(HBĐT) - Sau mấy thập kỷ căn bệnh quái ác ập đến, dù được sự quan tâm của toàn xã hội nhưng những người mắc bệnh “sợ” nắng (bệnh khô da sắc tố) ở xã Mường Chiềng (Đà Bắc) vẫn lay lắt sống với “án tử”. Bệnh tật hành hạ nhưng họ khao khát được sống và mong được chữa khỏi bệnh.
Ông Xa Văn Chiều, 71 tuổi, xóm Nà Mặn, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) bất lực nhìn hai con Xa Văn Thao (giữa) và Xa Văn Nhất “chết mòn” vì bệnh tật.
Đã bước sang tuổi 71, người cha ốm yếu mang trong mình những di chứng của chất độc màu da cam bất lực nhìn bệnh tật “ăn mòn” hai đứa con. “Tôi đau yếu suốt, vừa đi viện về mấy hôm nay. Các cấp, ngành cũng rất quan tâm nhưng vẫn chưa tìm ra thuốc điều trị. Giờ thằng anh bệnh nặng lắm rồi, đi lại loang choạng, chả biết thế nào” - ông Xa Văn Chiều, bố đẻ của 2 bệnh nhân Xa Văn Thao, Xa Văn Nhất, xóm Nà Mặn buồn bã.
Những ngày hè vừa qua, anh Xa Văn Nhất nằm liệt một chỗ, mọi sinh hoạt, vệ sinh đều phải nhờ đôi tay của bố, mẹ già. “Mấy hôm nay dậy đi lại được nhưng mắt mờ lắm, chẳng nhìn rõ nữa. Mấy bữa trước, vấp vào phản ngã, gãy gần hết răng rồi”, ông Chiều xót xa nhìn đứa con đang cố đứng dậy. Vợ chồng ông Chiều sinh được 9 con, 1 người đã mất, anh Xa Văn Thao (39 tuổi) và Xa Văn Nhất (29 tuổi) mắc bệnh “sợ” nắng. Anh Thao đang trong tình trạng bệnh nặng nhất, những vết thương lở loét đã ăn sâu vào mắt, khắp trên khuôn mặt, đằng sau vai gáy và không đi lại được.
Còn anh Xa Văn Nhất, bệnh đỡ hơn vẫn đi lại được và nói tiếng phổ thông khá lưu loát. Qua trò chuyện, Nhất tỏ ra là người khá lanh lợi, như ông Chiều (bố anh) nhận định: “Có hôm khỏe nó vẫn đi ra quán mua mắm, muối được. Nó thương bố mẹ lắm. Nhiều hôm tôi đi nằm viện nó ở nhà cứ khóc suốt. Nó muốn đi chăn bò giúp mẹ nhưng mắt mờ, mà bệnh đó thì sợ nắng lắm. Nếu không mắc bệnh, nó sẽ là một người đàn ông chững chạc”. Nghe bố nói vậy, Nhất cúi mặt, đưa tay khẽ gạt những giọt nước mắt mặn chát hòa với nước dịch màu vàng từ vết loét đang ứa ra. Nhất bảo, anh sợ nhất những hôm nắng to, những vết thương lan rộng và loét ra, vừa đau rát, vừa ngứa nên không ngủ được. Những lúc đó, anh chỉ biết mím chặt môi khóc, sợ khóc thành tiếng sẽ làm cả nhà thức giấc…
Con ốm đau như vậy nên bậc sinh thành như ông Chiều cũng chẳng thể nào chợp mắt. Gần 40 năm ròng rã, ông đã quen với những giấc ngủ ngắn ngủi trong màn đêm tịch liêu không lối thoát. Chẳng có gì đau hơn khi bản thân bất lực nhìn hai đứa con đang “chết mòn” vì bệnh tật.
Sinh được 5 con nhưng vợ chồng ông, bà Xa Văn Lắm và Hà Thị Khoa, xóm Trung Nưa đã bị căn bệnh “sợ” nắng cướp đi một đứa con (Xa Văn Hải, sinh năm 1989). Còn hiện tại, một đứa con đang bị căn bệnh quái ác này hành hạ, đó là anh Xa Văn Thành (20 tuổi). “Trước dùng thuốc từ Trung tâm phòng - chống bệnh xã hội tỉnh gửi về nhưng không thuyên giảm, giờ thì không có nữa, chỉ thỉnh thoảng bôi thuốc mỡ thôi. Nhiều hôm đỡ đau hơn, thấy mọi người đi làm nó cũng muốn đi để đỡ đần bố, mẹ. Thương con nhưng biết làm sao giờ…”, bà Khoa nghẹn ngào.
Chúng tôi đến xóm Nà Mười, xóm có hai anh em ruột là Xa Văn Mẫn (38 tuổi) và Xa Văn Nam (36 tuổi) cùng mắc bệnh khô da sắc tố. Mấy hôm nay, vết thương khô hơn nên bố, mẹ đều lên nương, chỉ có 2 anh em ở nhà “trông” nhau. Cùng với bệnh nhân Xa Văn Thao (xóm Nà Mặn),
Bà Xa Thị Thành, Trưởng trạm Y tế xã Mường Chiềng cho biết: Xã còn có 3 bệnh nhân khác là Xa Văn Tâm, xóm Chiềng Cang; Xa Văn Hiệp, xóm Trung Nưa; Xa Thị Thúy, xóm Nà Nguồm mắc bệnh, trong đó, Thúy là bệnh nhân ít tuổi nhất, năm nay mới 5 tuổi. Riêng bệnh nhân Xa Văn Tâm đã được đưa đi điều trị nhiều nơi, bằng nhiều phương pháp nhưng chưa có kết quả khả quan. Đầu năm 2016, Viện Da liễu Trung ương và Đại học Y Hà Nội lên xét nghiệm cả người bệnh và bố, mẹ bệnh nhân nhưng đến thời điểm này, trạm chưa nhận được kết quả, kết luận.
Trao đổi với đồng chí Sa Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng được biết: Hiện, các bệnh nhân đều nhận được trợ cấp xã hội hàng tháng, trong đó, 4 bệnh nhân đang hưởng trợ cấp nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Gia đình các bệnh nhân cũng nhận được sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng và các nhà hảo tâm về tặng quà. Mặc dù chưa phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới nhưng người dân Mường Chiềng vẫn lo, thế hệ con cháu mình sau này sinh ra mắc phải căn bệnh “sợ” nắng?.
Rời Mường Chiềng, chúng tôi nhớ mãi câu nói trong tiếng nấc nghẹn ngào của bệnh nhân Xa Văn Nhất (xóm Nà Mặn) rằng: “Mong được chữa khỏi bệnh để đi chăn bò giúp mẹ…”. Trong lúc các cơ quan chức năng vẫn đi tìm lời giải cho căn bệnh quái ác này thì sự quan tâm của toàn thể xã hội sẽ là liều thuốc giúp họ có được sức mạnh để chiến đấu với bệnh tật. Trên hết là nhen nhóm thêm hy vọng về một ngày không xa, họ sẽ không còn “sợ” nắng nữa.
Viết Đào
(HBĐT) - Cũng như ở các nghĩa trang liệt sĩ khác trên cả nước, những ngày tháng 7 này, từng đoàn người từ khắp nơi đổ về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Chúng tôi cùng hòa trong dòng người đến vùng đất linh thiêng, nơi yên nghỉ của 10.236 liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Ai cũng muốn tự tay thắp nén hương, nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.
(HBĐT) - 2 chiếc cầu treo dân sinh được xây dựng bắc qua sông Bưởi khiến bà con xã Chí Đạo (Lạc Sơn) rất phấn khởi. Thế nhưng, chỉ sau 2-3 năm đưa vào sử dụng, những cây cầu này đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù rất bất an nhưng với vai trò quan trọng trong đời sống dân sinh, người dân nơi đây vẫn bất chấp qua cầu với bao nguy hiểm rình rập.
(HBĐT) - Dẫu không có một kế hoạch hay lộ trình cụ thể nhưng dường như có một chút “duyên” đưa đẩy nên mỗi chuyến hành trình về “khúc ruột” miền Trung của tôi đều có điểm dừng ở ngã ba Đồng Lộc. Mười năm với 4 lần góp mặt ở nơi này thắp nén hương thơm viếng những linh hồn bất tử những chiến sỹ TNXP đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, nhiều người bảo tôi thật may mắn! Thật vậy! Tôi may mắn và đã biết tận dụng sự “may mắn” đó để nuôi dưỡng nguồn cảm xúc, dòng nhiệt huyết cho mình và chia sẻ với những bằng hữu.
(HBĐT) - “Việc người dân xóm Nhót, xã Thanh Hối (Tân Lạc) lấn chiếm đất thuộc quản lý của Chi nhánh Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoà Bình Lâm trường Tân Lạc (sau đây gọi tắt là Lâm trường Tân Lạc (LTTL) là sự việc có thật. Sự việc này đang diễn ra và khá phức tạp trong vấn đề xử lý, giải quyết...” - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Tân Lạc Nguyễn Văn Khuông cho biết.
(HBĐT) - “Ngày 4, 5/7 tôi vẫn đưa cháu đi học bình thường, còn mua đầy đủ phiếu ăn của tháng 7. Đến sáng 6/7 đưa con đến thì thấy trường lớp khóa cửa im lìm. Bảo vệ thông báo là tiếp tục nghỉ hè, đến ngày 22/8 mới nhận trẻ. Phụ huynh bất ngờ, đành xin nghỉ phép ở nhà trông con rồi tính tiếp.
(HBĐT) - Đã hơn 1 tuần trôi qua kể từ khi xảy ra sự cố tràn nước mưa vào bãi chứa quặng chảy ra suối Nhẹm và suối Màn, xã Yên Lập (Cao Phong) gây ra hiện tượng cá chết dọc ven suối và 2 ao của nguời dân xóm Quà, khu vực lưu vực nhà máy tuyển luyện quặng đồng của Công ty CP khoáng sản Đồng An Phú tại xã Yên Thượng. Sau khi xảy ra sự cố, Công ty đã ngừng hoạt động và tập trung khắc phục hậu quả. Trong khi chờ kiểm định mẫu nước và mẫu đất của các cơ quan chức năng, người dân nơi đây tạm dừng mọi hoạt động canh tác do lo sợ nguồn nước bị ô nhiễm.