(HBĐT) - Được anh Bùi Văn Dậu, Bí thư Đoàn xã Đa Phúc (Yên Thủy) giới thiệu, tôi đến thăm mô hình phát triển kinh tế của anh Bùi Văn Chựng, đoàn viên tiêu biểu trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tại địa phương. Anh Dậu cho biết: "Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, anh Bùi Văn Chựng, chi đoàn xóm Nhang đã thành công với mô hình trồng cây na Thái kết hợp với chăn nuôi. Không những thế, anh Chựng còn hăng hái tham gia nhiều hoạt động, phong trào Đoàn, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ ĐVTN khởi nghiệp. Anh xứng đáng là tấm gương sáng để ĐVTN trong xã học tập, noi theo”.



Đoàn viên, thanh niên  xã Đa Phúc (Yên Thủy) tham quan mô hình phát triển kinh tế của anh Bùi Văn Chựng. 

Trưởng thành từ thất bại

Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội, anh Chựng loay hoay tìm kiếm một công việc phù hợp. Ở thời điểm chênh vênh lựa chọn định hướng cho tương lai, anh quyết định rẽ hướng khởi nghiệp, lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương. Điều này khiến anh vấp phải sự phản đối của người thân trong gia đình. "Kể từ khi nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp, tôi đã xác định mình sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Đi lên từ con số 0, không vốn, không kiến thức, không kinh nghiệm, tôi phải không ngừng nỗ lực. Những thất bại gặp phải chính là động lực để tôi cố gắng, kiên trì phấn đấu đến cùng” – anh Chựng chia sẻ.

Năm 2015, với số vốn ban đầu 200 triệu đồng vay từ Ngân hàng NN&PTNT, anh Chựng đầu tư nuôi 2.000 con gà, hơn 30 con lợn, 10 con bò, trồng 1 ha mía tím, 1 ha măng tây. Từ 2015 – 2017, giá cả thị trường không ổn định, chăn nuôi lứa được, lứa mất nên mô hình của anh cho hiệu quả không cao. Riêng cây măng tây thời điểm ấy đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất với giá từ 100.000 – 120.000 đồng/kg. Được mùa, được giá, có ngày anh thu được 2 triệu đồng từ bán măng tây. Thế nhưng trái ngọt chẳng được bao lâu, cuối năm 2017, thiên tai ập đến. Do mưa lớn, nước ngập nên toàn bộ diện tích trồng măng tây bị mất trắng, thiệt hại khoảng 400 triệu đồng.

Không nản chí, anh Chựng tiếp tục nghiên cứu, tìm cây trồng phù hợp. Năm 2018, anh tình cờ xem được video hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây na Thái của người dân tỉnh Sơn La. Nhận thấy đây là loại cây dễ trồng, có giá trị kinh tế cao, kỳ vọng đem lại thu nhập ổn định nên anh mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Ban đầu, anh trồng thử nghiệm 500 cây giống na Thái, đồng thời đầu tư xây dựng hệ thống tưới tự động để giảm nhân lực, chi phí sản xuất. Anh vừa trồng, vừa trau dồi kiến thức từ internet, sách, báo, tạp chí và tích lũy kinh nghiệm. Sau thời gian dài cần mẫn, lứa na Thái thương phẩm đầu tiên đạt sản lượng trên 1 tấn. Với dấu hiệu tích cực, từ năm 2019 - 2020, anh Chựng trồng thêm khoảng 1.600 cây. Na Thái thành phẩm có trọng lượng trung bình khoảng 800g/quả, mẫu mã đẹp, mỏng vỏ, ít hạt, thịt quả mềm, ngọt. Giá thị trường từ 60.000 – 80.000 đồng/kg.

Hiện nay, mô hình phát triển kinh tế của anh Chựng có hơn 2ha trồng na Thái, trên 100 con lợn thịt, gần 600 con gà và 5 ha trồng một số loại cây ngắn ngày. Các sản phẩm đều có đầu ra ổn định ở thị trường trong, ngoài tỉnh như: Hà Nội, Hải Phòng… Đặc biệt na Thái thương phẩm được khách hàng ưa chuộng. Năm 2022, sau khi trừ mọi chi phí, tổng thu nhập của anh đạt 750 triệu đồng. Mô hình phát triển kinh tế của anh tạo việc làm thời vụ cho 5 – 6 lao động với thu nhập 200.000 đồng/ngày.

