(HBĐT) - Những năm qua, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998 của BCH T.Ư Đảng khóa V về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của BCH T.Ư Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã triển khai đồng bộ giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa (DSVH).
Là chủ nhiệm câu lạc bộ giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị mo Mường xã Mỹ Hòa (Tân Lạc), nghệ nhân Bùi Văn Hung (bên phải) tâm huyết truyền dạy cho những người có tố chất.
Phát huy vai trò người nắm giữ, trao truyền
Từ năm 2015 đến nay, Nhà nước đã tiến hành xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân” (NNND), "Nghệ nhân ưu tú” (NNƯT) trong lĩnh vực DSVH phi vật thể (PVT), định kỳ 3 năm/lần. Toàn tỉnh hiện có 18 nghệ nhân được phong tặng NNƯT nhờ những cống hiến xuất sắc trong việc giữ gìn, phát huy DSVHPVT của dân tộc. Năm 2021, Hội đồng chuyên ngành Bộ VH-TT&DL đã xét duyệt và công bố công khai trên truyền thông hồ sơ 26 NNƯT và 1 NNND của tỉnh, chờ Hội đồng Nhà nước tổ chức phiên họp theo quy định. Việc phong tặng danh hiệu là sự tôn vinh, động viên, khích lệ của Đảng, Nhà nước đối với những người lưu giữ, trao truyền và thực hành phổ biến DSVHPVT.
Trong số các nghệ nhân của tỉnh được vinh danh có cả người dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao. Hầu hết các nghệ nhân đam mê lĩnh vực nắm giữ và hoạt động truyền dạy tích cực. Tiêu biểu như nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) đã có nhiều công trình, trong đó có cả công trình nghiên cứu về nghệ thuật diễn xướng mo Mường được giải thưởng cấp Nhà nước. Ông đang tham gia truyền dạy bộ chữ Mường và là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) mo Mường Lạc Sơn. Các nghệ nhân: Bùi Văn Minh, xã Văn Sơn (Lạc Sơn); Bùi Văn Lựng, xã Phong Phú (Tân Lạc) truyền dạy mo Mường và đi đầu trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Nghệ nhân Nguyễn Văn Thực, phường Thái Bình (TP Hòa Bình); Bùi Tiến Xô, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian…
Cũng trong những năm gần đây, các CLB phát huy bản sắc văn hóa chiêng Mường, dân ca Mường và mo Mường được khuyến khích, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để xây dựng, thành lập nhằm huy động sự tham gia của những người nắm giữ, người có cùng sở thích, đam mê. Lạc Sơn, Tân Lạc, Cao Phong, Lương Sơn là những địa phương phát triển mạnh loại hình các CLB. Điển hình như huyện Lạc Sơn có 1 CLB mo Mường cấp huyện, 4 CLB hát dân ca Mường và 252 đội văn nghệ cơ sở, huyện Tân Lạc thành lập được 6 CLB giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị mo Mường với hơn 100 thành viên… Trên phạm vi toàn tỉnh, 1.482 thôn, xóm, tổ dân phố đều thành lập được các đội văn hóa, văn nghệ ở cơ sở.
Thông qua tuyên truyền, vận động, các nghệ nhân nắm giữ DSVH đã phát huy vai trò trong thực hành, truyền dạy. Hầu hết nghệ nhân là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Đến nay, các di sản chiêng Mường, nghệ thuật chiêng Mường và hát dân ca được bảo tồn khá tốt. Theo thống kê, toàn tỉnh còn lưu giữ được gần 10.000 chiêng trong Nhân dân. Với những nỗ lực trao truyền, mỗi nghệ nhân mo Mường có ít nhất 1 - 2 học trò, góp phần bổ sung cho lực lượng nghệ nhân. Đặc biệt, trong số các nghệ nhân mới, có cả những nghệ nhân tuổi đời còn trẻ (Đinh Đức Thịnh, Bùi Văn Bình, Bùi Văn Phán ở xã Mỹ Hòa - Tân Lạc) nhưng đã có thể tự tin cử hành các bài mo từ cấp độ dễ (làm vía, thổ công, mo Tết), đến những bài mo cấp độ khó hơn.
Gắn bảo tồn các di sản với hoạt động đời sống xã hội
Muốn bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, vấn đề đặt ra là phải tạo điều kiện thuận lợi về môi trường. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chú trọng đưa di sản gắn vào nhiều hoạt động của đời sống xã hội. Nhiều chương trình hội thi, hội diễn được ngành VH-TT&DL chỉ đạo, tổ chức và yêu cầu khai thác các DSVH để giới thiệu, trình diễn. Đồng thời, DSVH, nhất là chiêng Mường, dân ca, dân vũ được đưa vào trong các sự kiện về chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh, của địa phương. Đặc biệt, dịp Kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh, với việc tổ chức màn trình tấu chiêng Mường đã xác lập kỷ lục Guinness lần thứ nhất với 1.000 tay chiêng đến từ 4 vùng Mường. Dịp Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, kỷ lục cũ được phá vỡ với sự có mặt của 1.500 tay chiêng. Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh và nhiều địa phương tổ chức các hoạt động mở lớp truyền dạy hát dân ca, chiêng Mường. Dân ca dân vũ, chiêng Mường được đưa vào chương trình giảng dạy, phổ biến trong các nhà trường. Hoạt động du lịch của tỉnh cũng rất ý thức và biết "tranh thủ” khai thác nguồn tài nguyên nhân văn quý giá này thông qua việc xây dựng các đội chiêng, đội văn nghệ dân gian.
Theo đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, các DSVHPVT tiêu biểu của tỉnh như chiêng Mường, dân ca, dân vũ đang được giữ gìn, phát huy tốt sau nhiều nỗ lực bảo tồn và huy động cả cộng đồng cùng tham gia. Với mo Mường đã, đang tập trung các giải pháp bảo vệ khẩn cấp, tạo môi trường thực hành mo, tiến tới được công nhận DSVH thế giới. Tỉnh cũng định hướng thực hiện dự án xây dựng không gian bảo tồn văn hóa Mường tại 4 vùng Mường. Thông qua bảo tồn, phát huy kho tàng DSVH mà nền văn hóa Hòa Bình càng đậm đà bản sắc, đem lại những giá trị và trở thành nguồn lực quan trọng đối với phát triển KT-XH, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của Nhân dân.
Bùi Minh