Bùi Thanh Thủy (đứng giữa) xóm Tiện, xã Thung Nai (Cao Phong) kiểm tra chất lượng phân giun quế trước khi cung cấp cho khách hàng.
Bùi Thanh Thủy, xóm Tiện, xã Thung Nai (Cao Phong) chia sẻ: Những năm gần đây, chứng kiến bố mẹ và và nhiều người dân trong vùng làm nông nghiệp phụ thuộc vào phân hoá học; chăn nuôi phụ thuộc thức ăn công nghiệp, tôi rất trăn trở. Tìm hiểu thông tin, tham khảo những người có trách nhiệm và tâm huyết với sản phẩm sạch trong làm nông nghiệp, tôi đã biết đến giun quế. Giun quế ăn được tất cả các loại phân của động vật và các loại rác thải hữu cơ. 1 tấn giun quế có thể xử lý được 80 tấn rác thải hữu cơ và 50 tấn phân động vật như phân trâu, bò, lợn... khi tất cả các loại rác thải này qua hệ tiêu hóa của giun tạo ra loại phân, đó là phân hữu cơ sạch cho cây trồng. Giun quế có tỷ lệ chất đạm cao, sau 45 ngày có thể khai thác giun làm cám hữu cơ sạch cho chăn nuôi thay thế cám công nghiệp.
Từ những kiến thức được tiếp cận ban đầu như vậy, Thủy đã nuôi thử nghiệm 25 m2 . Không bất ngờ khi sản phẩm phân giun làm ra rẻ hơn nhiều so với giá thành phân hóa học. Từ nguồn vốn 24 triệu đồng để mua nguyên liệu phân, giống giun, sản phẩm phân giun thu được sử dụng cho sản xuất nông nghiệp của gia đình và anh em họ hàng. Thủy mạnh dạn giới thiệu sản phẩm phân giun đến nhiều hộ dân trong vùng sau khi sử dụng bón cho cây trồng hiệu quả. Tiếp đó, Thủy sử dụng sản phẩm giun làm thức ăn chăn nuôi gà, vịt, ngan cũng đem lại giá trị lợi nhuận tốt, chất lượng thịt được người tiêu dùng ưa chuộng, đặt hàng thường xuyên.
Hiện nay, diện tích nuôi giun quế của gia đình Thủy được mở rộng trên 1.000 m2 . Mỗi tháng gia đình đầu tư 100 tấn thức ăn nuôi giun (phân chuồng và rác thải hữu cơ như: rơm, rạ, bèo, rau, củ, quả thối). Trung bình giá thu gom thức ăn là 450 nghìn đồng/tấn. Với diện tích 1.000 m2 , trại nuôi giun của Thủy mỗi tháng thu được 50 tấn phân, 1 năm thu 600 tấn. Giá bán các loại khác nhau theo nhu cầu của khách là: 2.500 - 3.200 - 5.000 đồng/kg. Trại có 2 công nhân làm thường xuyên với mức lương 250 nghìn đồng/công, 2 công nhân thời vụ là 220 nghìn/công.
Tuy còn những khó khăn, nhưng Thủy vẫn quyết tâm mở rộng trại nuôi lên 2.000 m2 trong năm 2023. Thủy trăn trở với mong muốn: Tất cả phụ nữ, những người đầu bếp chính của gia đình hãy cùng nuôi giun quế. Những gia đình không có đất rộng vẫn có thể nuôi giun trong thùng xốp để những con giun xử lý rác thải hữu cơ thừa hàng ngày cho gia đình. Nguồn phân giun để bón hoa, cây cảnh…
Anh Trần Văn Tuyên, khu 4, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) là khách hàng sử dụng lượng phân hữu cơ giun quế khá lớn từ trại nuôi giun của gia đình Thủy chia sẻ: Gia đình tôi trồng cam gần 20 năm. Có thời điểm trồng trên 17 ha. Gia đình đã biết đến phân giun quế từ 6 - 7 năm trước, nhưng gần đây mới tiếp cận và đưa vào bón cho cây trồng. Phải thừa nhận là khá tiếc khi gần đây mới sử dụng phân giun, bởi nếu sử dụng sớm hơn có lẽ tuổi thọ của cây cam sẽ được kéo dài hơn do đất không bị thoái hóa do tưới, bón các loại phân trước đó. Diện tích cây trồng của gia đình 2 năm nay không phải bón một loại phân nào khác ngoài phân giun quế. Cây trồng phát triển, kháng bệnh tốt, đặc biệt giá thành rẻ hơn nhiều so với các loại phân bón khác. Sử dụng phân hữu cơ giun quế để xác định hướng đi sản xuất sản phẩm sạch, bền vững, gắn với BVMT.
Đồng chí Bùi Thị Lệ Khuyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Thung Nai cho biết: Bùi Thanh Thủy là hội viên nhiệt tình, trách nhiệm trong các hoạt động Hội ở cơ sở, mạnh dạn trong đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, lựa chọn nuôi giun quế để cung cấp ra thị trường sản phẩm phân hữu cơ hữu ích cho sản xuất nông nghiệp sạch là hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Chị Thủy luôn nhiệt tình chia sẻ ý nghĩa của sản phẩm đến hội viên phụ nữ và người dân địa phương, từ đó chung tay cùng địa phương hướng tới sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bền vững. Trong đợt hưởng ứng cuộc thi "Phụ nữ chung tay phục hồi hệ sinh thái”, chị Thủy đã tích cực hưởng ứng. Tuy không giành được giải thưởng nhưng bài thi của chị đã tạo được tính lan tỏa trong các cấp Hội Phụ nữ.
Hồng Duyên