(HBĐT) - Từng dòng chữ được phác vội trên giấy bằng đôi tay hao gầy, run run của người cựu chiến sỹ Nguyễn Văn Hai, tổ 11, phường Thịnh Lang (TP Hoà Bình) tham chiến ở Chiến dịch Hoà Bình năm xưa khiến chúng tôi không khỏi xúc động về một thời hoa lửa mà các cụ ông, cụ bà đã trải qua. Năm ấy, Chiến dịch Hoà Bình diễn ra khốc liệt với những mất mát, nhưng cùng với đó là những chiến công vang dội khiến thực dân pháp "vỡ mộng” với âm mưu lập "Xứ Mường tự trị” trên đất Hoà Bình.


Trung tá Nguyễn Văn Hai (bên phải), tổ 11,phường Thịnh Lang (TP Hoà Bình) kể lại những trận đánh khốc liệt trong Chiến dịch Hoà Bình.

Trung tá Nguyễn Văn Hai nay đã 92 tuổi, ở phường Thịnh Lang và ông Nguyễn Đức Dậu ở phường Dân Chủ đều là những nhân chứng sống hiếm hoi đang sinh sống tại TP Hoà Bình sau chiến thắng Chiến dịch Hoà Bình. Những cam go, kham khổ, khốc liệt ngày ấy, chúng tôi thấm đượm qua từng lời kể. Tại Chiến dịch Hoà Bình, ông Nguyễn Văn Hai thuộc biên chế Đại đội 16 Kỳ Sơn đã tham gia 3 trận đánh ác liệt, là những trận then chốt góp phần tạo nên chiến thắng Hoà Bình. Đó là trận cầu Mè, đồi Dụ; trận dốc Kẽm, xã Mông Hoá (Kỳ Sơn) và trận Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong).

Theo lời kể của ông, trận chiến cầu Mè, đồi Dụ, bộ đội địa phương và du kích xã Mông Hoá phối hợp bộ đội chủ lực dàn trận hai bên cầu Mè, tựa thế từ đồi Dụ để vây hãm, công kích quân địch. Đại đội của ông cùng bộ đội chủ lực và một đại đội của Tiểu đoàn 616 phục kích trên đường 6 từ cầu Dụ đến hang Đá Thau đã tiêu diệt hoàn toàn một đoàn xe 34 chiếc của giặc.

Tại dốc Kẽm, ngày 11/12/1951, ông Hai cùng đồng đội phục kích diệt 2 trung đội, phá huỷ 11 xe, giải thoát trên 100 đồng bào bị giặc bắt đi làm phu. Trung tá Nguyễn Văn Hai thuật lại: "Chúng tôi phải mai phục trước đó rất lâu để đón địch, địa điểm là một con dốc nên theo lệnh của chỉ huy, chúng tôi chọn điểm thuận lợi ngay giữa dốc để phục kích. Sau khi đoàn xe của địch luồn sâu vào trận địa mai phục, lực lượng của ta tách dần giữa dân phu và lính giặc để vừa cứu dân vừa tiêu diệt địch. Các lực lượng của ta anh dũng chiến đấu, trận này quân ta thiệt hại ít, gây tổn thất lớn cho địch".

Tiếp đó là trận chiến vào ngày 12/12/1951 trên địa phận Giang Mỗ, xã Bình Thanh, cách thị xã chừng 8 km. Một toán quân địch từ thị xã Hoà Bình theo đường 6 hành quân lên Mai Đà đã vấp phải sức giáng trả quyết liệt của Tiểu đoàn 353 thuộc Trung đoàn 66 bộ đội chủ lực cùng bộ đội địa phương và du kích xã Bình Thanh. Kết quả là trên 1 đại đội Âu - Phi bị tiêu diệt và bắt sống, 6 xe cơ giới của địch bị phá huỷ. "Trong trận này, tôi được chiến đấu cùng và chứng kiến Anh hùng, Tiểu đội trưởng Cù Chính Lan dũng cảm lao đến xe tăng địch, lật nắp và ném lựu đạn vào trong tiêu diệt chiếc xe tăng cùng toàn bộ quân Pháp trong đó. Từ sự dũng cảm của Anh hùng Cù Chính Lan, chúng tôi như được tiếp thêm động lực kiên cường chiến đấu hơn”.

Cựu chiến binh Trung đoàn 88, Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh đã từng tham gia trận đánh mở màn ở Tu Vũ chia sẻ: "Ngay sau khi nhận được mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân Tu Vũ sẵn sàng chờ lệnh. Đêm 10/12/1951, tiếng súng mở màn Chiến dịch Hòa Bình bắt đầu. Tuy nhiên, do bị lộ lúc xuất phát, địch điều động pháo từ các trận địa bắn chặn nên ta bị thương vong nhiều, tình thế hết sức khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng ủy Trung đoàn đã họp ở ngòi bờ Lạt và hạ quyết tâm tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ bằng mọi giá. Với ý chí thép, sự anh dũng đã được đền đáp, 5 giờ ngày 11/12/1951, quân ta làm chủ cứ điểm Tu Vũ. Chiến thắng Tu Vũ làm rung chuyển tuyến phòng thủ sông Đà của thực dân Pháp, quân ta làm chủ hoàn toàn tả ngạn sông Đà, khai thông đường vận chuyển từ hậu phương Việt Bắc tới Hòa Bình”.

Cống hiến cả tuổi thanh xuân để giành lại độc lập, tự do, nên những điều các cựu binh mong muốn đều gửi gắm nơi thế hệ trẻ, kỳ vọng đất nước phát triển phồn vinh, hưng thịnh, xứng đáng với sự hy sinh quên mình của những đồng đội năm xưa.

P.V


Các tin khác


Mo Mường trên hành trình trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: Bài 1 - Giá trị trường tồn của Mo trong đời sống người Mường xưa và nay

Hòa Bình là vùng đất có cư dân bản địa dân tộc Mường chiếm trên 63% dân số. Theo dòng chảy thời gian, dân tộc Mường đã sáng tạo và lưu giữ được nền văn hóa phong phú, đa dạng. Trong nền văn hóa đó có một loại hình nổi bật, độc đáo, có giá trị nhân văn sâu sắc đó là Mo Mường. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Mo Mường. Hiện nay, Chính phủ đã gửi hồ sơ Mo Mường để trình, xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO cần bảo vệ khẩn cấp. Đưa di sản Mo Mường vươn tầm thế giới. 

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài cuối: Đi tới tương lai thịnh vượng

Đất nước thống nhất, sứ mệnh của đường mòn Trường Sơn đã hoàn thành. Nhưng một ước muốn lại cháy bỏng, đó là phát huy giá trị của tuyến đường lịch sử này trong phát triển kinh tế - xã hội hôm nay. Ước vọng đó thành hiện thực khi ngày 5/4/2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh.

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài 2: Bản anh hùng ca Trường Sơn

Trong số hơn 10 vạn bộ đội và hơn 1 vạn thanh niên xung phong ở đường Trường Sơn huyền thoại, nữ chiến sỹ chiếm số lượng trên 10%, lúc cao nhất có gần 2 vạn nữ chiến sỹ. Nhiều cô gái ra trận đã hy sinh ở tuổi mười tám đôi mươi, với những ước mơ, dự định còn dang dở.

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài 1: Khởi đầu một huyền thoại

65 năm trước, Đường Trường Sơn kết nối hai miền Bắc, Nam đi vào lịch sử như một kỳ tích của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Về Hà Giang ăn cháo... Ấu Tẩu

Đến Hà Giang mà chưa đi cao nguyên đá Đồng Văn, chưa ăn miếng thịt to, chưa uống bát rượu đầy, chưa ăn bát cháo độc dược... thì coi như chưa đến. Anh bạn đồng nghiệp đã khẳng định chắc nịch ngay khi chúng tôi vừa đặt chân lên mảnh đất này.

Đường Trường Sơn huyền thoại

Những ngày tháng 5 lịch sử, trong không khí hào hùng kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn mở đường (19/5/1959 - 19/5/2024), Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình lại cùng đồng đội ôn lại quãng thời gian được cống hiến, hy sinh, những ngày hành quân mở đường, giữ đường, đánh địch, bảo vệ huyết mạch giao thông để bộ đội ta chi viện cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục