên mỗi chuyến hành trình về “khúc ruột” miền Trung của tôi đều có điểm dừng ở ngã ba Đồng Lộc. Mười năm với 4 lần góp mặt ở nơi này thắp nén hương thơm viếng những linh hồn bất tử những chiến sỹ TNXP đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, nhiều người bảo tôi thật may mắn! Thật vậy! Tôi may mắn và đã biết tận dụng sự “may mắn” đó để nuôi dưỡng nguồn cảm xúc, dòng nhiệt huyết cho mình và chia sẻ với những bằng hữu.
(HBĐT) - “Việc người dân xóm Nhót, xã Thanh Hối (Tân Lạc) lấn chiếm đất thuộc quản lý của Chi nhánh Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoà Bình Lâm trường Tân Lạc (sau đây gọi tắt là Lâm trường Tân Lạc (LTTL) là sự việc có thật. Sự việc này đang diễn ra và khá phức tạp trong vấn đề xử lý, giải quyết...” - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Tân Lạc Nguyễn Văn Khuông cho biết.
(HBĐT) - “Ngày 4, 5/7 tôi vẫn đưa cháu đi học bình thường, còn mua đầy đủ phiếu ăn của tháng 7. Đến sáng 6/7 đưa con đến thì thấy trường lớp khóa cửa im lìm. Bảo vệ thông báo là tiếp tục nghỉ hè, đến ngày 22/8 mới nhận trẻ. Phụ huynh bất ngờ, đành xin nghỉ phép ở nhà trông con rồi tính tiếp.
(HBĐT) - Đã hơn 1 tuần trôi qua kể từ khi xảy ra sự cố tràn nước mưa vào bãi chứa quặng chảy ra suối Nhẹm và suối Màn, xã Yên Lập (Cao Phong) gây ra hiện tượng cá chết dọc ven suối và 2 ao của nguời dân xóm Quà, khu vực lưu vực nhà máy tuyển luyện quặng đồng của Công ty CP khoáng sản Đồng An Phú tại xã Yên Thượng. Sau khi xảy ra sự cố, Công ty đã ngừng hoạt động và tập trung khắc phục hậu quả. Trong khi chờ kiểm định mẫu nước và mẫu đất của các cơ quan chức năng, người dân nơi đây tạm dừng mọi hoạt động canh tác do lo sợ nguồn nước bị ô nhiễm.
(HBĐT) - Ở xóm Đồng Chanh (xã Tu Lý - Đà Bắc) ai cũng bảo chị Nguyễn Thị Hạ là người may mắn khi có được một tấm chồng chịu thương, chịu khó, yêu vợ, thương con. Còn anh Đinh Văn Nhu (sinh năm 1972) - chồng chị luôn là một tấm gương mẫu mực trong xóm bởi sự cần cù, chịu khó. ấy thế, đùng một cái cả xóm, cả xã xôn xao về việc anh Nhu tìm đến cái chết bằng thuốc diệt cỏ. “Ngày 25/5 vừa rồi là tròn một năm.