(HBĐT) -Một ngày cuối năm 2018, chúng tôi có dịp trở lại vùng cao huyện Lạc Sơn thăm các cán bộ kiểm lâm làm nhiệm vụ giữ bình yên trên những cánh rừng đại ngàn. Khoác trên mình màu áo xanh của lực lượng kiểm lâm là niềm tự hào đối với 22 cán bộ làm nhiệm vụ giữ rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ngọc Sơn - Ngổ Luông. Cùng với niềm tự hào đó là trách nhiệm không nhỏ đặt lên vai họ, những con người ăn ngủ với "vàng trên đất”.

Cán bộ kiểm lâm Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng.

Năm 2018, đội ngũ kiểm lâm cùng nhân dân nơi đây đã ngăn chặn, bắt giữ và xử lý 4 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (giảm 4 vụ so với năm 2017), trong đó có 2 vụ khai thác và 2 vụ vận chuyển. Qua xử lý, lực lượng chức năng tịch thu 1 xe máy, 2 cưa xăng, 0,007 m3 gỗ nghiến nhóm IIA, 0,1 m3 gỗ để tại rừng, 5 kg phong lan rừng, nộp NSNN 9 triệu đồng tiền xử phạt hành chính. Các vụ vi phạm giảm một nửa so với năm trước cho thấy nhận thức của người dân về giá trị của rừng, ý thức bảo vệ rừng được nâng lên.

Ban quản lý Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông có trụ sở chính với 7 người và 5 trạm gác với 15 người, chia đều cho mỗi trạm. Ở địa phận huyện Lạc Sơn có 3 trạm gồm: trạm Bu Lọt thuộc xã Tân Mỹ, trạm xóm Điện, xã Ngọc Sơn và trạm xóm Mu, xã Tự Do. Địa phận huyện Tân Lạc có 2 trạm ở xã Quyết Chiến và Ngổ Luông. Để đảm bảo công tác bảo vệ rừng trong dịp Tết, cán bộ duy trì trực 100% quân số, chia làm 2 ca, 50% quân số/ca trực để đảm bảo luôn có lực lượng sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Đã bao năm nay, dường như mỗi trạm gác, mỗi đồng đội đã trở thành người thân và là ngôi nhà thứ hai của họ.

Trong 22 chiến sỹ thì có đến 17 người đã đón trên chục cái Tết ở miền vùng cao sương gió này. Định kỳ 3 năm một lần, các trạm đảo quân, mỗi lần như vậy, cán bộ lại được đón Tết ở một nơi khác với không gian, con người khác. Tuy không thể ở bên gia đình nhưng tình quân dân ấm áp đã giúp các anh với đi nỗi nhớ nhà. Đồng chí Bùi Văn Thoại, chiến sỹ tại trạm gác xã Ngổ Luông (Tân Lạc) chia sẻ: "Tôi vừa nhận công tác tháng 9/2018. Năm nay là năm đầu tiên tôi làm nhiệm vụ và đón Tết tại đơn vị. Tuy sống, làm việc tại đây chưa lâu nhưng với sự quan tâm của lãnh đạo và anh em trong đơn vị cũng như tình cảm quân dân giúp tôi dần thích ứng với mọi điều kiện".

"Không quên nhiệm vụ những ngày vui xuân”, đó là phương châm mà Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông đề ra cho các chiến sỹ làm nhiệm vụ bảo vệ rừng đợt trực Tết vừa qua. Theo đó, các trạm duy trì thường trực 2 người, trụ sở chính 4 người thường xuyên thông tin liên lạc để kịp thời nắm bắt tình hình. Đồng thời, đề ra nhiều phương án như phối hợp với chính quyền địa phương và các Ban tự quản lâm nghiệp xóm, 42 tổ bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra các cửa lối ra vào rừng; làm thêm bảng biển bảo vệ rừng; tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, không sử dụng các phương tiện, máy móc để khai thác tài nguyên rừng trái phép; các trạm thường xuyên báo cáo tình hình về trụ sở chính tổng hợp, theo dõi và có phương án xử lý khi có sự việc phát sinh.