Người "thuyền trưởng” năng động

Là người làm nông nghiệp đã trải qua không ít gian nan, anh Bùi Văn Chựng hiểu rõ những trở ngại mà người dân gặp phải trong quá trình lao động, sản xuất. Được mùa, mất giá, sản phẩm chưa đạt chất lượng cao, đầu ra, giá thành không ổn định… là những nỗi lo, bài toán khó mà người nông dân thường gặp phải. Xuất phát từ mong muốn liên kết, kết nối để cùng sản xuất, hoạt động, hướng đến hiệu quả kinh tế cao…, HTX nông nghiệp Hòa Phát được thành lập từ tháng 11/2022, hiện có 8 thành viên là các gia đình nông hộ trên địa bàn xã Đa Phúc. HTX nông nghiệp Hòa Phát có các ngành nghề chủ yếu: cung cấp giống cây ăn quả, na Thái, cây giống nông nghiệp, chăn nuôi bò, gà, lợn, cung cấp thức ăn chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp. Tổng diện tích sản xuất của HTX có 15 ha trồng bưởi, na Thái và một số loại cây trồng ngắn ngày (rau bí, củ cải, chanh leo, dưa leo, ớt). Đảm nhận vị trí Giám đốc HTX khi còn khá trẻ thế nhưng anh Chựng đã xây dựng được lòng tin khi thể hiện bản lĩnh vững vàng, sự năng động, sáng tạo, chủ động tiếp thu, học hỏi, ứng dụng kiến thức, kinh nghiệm linh hoạt… Nhận thức được vai trò quan trọng của người đứng đầu HTX, thời gian qua, anh Chựng tích cưch kết nối với các doanh nghiệp để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm của xã viên, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Song, hướng đi phù hợp, hiệu quả cho HTX, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương là điều anh luôn trăn trở.

Nói về kế hoạch trong thời gian tới, anh Bùi Văn Chựng bộc bạch: "Tôi mong muốn liên kết thêm nhiều thành viên để mở rộng quy mô HTX. Đồng thời nhân rộng diện tích trồng cây na Thái, hướng đến những nông sản sạch, cung cấp sản phẩm đạt tiêu chuẩn về chất lượng, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Cùng với đó là thực hiện hồ sơ xây dựng vùng trồng cây na Thái tại xã Đa Phúc…”.

Là HTX còn non trẻ, dưới sự chèo lái của "thuyền trưởng” Bùi Văn Chựng năng động, khát vọng vươn lên, mong rằng HTX nông nghiệp Hòa Phát ngày càng khẳng định được vị thế trong phát triển kinh tế nông thôn huyện Yên Thủy.

Linh Nhật

Các tin khác


Bùi Đình Văn - gương sáng phát triển kinh tế

Trong những năm qua, phong trào đoàn viên, thanh niên vượt khó làm kinh tế được tuổi trẻ xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc tích cực hưởng ứng. Ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.

Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Đại úy Công an xã nhiệt huyết, tận tụy với công việc

Năng nổ, nhiệt huyết, tận tụy trong công tác chuyên môn và công tác đoàn, đó là cảm nhận của nhiều người khi tiếp xúc với Đại úy Nguyễn Thành Nam, cán bộ Công an xã, Phó Bí thư kiêm nhiệm Đoàn Thanh niên xã Cao Dương (Lương Sơn).

Gặp Nghệ nhân Ưu tú tâm huyết sưu tầm, phục dựng và bảo tồn văn hoá dân tộc

Nhiều lần gặp anh trong các sự kiện văn hóa của tỉnh, của huyện và ở khu dân cư Vôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) với vai trò biên đạo các tiết mục văn nghệ. Gần đây nhất, anh trực tiếp biểu diễn tại Lễ khai hội chùa Tiên năm 2024, xã Phú Nghĩa... Nghệ nhân Ưu tú trẻ tuổi Nguyễn Mạnh Tuấn luôn để lại cho chúng tôi ấn tượng về một nghệ sỹ vui vẻ, tâm huyết, tài năng, có nhiều đóng góp trong sưu tầm, phục dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Gương sáng phát triển kinh tế và hoạt động thiện nguyện ở xã Yên Trị

Không chỉ điển hình trong lao động sản xuất, ông Nguyễn Thế Hùng, xóm Á Đồng, xã Yên Trị (Yên Thuỷ) còn được biết đến là người năng nổ, nhiệt tình, tích cực trong các hoạt động xã hội, là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế và hoạt động thiện nguyện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục