Ông chia sẻ: Khi ấy tỉnh, huyện triển khai thực hiện Đề án số 03/ĐA-TU của Tỉnh ủy, việc nâng cao chất lượng, trẻ hoá đội ngũ cán bộ ở địa phương là một trong những việc làm quan trọng, được Đảng uỷ xác định là việc làm đầu tiên. Cậu Phứ là cán bộ Ban CHQS huyện được điều động về giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã. Với kinh nghiệm hàng chục năm làm lãnh đạo xã, tôi hiểu rằng đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn của cậu ấy.
Tuy nhiên, với tinh thần không ngại khó, ngại khổ, Hàng A Phứ thường xuyên bám dân, bám bản nắm bắt tình hình tư tưởng nhân dân. Từ đó kịp thời đề xuất, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ, giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc ở cơ sở. Đại úy Hàng A Phứ chia sẻ: Pà Cò là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Mai Châu. Do vậy, trình độ dân trí không đồng đều, kinh tế phát triển chậm. Tình hình tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy và tảo hôn cũng như vi phạm các quy định về Luật Giao thông đường bộ... Khi thực hiện quyết định điều động công tác của Quân khu và của tỉnh về làm Phó Chủ tịch UBND xã, dù là người địa phương nhưng khi đó bản thân tôi nhận thấy trách nhiệm rất nặng nề. Bởi nếu mình không làm tốt thì nói gì, làm gì bà con hàng xóm, anh em họ hàng không tin, không nghe...
Qua quá trình công tác, Phó Chủ tịchUBND xã Pà CòHàng A Phứ luôn được tin yêu vì những việc anh đã làm cho người dân.
Xác định trách nhiệm trên cương vị công tác mới, đại úy Hàng A Phứ đã tích cực tham mưu cho cấp ủy làm tốt công tác xây dựng, củng cố tổ chức Đảng. Năm 2011 toàn xã chỉ có 9 chi bộ với 105 đảng viên. Việc bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới gặp nhiều khó khăn khi đa phần các đối tượng được lựa chọn đều không muốn vào Đảng, đến nay, với sự tham mưu đổi mới cách làm một cách sáng tạo của Hàng A Phứ, công tác xây dựng Đảng ở Pà Cò đã có những bước chuyển đáng kể. Xã đã thành lập mới 3 chi bộ, xóa chi bộ sinh hoạt ghép, xóa xóm trắng chi bộ; tổ chức kết nạp mới 66 đảng viên, đưa số chi bộ Đảng của xã lên 12 và đưa tổng số đảng viên lên 171 người.
Với quyết tâm "bám dân, bám bản”, Hàng A Phứ đã tuyên truyền, vận động những người thân trong gia đình, dòng họ, bà con trong xóm bản từng bước thay đổi nhận thức trong việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, cúng bái, bài trừ mê tín dị đoan.
Đáng nói hơn, trong quá trình công tác, Hàng A Phứ thường xuyên, cùng các thầy, cô giáo đến gia đình học sinh có nguy cơ bỏ học để tuyên truyền, vận động gia đình và học sinh tiếp tục đến lớp học. Nghe theo Hàng A Phứ, 10 em có ý định bỏ học đã quay trở lại lớp. Từ đó góp phần giữ vững tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục ở cả 3 cấp học của xã. Kết quả đó, góp phần đưa Pà Cò nhiều năm liền không có học sinh bỏ học. Chất lượng công tác giáo dục ngày càng được nâng lên.
Với vai trò của mình, Hàng A Phứ thường xuyên gần gũi với dân bản để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều gia đình đã nghe Phứ tự nguyện hiến đất mở rộng trường lớp, giảm thiểu tình trạng học ghép, học dồn. Trong đó, có hộ các ông: Tràng A Pủa hiến 195 m2, Mùa A Bua hiến 101 m2, Mùa A Chếnh hiến 81 m2 đất xây trường mầm non, Sùng A Sía hiến 200 m2 xây trường tiểu học. Cùng với đó, người dân đã tham gia ủng hộ hàng trăm triệu đồng để đầu tư làm đường vào trường, làm sân trường, mua trang thiết bị cho các trường học...
Có điều đặc biệt ở người cán bộ "của dân, của bản” này là ở đâu, gặp ai Phứ cũng tranh thủ trò chuyện, tâm tình. Trong những câu chuyện ấy, ngoài con lợn, con gà, vụ ngô, lúa trên nương, Phứ đã khéo léo đưa những câu chuyện về pháp luật DS/KHHGĐ; tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết... Câu chuyện của Phứ và những người dân cứ vậy, thật tự nhiên, cuốn hút. Thế nên ai cũng muốn nghe Phứ nói, vì đó là những điều phải, điều đúng...