Thầy giáo Lường Đức Chôm miệt mài giảng dạy chữ Tày trong chính ngôi nhà sàn nhỏ của mình.

Thầy giáo Lường Đức Chôm miệt mài giảng dạy chữ Tày trong chính ngôi nhà sàn nhỏ của mình.

(HBĐT) - Ban đầu, chỉ với một chút ít vốn kiến thức về tiếng nói, chữ viết, văn hóa Tày, ông đã ấp ủ ước mơ đem phổ cập cho toàn cộng đồng. Để biến “ước mơ gàn” đó - như ông nói - thành hiện thực, ông giáo làng Lường Đức Chôm (xã Trung Thành, huyện Đà Bắc) đã không quản ngại khó khăn, dành trọn tâm huyết suốt 20 năm cho tìm hiểu, truyền dạy ngôn ngữ - văn hóa dân tộc Tày. Cần mẫn và chuyên tâm đi "gieo" từng hạt mầm trên đá sỏi, những gì ông làm đã có sức lan tỏa diệu kỳ, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị cao quý của văn hóa dân tộc.

     

Từ hành trình khôi phục chữ Tày cổ...

 

Đã nhiều lần tiếp xúc và trò chuyện, ấn tượng về ông luôn đọng lại trong tôi vô cùng tốt đẹp. Tôi nhận thấy tận sâu bên trong con người dễ mến, hồn hậu và hoạt bát kia luôn có một bầu nhiệt huyết tràn đầy, sục sôi bởi một trái tim "có lửa". Tôi càng cảm mến và khâm phục ông hơn khi biết ông đã dành trọn tâm huyết của mình để thực hiện thành công một hành trình tưởng như không thể: Khôi phục chữ Tày cổ vùng Đà Bắc nhằm mục đích truyền dạy cho toàn cộng đồng, từ đó phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một, quên lãng.

 

Hành trình khôi phục chữ Tày cổ, theo trí nhớ của ông giáo làng Lường Đức Chôm được bắt đầu cách đây đúng vừa tròn 20 năm. Vào năm 1994, khi ấy Lường Đức Chôm đang theo học lớp nghiệp vụ nâng cao tại trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình. Với chút kiến thức về tiếng nói, chữ viết và văn hóa Tày được tích lũy từ khi còn là một cậu học sinh THPT, anh giáo Chôm đã chủ động tìm gặp các thầy, cô giáo là người Tày trong trường để học hỏi thêm về cách ghép âm, ghép vần, cách đọc chữ Tày cổ, mong muốn được chỉ dạy những thứ còn thiếu, còn yếu và đặc biệt là muốn tìm hiểu sâu hơn về những giá trị đặc sắc của ngôn ngữ, văn hóa dân tộc Tày. Song, ý định đó đã không thành hiện thực bởi các thầy, cô quá bận về chuyên môn và cũng không có ai thực sự am tường để truyền dạy.

 

“Không tìm được người, ban đầu cũng chán nản và có ý định bỏ cuộc. Nhưng chính suy nghĩ người Tày phải biết tiếng Tày, phải biết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà cha ông để lại đã giúp mình đứng lên, vực lại tinh thần, quyết tâm làm bằng được” - Thầy giáo Lường Đức Chôm chia sẻ.

 

Nung nấu quyết tâm khôi phục chữ Tày cổ để truyền dạy cho cộng đồng, thầy Chôm bắt đầu cuộc hành trình gian khó của mình từ chính ngôi nhà sàn nhỏ, học hỏi từ chính những người thân trong gia đình, họ hàng. “Có một thuận lợi là dù trước đây đời sống khó khăn, điều kiện học tập không được đầy đủ nhưng những bậc cha chú trong nhà ít nhiều cũng biết về chữ Tày cổ. Đó chính là nền tảng để mình nghiên cứu, xây dựng nên những bộ sách dùng để giảng dạy chữ Tày cổ trong cộng đồng sau này” - Thầy Chôm cho biết.

 

Cùng với việc học hỏi từ những người thân trong gia đình, thầy giáo Lường Đức Chôm còn đi khắp vùng Mường Diềm (Đà Bắc), tìm đến những người am hiểu ngôn ngữ Tày cổ ở những vùng khác để học hỏi thêm. Trên hành trình khôi phục chữ Tày cổ, thầy giáo Chôm không nhớ nổi đôi chân mình đã đi qua bao nhiêu con đường và bản làng để tìm “thầy” học chữ, nung nấu tâm nguyện mang con chữ Tày về dạy cho đồng bào dân tộc Tày quê ông.

 

Trong suốt 20 năm đi tìm và khôi phục chữ Tày cổ, thầy giáo Lường Đức Chôm đã miệt mài sưu tầm, biên dịch, phiên âm được gần 300 cuốn sách cổ; khoảng 1.500 câu tục ngữ, thành ngữ, quán ngữ, ca dao, dân ca; hàng chục làn điệu hát dân ca, nhạc cụ truyền thống do các nghệ nhân biểu diễn. Các tác phẩm đều đã được phiên âm, lưu trữ. Qua đó, đã góp phần làm sống lại một số nhạc cụ truyền thống như khèn bè, đàn môi, các loại sáo và một số nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Đồng thời, thầy Chôm đã vận động người dân gìn giữ những phong tục tập quán tốt đẹp và bồi đắp thêm những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Tày.

      

Với những đóng góp đầy ý nghĩa, thầy giáo Lường Đức Chôm (thứ ba từ trái sang) được vinh danh là đại biểu người DTTS tiêu biểu của tỉnh năm 2014

 

... đến những lớp học “đặc biệt”

 

Không chỉ thành công trong biên dịch, phiên âm nhiều cuốn sách cổ sang ngôn ngữ chữ Tày, trong nhiều năm qua, ông giáo làng Lường Đức Chôm còn được biết đến là một người có tâm huyết với việc truyền dạy chữ Tày cổ trong cộng đồng. Nỗ lực “gieo” chữ của ông bắt đầu từ những năm 1990 và kéo dài bền bỉ đến tận bây giờ.

 

Trung Thành quê ông có đến hơn 80% người dân tộc Tày sinh sống. Mặc dù có những đổi thay đáng kể nhưng đời sống người dân về cơ bản vẫn còn nghèo khó. Việc kiếm cái ăn vốn đã khó thì việc vận động người ta đi học lại càng khó hơn. Vậy nên giai đoạn đầu mở lớp, thầy giáo Chôm đã phải đến từng nhà, vận động từng người trong xóm đến lớp. Dần dần, ngôi nhà sàn của gia đình ông đã trở thành một lớp học đông đúc, có khi lên đến năm, bảy chục người, đêm nào cũng chong đèn ê a tiếng học chữ của cả người già, người trẻ. Thế nhưng, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều người dù thích học cũng đành bỏ dở. Từ những lớp học sôi động ban đầu, sau đó chỉ lác đác vài người vì nể thầy còn đến theo học. Có những lúc tưởng chừng như sẽ buông xuôi... Nhưng rồi trăn trở “người Tày phải biết chữ Tày, học chữ là học làm người” đã thôi thúc ông giáo làng quyết tâm thực hiện bằng được ước nguyện. Hàng ngày và ở bất cứ đâu, gặp bất cứ ai, ông giáo Chôm cũng vận động người dân đến lớp, quay trở lại việc học chữ Tày. Hiểu được tâm, trí của ông giáo, nhiều người đã quay trở lại lớp học. Ngôi nhà sàn của ông giáo Chôm hàng đêm lại tiếp tục đỏ đèn với tiếng học bài đều đều vang lên.

 

Không dừng lại ở đó, năm 2008 khi có Quyết định 3069/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc cho phép dạy và học chữ Mông và chữ Thái trên địa bàn tỉnh, ông giáo Chôm đã tham mưu với ngành GD&ĐT mở lớp đào tạo cộng tác viên dạy chữ Tày cho 9/10 xã có đông người Tày sinh sống tại Trung tâm học tập Cộng đồng xã Trung Thành. Thời gian này, bản thân ông cũng trực tiếp tham gia giảng dạy 4 khóa với gần 200 học viên là cán bộ, công chức, bộ đội, công an... do Sở Nội vụ mở tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Qua gần 6 năm triển khai việc dạy và học chữ Tày trên địa bàn huyện Đà Bắc, ông giáo Chôm cùng các cộng sự đã mở được 9 lớp với 291 học viên biết đọc biết viết chữ Tày. Ngoài ra, trong quá trình dạy và học ở các bậc học trong huyện, các nhà trường đã lồng ghép văn hóa Tày vào trong các bài giảng, đưa các trò chơi dân gian, điệu múa của dân tộc vào dạy cho học sinh. Có điều đặc biệt là ngoài người dân tộc Tày còn có con em các dân tộc khác như Mường, Dao, Kinh cũng tham gia lớp học chữ Tày. Qua đó góp phần thắt chặt tình đoàn kết và giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong huyện. Không dừng lại ở đó, năm 2013, thầy Lường Đức Chôm còn tham gia dự án biên soạn bộ tài liệu dạy tiếng Tày do Sở Nội vụ làm chủ dự án và Trường Chính trị tỉnh làm chủ nhiệm đề tài. Đến nay, bộ tài liệu này đã được Chủ tịch UBND tỉnh ký duyệt cho phép giảng dạy từ đầu năm 2014.

