Cô giáo Bùi Thị Minh, giáo viên chủ nhiệm lớp 1+2, điểm trường Táu Nà luôn tìm tòi phương pháp giảng dạy mới sao cho gần gũi, dễ hiểu với các em học sinh.
(HBĐT) - Nghề giáo viên được ví như “người lái đò” tận tụy. Ở bản Táu Nà, một điểm trường khó khăn nhất của xã Cun Pheo, huyện Mai Châu cũng có những con người như thế, đó là cô giáo Bùi Thị Minh, giáo viên chủ nhiệm lớp 1+2, điểm trường Táu Nà. Cô đã không quản ngại khó khăn, vất vả, vượt rừng, lội suối để đem cái chữ đến với con em đồng bào vùng cao.
Táu Nà cách trung tâm xã Cun Pheo 9 km đường đất nhưng chúng tôi đi ôtô mất gần một tiếng đồng hồ mới lên đến nơi, lòng thầm cảm động với tình cảm của bà con dân bản đã bỏ hẳn một ngày để sửa đường cho xe tới được xóm. Vậy mà đều đặn hàng tuần, cô giáo Bùi Thị Minh, giáo viên chủ nhiệm lớp 1+2, điểm trường Táu Nà vẫn đi xe máy, vượt dốc đến trường. “Ngày nắng đi mất gần tiếng, ngày mưa lâu hơn, có khi gửi xe lại nhà dân đi bộ đến trường” - Cô Minh chia sẻ. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình, năm 1991, cô giáo Bùi Thị Minh trở về Mai Châu nhận công tác. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, ngay những ngày đầu tiên ra trường, cô đã xung phong đến với những địa bàn khó khăn nhất và cô đã gắn bó với trường TH Cun Pheo hơn 20 năm nay. “Ngày đó, Mai Châu cũng như Cun Pheo còn vô vàn khó khăn. Trường là những dãy nhà tranh, tre nứa, đường đi lại không thuận tiện như bây giờ” - cô Minh tâm sự. Không nản lòng, cô Minh luôn hăng say, nhiệt tình công tác, nhiều năm liền cô là giáo viên dạy giỏi. Không những vậy, cô luôn phấn đấu tự học, tự rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực tham gia các phong trào, các hội thi do ngành tổ chức. Nhớ về những năm tháng gắn bó với giáo dục vùng cao, cô Minh chia sẻ: “Cun Pheo là xã chủ yếu là đồng bào Mường, Thái, Mông, sinh sống chủ yếu sống bằng nông nghiệp, do đó ăn còn chưa đủ no nên chuyện vận động cha mẹ cho con em đến trường là một điều hết sức khó khăn đối với các thầy, cô giáo nơi đây. Những năm trước đây, vì hoàn cảnh khó khăn nhiều em không biết hết mặt chữ đã phải nghỉ học. Việc vận động học sinh đến trường thật sự khó khăn, nhất là sau dịp nghỉ hè hay vào những ngày mùa”. Nhưng với lòng yêu nghề và tận tâm với công việc, mỗi khi có học sinh nghỉ học là cô Minh lại đến tận nhà tìm hiểu nguyên nhân, nhẹ nhàng khuyên bảo gia đình cho các em đến trường.
Có lẽ chính bởi lòng tận tâm với công việc, năm 2001, cô Minh được ngành giáo dục huyện lựa chọn tăng cường cho trường TH Hang Kia, xã Hang Kia. Ở môi trường làm việc mới, bộn bề với những khó khăn, ngoài bám sát chương trình học của ngành, cô đã chủ động tìm tòi, nghiên cứu cách truyền giảng sao cho phù hợp và dễ hiểu nhất với các em học sinh vùng cao. Đặc biệt, do học sinh chủ yếu là đồng bào Mông, tiếng phổ thông chưa sõi, việc tiếp thu kiến thức hạn chế, cô đã chủ động học tiếng dân tộc Mông để có thể giảng giải cho các em dễ hiểu hơn.
