Suốt cuộc đời mình, ông Nguyễn Văn Hậu (trái) luôn kiên định trên con đường cách mạng của dân tộc.
(HBĐT) - Giác ngộ và tham gia cách mạng từ rất sớm, đến giờ, khi đã ở cái tuổi cổ lai hy, cả ông Nguyễn Văn Hậu và bà Lê Thị Tâm trở thành những nhân chứng sống cuối cùng được chứng kiến, tham gia vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong những ngày mùa thu lịch sử cách đây vừa tròn 66 năm.
Cũng đã khá lâu chúng tôi mới có dịp ngồi trò chuyện cùng ông. Ở cái tuổi 92, sức lực và trí lực đều đã giảm nhưng lần nào trò chuyện ông cũng kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng tham gia hoạt động cách mạng với sự hào sảng, sôi nổi và nhiệt huyết như có một ngọn lửa đang bùng cháy trong tim. Giở từng trang hồi ký như lần tìm lại thuở thanh xuân của hơn 60 năm trước nhẹ nhàng như những thước phim quay chậm, ông kể: Những năm 1941 - 1943, khi mới vừa 20 tuổi, ông bị giặc Pháp bắt vào làm y tá trong nhà tù Hòa Bình. Chính nơi này, ông đã được những người tù cộng sản bị giam giữ giác ngộ con đường cách mạng giải phóng dân tộc. ông được chính những đồng chí trong chi bộ nhà tù Hòa Bình khi ấy kết nạp Đảng. Bắt đầu từ đây, ông đi trên con đường cách mạng đầy gian truân nhưng bền bỉ, vững chãi và kiên cường. Có lần ở nhà ông, chúng tôi được gặp cụ Vũ Thơ, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh. Cụ Thơ đã khẳng định: Nguyễn Văn Hậu là một trong những đảng viên đầu tiên của tỉnh, bằng tinh thần, nhiệt huyết cách mạng. ông đã góp công lớn trong phong trào cách mạng tại địa phương và xây dựng các khu căn cứ cách mạnh chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
Khu căn cứ cách mạng mà cụ Vũ Thơ nhắc đến đó là chiến khu Giằng Xèo (Tu Lý) - khu căn cứ cách mạng đầu tiên của tỉnh. Tại đây, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã mở lớp huấn luyện quân sự đầu tiên gồm 20 thanh niên thị xã Hòa Bình và châu Mai Đà rồi tiếp đến những lớp quân sự được mở tại các khu căn cứ Mường Diềm (Đà Bắc), Thạch Yên (Cao Phong), Mường Khói (Lạc Sơn). Từ đây, những hạt giống đỏ đã tỏa đi xây dựng phong trào cách mạng khắp nơi và họ đều đã trở thành những cán bộ cốt cán của phong trào. Trong phong trào cách mạng sục sôi ấy, cùng với ông Nguyễn Văn Hậu, hiện còn sống ở thành phố Hòa Bình là bà Lê Thị Tâm. Tham gia phong trào cách mạng từ khi mới 20 tuổi, bà là người phụ nữ duy nhất tham gia lớp huấn luyện quân sự ở khu căn cứ cách mạng Giằng - Xèo. Trở về từ chiến khu sau khi đã hoàn thành lớp huấn luyện quân sự, bà đã cùng những người đồng chí, đồng đội tích cực xây dựng phong trào cách mạng tại thị xã Hòa Bình. Với sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, họ đã cùng nhau vượt qua khó khăn để xây dựng, lãnh đạo phong trào cho đến ngày giành lại chính quyền về tay nhân dân.
Nhớ lại thời khắc lịch sử ấy, ông Nguyễn Văn Hậu hồi tưởng: Trước ngày khởi nghĩa, chúng tôi đã bàn với các hội viên “Công chức cứu quốc” vận động nhân dân tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, xóa bỏ ách áp bức bóc lột. Còn đối với bà Lê Thị Tâm, thời điểm đó mãi mãi là những ký ức không phai nhạt. Bà kể: Trong khí thế chuẩn bị khởi nghĩa, mặc dù đói khát, điều kiện khó khăn nhưng chúng tôi vẫn hăng hái tham gia đội tự vệ đỏ cứu quốc, rải truyền đơn, dán áp phích, kẻ khẩu hiệu phản đối địch và phân công nhau khâu hàng chục lá cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm cho khởi nghĩa. Đúng ngày 23/8/1945, ngay từ tờ mờ sáng, lực lượng khởi nghĩa từ Tu Lý về đã phối hợp cùng lực lượng từ chiến khu Mường Khói, Cao Phong - Thạch Yên và thị xã Hòa Bình cùng đông đảo nhân dân lao động tiến về chiếm Phủ bộ đường. Cả thị xã khi đó sục sôi khí thế cách mạng. Quần chúng nhân dân nô nức tham gia tuần hành, khí thế bừng lên long trời, lở đất. Quân khởi nghĩa tỏa đi chiếm trại Bảo an binh, sở cẩm, dinh lũy của tri phủ buộc chúng phải đầu hàng chính quyền cách mạng. Không thể tả hết niềm vui chiến thắng. Từ đây, phong trào cách mạng toàn tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ, chưa đầy 10 ngày sau, các châu trong tỉnh lần lượt giành được chính quyền về tay nhân dân. Chiến thắng ấy đã góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của dân tộc trong mùa thu lịch sử năm 1945 không thể nào quên.
Sau cách mạng, cả ông Nguyễn Văn Hậu và bà Lê Thị Tâm được giao giữ nhiều trọng trách quan trọng của tỉnh và của thị xã. Dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, họ cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và là người phát động, thúc đẩy những phong trào cách mạng tại địa phương. Cho đến bây giờ, khi cả ông Hậu và bà Tâm đều đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng họ vẫn lựa chọn “duy nhất một con đường” - Đó là con đường cách mạng, con đường duy nhất đúng đã đưa dân tộc Việt Nam từ vị thế bị áp bức bóc lột trở thành những người làm chủ đích thực với cuộc sống tự do, hạnh phúc hôm nay.
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Tại hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng, khen thưởng các tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên tiêu biểu giai đoạn 2006-2010 vừa tổ chức trong thời gian qua, các đại biểu hết sức có ấn tượng về tham luận của nữ đảng viên Hoàng Thị Khuy, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Tân Lạc. Vượt qua những khó khăn, thử thách, chị luôn thành công ở các vị trí công tác khác nhau trong nhiều năm qua.
(HBĐT) - Dáng đi nhanh nhẹn, thoăn thoắt, không ai nghĩ cụ đã ngoài 70 tuổi. Cụ là Vàng A Da - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hang Kia ( Mai Châu).
(HBĐT) - Tới xóm Gò Trạng, xã Cư Yên (Lương Sơn), nhắc tới anh Nguyễn Văn Phong ai cũng biết anh không chỉ là Bí thư chi đoàn năng nổ, nhiệt tình trong công tác mà còn là một thanh niên làm kinh tế giỏi.
(HBĐT) - Với tinh thần vượt mọi khó khăn gian khó, dám nghĩ, dám làm và ý chí tự lực, tự cường của người lính, CCB Đinh Ý Quỳnh, thương binh hạng 4/4 ở xóm Bẵn, xã Mông Hoá (Kỳ Sơn) đã không ngừng nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương.
(HBĐT) - Hơn 10 năm trong quân đội, không biết bao nhiêu lần quyết tử với giặc. Bị thương nặng phải cắt bỏ chân trái với tỷ lệ thương tật 71%, trong người còn nhiều mảnh đạn ở vai, ở đầu nhưng thương binh Bùi Thanh Hin, xóm Vó Khanh, xã Kim Tiến ( Kim Bôi) đã vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình càng thấm nhuần lời căn dặn của Bác: “ Thương binh tàn nhưng không phế ”.
(HBĐT) - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Song (bút danh Văn Song) đã có 47 năm là cộng tác viên thường xuyên của Báo Hòa Bình. Tham gia viết Chuyện đời thường từ những ngày đầu tiên mở chuyên mục, đến nay, ông vẫn luôn là cây bút chủ lực của chuyên mục này.