 

Trước những kết quả trên, ông không giấu niềm vui: Vậy là cũng đã thỏa nguyện. Mình dạy con em mình và người dân trong xóm, bản biết đọc, biết viết chữ Tày để từ đó mọi người hiểu và trân trọng các di sản văn hóa của dân tộc mình, biết hát điệu hát Tày, biết múa điệu múa Tày, biết vận dụng luật tục, tập tục vào giáo dục con cháu trong gia đình, dòng tộc, biết duy trì những tập quán truyền thống tốt đẹp trong việc cưới, việc tang và các lễ nghi tâm linh khác... Như vậy là đã góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc Tày.

 

Đó chính là giá trị nhân văn cốt lõi mà suốt 20 năm qua ông giáo làng Lường Đức Chôm luôn khắc khoải đi tìm khi kiên tâm thực hiện hành trình "gieo" mầm chữ trên đá. Những mầm chữ ông gieo năm nào đến giờ đã nở hoa.

 

 

 

 

                                                                        Thu Trang

 

 

 

Các tin khác

Anh Vì Văn Việt chăm sóc vườn chuối tiêu hồng.
Nhằm đảm bảo ANTT trên địa bàn, ông Dương Toàn Thắng đã triển khai mô hình 3 quản, 3 giữ, thành lập các đội trật tự để tuần tra, canh gác thường xuyên.
Cô giáo Quản Mai Thanh (ngoài cùng bên trái) lắng nghe ý kiến, đóng góp của cán bộ, giáo viên nhà trường trong chăm sóc giáo dục trẻ.
Chị Hà Thị Hậu, một điển hình về gương phụ nữ dám nghĩ, dám làm ở xã Tân Sơn (Mai Châu).

Người công nhân không ngừng sáng tạo và cống hiến

(HBĐT) - Gặp anh Trương Xuân Mạnh, xưởng nguyên liệu lò nung tại Đại hội Công đoàn Công ty TNHH xi măng Vĩnh Sơn (KCN Lương Sơn). Ấn tượng về anh - một công nhân cao lớn, gương mặt tươi tắn, ít nói. Anh là công nhân tiêu biểu đại diện cho phân xưởng đi dự Đại hội đại biểu Công đoàn Công ty.

Nghị lực của cô học trò mồ côi

(HBĐT) - Hà Thị Huyền (ảnh), lớp 6A, trường THCS thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) trông chững chạc hơn các bạn cùng trang lứa. Ẩn trong đôi mắt đượm buồn và dáng hình gầy gò của em toát lên nghị lực vượt khó mạnh mẽ.

Gia đình quân nhân làm theo lời Bác

(HBĐT) - Thiếu tướng Đinh Xuân Ứng là một người con của dân tộc Mường, sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở xóm Doi, xã Hiền Lương (Đà Bắc) và được trưởng thành từ quân đội, qua đó, quân nhân Đinh Xuân Ứng đã thấm nhuần tư tưởng cách mạng, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

Nữ tỷ phú vùng cam

(HBĐT) - Từ quyết tâm thoát nghèo, bằng ý chí và nghị lực kiên cường, chị Lâm Thị Nụ, tiểu khu 2, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) đã mạnh dạn đầu tư vào cây cam. Vượt qua những khó khăn và thất bại, sau 10 năm gắn bó, cây không phụ lòng người, giúp gia đình chị thoát nghèo và trở thành tỷ phú.

Thể lệ cuộc thi

Viết về “Gương người tốt- việc tốt” tỉnh Hoà Bình năm 2015

Cô giáo trẻ vùng cao Ngổ Luông “yêu nghề, mến trẻ”

(HBĐT) - Công tác ở xã vùng cao Ngổ Luông, xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Lạc nên khi bước nghề dạy học MN, cô Bùi Thị Khuê (ảnh) đã lường được những thử thách để vượt qua. Cô đã trang bị cho mình một nền tảng vững chắc, đó là trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, sự am hiểu cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây, bên cạnh đó là tấm lòng tâm huyết với trường, với lớp và các cháu đang ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục