Ông Lô Ích Toản
(xóm Nà Luông, xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng), một trong những nhân chứng phát hiện
các nạn nhân của vụ thảm sát
Cuộc chiến
anh dũng
Trong cuốn lịch
sử truyền thống của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng còn ghi rõ: "Rạng
sáng 17-2-1979, H1 huy động 30 sư đoàn của 9 quân đoàn chủ lực, gồm hơn 60 vạn
quân với hàng ngàn xe tăng, xe bọc thép, đại bác ồ ạt vô cớ tiến công nước ta
trên toàn tuyến biên giới từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh).
Trên tuyến biên giới Cao Bằng, H1 tập trung nhiều sư đoàn thuộc 3 quân đoàn 41,
42, 50 với khoảng 13 vạn quân, 220 xe tăng, xe bọc thép, 330 khẩu đại bác đồng
loạt tấn công vào hầu hết các đồn biên phòng và tất cả các huyện biên giới từ Bảo
Lạc đến Thạch An, nhằm đánh chiếm Cao Bằng theo hai hướng chính (gồm hướng phía
Đông là cửa khẩu Tà Lùng và hướng phía Bắc là cửa khẩu Sóc Giang)”.
Trên tuyến
biên giới Cao Bằng, các đồn biên phòng: Xuân Trường, Bó Gai, Sóc Giang, Tổng Cọt,
Trà Lĩnh (Hùng Quốc), Bản Giốc (Đàm Thủy), Lý Vạn (Lý Quốc), Bí Hà (Thị Hoa),
Tà Lùng đều quyết liệt nổ súng chiến đấu với quân Trung Quốc ngay từ những phút
đầu để bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Trong vòng 1 tháng chiến đấu,
cán bộ chiến sĩ các đồn biên phòng bám chắc địa bàn, luồn sâu trong vùng địch tạm
chiếm, vật lộn với đối phương, vừa chiến đấu vừa bảo vệ nhân dân sơ tán.
Tại địa bàn Đồn
biên phòng Trà Lĩnh, sáng 17-2-1979, pháo binh đối phương dồn dập pháo kích vào
trạm kiểm soát cửa khẩu Trà Lĩnh. Sau hơn 1 giờ cho pháo bắn tấp nập, bộ binh của
địch chia thành 3 mũi ồ ạt tấn công. Lúc này, trạm có 17 cán bộ, chiến sĩ đã
dũng cảm chiến đấu trong nhiều giờ giằng co, tiêu diệt được 250 quân của đối
phương, làm bị thương hàng trăm địch. Do lực lượng quá chênh lệch, 16 chiến sĩ
đã hy sinh, còn 1 chiến sĩ bị thương nặng vẫn cố tìm về đơn vị để báo cáo tình
hình địch cho đơn vị kịp thời ứng phó.
Còn tại Đồn
biên phòng 179 Tà Lùng, trên 80 cán bộ chiến sĩ đã ngoan cường chiến đấu với 1
sư đoàn bộ binh của địch có 50 xe tăng yểm trợ từ khoảng 5 giờ sáng ngày
17-2-1979. Cuộc chiến đấu kéo dài 14 tiếng đồng hồ, dù hy sinh 4 chiến sĩ, bị
thương 8 chiến sĩ nhưng Đồn 179 Tà Lùng đã tiêu diệt trên 200 tên địch và phá hủy
4 xe tăng của địch. Lợi dụng đêm tối, địch giãn vòng vây, quân ta bí mật rút
lui về hậu cứ, bảo toàn được lực lượng.
Mặc dù sau
nhiều ngày chiến đấu, địch buộc phải rút và bị tiêu hao rất nhiều lực lượng
nhưng cuộc chiến vẫn để lại những chứng tích vô cùng đau thương, oan khuất nơi
mảnh đất Cao Bằng mà sau 40 năm, thời gian vẫn không thể nào xóa nhòa.
Hồi sinh vùng
đất đau thương
Chúng tôi đã
tìm đến xã Hưng Đạo, cách trung tâm TP Cao Bằng chỉ chừng 10km. Đây là một xã nằm
ở phía Bắc TP Cao Bằng, trên cung đường đi Khu di tích lịch sử Pác Bó và hiện
nay có tuyến đường Hồ Chí Minh chạy cắt ngang. Ban đầu cứ nghĩ, xã vùng cao thì
nhà cửa sẽ tuềnh toàng, tạm bợ nhưng trung tâm xã Hưng Đạo hôm nay là một "phố
làng” giàu có. Nhà cửa toàn 2 - 3 tầng khang trang to lớn. Chợ búa, trường học,
nhà trẻ nằm san sát. Đường làng ngõ xóm trải phẳng bê tông, đi chẳng lấm chân.
Chủ tịch
UBND xã Hưng Đạo Hoàng Quang Dũng đón tiếp chúng tôi khi biết đoàn đi tìm hiểu
các nhân chứng lịch sử của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 40 năm trước.
Anh Dũng cho biết, cả xã Hưng Đạo có hơn 5.000 khẩu (chủ yếu là người Tày, Nùng
và Kinh). Năm 2018 xã đã được công nhận là xã nông thôn mới của tỉnh Cao Bằng với
đủ 19 tiêu chí. Cơ bản bà con ở đây vẫn làm nông nghiệp, nhưng rất nhiều hộ đã
mạnh dạn chuyển đổi từ lúa sang các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao
như: đào thế, thanh long, cam, bưởi (trồng quy mô lớn).
Nhìn cảnh
làng quê giàu có, văn minh, nhà nhà vui tươi, ít ai biết rằng, 40 năm trước, tại
chính nơi này đã xảy ra một thảm cảnh tang thương mà đến nay, những người già vẫn
không sao quên được. Đó là sự kiện 43 người dân, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, bị
giặc giết chết rồi đem toàn bộ xác quăng xuống giếng. Sau đó, người ta lập một
tấm bia tại giếng này để tưởng niệm các nạn nhân của cuộc chiến. Khi chúng tôi
bày tỏ muốn tìm địa điểm có tấm bia tưởng niệm các nạn nhân, Chủ tịch UBND xã
Hưng Đạo dắt xe máy ra khỏi trụ sở xã, dẫn chúng tôi đi tìm tấm bia.
Nơi đầu tiên
là bụi tre ngà ở xóm Vò Đuổn, xã Vĩnh Quang sát với xã Hưng Đạo, trên đường đi
lên khu trại chăn nuôi heo mà khi xưa, các nạn nhân của cuộc thảm sát vốn là
công nhân làm việc tại trại chăn nuôi này. Tuy nhiên, ở đây lại không có tấm
bia nào, nhưng chúng tôi may mắn gặp được ông Hoàng Văn Phong (63 tuổi), nhà ở
ngay đầu xóm, trên đường lên khu trại nuôi heo.
Khi được hỏi
về sự kiện 43 công nhân trại chăn nuôi heo năm xưa bị địch giết hại, ông Phong
kể lại: Thời điểm đó, ông đang chiến đấu ngay tại cửa khẩu Tà Lùng. Ông là
trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 567. Thời điểm nổ súng vào sáng
17-2, chúng tôi đã phục sẵn ở cửa khẩu rồi. Khi giặc tiến sang, chúng tôi trực
tiếp cầm súng chiến đấu. Nhưng do lực lượng quá mỏng nên bị bao vây, cả đơn vị
vừa đánh vừa phải rút dần về Quảng Uyên rồi đèo Khau Chỉ (Phục Hòa), sau 12
ngày đêm kiên cường cầm cự, ngăn chặn không cho địch tiến sâu vào TP Cao Bằng,
đến ngày 2-3-1979 thì địch cũng rút.
Ông Phong cho
biết, sau khi giặc rút, ông tranh thủ về nhà thăm cha mẹ, nhưng nhà cửa, làng mạc
bị địch phá tan tành. Ông rùng mình khi nghe chuyện lúc giặc tràn tới xã Vĩnh Quang,
vừa khi nhóm nữ công nhân của trại chăn nuôi heo đang chạy trốn (qua chính con
đường trước cổng nhà ông), liền bị giặc bắt áp giải về ngã ba Cao Bình, xã Hưng
Đạo, cách nhà ông khoảng 1km, để giam giữ. Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm xuống
xóm Nà Luông, xã Hưng Đạo - nằm giữa đường Hồ Chí Minh và con suối Nà Luông.
Chúng tôi gặp được ông Lô Ích Toản (người Tày), một trong những nhân chứng phát
hiện thi thể của các nạn nhân bị giết hại chôn vùi dưới đáy giếng. Đặc biệt,
ông Toản cũng là người đã dẫn đoàn các nhà báo Anh, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc,
Australia… đến tận giếng để ghi nhận về tội ác này ngay sau khi cuộc chiến kết
thúc vài ngày.
Ông Toản nhớ
như in, ngày 17-2-1979, giặc kéo xuống từ phía cửa khẩu Sóc Giang với mục tiêu
là sẽ hợp lực với mũi quân từ phía cửa khẩu Tà Lùng tại TP Cao Bằng để chiếm
toàn bộ tỉnh này. Năm ấy, ông Toản khoảng 20 tuổi, khi giặc tràn xuống, toàn bộ
người dân trong xã đã sơ tán gấp về huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn). Còn ông thì cùng
các dân quân khác tham gia chiến đấu tại huyện Hòa An, cách nhà khoảng 5km. Sau
10 ngày, nghe tin giặc rút, ông cùng bà con trong xã kéo về nhà. Nhưng khi ông
cùng người dân trong thôn Nà Luông trở về thì thấy toàn bộ nhà cửa đã bị giặc đốt
cháy nham nhở. Nhiều ngôi nhà chỉ còn là đống tro. Nhà ông cũng bị giặc đốt.
Nhưng còn bàng hoàng hơn khi mọi người phát hiện dưới cái giếng nước (mà bộ đội
ta đã đào vào năm 1978 khi về đây đóng quân bên suối Nà Luông) có rất nhiều thi
thể đang phân hủy, nằm chất đống. Đấy chính là thi thể của hàng chục nữ công nhân
làm việc tại trại nuôi heo đóng cách đó khoảng 1km, bị giặc áp giải xuống thôn
Nà Luông, sau đó nhốt tại nhà của một người dân và hãm hại.
Theo ông Toản,
vụ giết hại 43 người dân vô tội diễn ra vào khoảng ngày 2-3-1979, ngay trước
khi phía đối phương có lệnh rút quân.
Sau vài năm,
ông Toản tiếp tục xung phong lên đường, làm nhiệm vụ tại tiểu đoàn tăng thiết
giáp. Xuất ngũ, ông trở về quê hương làm ruộng và hiện đang là cán bộ phụ trách
nông - lâm - giao - thủy của xã Hưng Đạo. Xách theo đôi ủng, ông Toản dẫn chúng
tôi lội bộ qua suối Nà Luông để tìm cái giếng nước, bên cạnh có tấm bia ghi nhớ
sự kiện mãi chẳng thể quên. Ông bảo, sự kiện đau thương, tang tóc ấy, sau nhiều
chục năm, chỉ có những người già (hầu như đều đã 60 tuổi trở lên) là còn nhớ rõ.
Thế hệ trẻ ít ai biết tới. Có lẽ cũng vì nó quá đau thương nên những người già
không muốn kể lại, nhắc lại cho các con, các cháu!
Theo
SGGP