Ngô lai là cây trồng màu chủ lực được bà con nông dân xóm Thia, xã Yên Mông (TPHB) mở rộng diện tích, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: B.M
(HBĐT) - Quê tôi phía hữu ngạn vùng hạ du sông Đà. Mới lọt lòng, tôi đã đối diện với một vùng đất phía bên kia sông. Ngày nay, vùng đất ấy là vùng ven của thành phố Hoà Bình cũng là vùng ven của tỉnh, nơi tiếp giáp với tỉnh Phú Thọ. Xa xưa vùng đất ấy có tên Mường Nùa. Đầu thập niên 80 của thế kỷ XVIII, người Mường Nùa đi đón lang ở xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn về “trông coi” dân, những mong “yên dân, lành đất” cho nên đặt tên Mường là Yên Mông. Đầu thế kỷ thứ XIX, Yên Mông là một thôn của xã Hòa Bình, tổng Tinh Nhuệ, huyện Bất Bạt, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây.
Với những biến động của lịch sử, Yên Mông đã từng là phần đất của châu Kỳ Sơn, châu Mai Đà rồi một xã của huyện Kỳ Sơn và ngày nay là một xã của TPHB. Là vùng ven nên Yên Mông mới qua nhiều biến động như vậy chăng? Dù nơi nào “trông coi” thì từ xưa tới nay, Yên Mông vẫn lặng lẽ soi bóng xuống dòng sông Đà. Đường 24 nay là đường 434 đi ngang qua xã nối thành phố trẻ Hòa Bình với các huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ vẫn là con đường vắng xe cộ và khách bộ hành. Nếu như dòng Đà Giang có mùa trong, mùa đục, bên lở, bên bồi, những ngọn núi đứng giăng hàng kia từ xa xưa như một tường thành xanh ngắt lại rất lớp lang: núi cao đứng sau, thấp đứng trước, che chở nhau trong giông bão, san sẻ nhau mưa nắng. Núi Chuộn, núi hang Nhạn, núi quèn Mã Yên... luôn khoác trên mình thảm thực vật nuột nà như nhung lụa tạo nên nguồn nước bao đời nay cho các con suối Chàng, suối Mít, suối Môi... Cứ nhìn đám mây trắng ùn ùn đi ngược về xuôi trên cái nền xanh ấy là biết trời sắp có mưa hay có nắng. Những lần bảy sắc cầu vồng cúi đầu xuống sông Đà uống nước là những lần lại ồn ã trong bản, ngoài mường những câu chuyện thần bí về thiên nhiên mà người lớn thêu dệt với con trẻ cả hai bờ sông Đà. Vùng đất dài 8 km, diện tích gần 24 km2 là nơi bao đời nay dân bản an cư, lạc nghiệp. Giữa những quả đồi thấp như bát úp là làng mạc, những thửa ruộng bậc thang, thùng đấu “đầu trâu, trán khỉ” Ven sông Đà là vùng bãi trồng hoa màu bốn mùa ngô, khoai tươi tốt từng nuôi sống bao lớp người lam lũ, hiền lành mà cho đến ngày nay chưa đầy 4.000 người.
Đối với tôi, Yên Mông đâu phải “vô duyên đối diện, bất tương phùng”. Đến đời tôi là đời thứ 5, cụ nội tôi ông Nguyễn Văn Tr. từng bơi đò đón cụ bà Nguyễn Thị C. từ đất ấy sang bên này làm dâu nhưng các cụ không có con trai nên sau đó con gái phải “bắt rể” chàng trai họ Đinh - có nguồn gốc từ xứ Mường Động - để sau này hậu duệ chúng tôi được mang họ Đinh. Gia phả họ tộc là thế nhưng đến khi về nghỉ, tôi mới ngơ ngáo qua sông Đà lần tìm con cháu của cụ bà Nguyễn Thị C., qua lời dặn của bố: “Là người của nhà Chè ở Yên Mông” thì ba lần, bốn lượt gặp các cụ già nhất vùng đất ấy cũng không lần ra được! Yên Mông sẽ mãi là một vùng đất nhớ nhung thăm thẳm trong hoài vọng của con cháu chúng tôi.
Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, lớp trẻ chúng tôi ở trường cấp III Hoàng Văn Thụ đã có mặt ở đây góp phần nhỏ công sức vào xây dựng đập nước Khang Mời, mấy chục năm qua nó vẫn lặng lẽ, cần mẫn tưới tắm cho những thửa ruộng ở các xóm Mời Mít, Khang Đình, Mị... Những thảm thực vật trên sườn núi kia là nguồn sinh thuỷ bao đời đã không còn những cây gỗ quý, rừng nứa, rừng dang... mà một thời đã góp phần nhỏ vào duy trì tiếng còi thay ca của nhà máy Giấy Hoà Bình chúng tôi trong những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Thay vào đấy là những rừng keo lai và từ lưng chừng núi ngược lên là những cây gỗ tạp dây leo chằng chịt .
Ngày nay, con đường liên thôn bằng bê tông với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã nối liền các xóm từ Yên Hoà có thể lên xe máy xuôi về tới Trường Yên. Các nhà dân đã có tường bao, cổng sắt khép mở ra vào. Bà con dân bản tiếp tục xác lập nét “an cư” với Yên Mông? Sau khi Trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hoà Bình chuyển đi với tên mới trường PTDTNT tỉnh, số cán bộ, công nhân viên đã trụ lại thành xóm Trường Yên. Nhưng để “lạc nghiệp” trên quê hương bản quán của mình trong xu thế hội nhập phát triển ngày càng sâu vào thế giới ngày nay có nhiều câu hỏi đặt ra chưa có lời đáp thoả đáng. Chuyển đổi sang cây con gì? Doanh nghiệp đầu tư vào đây với mặt hàng gì để không gây ô nhiễm đối với nhà máy nước mặt Hà Nội mà đối diện bên kia là cửa nhận nước? Mở mang thương mại, dịch vụ gì đối với vùng ven này? Các doanh nghiệp hiện nay trên đất Yên Mông cũng nhỏ bé, công nghệ, thiết bị lạc hậu như những doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh - trừ một số doanh nghiệp nước ngoài. Sản xuất đình đốn, không thu hút được con em vào làm việc, người cứ sinh sôi, đất đai canh tác thu hẹp... là thực trạng làm đau đầu những người có trách nhiệm.
Đến với Yên Mông, sẽ là thiếu sót nếu không đề cập tới trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hoà Bình và những lần Bác Hồ về thăm nhà trường. Trong những năm đất nước còn gian khó, chưa thống nhất nước nhà, sự ra đời một mô hình “vừa học, vừa làm” của tỉnh là một điểm sáng trong ngành giáo dục, đáng trân trọng. Phải cho con em các dân tộc được học hành ngay cả lúc cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc! Trung ương Đảng và Bác Hồ rất quan tâm đến mô hình giáo dục, đào tạo này, vì thế, Bác đã một lần về thăm thầy, cô giáo ở trường Hợp tác hoá nông nghiệp của tỉnh tại Bến Ngọc, Kỳ Sơn (nay là TPHB) vào này 19/10/1958. Những ngày đầu nhà trường tổ chức cho học sinh xây dựng đường sá, tạo nguồn kinh phí để ăn học. Sau khi nhà trường chuyển hẳn sang tổ chức sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện tốt cho học tập, vào thời khắc khó khăn nhất của phương thức này, ngày 17/8/1962, Bác Hồ lại đến thăm trường tại xóm Trường Yên ngày nay. Những lời Bác dạy mãi khắc sâu trong tâm thức của các thế hệ học sinh, giáo viên nhà trường nói riêng và bà con các dân tộc ta nói chung. “Vừa học tập, vừa lao động” để tự túc là cách học tốt nhất. Trước đây, lúc tuổi thanh niên Bác ở bên Pháp cũng vừa lao động, vừa học tập. Nhưng lúc đó, Bác lao động là lao động nô lệ cho đế quốc. Bác phải làm để tự nuôi sống nhưng Bác vẫn dành nhiều thời gian để học tập. Ngày lao động, đêm học tập chứ Bác có được đến nhà trường đâu. Vì vậy, Bác khuyên các cháu “Phải học tập tốt, lao động tốt”. Nghe lời Bác dạy, bao thế hệ học sinh cũng từ mái trường này đã học tập và lao động tốt và trưởng thành góp phần tạo nên đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý của tỉnh sau này.
