Ông Hùng bên những chuồng trại nuôi chồn Nam Mỹ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
(HBĐT) - Sau gần 20 năm làm nghề sản xuất gạch thủ công, ông Phạm Văn Hùng ở khu 1, thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn) chuyển sang làm nghề nông. Năm 2006, xem trên tivi thấy nhiều nơi nuôi ba ba có hiệu quả kinh tế cao, ông quyết định lấy 60 triệu đồng tiền bán gạch đi mua ba ba giống. Ở Kỳ Sơn mua cá, tôm, nguồn thức ăn cho ba ba rất rẻ. Hàng ngày, ông cho ba ba ăn no căng, thức ăn vẫn còn thừa mứa, cá con còn nổi trắng ở ao nuôi. Sau một thời gian ba ba giống bắt đầu chết. Mỗi ngày ba ba chết càng nhiều. Khi tìm hiểu ra mới biết là cho ba ba ăn nhiều quá và thức ăn thừa phân hủy làm ô nhiễm nguồn nước gây bệnh cho ba ba. Tất cả tiền mua giống ba ba mất trắng.
Sau lần đó, tưởng ông sợ nhưng không, ông lên tận Yên Bái mua 100 con giống ba ba gai về nuôi. Theo tìm hiểu của ông, giống ba ba này khỏe và ít bệnh hơn giống ba ba trơn. Lần này, ông thận trọng hơn, ngoài học kinh nghiệm ở Yên Bái, ông còn cất công lên vùng sông Mã (Sơn La) học hỏi về cách nuôi ba ba gai. Với kinh nghiệm từ lần trước và những kiến thức học được từ những cơ sở đang nuôi nên sau thời gian ngắn, số ba ba này đã đẻ lứa đầu. Lứa đầu, ba ba đẻ ra bao nhiêu ông để nuôi cả. Đưa chúng tôi đi xem trang trại ông cho biết: Ba ba gai thương phẩm bán ở đây 1,8 triệu đồng/kg. Nuôi giống này yếu tố có nguồn nước sạch đã thắng đến 50% rồi. Ngoài ra, ở đây có nguồn thức ăn dồi dào và rẻ. Mỗi năm, nuôi ba ba gai cho thu nhập gần tỷ đồng.
Không chỉ nuôi ba ba, năm 2007, ông tiếp tục mua vài đôi nhím sắp đẻ về nuôi. Khi đó mua 15 triệu đồng/đôi nhím giống. Mang nhím về nuôi, vài tháng sau ông đã có thu nhập vì tất cả những đôi nhím mua về đều đẻ. Từ vài đôi ban đầu, ông đã nhân đàn nhím thành mấy chục cặp. Đúng thời kỳ sốt nhím giống, ông kiếm được hàng tỷ đồng. Giờ, giá nhím giảm nên ông chỉ giữ lại mấy đôi.
Một hôm xem trên tivi thấy người ta nói về việc nuôi chồn Nam Mỹ, ông lại quyết tâm mua chồn về nuôi. Lần này, ông cất công về tận Viện Chăn nuôi quốc gia mua chồn giống. Trước khi nuôi, ông có tìm hiểu giống chồn này nuôi dễ, nguồn thức ăn chỉ là rau cỏ như nuôi thỏ, không tốn nhiều tiền. Do tìm hiểu kỹ nên ông nuôi chồn lớn nhanh. Chẳng mấy chốc chúng thi nhau đẻ. Thời gian đầu, ông bán chồn giống, giờ ông đang tính chuyển sang nuôi chồn thương phẩm. ông cho biết: nuôi chồn có nhiều yếu tố thuận lợi hơn hẳn giống nhím và ba ba. Giá thương phẩm cho người tiêu dùng cũng hợp lý. Đối với nuôi ba ba không phải gia đình nào cũng có điều kiện để ăn. Với nhím, do con giống to trung bình mỗi con nhím thương phẩm từ 5-7 kg. Mỗi gia đình có khách chỉ ăn hết 1-2 kg, không thể mua cả con hết tiền triệu được. Còn giống chồn thì khác, con thương phẩm to nhất chỉ trên dưới 2 kg, giá bán 400.000 đồng/kg rất hợp lý với nhiều gia đình. Mặt khác, thịt chồn vốn là giống hoang dã thơm ngon, không có mùi hôi nên nhiều người ăn được. Nuôi chồn trong gia đình có thể tạo được việc làm cho nhiều lứa tuổi tại có thu nhập cao. Riêng việc nuôi chồn thương phẩm của cũng mang lại đôi trăm triệu đồng mỗi năm.
Nhìn trang trại của ông chỉ chừng 2.000 m2 nhưng được ông bố trí xây dựng chuồng trại hợp lý nuôi ba ba, nhím, chồn cho thu nhập mỗi năm trên một tỷ đồng. Những diện tích nhỏ như bờ bể nuôi ba ba ông cũng tận dụng xếp hộp xốp để gieo cây ngô để cho chồn ăn. Khi nói về bí quyết trong chăn nuôi ông tâm sự: diện tích đất rộng hay hẹp không quan trọng mà mình phải bố trí hợp lý, dám nghĩ, dám làm và đưa tiến bộ KH-KT vào chăn nuôi mới hy vọng thành công.
Việt Lâm
(HBĐT) - Không chỉ tự mình vươn lên làm giàu chính đáng, ông Nguyễn Huy Dụ (54 tuổi) ở thôn Quyết Chiến, xã Hào Lý (Đà Bắc) còn tích cực giúp đỡ nhiều người dân ở 2 xã Hào Lý, Tân Minh đổi mới tư duy sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, từng bước thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
(HBĐT) - Khi rời quân ngũ trở về địa phương mặc dù gặp không ít khó khăn, CCB Vũ Thanh Đài ở xóm Hoàng Đồng, xã Khoan Dụ (Lạc Thuỷ) đã không nản chí, vươn lên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia hoạt động vào các phong trào ở địa phương.
(HBĐT) - Có dịp được ngồi trò chuyện và chứng kiến sự tỉ mỉ, khéo léo của người phụ nữ Mường Bi - Bùi Thị Lan Phương ở xóm Định, xã Mãn Đức (Tân Lạc) chế biến men rượu cần, thứ men lá được làm từ “men say” của đại ngàn trộn lẫn với gạo nếp thơm ấy, tôi thầm thán phục và tự hào. Bởi lẽ rượu cần - nét văn hóa độc đáo của người Mường Hòa Bình đã, đang, sẽ mãi giữ được “thương hiệu” và bởi đất Mường vẫn còn những người phụ nữ tâm huyết, vượt qua nhiều khó khăn để giữ truyền thống, giữ nghề làm men lá.
(HBĐT) - Sau 7 năm phục vụ trong quân đội, năm 1979, CCB Nguyễn Văn Tún ở xã Mông Hoá (Kỳ Sơn) xuất ngũ trở về địa phương tiếp tục tham gia vào mặt trận sản xuất trên đồng đất quê hương và tích cực tham gia các hoạt động xã hội như: phó Ban thương binh - xã hội xã Mông Hóa; chi hội trưởng chi hội CCB xóm Dụ 5. ở cương vị nào, ông Tún cũng luôn chịu khó học hỏi, không quản ngại khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
(HBĐT) - Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hùng Tiến (Kim Bôi), người con đất Mường Bùi Văn Hiệp được chứng kiến sự khó khăn, vất vả của bà con trong xã, trong vùng mỗi khi có nông sản đem bán.
(HBĐT) - “ở cấp cơ sở mà Bí thư chi bộ chỉ lãnh đạo về đường lối là không xong mà phải xắn tay vào cùng tổ trưởng dân phố, các đoàn thể cùng làm thì mới ổn” - Đó là đúc kết của bác Nguyễn Thế Miêng (ảnh), Bí thư chi bộ tổ dân phố số 3, phường Đồng Tiến (TPHB).