Bà Triệu Thị Nhất, gốc người Kinh ở Thái Bình và chồng - ông Bàn Văn Liêm.

Bà Triệu Thị Nhất, gốc người Kinh ở Thái Bình và chồng - ông Bàn Văn Liêm.

(HBĐT) - Xã Toàn Sơn (Đà Bắc) chủ yếu là người Dao sinh sống. Từ bao đời nay, những người Dao ở đây đã có tục nhận con nuôi, trong đó có cả những người Kinh ở miền xuôi. Điều đặc biệt, những người con nuôi ở đây đều ăn đời, ở kiếp với người Dao.

 

Từ trung tâm xã Toàn Sơn, chúng tôi tìm đường vào xóm Phủ, nơi có đông người Dao gốc Kinh sinh sống. Con đường đất vào xóm Phủ hiểm trở với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là lòng hồ sông Đà nước trong xanh. Bà Triệu Thị Nhất, năm nay 63 tuổi, quê gốc ở Vũ Thư (Thái Bình) là một trong số ít những người Kinh lên làm con nuôi người Dao vào những năm 1945 - 1950 còn sống đến hiện nay.

Nhấp một ngụm nước lá cây rừng, bà kể về hoàn cảnh làm con nuôi của mình: Mẹ tôi sinh được hai anh em thì bố bị máy bay Pháp bắn chết. Mẹ vừa chạy đói, vừa chạy tây lên ở Đà Bắc. Lúc bấy giờ đói quá, không có gì ăn, tôi mới 8 tháng tuổi được một người Dao đón về làm con. May nhờ củ khoai, bắp ngô của người Dao mà tôi sống sót đến ngày hôm nay. Mãi đến lúc 20 tuổi, tôi mới gặp lại mẹ đẻ, anh ruột.

 

Chiến tranh, đói kém, để giữ mạng sống cho con cái, nhiều gia đình người Kinh đã chấp nhận bán con cho người Dao. Gọi là bán chứ thực chất lúc đó cũng chỉ đổi lấy ít thóc, sắn hoặc gánh bí ngô mang về để khỏi chết đói cho những người còn lại, ít khi trao đổi bằng tiền bạc. Có trường hợp những đứa trẻ người Kinh bị bắt cóc đi làm con nuôi người Dao như trường hợp bà Đặng Thị Còi.

 

Mới lên 5 tuổi, người làng ở Thái Bình đã bế bộ bà đem bán cho người Dao. Một hôm, vào mùa thu năm 1997, có một hội thợ mộc miền xuôi lên đóng giường, tủ, bà Còi thiết tha nhờ những người này về Thái Bình tìm, nhắn tin giúp cho bà. Cuộc tìm kiếm người có khuôn mặt giống bà Còi của hội thợ mộc khác nào mò kim đáy bể. Nhưng may mắn, một người trong số họ đã tìm được một cụ ông có khuôn mặt hao hao giống bà tên là Biền ở Kiến Xương (Thái Bình). May nhờ có một vết chàm son bên mang tai mà cụ Biền đã nhận ra đứa con gái sau hơn năm chục năm xa cách.

 

Ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Toàn Sơn cho biết: Nguyên nhân chủ yếu của việc nhận con nuôi là do người Dao hiếm con. Ngoài ra, nhà nào cũng muốn đủ cả trai lẫn gái, cả nếp, cả tẻ. Phong tục nhận con nuôi đã có từ lâu đời và vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Có những gia đình chỉ có con nuôi như nhà anh Bàn Văn Lâm, Lý Văn Xuôi. Đầu năm 2010, có hai trường hợp nhận con nuôi là nhà anh Triệu Văn Thanh và Triệu Văn Tư đều ở xóm Phủ. Điều đặc biệt là dù đã nhận con nuôi từ lâu hay mới, những người con nuôi đều sống với bố mẹ nuôi, ít khi tìm vế sống với bố mẹ đẻ.

 

Chúng tôi thắc mắc lý do vì sao những đứa con nuôi thường ăn đời, ở kiếp với người Dao dù cho cuộc sống có nhiều khó khăn, khổ cực, thậm chí có trường hợp người thân ở quê gốc tìm đến muốn xin đón về quê để hưởng gia tài hay giữ trách nhiệm trưởng tộc nhưng họ đều cáo từ để ở lại làm người Dao, ở lại với những người đã nuôi mình, không về với bố mẹ đẻ.

 

Thầy cúng Lý Xuân Thu ở xóm Cha cho hay: Khi một người được gia đình người Dao nhận về làm con nuôi bao giờ cũng có một con gà trống làm lễ báo cáo với ông bà, tổ tiên, nhập khẩu cho đứa trẻ thành người Dao. Nếu là con trai lên 10 - 12 tuổi sẽ  làm lễ lập tĩnh đặt tên, nhập họ, nhập tên người Dao. Mọi thủ tục đối với con đẻ như thế nào, đối với con nuôi cũng thực hiện như thế. Trong gia đình người Dao kể cả trong gia phả cũng không bao giờ có sự phân biệt giữa con đẻ, con nuôi. Con nuôi nếu là cả cũng sẽ là người nối dõi của dòng họ.

 

Ông Bàn Văn Liêm bảo: Con đẻ như thế nào, con nuôi cũng được như vậy. Mua áo cũng phải chọn hai màu giống nhau để chúng không tỵ nạnh. Mình yêu nó, mình quý nó như con đẻ thì không có lý gì nó bỏ về với bố mẹ đẻ được. Có nhiều trường hợp bố mẹ đẻ ở ngay cùng trong một xóm, một làng nhưng đứa con nuôi cũng không bao giờ bỏ về ở với bố mẹ đẻ. Bố mẹ nuôi còn có trách nhiệm cho con nuôi biết mặt, biết tên bố mẹ đẻ, ngày lễ, Tết phải đưa con về thăm bố mẹ đẻ nữa.

 

Trong nhiều gia đình người Dao ở Toàn Sơn, con nuôi còn được quý, yêu hơn cả con đẻ. “Mình không có mình mới phải nuôi nên phải đối xử thế nào để nó không thấy tủi thân. Có những điều có thể mắng hết lời, nói hết nhẽ với con đẻ nhưng không thể đánh, không thể nói hết lời với con nuôi. Sau này nó lại oán bố mẹ vì nó là con nuôi nên không được bố mẹ đối xử tốt là không được” - Chị Lý Thị Loan mới nhận nuôi một đứa con nuôi quê ở Tân Lạc chia sẻ. Anh Triệu Văn Sơn, cán bộ tư pháp xã Toàn Sơn cho biết: Những trường hợp cho, nhận con nuôi ở Toàn Sơn trong những năm qua đều được thực hiện theo đúng những quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo không có vụ việc, mâu thuẫn phát sinh.

 

Tiến sĩ Vũ Hồng Thuật (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) cho rằng, việc người Dao nhận con nuôi là một tập tục đẹp, cần bảo tồn. Nó thể hiện tình người của mỗi con người, của mỗi dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên cần phải kết hợp giữa luật tục dân tộc và pháp luật của Nhà nước, tránh những mặt trái nảy sinh làm mất đi giá trị tốt đẹp của phong tục. Nhìn những bếp củi đỏ lửa, những gia đình người Dao quây quần quanh mâm cơm đạm bạc mà ấm áp tình yêu thương mới thấy thấm thía câu nói “cha sinh không bằng mẹ dưỡng”. Phải chăng bùa chú của người Dao không ở đâu xa xôi mà chính ở tấm lòng nhân hậu, có nghĩa, có tình, coi con đẻ cũng như con nuôi đã giúp những người con nuôi dù khác dân tộc, khác dòng máu đều đã trở thành người Dao, ăn đời, ở kiếp với người Dao.

