Ngày 4/11, điểm khai thác than trái phép này bị lập biên bản đình chỉ hoạt động, nhưng ngày sau đó vẫn hoạt động bình thường (ảnh chụp ngày 11/11/2015).
(HBĐT) - Theo ông Vũ Văn Công, Phó trưởng phòng TN-MT huyện Kim Bôi: “Kể từ tháng 3/2015 đến nay, trên địa bàn huyện chỉ còn 4 doanh nghiệp khai thác khoáng sản hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, bao gồm: 3 doanh nghiệp khai thác, sản xuất đá và 1 doanh nghiệp khai thác cao lanh làm vật liệu xây dựng thông thường. Còn lại, nếu trên địa bàn có bất cứ điểm khai thác khoáng sản nào đều là những hoạt động trái phép”.
Thực tế, tình trạng khai thác than trái phép trên địa bàn xã Cuối Hạ (Kim Bôi) diễn ra khá ngang nhiên, nhất là ở hai xóm Vọ và xóm Nghìa. Ông Vũ Văn Công cho biết thêm: “Công ty TNHH MTV Khải Thành bị thu hồi giấy phép từ đầu năm 2014. Tháng 3/2015, Công ty CP khoáng sản Kim Bôi có văn bản đề nghị được tạm ngừng SX-KD do hoạt động kém hiệu quả. Như vậy, không còn bất cứ tổ chức hay cá nhân được phép khai thác than trên địa bàn xã Cuối Hạ”.
Tuy nhiên, lợi dụng địa bàn đồi núi chia cắt, xa khu dân cư và trung tâm huyện khó khăn trong việc quản lý, kiểm soát, một số đối tượng trong và ngoài huyện, thậm chí từ tỉnh khác đến Cuối Hạ để khai thác than trái phép. Ông Bùi Thanh Chương, Chủ tịch UBND xã Cuối Hạ bức xúc nói: “Tình trạng khai thác than “thổ phỉ” diễn ra không chỉ gây thất thoát tài nguyên, khoáng sản mà ngân sách nhà nước cũng bị thất thu. Tệ hại hơn là tình trạng ô nhiễm nguồn nước nhiễm ra nặng nề gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân các xóm Vọ, Nghìa, Pang, Lựng, do khai thác than nên nước suối Pang hầu như bốn mùa đặc quánh và đen ngầu vì bùn và than. Bên cạnh đó, khai thác than bắt buộc phải sử dụng thuốc nổ và nguy cơ nổ khí mê tan, sập hầm lò ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ người lao động rất cao. Trước thực trạng đó, nhằm ngăn chặn tình trạng than “thổ phỉ”, UBND xã đã có văn bản báo cáo và đề nghị UBND huyện chỉ đạo giải quyết”.
Trước tình hình than “thổ phỉ” có chiều hướng phức tạp, ngày 24/6/2015, UBND huyện Kim Bôi đã ban hành Quyết định số 2578-QĐ-UBND “Về việc thành lập Tổ kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác than trái phép tại địa bàn xã Cuối Hạ”. Tổ công tác do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng và các thành viên là cán bộ phòng TN-MT, Công an huyện, Ban CHQS huyện và UBND xã Cuối Hạ. Tuy nhiên khi tổ công tác đi vào hoạt động đúng vào thời điểm mùa mưa nên chỉ tập trung kiểm tra, rà soát và tổ chức cho các chủ đất rừng cùng những người có biểu hiện khai thác than trái phép ký cam kết quản lý, sử dụng đất đai mục đích và không tổ chức hoặc tham gia khai thác than trái phép.