Giờ đây, dù đã bước qua tuổi 40, con lớn đi học xa nhà, con nhỏ mới đang học THCS nhưng cô Minh vẫn tiếp tục xa nhà, thầm lặng với công việc của mình ở bản vùng cao khó khăn này. Một tuần mới về nhà một lần và mỗi lần về nhà là một “cuộc chiến” với đường đất, đá hộc nhưng mỗi ngày lên lớp, nhìn thấy đủ 5 em học sinh của lớp ghép đặc biệt này là cô phấn khởi nếu không cô lại tìm đến tận nhà, tìm hiểu nguyên do và vận động các em đến trường. Một mình một phòng nơi điểm trường heo hút, tối soạn giáo án bằng những cục pin nạp nhưng trò chuyện với cô lúc nào cũng thấy một niềm tin đặc biệt. Cô tin, rồi đây với việc thành lập Đồn công an Táu Nà, tuyến đường đất từ thôn xuống trung tâm xã sẽ được khởi công và những em nhỏ sẽ được học tập tại ngôi trường khang trang hơn, đông đúc hơn, điện lưới cũng sẽ được kéo về bản để thắp sáng những ước mơ con chữ nơi vùng cao này. Với những nỗ lực vượt khó, cô Minh đã nhận được nhiều giấy khen, phần thưởng của ngành giáo dục và Công đoàn ngành tặng thưởng.
Phuơng Linh
(HBĐT) - Sinh và lớn lên ở xóm Nhạp, xã Đồng Chum (Đà Bắc). Năm 1948, vừa tròn 16 tuổi, chàng trai Xa Văn Thế đã giác ngộ cách mạng và một lòng theo Đảng, Bác Hồ. Là người Tày đầu tiên của huyện Đà Bắc xung phong tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử thắng lợi, ông Xa Văn Thế trở về cùng nhân dân bản, làng xây dựng quê hương.
(HBĐT) - Chưa tốt nghiệp THPT, chưa từng học sư phạm nhưng anh Bùi Văn Bình, thôn Yên, Kim Truy (Kim Bôi) vẫn được những người dân trong thôn yêu mến gọi hai tiếng “thầy Bình”. Liệt hai chân, bàn tay run rẩy không thể tự làm được những việc giản đơn nhất nhưng đã gần chục năm nay, ngôi nhà nhỏ của anh Bình không khi nào vắng tiếng đọc bài, tiếng nô đùa của các em nhỏ trong thôn. Đó là lớp học thêm do anh Bình duy trì để giúp các em nhỏ ôn luyện bài tập sau những giờ lên lớp.
(HBĐT) - Đến xã Lạc Lương (Yên Thủy) chúng tôi được giới thiệu tới thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Bùi Thanh Chìn ở xóm Yên Tân. ở đây, bà con không chỉ biết đến ông Chìn là người đảng viên năng động, nhiệt tình trong công việc mà còn là CCB tiên phong, gương mẫu trong phát triển kinh tế, mạnh dạn áp dụng mô hình canh tác mới vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
(HBĐT) - Đến xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc hỏi thăm về những người trồng bưởi giỏi thì nhiều người chỉ đến nhà ông Dương Tất Tính, chi hội trưởng chi hội CCB, chi hội trưởng chi hội nông dân xóm Tân Hương. Không chỉ làm kinh tế, ông còn thường xuyên giúp đỡ hội viên, những người ham làm vườn của nhiều nơi đến thăm quan học tập kinh nghiệm.
(HBĐT) - Mỗi lần có dịp về xóm Ải, xã Phong Phú - làng Mường cổ nổi tiếng ở xứ Mường Bi (Tân Lạc), chúng tôi lại được gặp ông - người trưởng thôn gương mẫu, tận tụy, trách nhiệm với công việc. Ông là Bùi Văn Dựng, năm nay 59 tuổi đã gần 20 năm làm trưởng thôn. Ông tâm sự: Sinh ra và lớn lên tại làng Mường cổ này, từ nhỏ, tôi đã được nuôi dưỡng trong một môi trường ấm áp tình làng, nghĩa xóm, tình người ôn hòa, nhân hậu. Quê hương thanh bình với những giá trị truyền thống được lưu giữ là niềm tự hào của tôi và những người dân trong Mường. Vì vậy, tôi luôn mong muốn làm được gì đó để đóng góp cho quê hương mình.
(HBĐT) - Nhắc đến chị Bành Thị Lệ Thủy, nhiều người ở Công ty CP Môi trường Hòa Bình thán phục bởi chị không chỉ là nữ công nhân gương mẫu, tận tụy với công việc mà còn là người phụ nữ giàu nghị lực, luôn vượt qua khó khăn, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.