Gia đình chị Đào Thị Tuyết, thôn Đồng Nội, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) phát triển chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhìn ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi trong khuôn viên xanh tốt của cây trồng, chuồng trại chăn nuôi bố trí hợp lý của gia đình chị Tuyết, nhiều hội viên phụ nữ đến thăm quan, học hỏi mô hình phát triển kinh tế trầm trồ, thán phục. Xuất phát từ gia đình thuộc hộ nghèo, hai vợ chồng chị đã đồng lòng tìm hướng làm ăn mới để thoát nghèo và làm giàu.
Chị Tuyết chia sẻ: Dám nghĩ, dám làm, quyết tâm vượt qua khó khăn, nắm bắt kịp thời những tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Không trông chờ, ỷ lại, tôi đã tranh thủ sự tạo điều kiện của các cấp Hội Phụ nữ và Hội Nông dân, tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thăm quan học hỏi kinh nghiệm các mô hình sản xuất phù hợp điều kiện ở địa phương, mạnh dạn vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế gia đình với tinh thần "Phụ nữ làm theo lời Bác, thực hành tiết kiệm, lao động sản xuất, kinh doanh giỏi, giảm nghèo bền vững”.
Có quyết tâm nhưng làm gì, làm như thế nào để đạt được hiệu quả trong điều kiện eo hẹp về vốn, kiến thức, kinh nghiệm… là những trở ngại không hề nhỏ. Rồi từng bước khó khăn được tháo gỡ khi vợ chồng chị Tuyết kiên trì tìm hiểu, học hỏi, tích cực tham gia các chương trình tập huấn, thăm quan học tập kinh nghiệm. Với nguồn vốn ít ỏi, vợ chồng chị vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (năm 2015) mua 1 con bò cái giống 3B. Xác định "lấy ngắn nuôi dài”, mỗi năm bò sinh sản được 1 con bê, vợ chồng chị tiếp tục nuôi lớn để nhân đàn.
Năm 2018, vợ chồng chị mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mở rộng mô hình kinh tế, đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn nái và lợn thương phẩm. Từ mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản kết hợp nuôi bò 3B đã giúp gia đình chị vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. Đến nay, quy mô chăn nuôi của gia đình phát triển với diện tích chuồng trại 800 m2. Tổng đàn lợn có 80 con lợn thịt, 5 con lợn nái, 3 cặp bò. Doanh thu hàng năm từ chăn nuôi đạt trên 400 triệu đồng; tạo việc làm cho 2 lao động với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Chị Tuyết chia sẻ thêm: Để đàn gia súc phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao thì khâu chọn giống rất quan trọng. Con giống phải chuẩn, sạch bệnh và chất lượng; tiêm phòng đầy đủ theo định kỳ, thường xuyên tiêu độc, sát trùng vệ sinh chuồng trại. Bên cạnh đó quan tâm giảm giá thành thức ăn cho vật nuôi. Để làm được việc này gia đình trồng cỏ, ngô và một số loại nông sản làm thức chăn nuôi, tiết kiệm được nguồn chi phí đáng kể.
Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Tâm Phạm Thị Tuyết cho biết: Chị Đào Thị Tuyết là hội viên phụ nữ nòng cốt của thôn, xã; luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động phong trào do địa phương và hội, đoàn thể phát động. Không những gia đình hạnh phúc, vợ chồng quan tâm chia sẻ công việc, nuôi dạy con, làm tròn trách nhiệm xây dựng, vun đắp giá trị gia đình Việt, chị Tuyết còn là tấm gương tiêu biểu trong phong trào hội viên phụ nữ tương thân tương ái, đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, ổn định đời sống do Hội LHPN các cấp phát động. Chị là người luôn vui vẻ, hòa đồng, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho những hội viên còn khó khăn, hăng hái tham gia công tác nhân đạo, từ thiện do Hội phát động.
Hồng Duyên
(HBĐT) - Với sự tận tâm trong công tác chuyên môn, hết lòng vì công việc, thái độ phục vụ người bệnh chu đáo, y sỹ Nguyễn Hữu Đức, Phó trạm trưởng trạm y tế xã Tòng Đậu (Mai Châu) luôn được đồng nghiệp tin tưởng, Nhân dân dành nhiều tình cảm quý mến.