Thời gian qua, việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo là chủ trương lớn, đúng đắn và kịp thời, được tỉnh Hòa Bình quan tâm thực hiện thông qua hình thức đa dạng. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, ngành, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã chung tay, huy động nguồn lực hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực giúp người nghèo "an cư, lạc nghiệp”, vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.


Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, huyện Lạc Sơn khởi công nhà ở cho hộ nghèo xóm Côm, thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn).

Những điểm sáng trong xóa nhà tạm, dột nát 

Xác định việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong công tác giảm nghèo, huyện Đà Bắc trở thành địa phương tiêu biểu thực hiện Đề án "Hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo” của tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cấp ủy, chính quyền huyện xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là chương trình, nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đồng thời là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác giảm nghèo. Do đó, huyện Đà Bắc tập trung tối đa nguồn lực trong xã hội giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo điều kiện về nhà ở, đảm bảo công khai, minh bạch. Các cấp ủy, chính quyền trong huyện đã tổ chức rà soát tình hình nhà ở của hộ nghèo, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của bà con. 

Cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các địa phương huyện Đà Bắc đã rà soát địa bàn, lên danh sách cụ thể, chi tiết 882 hộ nghèo đề nghị tỉnh phẩn bổ nguồn vốn để xóa nhà tạm, nhà dột nát. Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện đã hỗ trợ 280 hộ với tổng số tiền 14 tỷ đồng. Những ngôi nhà sau khi hoàn thành đều có diện tích trên 50 m2, đảm bảo tiêu chuẩn "3 cứng” của Bộ Xây dựng: nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng. Cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, nhân dân trong xóm, các căn nhà đã đáp ứng tiêu chí nhà ở trong xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Bùi Thị Kiều, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đà Bắc cho biết: Đề án tại Quyết định số 541/QĐ-UBND, ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo của tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã trở thành điểm tựa giúp hộ nghèo có thêm động lực vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, Lễ phát động phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước từ nay đến năm 2025 được tổ chức vào tháng 4/2024 tại huyện Đà Bắc đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và các nhà hảo tâm. 

Tại huyện Lạc Sơn, toàn huyện có 532 hộ nghèo được đề nghị phê duyệt hỗ trợ kinh phí xây mới nhà ở. Đến tháng 10/2024, huyện đã phân bổ kinh phí cho 182 hộ với tổng số tiền 9,1 tỷ đồng. Để đảm bảo đúng tiến độ đề ra, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp, phát huy tinh thần tương thân tương ái tham gia ủng hộ các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo.

Đồng chí Bùi Văn Lịnh, Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết: Thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về chủ trương xóa đói, giảm nghèo và tích cực ủng hộ Quỹ Vì người nghèo. Từ đó, phát huy tinh thần tương thân tương ái trong hỗ trợ giải quyết nhà ở cho hộ nghèo; chú trọng huy động đóng góp trực tiếp ngày công lao động trong cộng đồng dân cư để nâng cao chất lượng căn nhà được hỗ trợ.

Lễ phát động đợt thi đua cao điểm 450 ngày đêm hoàn thành "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” cho người nghèo trên địa bàn tỉnh được tổ chức vào đầu tháng 10/2024, huyện Lạc Sơn được tỉnh phân bổ thêm 70 nhà, trị giá 3,5 tỷ đồng để sửa chữa, xây mới nhà ở cho hộ nghèo. Để tiếp tục có thêm nguồn lực, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp với MTTQ và các tổ chức, đoàn thể vận động người dân trong cộng đồng dân cư giúp đỡ ngày công lao động, vật liệu để tăng tính hiệu quả. 


Lãnh đạo Uỷ ban MTTQ cùng các đơn vị, nhà hảo tâm huyện Yên Thuỷ trao nhà Đại đoàn kết cho hộ ông Phạm Văn Kiến, xóm Á Đồng, xã Yên Trị.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận ủng hộ quỹ xóa nhà tạm được 43,6 tỷ đồng; phân bổ hỗ trợ xây mới 492 nhà với tổng trị giá 24,6 tỷ đồng. Để đảm bảo hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát, cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân, huy động, đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện. Không chỉ Đà Bắc, Lạc Sơn, các huyện, thành phố trong tỉnh quyết tâm trước năm 2025 hoàn thành xây mới và sửa chữa 3.194 nhà cho hộ nghèo; trong năm 2025 xóa hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát trong toàn tỉnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

Tiếp tục chung tay, hỗ trợ nguồn lực xóa nhà tạm

Là tỉnh miền núi khó khăn, hiện trên địa bàn tỉnh Hoà Bình còn hơn 20.000 hộ nghèo, với 6.362 hộ ở nhà tạm, nhà dột nát, trong đó 3.194 hộ có nhu cầu cấp bách về nhà ở. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền các cấp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo, chủ động vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2021 - 2023, tỉnh ưu tiên nguồn lực với tổng nguồn vốn 77,18 tỷ đồng để xóa nhà tạm, dột nát cho 2.157 hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh. Trong đó, xây dựng nhà ở mới cho 1.247 hộ, sửa nhà cho 910 hộ, hướng chủ yếu đến đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Nguyên tắc hỗ trợ được đảm bảo đúng đối tượng, công khai, dân chủ, công bằng, minh bạch trên cơ sở pháp luật và chính sách của Nhà nước. Vì vậy, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào là chủ trương đúng đắn, kịp thời của tỉnh, tạo niềm tin, động lực để đồng bào vươn lên thoát nghèo.

Đồng chí Bùi Văn Luyến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Đoàn kết là truyền thống quý báu, nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Với mong muốn hộ nghèo có được căn nhà vững chãi, ổn định để cải thiện điều kiện sống, phát triển sản xuất, kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, Ủy ban MTTQ tỉnh cùng các tổ chức thành viên đã tích cực tuyên truyền, vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh chung tay, góp sức ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và tham gia chương trình "Xóa nhà tạm, nhà dột nát”. Ủy ban MTTQ tỉnh cơ quan quản lý, theo dõi Quỹ Vì người nghèo tỉnh sẽ sử dụng nguồn kinh phí tài trợ đúng mục đích, có hiệu quả, công khai minh bạch, mang lại giấc mơ an cư cho các hộ nghèo.

Các phong trào, cuộc vận động nhằm chăm lo, giúp đỡ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Hưởng ứng Tháng cao điểm "Vì người nghèo” năm 2024, từ ngày 9 - 25/10 đã có 165 tập thể, cá nhân tham gia ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo” tỉnh được trên 4,82 tỷ đồng; các tập thể, cá nhân đăng ký ủng hộ trên 1,87 tỷ đồng và đăng ký ủng hộ nguyên vật liệu quy ra tiền là 200 triệu đồng, đăng ký trực tiếp xây dựng nhà tại các địa phương 1,72 tỷ đồng, qua đó đa dạng nguồn lực hỗ trợ người nghèo.

Ngoài ra, các địa phương với mức thu nhập bình quân đầu người cao, số nhà tạm, dột nát tỉ lệ thấp như các huyện: Lương Sơn, Lạc Thủy, Cao Phong và thành phố Hòa Bình được giao tự chủ từ nguồn lực xã hội hóa, dồn kinh phí cho các địa phương khó khăn hơn như Đà Bắc, Lạc Sơn, Mai Châu… Cùng với đó, các đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nhà ở cho người dân như Mái ấm nhân ái của Hội Liên hiệp phụ nữ, nhà Nghĩa tình đồng đội của Hội Cựu chiến binh, nhà Chữ thập đỏ của Hội Chữ thập đỏ… Việc hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách đặc biệt khó khăn về nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh được hỗ trợ, giúp đỡ làm mới và sửa chữa nhà ở cho thấy nỗ lực, quyết tâm rất cao của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư. Mỗi căn nhà được hoàn thành đồng nghĩa với việc sẽ có thêm một hộ nghèo có chỗ ở ổn định, không phải lo gánh nặng về nhà ở, từ đó yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Cũng từ đây, uy tín của cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp được nâng cao; niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ngày càng vững chắc.

Hoàng Anh


* NHÓM Ý KIẾN

Hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát bằng nguồn lực xã hội hóa

Cao Xuân Hùng,

Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy,Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lương Sơn

Từ năm 2019 - 2024, toàn huyện Lương Sơn đã hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa được 541 nhà ở, tổng trị giá trên 28,9 tỷ đồng cho hộ nghèo bằng nhiều nguồn lực xã hội hóa. Trong đó, Quỹ Vì người nghèo của huyện đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 68 nhà; Quỹ Vì người nghèo các xã, thị trấn giúp làm mới 62 nhà; các tổ chức thành viên của MTTQ huyện vận động, hỗ trợ sửa chữa, xây mới 76 nhà; nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hỗ trợ xây mới 174 nhà. Từ đầu năm đến nay, huyện đã phân bổ nguồn lực xã hội hóa, hỗ trợ 151 hộ để sửa chữa, xây mới nhà ở với tổng kinh phí trên 5,2 tỷ đồng.

Trong quá trình thực hiện, do mức hỗ trợ xây mới 50 triệu đồng/nhà gặp khó khăn trong thi công, nhất là khi chi phí vật liệu tăng theo thị trường. Do đó, MTTQ cùng các tổ chức, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp tuyên truyền, huy động cán bộ, đoàn viên, hội viên thực hành tiết kiệm để gây quỹ, vận động nhân dân ở thôn, xóm đóng góp ngày công lao động, nguyên vật liệu; vận động chính gia đình, người thân của chủ hộ được xây nhà chung tay, góp sức nhằm giảm bớt chi phí xây dựng. Từ đó, mỗi ngôi nhà được xây dựng không chỉ bao gồm gạch, đá, cát sỏi, xi măng mà còn bằng tình đoàn kết, tương thân, tương ái của cả cộng đồng, giúp tiếp thêm động lực, giúp người nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Mong muốn được hỗ trợ làm nhà ở, sinh kế 

Bùi Văn Vính, 

Xóm Thây Voi, xã Miền Đồi (Lạc Sơn) 

Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, làm thuê, sản xuất nông nghiệp manh mún, thu nhập bấp bênh, nuôi 3 con. Căn nhà sàn đang ở xuống cấp trầm trọng, mục nát, sinh hoạt rất bất tiện. Ngày mưa bị dột, nhất là gặp gió bão, gia đình phải sang ở nhờ nhà người thân vì sợ sập đổ. Do thu nhập thấp, hoàn cảnh thiếu thốn, việc được ở trong ngôi nhà mới dường như là giấc mơ xa vời. Mặc dù đã chăm chỉ làm ăn, tích cóp nhưng với nguồn thu nhập thấp, gánh nặng phải nuôi 3 con nhỏ, khoản kinh phí để sửa chữa, xây mới nhà ở là quá sức đối với gia đình tôi.

Mong ước lớn nhất của tôi là có được ngôi nhà cấp 4 bằng xi măng, mái cứng, vững chắc để gia đình yên tâm sinh sống. Gia đình mong muốn các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, hỗ trợ để xây dựng căn nhà vững chắc, đồng thời giúp gia đình tôi có thêm nguồn sinh kế để cuộc sống bớt khó khăn, từng bước vươn lên thoát nghèo. 

 



Các tin khác


Người tâm thần bị xích, nhốt ở Lạc Sơn: Thương lắm phận người

Giữa cái nắng hanh hao, cùng cơn gió khô rát của tiết trời cuối thu cuốn đám lá khô xào xạc, như theo bước chân chúng tôi về phía cuối xóm Dài, xã Vũ Bình (Lạc Sơn). Càng về cuối xóm, tiếng chửi đầy chao chát, ai oán từ ngôi nhà của Bùi Văn Xen lại càng rõ. Với chúng tôi thì đó là chuyện lạ. Còn những người như anh Hải - Trạm trưởng Trạm y tế xã, ông Tặng - Phó Chủ tịch UBND xã hay những dân ở đây thì quen rồi. Cứ đúng "cữ” cơm trưa, cơm chiều, có khi là đêm muộn, tiếng chửi ấy lại cất lên...

Lòng hồ Hòa Bình trước nguy cơ ô nhiễm từ rác thải nhựa, rác thải nguy hại


Bài 5 - Xin đừng "đầu độc” Đà Giang

Làm sạch lòng hồ Hòa Bình không phải là việc mỗi ngày một ai đó cần mẫn đi nhặt từng mảnh chai lọ, túi nilon, mà việc làm sạch dòng sông phải được thực hiện từ ý thức của mỗi người. Về chính sách, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế bảo vệ môi trường (BVMT), bảo vệ an ninh nguồn nước phù hợp, đầy đủ. Tuy nhiên, để Đà giang mãi xanh thì cần lắm sự chung tay, góp sức của mỗi người dân...

Lòng hồ Hòa Bình trước nguy cơ ô nhiễm từ rác thải nhựa, rác thải nguy hại


Bài 4 - Tác động đến an ninh nguồn nước

Nguồn nước từ hồ Hòa Bình ngoài sử dụng phục vụ việc phát điện của Nhà máy thủy điện Hòa Bình còn có nhiệm vụ cung cấp, điều tiết nước tưới tiêu vùng hạ du; điều tiết, cắt lũ từ thượng nguồn đổ về. Đồng thời có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt cho người dân sống tại các khu vực ven lòng hồ, cùng khoảng 50 nghìn hộ dân trên địa bàn TP Hòa Bình và khoảng 1 triệu dân khu vực phía Tây Thủ đô Hà Nội...

“Mẹ đỡ đầu” - vòng tay yêu thương cho trẻ mồ côi: Bài 2 - Nối dài yêu thương - câu chuyện của trách nhiệm và tình thương

Chương trình "Mẹ đỡ đầu” đã để lại những dấu ấn ấm áp và sâu sắc trong tâm trí của cán bộ Hội Phụ nữ - những người mẹ đỡ đầu và đặc biệt là các em nhỏ được đỡ đầu. Một sự kiện đầy ý nghĩa được tổ chức nhân dịp Tết Nguyên đán 2024, đó là Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình gặp mặt, tặng quà cho 95 trẻ mồ côi cả cha và mẹ trên địa bàn tỉnh.

Lòng hồ Hòa Bình trước nguy cơ ô nhiễm từ rác thải nhựa, rác thải nguy hại


Bài 3 - Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước - những hệ lụy nhãn tiền 

Nhìn mặt hồ với những đốm xanh, đỏ vui mắt giống như một vườn hoa đa sắc, nhưng không, đó chính là một thứ rác độc. Độc ngay từ tên gọi: vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với đa phần là loại thuốc diệt cỏ vô cùng nguy hại do chính người dân sống hai bên bờ sông vứt bỏ sau quá trình sản xuất. Có những loại tích tụ, chôn lấp hàng chục năm vẫn còn nguyên vẹn không phân hủy, sau những trận mưa lại theo dòng nước đổ về lòng hồ...

Lòng hồ Hòa Bình trước nguy cơ ô nhiễm từ rác thải nhựa, rác thải nguy hại


Bài 2 - Ngược dòng tìm nguồn... rác 

Để thực hiện loạt bài viết này, liên tục trong thời gian dài chúng tôi theo nhiều chuyến "tàu chợ”; đến những cửa sông, cửa suối, nương đồi, khu sản xuất để tìm nguồn phát sinh rác thải nguy hại đổ xuống lòng hồ Hòa Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục