40 năm đã trôi qua kể từ ngày Việt Nam chiến đấu chống quân Trung Quốc để bảo vệ biên giới nhưng nỗi đau Vị Xuyên vẫn còn đó. Nhiều người vẫn tự hỏi tại sao từ chỗ chỉ được xác định là hướng phụ, hướng thứ yếu trong kế hoạch của quân Trung Quốc khi phát động cuộc chiến tranh, Vị Xuyên lại trở thành một mặt trận nóng bỏng và ác liệt kéo dài dai dẳng nhiều năm sau khi cuộc chiến tranh đã kết thúc trên danh nghĩa?

Bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu giả thiết liên quan đến mặt trận Vị Xuyên, đến cuộc chiến đấu sinh tử kiên quyết bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc của quân và dân ta tại đây vẫn chưa được giải đáp một cách thỏa đáng vì nhiều lý do.

Gần chục năm không ngớt tiếng pháo

Trong ký ức của người Việt Nam, có lẽ không một ai có thể quên được vào ngày 17-2-1979, ngày mà quân Trung Quốc đã huy động 60 vạn quân cùng với 2.558 khẩu pháo mặt đất, 550 xe tăng, 676 máy bay các loại, 2 sư đoàn pháo phòng không... chia làm 2 cánh bất ngờ mở cuộc tiến công xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam. Ngay trong ngày đầu tiên của cuộc chiến đó, mảnh đất Vị Xuyên đã nóng lên bởi các trận pháo kích và các cuộc tiến công của quân Trung Quốc.

Sau hơn 10 ngày thực hiện ý đồ "đánh nhanh, chiếm nhanh các mục tiêu” theo kế hoạch ban đầu, quân Trung Quốc dựa vào ưu thế quân đông, vũ khí trang bị nhiều và hiện đại đã tiến sâu vào nội địa Việt Nam trên một số hướng, có chỗ vào sâu hàng chục kilômét. Tuy nhiên, trên hướng Vị Xuyên, đối phương đã thất bại trong việc thu hút lực lượng của ta và tiến sâu vào trong. Tại đây, chiến sự vẫn diễn ra trong thế giằng co, dai dẳng và quyết liệt.

Trước sức ép phản đối kịch liệt của dư luận trong nước, quốc tế, lực lượng bị tổn thất nặng nề và để khỏi bị sa lầy trong cuộc chiến, ngày 5-3-1979, quân Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đến ngày 18-3-1979, về cơ bản quân Trung Quốc đã rút về nước theo kế hoạch. Mặc dù vậy, hòa bình vẫn chưa được vãn hồi trên tuyến biên giới phía Bắc, đặc biệt là ở mặt trận Vị Xuyên.


Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang

Có thể nói, kể từ sau ngày 18-3-1979, gần chục năm ròng chưa khi nào Vị Xuyên ngớt tiếng pháo, đạn cối từ bên kia biên giới rót sang. Từ một địa bàn được xác định là hướng thứ yếu, Vị Xuyên nhanh chóng trở thành điểm nóng, một mặt trận trọng điểm trong chính sách gặm nhấm, gây xung đột biên giới của quân Trung Quốc thời điểm đó.

Vì sao lại là Vị Xuyên?

Trên tuyến biên giới dài cả ngàn kilômét, tại sao quân Trung Quốc lại chọn Hà Tuyên và lấy Vị Xuyên làm điểm tiến công lấn chiếm sau khi cuộc chiến tranh mà họ gọi là để "dạy cho Việt Nam một bài học” đã kết thúc?

Trước hết, Vị Xuyên là khu vực còn một số điểm mà việc hoạch định biên giới chưa thật rõ ràng, ví dụ như Điểm cao 1509 (phía Trung Quốc gọi là Lão Sơn) hay Điểm cao 1250 (Trung Quốc gọi là Giả Âm Sơn)... Tiến công vào Vị Xuyên, quân Trung Quốc sẽ có lý do để biện minh cho những hành động phát động cuộc chiến tranh, có cớ để lừa bịp chính nhân dân Trung Quốc và đối phó với dư luận quốc tế.

Thứ hai, mục đích của quân Trung Quốc lúc bấy giờ là thu hút càng nhiều càng tốt binh lực của Việt Nam lên tuyến biên giới, làm cho Việt Nam suy yếu. Vị Xuyên là địa bàn "lý tưởng” để thực hiện ý đồ đó.

Thứ ba, quân Trung Quốc rất sợ chiến tranh lan rộng và bùng phát trở lại sẽ ảnh hưởng đến "4 hiện đại hóa”.

Tạo điểm nóng ở khu vực Vị Xuyên vừa để thu hút được binh lực của đối phương, buộc Việt Nam phải điều chỉnh thế bố trí chiến lược, duy trì một đội quân thường trực lớn tại một địa bàn không phải là trọng điểm, xa hậu phương, khó khăn cho công tác bảo đảm hậu cần; lại vừa không ảnh hưởng đến chương trình "4 hiện đại hóa” của họ. Vả lại, đánh vào Vị Xuyên, đối phương chủ động được cả thời gian, không gian, quy mô, lực lượng cũng như cường độ để thực hiện các cuộc tiến công. 

Có thể nói rằng trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc để bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, quân và dân Vị Xuyên là những người "đi trước, về sau”.

Ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến đấu, với lực lượng vũ trang địa phương là chủ yếu, họ đã kiên cường bám trụ chiến đấu, bẻ gãy và đẩy lui hàng chục cuộc tiến công của quân Trung Quốc; giữ vững được trận địa phòng ngự.

Đặc biệt, trong trận đánh vào ngày 13-3, đã chặn đứng được cuộc tiến công của 2 tiểu đoàn địch vào khu vực phòng ngự của Trung đoàn 122, bộ đội địa phương tỉnh Hà Tuyên tại Lao Chải. 

Khúc tráng ca vẫn luôn vang vọng

Mặt trận Vị Xuyên thực sự nóng bỏng và ác liệt từ giữa năm 1984. Nhiều đơn vị dày dạn kinh nghiệm trận mạc đã được đưa lên mặt trận Vị Xuyên thay nhau chốt giữ các điểm tựa quan trọng và giành lại các vị trí đã bị quân Trung Quốc đánh chiếm, lúc cao điểm có tới 9 sư đoàn chủ lực tham gia tác chiến ở Vị Xuyên.

Ngày 12-7-1984, quân và dân Vị Xuyên mở cuộc tiến công lớn để giành lại các điểm cao 1030, 233, 685... và bình độ 300, 400 ở phía Tây sông Lô. Mặc dù không thu hồi được hết các vị trí chiến lược nêu trên, song cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 (Sư doàn 316), Trung đoàn 876 (Sư đoàn 356) và các đơn vị phối hợp trong trận đánh này đã chiến đấu rất quả cảm.

Trong trận đánh vào ngày 12-7, chỉ riêng Sư đoàn 356 đã có gần 600 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Đây là một trong những trận đánh ác liệt nhất, thương vong lớn nhất và đáng nhớ nhất đối với các lực lượng tham gia chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên những năm đầu thập niên 80. 

Từ trung tuần tháng 11-1984 đến những tháng đầu năm 1985, cuộc chiến đấu tại đây diễn ra vô cùng quyết liệt, hai bên giành giật nhau từng mét đất, từng bụi cây, hốc đá.

Quân Trung Quốc thường lợi dụng địa thế triển khai trên núi cao, dựa vào lực lượng đông, hỏa lực của pháo binh cực mạnh đã liên tiếp mở nhiều cuộc tiến công vào Điểm cao 1509 và các vị trí quan trọng khác như đồi Đài, đồi Cô Ích. Tuy nhiên, các cuộc tiến công đó đều bị quân và dân Vị Xuyên bẻ gãy, không đạt được mục tiêu đề ra.

Mặc dù thương vong nhiều song các chiến sĩ vẫn không chùn bước, không rút lui mà chuyển sang triển khai thế trận phòng ngự trực tiếp tiếp xúc với quân Trung Quốc, có nơi hai bên chỉ cách nhau vài chục mét. Khó có thể nói hết tinh thần chịu đựng khó khăn gian khổ, hiểm nguy và hy sinh mà quân và dân Vị Xuyên gặp phải trong khoảng thời gian này. Bộ đội phải chịu đựng khổ cực, thiếu thốn; mỗi ngày, một chiến sĩ được phát 3 nắm cơm với cá khô và muối rang; 3 người được cấp một can nước 5 lít dùng cho mọi sinh hoạt. Đời sống thiếu thốn cực khổ như vậy nhưng lực lượng giữ chốt vẫn vượt lên tất cả, kiên cường bám trụ đánh địch, giữ vững trận địa.

Liên tục từ ngày 31-5 đến 16-6-1985, quân Trung Quốc sử dụng pháo binh bắn phá bất kể ngày đêm và tổ chức 21 cuộc phản kích nhằm giành lại quyền kiểm soát Điểm cao A6b, một vị trí lợi hại mà quân và dân Vị Xuyên vừa giành lại được trước đó không lâu. Tuy vậy, tất cả các cuộc phản kích đó đều bị quân và dân Vị Xuyên chặn đứng.

Từ ngày 23 đến 25-9-1985, Quân đoàn Tế Xương của Trung Quốc lại tiếp tục mở đợt tiến công mới trên một chính diện kéo dài từ Đông sang Tây sông Lô, trong đó tập trung vào đồi Cô Ích, bình độ 1.100 ở Vị Xuyên. Tuy nhiên, đợt tiến công này cũng bị quân và dân Vị Xuyên đánh bại.

Trong năm 1986, chiến sự tại mặt trận Vị Xuyên vẫn không hề thuyên giảm, có ngày mảnh đất Vị Xuyên phải hứng chịu 50.000 quả đạn pháo từ bên kia biên giới dội sang; địch mở tới 7 đợt tiến công vào đồi Đài và đồi Cô Ích.

Bất chấp sự tàn phá hủy diệt của bom đạn, các lực lượng của ta bám trụ tại đây vẫn bình tĩnh chống trả, bẻ gãy hết đợt tiến công này đến đợt tiến công khác, giữ vững trận địa. Bước sang năm 1987, quân Trung Quốc ngừng các cuộc tiến công lấn chiếm Vị Xuyên.

Tuy nhiên, mảnh đất này vẫn tiếp tục hứng chịu các cuộc pháo kích dai dẳng cho đến cuối năm 1988 mới dừng hẳn tiếng pháo. Đầu năm 1989, quân Trung Quốc mới chịu rút khỏi 20 điểm lấn chiếm lãnh thổ của Việt Nam tại Bắc Vị Xuyên.

Mặc dù 40 năm đã trôi qua nhưng nỗi đau Vị Xuyên vẫn còn đó. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc có gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, trong đó mới chỉ có hơn 1.700 hài cốt được tìm thấy, còn lại hơn 3.000 hài cốt vẫn nằm rải rác đâu đó trong các hốc đá, vùi dưới gốc cây, bên các sườn núi cheo leo cho đến nay vẫn chưa thể nào tìm và lấy ra đựợc.

Dẫu vậy, người dân Vị Xuyên và cả những người lính đã từng chiến đấu tại đây, kể cả những người may mắn sống sót trở về, cũng như vong hồn của những người đã hòa mình vào lòng đất Vị Xuyên có quyền tự hào bởi họ là những người "đi trước, về sau” để viết lên khúc tráng ca Vị Xuyên bất tử trong cuộc chiến bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

                                     Theo SGGP

Các tin khác


40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở biên cương- Bài 2: Lạng Sơn những ngày khói lửa

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã diễn ra khốc liệt tại 6 tỉnh biên giới vào rạng sáng 17-2-1979, trên các mặt trận. Quân Trung Quốc dùng hỏa lực, bộ binh, xe tăng nhanh chóng lấn chiếm biên giới các tỉnh. Ác liệt nhất là mặt trận Đồng Đăng, Lạng Sơn, bởi chiếm được Đồng Đăng coi như con đường thọc sâu vào lãnh thổ nước ta của Trung Quốc trở nên thuận lợi. Những chứng tích, nhân chứng còn lại đã minh chứng sự chiến đấu anh dũng để gìn giữ từng tấc đất biên cương Tổ quốc của quân và dân ta.

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở biên giới phía Bắc - Bài 1: Hiên ngang Pò Hèn

Lịch sử dân tộc mãi khắc ghi những ngày tháng oanh liệt cách đây 40 năm (17-2-1979 – 17-2-2019), khi quân và dân ta đã anh dũng, kiên cường chiến đấu trước cuộc tấn công xâm lược của quân Trung Quốc trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Những ngày đầu năm mới, nhóm phóng viên Báo SGGP đã trở lại nhiều địa danh lịch sử trên tuyến biên giới phía Bắc để tìm lại những dấu tích và gặp gỡ các nhân chứng trong cuộc chiến tranh chính nghĩa của quân dân ta bảo vệ biên cương, lãnh thổ, đồng thời ghi nhận sự đổi thay, vươn lên phát triển mạnh mẽ của những vùng đất thiêng liêng của dân tộc sau cuộc chiến vệ quốc khốc liệt.

Từ di tích lịch sử cấp quốc gia đến hành trình trên đất bạn Lào

(HBĐT) - Là hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông, tình hữu nghị Việt - Lào đã được hình thành và củng cố cùng bề dày lịch sử phát triển của hai dân tộc. Hòa chung dòng chảy ấy, tại tỉnh ta cũng có một di tích lịch sử thắm đượm tình đoàn kết Việt - Lào, đó là di tích nơi tổ chức Đại hội trù bị Đại hội II Đảng Nhân dân cách mạng Lào (nay thuộc khuôn viên của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2012. Đây vừa là minh chứng tình hữu nghị Việt - Lào, vừa là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh.

Thưởng ngoạn Đà Lạt - thành phố “tình yêu”

(HBĐT) - Đặt chân đến Đà Lạt, tôi cảm nhận sự thay đổi của tiết trời, không gian, lối kiến trúc cổ kính, hương thơm ngào ngạt của ngàn hoa, thật xứng với danh xưng "thành phố tình yêu”. Trong tiết trời se lạnh, mưa phây phất từng hạt li ti, chúng tôi thong dong thưởng ngoạn những tinh hoa của mảnh đất "hiền hòa”.

Bản Mường ấm no dưới chân cột mốc ba biên

(HBĐT) - Ở một nơi xa xôi, cách Hòa Bình hơn 1.000 cây số, có những bản Mường của người Hòa Bình vào định cư cách đây gần 30 năm, nay bà con đã an cư, lạc nghiệp ở vùng đất mới. Mảnh đất biên viễn này là xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, nơi một tiếng gà gáy ba nước Đông Dương cùng nghe.

Vang mãi khúc tráng ca Anh hùng áo vải

(HBĐT) - Sau nhiều lần lỗi hẹn, đầu năm 2019, chúng tôi có dịp đến thăm gò Đống Đa, nơi in dấu chiến công hiển hách của Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ với chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, một mốc son chói lọi trong lịch sử nước nhà. Xuân này, giữa Hà Thành hoa lệ, náo nhiệt, Công viên Văn hóa - di tích gò Đống Đa cũng náo nức chuẩn bị cho lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày mồng 5 Tết. Và đặc biệt hơn, tại lễ hội Xuân Kỷ Hợi, gò Đống Đa sẽ được đón bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục