> Bài 1 - Thắp sáng lộ trình giảm nghèo bền vững
Người dân tiết kiệm được thời gian, chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Đơn giản hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính
Hòa Bình vốn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhưng khi nào chưa thực hiện tốt công tác cải cách hành chính (CCHC) thì khi ấy Hòa Bình chưa thể trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Xác định rõ điều này, những năm qua, tỉnh đã có sự chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện cải cách TTHC. Từ năm 2017, UBND tỉnh đã quyết định chuyển chức năng kiểm soát TTHC, theo dõi cải cách TTHC từ Sở Tư pháp và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông từ Sở Nội vụ về Văn phòng UBND tỉnh. Hàng năm, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các kế hoạch kiểm soát, rà soát, đánh giá TTHC để chỉ đạo các cấp, ngành trong tỉnh triển khai thực hiện. Qua rà soát đã có 208 TTHC được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thông qua phương án đơn giản hóa, tỷ lệ cắt giảm chi phí đạt 25,3%, trong đó, chủ yếu kiến nghị rút ngắn thời gian giải quyết, bãi bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, giảm bớt các yêu cầu về chứng thực. Quy định rõ thành phần, số lượng hồ sơ, thời gian giải quyết TTHC. Quy định cụ thể trình tự, cách thức thực hiện, bãi bỏ những nội dung thông tin không cần thiết, những yêu cầu, điều kiện bất hợp lý gây phiền hà, tốn kém, mất nhiều thời gian thực hiện cho cá nhân, tổ chức. UBND tỉnh cũng đã ban hành quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thông báo công khai địa chỉ, số điện thoại, hòm thư thư điện tử để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (DN) có thể liên hệ, phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, cũng như phản ánh về thái độ, hành vi của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết TTHC.
Để tạo bước đột phá trong CCHC, năm 2017, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công (TTPVHCC) tỉnh, đưa TTHC của các sở, ban, ngành, cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn ra thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm. Đến nay, TTPVHCC tỉnh và 100% bộ phận một cửa cấp huyện, 34% bộ phận một cửa cấp xã được trang bị đầy đủ các thiết bị chuyên dụng, hiện đại để phục vụ Nhân dân. Phần mềm một cửa điện tử được kết nối từ tỉnh đến 100% đơn vị cấp huyện, cấp xã. 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền đều được giải quyết qua phần mềm một cửa điện tử.
Hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, những năm gần đây, UBND tỉnh, các sở, ngành đã chủ động gặp mặt, đối thoại với DN để lắng nghe, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN. Việc cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành được coi trọng. Rút ngắn thời gian thanh, kiểm tra, góp phần giúp DN SX-KD thuận lợi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh còn nhiều khó khăn. Xác định rõ: chừng nào chưa làm tốt công tác CCHC thì chừng ấy chưa thể nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, bởi vậy, tỉnh đã có những động thái tích cực để thúc đẩy CCHC, thu hút đầu tư.
Đồng chí Quách Tất Liêm, Giám đốc Sở KH&ĐT chia sẻ: Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong lộ trình nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh năm 2019 (tỉnh ta xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố và được xếp vào nhóm điều hành khá), năm 2020, tỉnh đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu tăng tổng điểm số PCI từ 2 - 5 điểm so với năm 2019. Theo đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Quyết định số 97, ngày 16/1/2020 về Kế hoạch tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2020, định hướng đến năm 2021. Trong đó, giao Sở KH&ĐT cập nhật, công bố kịp thời, công khai các TTHC liên quan đến điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa và thực thi đúng, đầy đủ; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức. Chủ trì xây dựng, quản lý dữ liệu về DN, dự án đầu tư; thường xuyên công khai trên các kênh thông tin điện tử để DN biết, theo dõi, nắm bắt thông tin kịp thời, phục vụ kế hoạch SX-KD.
Đại diện Sở TN&MT cũng cho biết: Theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành TN&MT sẽ tiếp tục thực hiện đơn giản hóa nội dung hồ sơ, thủ tục, thực hiện kết nối điện tử liên thông trong giải quyết TTHC về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai... Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho DN. Tạo điều kiện thuận lợi cho DN vừa và nhỏ trong tiếp cận đất đai…, tất cả để tạo dựng niềm tin đối với các nhà đầu tư đến với tỉnh.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2011-2020, tỉnh đã thu hút được 392 dự án (363 dự án trong nước, 29 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài). Về phát triển DN, từ năm 2011 - tháng 6/2020, toàn tỉnh có 2.400 DN thành lập mới, nâng tổng số DN trên địa bàn tỉnh lên 4.000 DN, với số vốn đăng ký trên 49 nghìn tỷ đồng. Số dự án đầu tư và số DN đang hoạt động trên địa bàn được cho chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Bởi vậy, trong thời gian tới cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành để thu hút đầu tư, tạo sự đột phá trong phát triển KT-XH, để Hòa Bình sớm thoát khỏi ngưỡng "bình bình”.
Thúy Hằng