 

                                                               Hoàng Toản (T.T.V) 

 

Các tin khác

Sản phẩm dệt của người Thái được giới thiệu và bày bán tại khu du lịch Mai Châu Lodye
Ẩm thực của người Mường trong lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc)
Người dân xã Vầy Nưa (Đà Bắc) chọn mua hàng trong buổi chợ phiên.
Ngụp lặn trong hàng ngàn mét đất đá để tìm vàng.

Nghĩa tình miền đá

(HBĐT) - Vầy Nưa đã thay đổi quá nhiều so với thời điểm tôi đến cách đây hơn 1 năm trước. Khi ấy, chặng đường từ thị trấn Đà Bắc vào trung tâm xã chỉ khoảng hơn chục km nhưng lại là một thử thách đầy ái ngại cho những người mới đặt chân đến và cả những người bản địa dù đã thuộc lòng con đường cheo leo dốc núi. Chúng tôi, những người làm báo Hoà Bình vẫn thường xuyên có mặt ở miền đá núi ấy để xây đắp nghĩa tình từ Hiền Lương cho đến Vầy Nưa.

Thăm nhà máy in tiền đầu tiên

(HBĐT) - Con sông Bôi hiền hòa, mùa này nước xanh đưa chúng tôi đến với Khu di tích Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam tại xã Cố Nghĩa (Lạc Thủy). Trải qua những năm tháng chiến tranh, nhưng dấu tích của Nhà máy in tiền ngày xưa vẫn còn đó như chứng nhân của lịch sử.

Lao động trở về từ Libi ở Kim Bôi: Tay trắng gánh nợ nần

(HBĐT) - Dù đã hơn 2 tuần nay được sống trong niềm vui đoàn tụ sau những ngày chạy loạn ở xứ người nhưng trong tâm trí anh Hoàng Ngọc Thanh ở xóm Gò Chè, xã Hợp Kim vẫn luôn đau đáu gánh lo nợ nần cho chuyến xuất ngoại không may mắn. Đó cũng là tâm trạng chung của hầu hết số lao động trên địa bàn tỉnh và gần 20 lao động của huyện Kim Bôi vừa trở về từ Libi nói riêng.

“Máu rừng” âm ỉ chảy ở Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò

(HBĐT) - Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu) nằm ở phía tây bắc của tỉnh, trên địa bàn 6 xã Pà Cò, Hang Kia, Tân Sơn, Cun Pheo, Piềng Vế và Bao La với tổng diện tích 5.258 ha, trên độ cao từ 800 - 1.500 m. Hiện nay, khu BTTN còn lưu giữ nhiều loại gỗ quý hiếm, đặc biệt là rừng nghiến quý hiếm hàng trăm năm tuổi. Tuy nhiên, rừng đang bị “sẻ thịt” từng ngày bởi chính những người dân nơi đây.

Khám phá thành cổ ở Lương Sơn

(HBĐT) - Trải qua bao thay đổi của thời gian và mưa nắng, chiếc cổng thành với màu gạch đỏ au vẫn đứng sừng sừng, hiên ngang như bất chấp mưa dập, gió vùi. Những đoạn thành đá ong lẫn trong cỏ dại dù không còn nguyên vẹn cũng đủ nói lên một thành trì vững chãi nằm án ngữ bên quốc lộ 21. Ngôi thành cổ đang rất cần sự quan tâm của các ngành chức năng để sớm có phương án bảo tồn nhằm giữ gìn một thành cổ vào loại độc nhất của tỉnh.

Lao động trở về từ Ly-bi: Mừng - lo ngày đoàn tụ

(HBĐT) - Theo thống kê từ Sở LĐTB&XH, tỉnh ta có 44 lao động đang làm việc tại Li-bi theo hợp đồng với các Công ty xuất khẩu lao động. Theo Trưởng phòng Việc làm - ATLĐ Nguyễn Đức Tuyên, tính đến chiều ngày 2/3, Sở LĐTB&XH vẫn chưa nhận được thông báo có lao động là người địa phương từ Li-bi về.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục