Lãnh đạo UBND xã Đông Bắc (Kim Bôi) thăm mô hình phát triển kinh tế hiệu quả từ cây thanh long của gia đình ông Bùi Văn Bình.
Cùng cán bộ UBND xã, chúng tôi đến thăm nhà ông Bùi Văn Bình nằm ngay trên trục quốc lộ 12B. Ngay từ ngoài cổng vào đã thấy khá đông thương lái đến thu mua thanh long. Anh Hiển, một thương lái đến từ huyện Lạc Thủy cho biết: Chúng tôi buôn bán hoa quả, đến tận vườn để thu mua. Hiện nay, các vườn thanh long ở huyện Lạc Thủy đã vãn, chúng tôi đến xã Đông Bắc để thu mua. Sản phẩm thanh long của gia đình ông Bình có mẫu mã đẹp, có vị ngọt đậm, giá mua tại vườn trung bình 20.000 đồng/kg.
ông Bình chia sẻ: Trước đây cũng có 1 hộ đưa cây thanh long về trồng nhưng không thành công. Gia đình tôi có tổng diện tích trên 3.000 m2. Trước kia, gia đình cấy lúa nhưng không đủ nước nên chuyển sang trồng mía, ngô, thu nhập bấp bênh, không ổn định. Năm 2015, khi nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng nói về mô hình trồng hoa, thanh long kết hợp với du lịch hiệu quả ở Suối Sỏi, huyện Lạc Thủy của anh Trần Hưng, người Hà Nội đến đầu tư, ông Bình đã về tận nơi để học tập. ông trực tiếp về Lạc Thủy mua giống. Mới đầu, tôi đưa vào trồng thử nghiệm 2.000 m2 trồng thanh long cả ruột đỏ và ruột trắng. Thấy cây thanh long phát triển tốt, năm 2016, tôi tiếp tục trồng thêm hơn 1.000 m2 với 420 gốc.
Kể về vất vả của những ngày đầu trồng cây thanh long, bà Bùi Thị Châu, vợ ông Bình bộc bạch: Cùng với sự hỗ trợ của một số người thân quen, ông ấy tự đổ 420 cột bê tông, làm hệ thống điện bảo vệ và hệ thống nước tưới tiêu tự chảy từ nguồn giếng khoan. Cây không phụ công người chăm sóc, đến năm 2016, thanh long đã cho những quả bói đầu tiên. Năm đó, gia đình thu về 30 triệu đồng. Năm 2017, gia đình thu hoạch khoảng 4-5 tấn quả, thu về 70 triệu đồng. Năm nay đã là năm thứ 3 cây thanh long cho thu hoạch, với giá bán trung bình từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, dự tính, gia đình thu được trên 100 triệu đồng.
Theo ông Bình, cây thanh long cho thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 11. Trồng thanh long đầu tư ban đầu nhiều hơn nhưng thu nhập cao gấp đôi trồng ngô, mía. Gia đình ông đầu tư 70 triệu đồng cho hệ thống cột bê tông, nước tự chảy, điện bảo vệ nên không phải trông nom, chăm sóc nhiều. Nếu trời nắng nóng khô hạn quá mới phải tưới thêm vào gốc. Với kỹ thuật chăm sóc, bón phân khoa học, quả thanh long của gia đình ông ít sâu bệnh, mã đẹp, ăn ngọt. Khi thanh long bước vào giai đoạn cần chăm sóc nhiều, gia đình ông phải thuê thêm lao động địa phương. Tận dụng nhà gần mặt đường, ngoài bán buôn cho tư thương vào tận vườn cắt, gia đình ông còn bán lẻ, giá trị sản phẩm cao hơn.
Hai vợ chồng ông Bình sinh được 2 con, giờ các con đều đã trưởng thành. Ngoài công việc ở xã trong giờ hành chính, nhờ vườn thanh long phát triển tốt, gia đình ông đã có của ăn, của để. Từ mô hình thành công của Bí thư Đảng ủy xã, một số hộ trên địa bàn đã học tập làm theo. Hiện nay, toàn xã phát triển được 3 ha thanh long, góp phần vào công tác giảm nghèo trên địa bàn.
Linh Trang