Công an xã Tú Sơn (Kim Bôi) đến hộ gia đình vận động người dân không tham gia xuất cảnh trái phép.
(HBĐT)- Theo số liệu của Công an tỉnh, toàn tỉnh có trên 1.700 người xuất cảnh trái phép đi lao động tự do ở nước ngoài, chủ yếu tại Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan. Trong đó, nhiều nhất là các huyện: Yên Thủy, Kỳ Sơn, Kim Bôi, Lương Sơn, Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc. Số lao động này chủ yếu do tự phát, nhận thức pháp luật hạn chế, hoàn cảnh kinh tế khó khăn và bị rủ rê, lôi kéo, lừa gạt.
Từ đầu năm đến nay, cơ quan an ninh điều tra (Công an tỉnh) đã nhận được nhiều đơn của nhân dân tố giác bị một số công ty, đối tượng lừa đưa ra nước ngoài lao động hứa trả thu nhập cao. Qua xác minh và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đã bắt được 5 vụ, 6 đối tượng về hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Đáng chú ý là vụ Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1982, thường trú tại Thạch Thất (Hà Nội) tổ chức cho người dân các xã Vĩnh Đồng, Bắc Sơn, Tú Sơn (Kim Bôi) xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Với danh nghĩa Công ty tuyển dụng lao động Hoàng Thắng, tên Thắng đã dùng thủ đoạn in một tập tờ gấp giới thiệu sản phẩm và đĩa CD quảng cáo công việc tại Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc với thu nhập từ 12 - 17 triệu đồng/tháng. Công ty cam kết hỗ trợ cho vay ban đầu 100 triệu đồng để làm các thủ tục và sẽ trừ dần vào lương hàng tháng, ưu tiên cho những người thuộc hộ nghèo. Các thủ tục diễn ra tại công ty và có sự cam kết giữa người lao động với công ty và chính quyền địa phương. Với thủ đoạn trên, Thắng đã thu 123,2 triệu đồng của 6 người rồi theo đường tiểu ngạch đưa sang Trung Quốc. Tiếp đó là vụ Đinh Văn Lăng, sinh năm 1976, thường trú tại xã Mông Hoá (Kỳ Sơn) đã móc nối với 2 đối tượng khác đưa 64 người ở huyện Cao Phong, Đà Bắc, Kỳ Sơn, Kim Bôi đến cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và qua sông KaLong sang Trung Quốc. Số lao động được bố trí vào làm tại xưởng ván sàn, tháng đầu bị trừ hoàn toàn lương, tháng thứ 2 bị trừ 100 nhân dân tệ và tháng thứ 3, 4 tiếp tục bị quỵt lương khi họ đòi về nước. Trong quá trình làm thuê ở Quảng Đông, số lao động này còn bị trừ từ 165 - 180 nhân dân tệ để làm chứng minh thư nhân dân giả. Một số người thấy công việc vất vả, lương không như thoả thuận đã yêu cầu tìm công việc khác,đối tượng bắt nộp thêm mỗi người gần 4,5 triệu đồng.
Trắng trợn hơn, đối tượng Trần Thị Yến, sinh năm 1971, hộ khẩu tại xã Yên Trị (Yên Thuỷ) đã thuê xe ô tô ngay tại địa phương đưa 3 lần với tổng số 13 người cùng xã lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) rồi vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Mỗi người đi phải nộp cho Yến 4,5 triệu đồng. Với những thủ đoạn và lời hứa hẹn thu nhập cao, có trách nhiệm sắp xếp công việc, hàng tháng trả lương đầy đủ, các đối tượng Chu Thị Thuý, thường trú ở xã Dân Hạ (Kỳ Sơn), Bùi Thị Thanh, Bùi Thị Luổi, thường trú tại xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) đã đưa ngay những người hàng xóm của mình sang Trung Quốc lao động trái phép. Ngoài ra, Công an TPHB cũng đã bắt đối tượng Nguyễn Thị Hương, sinh năm 1989, trú tại phường Tân Hòa về hành vi tổ chức, cưỡng ép đưa 3 phụ nữ ở huyện Đà Bắc theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc bán dâm. Tất cả các đối tượng trên đã bị bắt giam, khởi tố và chờ xử lý trước pháp luật. Tuy nhiên, từ bàn tay của chúng, bao cảnh đời vẫn lam lũ, vất vưởng nơi xứ người. Đã có người bỏ mạng vì đánh nhau, bị cảnh sát bắt giam, lao động quá sức, ép bán dâm, bữa cơm như cho súc vật ăn... Có người chán nản, không chịu nổi trốn về quê với hai bàn tay trắng và món nợ vắt vai để làm lại cuộc đời. Song, có người lại theo lao quay về với mục đích tiếp tục kéo theo nhiều người cùng vượt biên trái phép. Từ những hành vi che giấu, lừa đảo, qua mắt cả chính quyền xã của vụ án Thắng đến sự trắng trợn, bất chấp pháp luật của đối tượng Yến cho thấy, tình trạng người dân xuất cảnh trái phép ra nước ngoài làm thuê đang trở thành vấn đề xã hội nhức nhối.
Thượng tá Đào Trọng Bính, Trưởng phòng an ninh điều tra (Công an tỉnh) cho biết: Phòng đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các phòng nghiệp vụ, Công an huyện, thành phố nắm tình hình, phân loại và xác định các ổ nhóm, đối tượng có dấu hiệu vi phạm, từ đó tiến hành lập chuyên án đấu tranh, xử lý. Từ đầu năm, phòng đã lập 3 chuyên án được lãnh đạo Công an tỉnh phê duyệt; điều tra, khởi tố 5 vụ, 6 bị can theo quy định của pháp luật. Thực hiện Chỉ thị số 32 của Tỉnh uỷ về tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật, vận động nhân dân không tham gia các hoạt động xuất cảnh trái phép, lao động tự do ở nước ngoài và kế hoạch của Công an tỉnh, phòng tiếp tục phối hợp với các đơn vị để sớm đưa các đối tượng phạm tội ra xử lý trước pháp luật. Các vụ án này nên được đưa ra xét xử lưu động để tuyên truyền cho nhân dân nắm được. Qua rà soát thực tế thấy rằng, tình hình người dân xuất cảnh trái phép đi lao động tự do ở nước ngoài diễn ra hết sức phức tạp, gây khó khăn cho quản lý. Đăng ký tạm trú, tạm vắng không được thực hiện đầy đủ nên việc nắm bắt thông tin không kịp thời. Tình trạng xuất cảnh trái phép ồ ạt tại các địa phương chưa có dấu hiệu dừng lại một phần do nhận thức pháp luật của người dân hạn chế. Mặt khác, do các cơ quan, tổ chức đoàn thể vào cuộc chưa đồng bộ; tuyên truyền giáo dục pháp luật chưa sâu rộng; thiếu việc làm. Đây là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý xuất nhập cảnh và là nguy cơ tiềm ẩn các loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mại dâm... tiềm ẩn nguy cơ xâm hại an ninh quốc gia. Vì vậy, các địa phương cần nắm tình hình nhân hộ khẩu chặt chẽ. Nhân dân tích cực tố giác tội phạm. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, ngành vào cuộc tích cực hơn trong tuyên truyền, giáo dục, vận động và tạo việc làm cho người dân.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Quê tôi phía hữu ngạn vùng hạ du sông Đà. Mới lọt lòng, tôi đã đối diện với một vùng đất phía bên kia sông. Ngày nay, vùng đất ấy là vùng ven của thành phố Hoà Bình cũng là vùng ven của tỉnh, nơi tiếp giáp với tỉnh Phú Thọ. Xa xưa vùng đất ấy có tên Mường Nùa. Đầu thập niên 80 của thế kỷ XVIII, người Mường Nùa đi đón lang ở xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn về “trông coi” dân, những mong “yên dân, lành đất” cho nên đặt tên Mường là Yên Mông. Đầu thế kỷ thứ XIX, Yên Mông là một thôn của xã Hòa Bình, tổng Tinh Nhuệ, huyện Bất Bạt, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây.
(HBĐT) - Nằm chon von tận đỉnh núi Tang, xóm Thung Vòng, xã Do Nhân (Tân Lạc) thách thức sự bạo gan của bất cứ ai dám đi lên bằng xe máy. Để tránh bị lăn xuống núi, chúng tôi chọn giải pháp an toàn là đi bộ ngược dốc đá gần 2 km vào dịp khởi công xây dựng công trình thủy điện nhỏ STREAM đem ánh sáng đến với người dân.
(HBĐT) - Được mở rộng, cứng hóa thênh thang, tuyến đường vành đai có chiều dài hơn 1 km không những đáp ứng yêu cầu đi lại, giao thương của người dân mà đó còn là nền tảng để thị trấn Mường Khến (Tân Lạc) phấn đấu sớm đạt tiêu chí giao thông trong lộ trình xây dựng NTM. Thế nhưng, hơn 2 tháng nay, trên tuyến đường này đã xuất hiện hàng trăm ổ trâu, ổ gà lồi lõm, mưa thì đọng nước lầy lội, nắng bụi bay mù trời. Nguyên nhân được người dân chỉ rõ: do những chiếc xe quá khổ, quá tải cố tình lách trạm cân đã phá hỏng những cung đường đẹp này.
(HBĐT) - Chưa bao giờ việc lén lút đi lao động ở Trung Quốc lại rộ lên trở thành “phong trào” và cuốn nhiều người vào vòng xoáy tìm giấc mơ đổi đời như năm nay. Toàn huyện Kim Bôi có trên 200 người theo đường tiểu ngạch sang bên kia biên giới. Bước chân ra đi đem theo niềm hy vọng nhưng nhiều người đã gặp phải địa ngục và vội vã tìm đường trở về với hai bàn tay trắng cùng món nợ hoặc bị giam cầm trước khi bị trục xuất.
(HBĐT) - Phong trào “Chi bộ Đảng nhận đỡ đầu giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học” của LLVT huyện Đà Bắc đã thực sự đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa trong đời sống. Cho đến nay, phong trào đã được triển khai đến 10 xã, thị trấn và một số ngành, đoàn thể, trường học trên địa bàn huyện.
(HBĐT) - World Cup 2014 đã đi được quá nửa chặng đường, không khí “ăn ngủ cùng bóng đá” đã thực sự cuồng nhiệt tại mọi ngõ phố. Cùng với đó, các dịch vụ, hàng hóa “ăn theo” cũng góp phần cho mùa hội trở nên sôi động hơn. Giờ đây, World Cup không chỉ là mùa hội cho những người yêu bóng đá mà còn là mùa bội thu cho những dịch vụ ăn theo.