Cán bộ trạm cân số 38 đang thực thi nhiệm vụ.
(HBĐT) - Trước ngày 1/4, họ vẫn làm công việc bình thường theo chức năng, nhiệm vụ của thanh tra giao thông, CSGT, cán bộ quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, từ khi có Quyết định của Chính phủ về lắp đặt các trạm cân trọng tải xe di động trên các tuyến quốc lộ, họ được tiếp nhận chung một nhiệm vụ mới - trực trạm cân. Về cơ bản vẫn là những công việc quen thuộc nhưng áp lực được tăng theo cấp số nhân.
Chúng tôi đến mục sở thị tại trạm cân số 38 được đặt tại km 101+ 400 trên QL6 (đối diện UBND thị trấn Mường Khến (Tân Lạc). Trạm cân được đặt “ké” phía trước Trạm dừng nghỉ QL6 không có lấy một bóng râm. Nắng từ trên cao hắt xuống, cái nóng từ mặt đất hắt lên làm cho gương mặt của những cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ đỏ gay, mồ hôi đọng thành vệt trên nền sắc phục. Đồng chí Phạm Hữu Toản, tổ trưởng tổ công tác trạm cân chia sẻ: Không chỉ vất vả, công việc này còn nhiều áp lực nữa. Chúng tôi phải đổi ca để đảm bảo trực 24/24h thế nhưng hiệu quả công việc cũng chỉ đạt được ở mức độ nhất định bởi sự tác động của những yếu tố khách quan mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu được. Trên tuyến giao thông quan trọng này, mỗi ngày chỉ kiểm tra trọng tải chừng 25-30 xe (ngày cuối cùng trong tuần trực chỉ khoảng 5 - 10 xe) nghe qua có vẻ vô lý nhưng đó là thực tế. Nguyên nhân là bởi trong dân đã xuất hiện một lực lượng “cò mồi” móc nối với các tài xế dẫn xe đi vào đường vành đai của thị trấn Mường Khến để trốn trạm cân. Một hình thức khác nữa là tài xế tập kết xe ở 2 đầu trạm cân như nhà hàng Thêm Kế, cây xăng Thái Dương, quán ăn Lê Hưng, khách sạn An Lạc... chờ “cò mồi” lượn lờ quan sát để tìm cơ hội vượt trạm. Cách thức vượt trạm của các tài xế có nhiều: ví như lợi dụng trời mưa, thiết bị cân trọng tải không thể hoạt động. Có khá nhiều trường hợp khi CSGT chặn dừng xe liền đóng cửa bỏ xe tại chỗ để chống đối, khi cả lực lượng đang loay hoay với xử lý 1 chiếc xe, cò mồi đã ra hiệu cho cả đoàn xe nấp sẵn vượt trạm. Thêm nữa, trạm cân được đặt tại địa điểm này trong vòng 1 tuần , sau đó lại đặt 1 tuần trên đường Hồ Chí Minh, lực lượng cò mồi nắm được lộ trình này báo cho các xe chờ sẵn ở 2 đầu chờ giờ khắc trạm cân rút thì vượt qua.
Nhìn những đoàn xe ngang nhiên vượt trạm, không ít người dân đã tỏ ra bức xúc và có cái nhìn thiếu thiện cảm với chúng tôi- những người thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, vì cơ chế chưa đồng bộ, chế tài chưa đủ mạnh nên giải quyết triệt để vấn đề này không hề dễ. Thực tế, tại trạm cân số 38 (km 101+ 400 trên QL6) này không ít lần trực tiếp nhận nguồn tin của người dân thị trấn Mường Khến đang chặn giữ xe quá tải, đề nghị di rời thiết bị cân trọng tải đến địa điểm đó để cân xe và xử lý. Nhưng chúng tôi không thể đáp ứng yêu cầu của người dân bởi di rời trạm cân phải có lệnh từ cấp trên, hơn nữa nếu di rời đến 1 địa điểm cụ thể, lập tức lực lượng cò mồi sẽ lại báo cho hàng loạt chiếc xe khác vượt trạm. Hơn nữa việc đặt trạm cân trọng tải trên các tuyến QL còn khá mới mẻ, sức nóng vẫn lan tỏa từng ngày: cơ quan chức năng có thể kiểm tra bất chợt hay đơn giản là phóng viên của các tờ báo trung ương và địa phương sẵn sàng đưa lên mặt báo những thông tin nóng hổi mà theo đó, cán bộ trực trạm cân có thể bị khiển trách hoặc kỷ luật nếu lơ là nhiệm vụ hay cố ý làm trái.
Thực tế, việc lắp đặt và duy trì hoạt động của trạm cân còn quá mới mẻ nên còn thiếu thốn cả trang, thiết bị, kinh phí và cả con người. Mỗi ca trực có 5 người gồm: 2 cảnh sát giao thông, 2 thanh tra giao thông và 1cán bộ an ninh của Phòng PC 61. Đã theo cân, mọi hoạt động ăn, ngủ, nghỉ được thực hiện trên chiếc xe lưu động. Thế nhưng hiện tại chưa có xe thùng chuyên dụng nên việc ăn uống, nghỉ ngơi của cán bộ trực trạm cân đều phải dựa vào dân. Những khó khăn này hoàn toàn có thể vượt qua và thực tế đã vượt qua trong hơn 4 tháng qua. Tuy nhiên những cán bộ, chiến sỹ luôn đau đáu một điều: được sự quan tâm của địa phương, ngành chức năng trang bị thêm những phương tiện chuyên dụng để phục vụ cho công việc. Khảo sát điểm đặt trạm cân sao cho hợp lý nhằm hạn chế xe vượt trạm. Có chế tài rộng hơn, mạnh hơn để đội ngũ cán bộ trực trạm cân có thể xử lý lực lượng tài xế chống đối để nâng cao hơn nữa hiệu quả từ việc cân trọng tải xe vì mục đích gìn giữ những cung đường, bảo đảm an toàn, tính mạng của những người tham gia giao thông.
Thúy Hằng
(HBĐT) - Là một trong những cái nôi phong trào cách mạng của tỉnh, trong phong trào khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Mường Khói là nơi các lực lượng cách mạng và nhân dân huyện Lạc Sơn tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thành công đầu tiên của tỉnh. Về Mường Khói trong những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi như được sống lại ký ức mùa thu cách mạng cách đây 69 năm...
(HBĐT) - Trong không khí sôi động, ồn ào của nhịp sống hiện đại, đó đây vẫn còn những hình ảnh lam lũ, truân chuyên với bao nghề lao động vất vả, nhọc nhằn. Trong đó có nghề giao than tổ ong.
(HBĐT) - Theo thông tin từ phòng PC45 ( Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh), cuối năm 2013, số phụ nữ đi làm ăn xa của tỉnh ta khoảng 1.900 người thì năm 2014, con số này 2.000 người. Thiếu tá Đinh Quốc Trình (Phó trưởng phòng PC 45) nhận định: tình trạng phụ nữ tỉnh ta đi làm ăn xa có nhiều diễn biến phức tạp rất đáng để các cấp, các ngành quan tâm và có các giải pháp hữu hiệu.
(HBĐT) - Xã Phú Cường (Tân Lạc) được biết đến là một trong những vùng trồng ngô lớn nhất trong toàn tỉnh. Thời điểm này, bà con trong xã đang vào cuối vụ thu hoạch ngô. Thời tiết năm nay mưa nhiều, kèm theo lốc đã khiến năng suất thu hoạch thấp, đồng thời giá ngô cũng bị tụt giảm so với những năm trước đây.
(HBĐT) - Quê tôi phía hữu ngạn vùng hạ du sông Đà. Mới lọt lòng, tôi đã đối diện với một vùng đất phía bên kia sông. Ngày nay, vùng đất ấy là vùng ven của thành phố Hoà Bình cũng là vùng ven của tỉnh, nơi tiếp giáp với tỉnh Phú Thọ. Xa xưa vùng đất ấy có tên Mường Nùa. Đầu thập niên 80 của thế kỷ XVIII, người Mường Nùa đi đón lang ở xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn về “trông coi” dân, những mong “yên dân, lành đất” cho nên đặt tên Mường là Yên Mông. Đầu thế kỷ thứ XIX, Yên Mông là một thôn của xã Hòa Bình, tổng Tinh Nhuệ, huyện Bất Bạt, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây.
(HBĐT) - Nằm chon von tận đỉnh núi Tang, xóm Thung Vòng, xã Do Nhân (Tân Lạc) thách thức sự bạo gan của bất cứ ai dám đi lên bằng xe máy. Để tránh bị lăn xuống núi, chúng tôi chọn giải pháp an toàn là đi bộ ngược dốc đá gần 2 km vào dịp khởi công xây dựng công trình thủy điện nhỏ STREAM đem ánh sáng đến với người dân.