Thể theo nguyện vọng của bà con các dân tộc trong xã cũng như các thế hệ thầy và trò của nhà trường, hiện “Khu di tích địa điểm Bác Hồ về thăm trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hoà Bình” đã được xây dựng và đang vào giai đoạn hoàn thiện với diện tích 3.600 m2, kinh phí trên 10 tỷ đồng. Khu di tích có hướng quay về phía Đá Chông, K9 - nơi mà Người đã từng dùng làm cơ sở làm việc và ngơi nghỉ khi đã về với tổ tiên một thời gian. Giữa bao trăn trở: Làm sao cho cuộc sống bà con trong xã ngày càng nâng lên theo hướng “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, ngày nay cán bộ và nhân dân Yên Mông lại tự vấn mình: Làm sao cho xứng với công lao trời biển và sự quan tâm của Bác? Đâu phải vùng đất nào Bác cũng có điều kiện đặt chân tới và vì thế không dễ có một khu lưu niệm giữa lặng lẽ vùng ven này về Bác Hồ kính yêu của chúng ta.
Tùy bút của Đinh Đăng Lượng
(HBĐT) - World Cup 2014 đã đi được quá nửa chặng đường, không khí “ăn ngủ cùng bóng đá” đã thực sự cuồng nhiệt tại mọi ngõ phố. Cùng với đó, các dịch vụ, hàng hóa “ăn theo” cũng góp phần cho mùa hội trở nên sôi động hơn. Giờ đây, World Cup không chỉ là mùa hội cho những người yêu bóng đá mà còn là mùa bội thu cho những dịch vụ ăn theo.
(HBĐT) - World Cup 2014 sẽ diễn ra trong vòng 1 tháng với 64 trận đấu. Do chênh lệch múi giờ giữa Việt Nam và Brazil, những trận cầu thường diễn ra vào đêm khuya và rạng sáng. Tuy nhiên, sự “oái oăm” thời gian không ngăn cản được cơn sốt World Cup len lỏi đến nhiều ngõ ngách, gia đình ở tỉnh miền núi Hoà Bình nói chung và TPHB nói riêng. Cùng với sự đam mê lành mạnh đối với môn thể thao vua tại giải đấu lớn nhất hành tinh, vẫn còn những nỗi niềm, đắng cay theo trái bóng lăn.
(HBĐT) - Mâu thuẫn vợ chồng, một phụ nữ mang thai ở tháng thứ 7 tại TPHB đã uống thuốc diệt cỏ tự tử, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh nhưng hai mẹ con đã tử vong. Mới đây, sau khi cãi vã với những người thân trong gia đình, anh Bùi Văn B, sinh năm 1963 ở xã Tú Sơn (Kim Bôi) cũng uống thuốc trừ sâu để kết liễu đời mình.
(HBĐT) - Sau hơn 1 năm gặp lại, bé Dương Yến Quỳnh ở xã Trường Sơn (Lương Sơn) vẫn xanh xao, bụng to, khuôn mặt đặc trưng thalassemia (tan máu bẩm sinh). Em nhỏ hơn tuổi lên 6. Lau mồ hôi lấm tấm trên trán cho cháu, bà ngoại Quỳnh chia sẻ: “Gia đình phát hiện cháu bị bệnh thalassemia từ 14 tháng tuổi. Tháng nào cháu cũng phải đến bệnh viện truyền máu. Bố mẹ làm nông nghiệp, phải lo chạy ăn nên phải chia nhau đưa con đi viện và nhờ hai bên nội, ngoại giúp”.
(HBĐT) - Năm 2013, toàn xã Định Cư (Lạc Sơn) chỉ có 152/993 hộ (tương đương 15,3% tổng số hộ dân toàn xã) đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa (GĐVH) và chỉ có 1/15 KDC (chiếm 6% xóm toàn xã) đạt KDC văn hóa. Xóm có tỷ lệ hộ gia đình văn hóa cao nhất xã là xóm Mương Hạ Trong cũng chỉ có 19/63 hộ và xóm có tỷ lệ hộ gia đình văn hóa thấp nhất là xóm Bán Dưới với 2/70 hộ. Điều gì đang diễn ra phía sau những con số bất thường này?
(HBĐT) - Phía sau những vụ tai nạn giao thông (TNGT), mất mát về con người không gì có thể bù đắp được: con mất cha, mẹ mất con, gia đình, bạn bè mất đi người thân... song tận cùng của nỗi đau còn là sự hối hận, day dứt chưa khi nào nguôi của người trong cuộc; là những ám ảnh kinh hoàng đối với người thân của những nạn nhân tử nạn vì TNGT.