Chị Bùi Thị Huyền (bên phải) kiểm tra chất lượng vườn bí xanh của gia đình trước ngày thu hoạch.
Với kinh nghiệm 9 năm là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm Suối Chuộn, chị Bùi Thị Huyền luôn được mọi người khen ngợi là tấm gương tiêu biểu trong "Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong công việc cũng như cuộc sống thường ngày, chị luôn hết mình giúp đỡ mọi người, nhiệt tình với những hoạt động của Hội Phụ nữ.
Những ngày đầu về xóm Suối Chuộn làm dâu, không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ. Sự bỡ ngỡ nhân lên khi chị được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm. Là phụ nữ dân tộc Mường, giữ chức Chi hội trưởng ở một xóm đa phần là người Dao, sự khác biệt về ngôn ngữ, tập quán… bước đầu khiến chị trăn trở. Chị Huyền khẳng định: "Phải có khó khăn thì mình mới biết cách để vượt qua”. Thời gian đầu, chị không hiểu tiếng nói của hội viên dân tộc Dao. Dân tộc Dao có những ngày lễ, hội như Tết nhảy, cúng cơm mới, cầu mưa, lễ làm chay… là dịp để tiếp cận gần hơn với hội viên, vận động chị em đi họp đông đủ. Thời điểm ấy, có buổi họp chỉ khoảng 30% hội viên tham gia do nhận thức còn hạn chế, phần vì chị em ngại tiếp xúc, vì chồng và gia đình chồng chưa chia sẻ. Một số hội viên khi đến họp chỉ giao tiếp bằng tiếng dân tộc Dao, chị nghe không hiểu nên chỉ biết đứng nhìn mọi người.
"Không lẽ mình làm Chi hội trưởng mà lại không hiểu hội viên của mình đang nói gì, nghĩ gì” - điều này khiến chị suy nghĩ nhiều đêm. Với sự quyết tâm cao, đến nay, chị đã có thể giao tiếp với hội viên dân tộc Dao. Khi tiếp nhận chức Chi hội trưởng, Chi hội phụ nữ xóm chỉ có trên 50 hội viên. Đến nay, chi hội đã có 90 hội viên. Năm 2012, trong xóm có 2 cặp vợ chồng sinh con thứ ba, đến năm 2018, tình trạng tảo hôn và sinh con thứ ba không còn.
Chị Huyền cùng các thành viên trong chi hội thành lập mô hình tổ tiết kiệm. Hàng tháng mỗi hội viên đóng góp từ 50.000 - 100.000 đồng. Theo đó, mỗi tháng tiết kiệm được 3 - 3,5 triệu đồng. Số tiền này giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn hoặc cho hội viên vay không lấy lãi để phát triển kinh tế. Ngoài ra, chị và các hội viên còn trồng 7.000 cây keo giống để gây quỹ.
Chu toàn các hoạt động của Hội, chị Huyền còn là tấm gương tiêu biểu phát triển kinh tế. Giống như bao cặp vợ chồng trong xóm, gia đình chị lúc mới cưới gặp nhiều khó khăn. Không cam chịu số phận, hai vợ chồng vay mượn, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cam, bưởi, bí, chăn nuôi lợn, gà… Đến nay, gia đình chị có hơn 200 cây bưởi, 300 cây cam, 5.000 m2 bí xanh, 3 ha keo, trên 80 con lợn thịt và lợn rừng cùng hàng trăm con gà. Thời gian gần đây, chị mở thêm cửa hàng bánh ngọt.
Chị Huyền chia sẻ: "Rất may tôi được gia đình thông cảm và ủng hộ, được chị em tin tưởng, giúp đỡ thì mới có thể làm tốt được công việc của mình”. Luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên, đóng góp không ngừng cho các hoạt động của hội, chăm lo chu toàn cho gia đình, tất cả thể hiện trách nhiệm vì xã hội, vì gia đình của chị Bùi Thị Huyền. Chị xứng đáng là tấm gương sáng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Linh Nhật