Gần đây nhất sáng ngày 4/11, phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) đã phối hợp với Công an huyện Kim Bôi bắt quả tang và lập biên bản đình chỉ hoạt động của nhóm khai thác than trái phép tại khu vực vỉa 8, thuộc xóm Vọ (Cuối Hạ). Đối tượng vi phạm là ông Bùi Văn Đồng, trú tại thị trấn Bo (Kim Bôi), trước đây là công nhân Công ty CP khoảng sản Kim Bôi. Lợi dụng việc Công ty tạm ngừng sản xuất, ông Đồng đã thuê công nhân tiến hành khai thác than trái phép tại mỏ than khu vực vỉa 8 của công nhân Công ty CP khoảng sản Kim Bôi. Tại hiện trường, lực lượng Công an đã lập biên bản đình chỉ hoạt động khai thác, tạm giữ 2 xe ô tô, 16 khối than, buộc dỡ bỏ lều lán...Tuy nhiên, trong khi Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đang hoàn tất thụ tục, hồ sơ để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật thì tình trạng khai thác than trái phép trên địa bàn xã Cuối Hạ vẫn tiếp tục tái diễn.
Sáng ngày 11/11, chúng tôi cùng cán bộ phòng TN-MT huyện Kim Bôi và CA xã Cuối Hạ có mặt tại hiện trường, nơi mà ngày 4/11 Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và CA huyện Kim Bôi đã lập biên bản, thì hoạt động khai thác, vận chuyển than vẫn diễn ra ngang nhiên. Hàng chục lều lán cho người lao động vẫn còn nguyên chưa được tháo dỡ, hệ thống điện, bơm khí, bơm nước phục vụ khai thác than vẫn hoạt động bình thường. Lái xe mang BKS 34K-5382 cho biết: “Em chở than thuê về địa diểm tập kết, 150.000 đồng/chuyến. Vì để ở cửa lò sợ mưa, lũ trôi hết than”
Hệ thống lều lán đã bị các cơ quan chức năng buộc tháo dỡ nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại.
Theo những người dân trên địa bàn xã Cuối Hạ (đề nghị dấu tên), trước khi bị lực lượng CA kiểm tra, lập biên bản đình chỉ, việc vận chuyển than bằng ô tô đi giữa ban ngày. Từ ngày 5/11 đến nay chuyển sang đi ban đêm. Đêm nào nhiều thì 7-8 xe, đêm nào ít thì 4 xe. Tất cả đều đi về hướng huyện Lạc Sơn. Những người am hiểu hơn cho biết: bình quân mỗi ngày 4 xe, mỗi xe khoảng 15m3, tổng cộng là 60m3, với giá bán 800.000 đồng/m3, trừ chi phí mỗi ngày chủ lò cũng đút túi ngót nghét 20 triệu đồng, vì ông ta không phải đóng thuế cho Nhà nước. Có người đã từng làm thuê ở đây còn thầm thì: Bình quân mỗi ngày lò này dùng 15-16kg thuốc nổ. Đã khai thác trái phép thì chắc chắn là thuốc nổ trôi nổi trên thị trường. Thêm nữa, người dân địa phương khẳng định: trên địa bàn xóm Vọ và xóm Nghìa có ít nhất 4 điểm khai thác than trái phép khác đang hoạt động.
Thực tế trên cho thấy, tình trạng khai thác than “thổ phỉ” trên địa bàn xã Cuối Hạ đã trở thành vấn đề đáng báo động, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, mà trực tiếp là cấp uỷ, chính quyền và các ngành chức năng huyện Kim Bôi. Bởi khai thác than trái phép không chỉ gây thất thoát tài nguyên, khoáng sản mà ngân sách nhà nước cũng bị thất thu. Việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cũng bị các chủ lò làm ngơ. Môi trường sản xuất và đời sống của người dân đang từng ngày bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đức Phượng
(HBĐT) - Bài 2: Đánh thức tiềm năng du lịch Vân Hồ
Trong Quy hoạch khu du lịch quốc gia Mộc Châu, huyện Mộc Châu được xác định đóng vai trò đón luồng khách từ phía Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Trung Quốc) và các luồng khách du lịch quốc tế qua cửa khẩu Lóng Sập (Lào, Thái Lan, Myanmar), huyện Vân Hồ (Sơn La) cũng không kém phần quan trọng, là trung tâm du lịch dịch vụ phía đông, đón các luồng khách từ Hà Nội, đồng bằng Bắc Bộ và khách quốc tế đến Việt Nam qua sân bay Nội Bài. Đặc biệt, với những cảnh quan thiên nhiên đặc sắc như khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha, rừng Pa Cốp, hang mộ Tạng Mè, hồ sông Đà..., Vân Hồ hứa hẹn là khu du lịch khám phá, trải nghiệm hấp dẫn với những nét độc đáo riêng.
(HBĐT) - Từ thành phố Hòa Bình, vượt qua chặng đường khoảng 120 km, chúng tôi có mặt tại thảo nguyên xanh Mộc Châu. Mọi mệt mỏi trên hành trình tan biến thật nhanh khi mở ra trước mắt chúng tôi những vườn su su trĩu quả, tít tắp đồi chè búp non mơn mởn. Rộn ràng thêm bức tranh trù phú ấy là hàng loạt máy móc nông nghiệp hiện đại như máy cắt cây, máy cày... Được bà con nông dân nơi đây tích cực ứng dụng vào sản xuất. Đi sâu vào lòng thảo nguyên, chúng tôi càng thêm ngỡ ngàng bởi nhiều khách sạn, nhà hàng, nhà riêng mới được xây dựng khang trang; hoạt động kinh doanh, buôn bán, dịch vụ diễn ra sôi động... Mộc Châu đã nỗ lực trở thành một vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Sơn La, một điểm đến đặc biệt hấp dẫn của du khách trên cung đường khám phá Tây Bắc.
Sau 10 năm, lần đầu đặt chân lên đất nước Nga rộng lớn và tươi đẹp - xứ sở của cây bạch dương, tôi trở lại thăm nhà máy thủy điện Hòa Bình. Từ buổi Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc diễn văn tại lễ khánh thành nhà máy ngày 20/12/1994 đến nay đã qua 21 mùa thu vàng nước Nga. Ngày ấy, với cương vị Giám đốc Nhà máy giấy Hòa Bình (Bộ Công nghiệp nhẹ), tôi cùng ông Đặng Vũ Chư (Bộ trưởng) được dự lễ khánh thành nhà máy. Cơ duyên cho tôi có dịp đến với xứ sở bạch dương phải chăng được bắt nguồn từ việc dấn thân cho công việc được giao nói riêng và cho sự phát triển đất nước nói chung của những người con từ hai dân tộc?
(HBĐT) - Không phương tiện bảo hộ, chỉ với đôi tay trần, họ leo lên những thân câu cao vút để mong sao kiếm được vài chục, vài trăm nghìn tiền lãi, mặc cho những hiểm nguy luôn rình rập...
(HBĐT) - Đồng chí Xa Văn Sin, phó Bí Thư TT Đảng ủy xã Cao Sơn (Đà Bắc) cho biết: Xã Cao Sơn có 9 xóm, 4.246 nhân khẩu với hai dân tộc chính là Mường (chiếm 65%) và Dao. Những năm 2004 trở về trước, xã Cao Sơn là một trong những “điểm nóng” của huyện Đà Bắc về vấn nạn tảo hôn.
(HBĐT) - Nằm lọt thỏm giữa màu xanh của núi rừng và được bao bọc bởi những ruộng lúa mướt mắt, Khu nghỉ dưỡng sinh thái Mai Châu (Mai Châu Ecologe) đưa du khách lạc vào những giấc mơ có trong những câu chuyện cổ tích Việt Nam, hay những câu chuyện trong tập “Ngàn lẻ một đêm” của những quốc gia và vùng lãnh thổ châu Âu. Đó là cảm nhận của riêng tôi, nhưng hẳn là sẽ thuộc về “số nhiều” du khách đã một lần đặt chân đến nơi này.