Đến với Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông, điều khiến chúng tôi cảm nhận rõ là tình quân dân sâu sắc khi mỗi trạm được coi như 1 hộ dân, mỗi chiến sỹ là một nhân khẩu. Trong tất cả các công việc chung của làng, của xóm, các cán bộ cùng tham gia với người dân. Mỗi dịp Tết đến, ngoài nhiệm vụ trực gác, các anh cũng chia nhau đến các hộ dân trong thôn, xóm chúc Tết, thăm hỏi, kết hợp làm công tác tư tưởng, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng. Không có cách dân vận nào hiệu quả bằng việc sống, làm việc, vui chơi cùng nhân dân, các chiến sỹ áo xanh tích cực tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đón xuân cùng người dân trong vùng. "Những việc làm đó góp phần thắt chặt thêm tình cảm, để bà con hiểu đựơc giá trị của rừng đối với đời sống của chính mình, ý thức được trách nhiệm của bản thân trong công tác bảo vệ rừng” - Giám đốc Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông Bùi Văn Hùng chia sẻ.

                                                                                              Thanh Sơn


Các tin khác


40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở biên giới phía Bắc - Bài 3: Trở lại Cao Bằng

Trở lại TP Cao Bằng, nơi địa đầu đất nước, không ai nghĩ rằng đúng 40 năm trước, quân và dân ở mảnh đất phên dậu này đã phải trải qua một cuộc chiến chống quân Trung Quốc, dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng lại vô cùng tàn khốc, ác liệt và đau thương, để bảo vệ biên cương thiêng liêng của Tổ quốc.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 - 1989: “Kẻ thù buộc ta ôm cây súng”

(HBĐT) -Những ngày này đúng 40 năm về trước, hơn 600.000 quân xâm lược Trung Quốc bất ngờ tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta. Quân xâm lược không ngờ được rằng, tuy bị bất ngờ nhưng cũng giống như 14 lần xua quân xâm chiếm nước Nam của các triều đại phong kiến phương Bắc trước đó trong lịch sử, chúng đã phải nhận lấy những đòn chí mạng bởi truyền thống quật cường, tinh thần quả cảm của quân và nhân dân ta...

40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Ký ức không quên

Một mùa Xuân nữa lại về trên những rẻo cao biên giới của tỉnh Lào Cai. Sự ấm no, hạnh phúc, bình an đã hiển hiện trong từng nếp nhà của đồng bào các dân tộc Mông, Nùng, Dao, Hà Nhì... ở địa phương - nơi có con sông Hồng chảy vào đất Việt.

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở biên cương- Bài 2: Lạng Sơn những ngày khói lửa

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã diễn ra khốc liệt tại 6 tỉnh biên giới vào rạng sáng 17-2-1979, trên các mặt trận. Quân Trung Quốc dùng hỏa lực, bộ binh, xe tăng nhanh chóng lấn chiếm biên giới các tỉnh. Ác liệt nhất là mặt trận Đồng Đăng, Lạng Sơn, bởi chiếm được Đồng Đăng coi như con đường thọc sâu vào lãnh thổ nước ta của Trung Quốc trở nên thuận lợi. Những chứng tích, nhân chứng còn lại đã minh chứng sự chiến đấu anh dũng để gìn giữ từng tấc đất biên cương Tổ quốc của quân và dân ta.

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở biên giới phía Bắc - Bài 1: Hiên ngang Pò Hèn

Lịch sử dân tộc mãi khắc ghi những ngày tháng oanh liệt cách đây 40 năm (17-2-1979 – 17-2-2019), khi quân và dân ta đã anh dũng, kiên cường chiến đấu trước cuộc tấn công xâm lược của quân Trung Quốc trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Những ngày đầu năm mới, nhóm phóng viên Báo SGGP đã trở lại nhiều địa danh lịch sử trên tuyến biên giới phía Bắc để tìm lại những dấu tích và gặp gỡ các nhân chứng trong cuộc chiến tranh chính nghĩa của quân dân ta bảo vệ biên cương, lãnh thổ, đồng thời ghi nhận sự đổi thay, vươn lên phát triển mạnh mẽ của những vùng đất thiêng liêng của dân tộc sau cuộc chiến vệ quốc khốc liệt.

Từ di tích lịch sử cấp quốc gia đến hành trình trên đất bạn Lào

(HBĐT) - Là hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông, tình hữu nghị Việt - Lào đã được hình thành và củng cố cùng bề dày lịch sử phát triển của hai dân tộc. Hòa chung dòng chảy ấy, tại tỉnh ta cũng có một di tích lịch sử thắm đượm tình đoàn kết Việt - Lào, đó là di tích nơi tổ chức Đại hội trù bị Đại hội II Đảng Nhân dân cách mạng Lào (nay thuộc khuôn viên của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2012. Đây vừa là minh chứng tình hữu nghị Việt - Lào, vừa là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục